Hội nhà văn Hữu Thỉnh với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc

1

Tôi thường không quan tâm đến những hoạt động của Hội nhà văn Hữu Thỉnh. Nhưng hôm rồi, trên FB của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có nối một bài báo từ trang vanvn.net. Nội dung với những mỹ từ: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Chi tiết này, làm tôi tò mò đọc và tìm hiểu. Theo nội dung cũng như cái khẩu hiệu, cuộc gặp mặt này, qui tụ những nhà văn ở trong và ngoài nước. Điều tất nhiên, quan trọng nhất phải là những nhà văn bất đồng chính kiến (hoặc nói theo giới chè chén vỉa hè, có những mối thâm thù) tìm ra giải pháp đồng thuận, đoàn kết cùng phát triển.  

Tuy nhiên, đọc qua, ta có thể thấy Hội nhà văn của bác Thỉnh mời về những người hoàn toàn đội lốt nhà văn, đỏ vàng rực từ Đức như: Trương Anh Tú, chạy sang Mỹ, như: Nguyễn Bá Chung, rồi đến Canada như: Võ Công Liêm…

Theo một nhà thơ có tên tuổi ở Nga thì, những người này cần chó gì phải hòa giải với hòa hợp. Bởi, tiếng nói của Võ Văn Thưởng, và Hữu Thỉnh là tư tưởng của họ rồi. Nếu không quần tụ được những nhà văn, nhà thơ như Phan Nhật Nam, Tô Thùy Yên, Trần Hoài Thư…thì Hội nhà văn Hữu Thỉnh nên dẹp bỏ cái đại hội, đại heo này đi. Chứ dùng đồng tiền, bát gạo của người dân khốn khổ, để đưa những ông bà từ nước ngoài về trang điểm, rồi đọc những cái được gọi là tham luận nhạt nhẽo, rỗng tếch, quả thực tàn nhẫn và vô bổ, vô sỉ.

Sống là làm việc trên ba mươi năm ở Đức, tôi cũng thường đọc, tìm hiểu, biết khá nhiều các nhà văn người Việt ở Đức. Tuy nhiên, khi vanvn.net đưa tin nhà văn Trương Anh Tú được mời về tham dự cuộc gặp mặt: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Tôi hơi bị giật mình, bởi không biết Trương Anh Tú là ai. Hỏi thăm mãi, có một bác nhà thơ cộng đồng, gửi cho tôi một số tài liệu về thi, ca của nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ Trương Anh Tú này. Gớm! Ông này, không biết có phải là em ông Hữu Ước ở Việt Nam hay không, mà sao lót đầu, độn đít lắm “nhà“ đến thế.

Ngắc ngứ mãi, rồi tôi đã đọc hết những bài thơ của Trương Anh Tú. Và có thể nói, Thơ Viết Bên Những Lá Cờ Ở Liên Hợp Quốc, một bài thơ được cho là khả dĩ nhất của Trương Anh Tú. Tuy vậy, tác giả vẫn chưa thoát ra khỏi cái thùng rỗng, với những câu thơ lên gân, hô khẩu hiệu:       

“Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa
Không có bầu trời trái đất về đâu !   
 
Những lá cờ hãy đứng bên nhau
Hãy hát cho tình yêu 
Hát cho tình đồng loại
 
Hát cho tự do
Hát cho lòng nhân ái
Hát như lòng mẹ bao dung ôm những đứa con mình !
 
Hãy hát lên
Như tình yêu khởi thủy
Con người sinh ra đã biết yêu nhau !…“

Những bài ngắn, được gọi là thơ tứ tuyệt, dường như Trương Anh Tú muốn đến với những triết lý của cuộc sống, nhưng thực sự vẫn chưa tới, chưa chín. Tứ Tuyệt Ở Biển, hay một số bài thơ khác của tác giả, câu từ nhạt nhẽo, sên sến, cũ mèm cho ta cảm giác đã đọc nhiều lần ở đâu đó rồi: 
Biển xanh thì rất trẻ
Núi tư lự rất già

Để bao đời vẫn thế
Sóng là lời chia xa!“

“Anh muốn làm mây trắng
Đến bên em một lần
Bên vai em thầm lặng
Quên đời là hư không!”…

Trương Anh Tú mang đến cuộc gặp mặt với bài: “Hãy đến với nhau bằng đối thoại, bằng thiện chí, bằng tấm lòng“.  Đọc nó, cho tôi liên tưởng đến bài chính trị, xã luận Báo Nhân Dân nhàm nhạt, vô thưởng vô phạt.

Không rõ, xuất thân của nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ Trương Anh Tú, nhưng với tôi tài năng, nghệ thuật thơ phú của ông kém rất xa, so với những nhà thơ xuất thân từ dân hợp tác lao động như: Phúc Nguyễn, Kiều Thị An Giang… Nghe bài hát về Sông Hồng Hà Nội của Trương Anh Tú, tuy không phải bỏ nửa chừng, nhưng làm cho tôi chợt nhớ đến mấy bác nhạc sĩ (máy tính), mù nhạc người Việt ở Đức. Nhạc nhiếc gì của các bác gắt như mắm tôm vậy.

Những năm gần đây, thấy báo chí trong nước nhắc nhiều đến nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả Nguyễn Bá Chung. Được biết, ông là cựu du học sinh (từ năm 1971) ở Hoa Kỳ. Nếu không có cuộc gặp: Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc, thì tôi chưa có cơ hội đọc và tìm hiểu thơ ông. Công tâm mà nói, thơ Nguyễn Bá Chung chỉ làng nhàng, như các câu lạc bộ thơ ở quận, huyện mà thôi. Ông được cơ quan tuyên truyền trong nước quan tâm, có lẽ không phải bởi tài thơ, mà do các mối quan hệ. Có thể nói, Nguyễn Bá Chung không có trí tưởng tượng, cũng như tài năng sử dụng từ ngữ. Một số người đánh giá, Quê Hương là một trong những bài thơ điển hình của Nguyễn Bá Chung. Nhưng đọc nó, ta có thể thấy, đó chỉ là những khẩu ngữ, câu nói kể lể dông dài. Dẫn đến, có những câu, từ rất tối nghĩa. Cho nên, tôi hoàn toàn đồng ý với một nhà thơ, nhà phê bình khi ông cho rằng: Không thể tìm ra một câu thơ nào trong bài Quê Hương của Nguyễn Bá Chung:

Ba mươi năm xa cách quê hương
Bảy lần về thôi cũng là tạm đủ
Nhớ lần đầu – tóc tang trời ủ rủ
Đến bây giờ ánh sáng đã bừng lên

Có cái gì là lạ không thể quên
Như nỗi nhớ không biết tên mà gọi
Như nỗi đau không thể làm dịu vợi
Như ngôi nhà vẫn mãi mãi đi tìm

Như bầu trời nửa xám nửa không quen
Mảnh đất vỡ bồi máu xương ta đó
Đỉnh Yên Tử hoa đại còn vết đỏ
Những người xưa vì nước xả thân mình

Con đường quê vẫn mãi mãi gập ghềnh
Bao năm tháng những người làng chịu đói
Năm Ất Dậu tất cả làng tụ lại
Ăn cháo hoa suốt cả mấy tháng trời

Bát cháo hoa mà ngọt cả một đời
Quý hơn cả bao ngọc vàng cộng lại
Xa ngàn dặm để mà còn nhớ mãi
Vết thương đau chưa chôn đủ tháng ngày

Để về đây nhận lại mặt người
Để mình biết mình vẫn là mình cũ
Bao đổi thay thăng trầm bong lớp vỏ
Nhìn quê hương để lại nhận ra mình“

Không chỉ có bài Quê Hương, mà Nguyễn Bá Chung còn nhiều bài dông dài khác như, Bước Qua Năm Tháng, hay Lục Tỉnh Ngu Ngơ với những câu thơ lẩn thẩn, thiếu tư tưởng: “Sẽ đọc lại một lần bài thơ Nguyễn Trãi/ Để mơ màng với lục tỉnh ngu ngơ/ Để thương yêu như chưa biết bao giờ/ Ngọn cỏ dại, dấu chân người giá lạnh“. Hoặc trong Di Tản, một bài thơ mà nhà phê bình Nguyễn Mạnh Trinh cho là đầy ác ý. Nhưng tôi không nghĩ, đó là thơ. Nó chỉ là những câu thì, là, mà cóp nhặt từ những câu vè: “ Tiền là tiên là Phật/ Là sức bật của lòa so/ Là thước đo của lòng người/ Là tiếng cười của tuổi trẻ/ Là sức khỏe của tuổi già…“ Ta đọc lại đoạn trích liên chi hồ điệp với từ là, trong bài Di Tản của Nguyễn Bá Chung:

là mảnh vụn của sỏi đá

là giọt nước của ao tù

là tia nắng cuối cùng mong manh

là viên đạn lép

cuối lòng súng rỉ

là ngôn ngữ bất lực

của những ngày tháng bất lực

là vết bầm cuối cùng….”

Có hai bác Võ Công Liêm và Trần Vạn Giã xuất thân từ Huế và Khánh Hòa, đều là những cây viết trước 1975. Văn thơ của hai bác này cũng đi qua nhiều thế hệ người đọc. Nhà văn Võ Công Liêm hiện định cư tại Canada. Tuy viết đa dạng, nhiều thể loại, nhưng văn ông vẫn mờ mờ, nhạt nhạt vậy thôi. Bởi, ông không dám đi đến tận cùng. Tôi đã đọc một số bài viết có tính triết học, tản văn, phê bình và truyện ngắn của Võ Công Liêm. Cái dở trong văn của ông là câu cú, và từ ngữ đôi khi tối thui ngữ nghĩa: “Lịch nghe giọng nữ sờ mó vào vết thương đầu.” hay “Lịch muốn hỏi tự sự” …trong truyện Người Thương Binh Tẩm Quất:

“Cứ nằm thế mấy ngày qua, bữa nay Lịch nghe giọng nữ sờ mó vào vết thương đầu. Nói khẽ bên tai như che giấu điều gì; Lịch muốn hỏi tự sự, nhưng nghĩ không tiện, bởi nàng im lặng để cân bằng cuộc sống rối ren giữa một xã hội đổi thay bất ngờ. Nữ y tá trong y phục trắng với phù hiệu trên vai, trên ngực áo bị xé bỏ, không còn là màu trắng trinh nguyên của ’y sĩ là hiền mẫu’. Gương mặt phụ nữ của buổi đó trông đau khổ và tuyệt vọng, họ là những đào thương của phim câm, đen trắng thời ’Sạt-lô’ được diễn lại trên mảnh đất vừa tắt ngọn lửa…Lịch nghi ngờ ngay cả chính mình; hơn nữa Lịch đâu có thấy ất giáp gì mà định nghĩa trắng đen, xấu đẹp, ma hay Phật, Lịch có cảm giác như chết chưa chôn chờ quyết định. Nghe tiếng sột soạt trên người làm cho Lịch khớp, không kịp trấn an tinh thần, ngay cả tiếng động nhẹ cũng làm Lịch mất hồn..”

Còn nhà thơ lục bát Trần Vạn Giã sau khi rút ruột, trải lòng, rất tự hào, hãnh diện được về tham gia cuộc gặp mặt, thì hùng hồn trên diễn đàn:

“Trước khi đi định cư, tôi là người làm thơ và sống trong chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam. Tôi đã làm nhiều công việc tại vùng kinh tế mới trong đó có làm thơ. Khi ra đi, nhiều người hỏi tôi có được tự do sáng tác không. Tôi trả lời bằng 11 tập thơ được xuất bản trong đó có một tập về tôn giáo. Thơ tôi sáng tác không hủy hoại cái đẹp của tình người, của cảnh đẹp quê hương đất nước với nhận thức văn học là nhu cầu cấp thiết nóng bỏng trong đời sống xã hội và con người. Tôi thấy nhiều tác phẩm thơ có sức công phá dữ dội và văn học có sức đại đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Điều này được chứng mình trong thời đại Hồ Chí Minh…” 

Chưa nói đến những cái lớn lao cho đất nước và con người, mà ngay từ cái nhỏ nhất: Trong lúc các bác thao thao bất tuyệt trên diễn đàn, thì đồng nghiệp đang bị trục xuất ra khỏi sân bay, cửa khẩu, không biết có gợi lên cho các bác một chút áy náy? Hay thần kinh mắc cỡ, xấu hổ của các bác bị đứt từ bao giờ rồi.

Nhìn lại lịch sử, ta có thể thấy, kể từ ngày lập quốc, không có một chế độ xã hội nào, cứ có tí chức có quyền là ngồi nghĩ ra cách vặt tiền, đốt tiền của dân một cách trắng trợn, và bỉ ổi như hiện nay. Vấn nạn ấy, tưởng chừng chỉ có ở những kẻ có quyền lực, nhưng qua cái gọi: “Cuộc gặp mặt Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc“ do Hội nhà văn Hữu Thỉnh tổ chức, thì vấn nạn ấy được nhân lên gấp bội. Dường như, cái chất kẻ sĩ của giới cầm bút đã bị lưu manh hóa đến tận cùng.

Tôi chỉ là kẻ làm nghề úp mặt vào chảo và cũng không quen biết, ân oán giang hồ gì với mấy bác được gọi là nhà văn này. Thấy các bác hùng hồn trên diễn đàn, dưới nhịp, phách của Hữu Thỉnh, nên tôi đọc và viết thôi. Chứ để âm ỉ trong người nhiều khi chướng khí, sinh bệnh ra không chừng. Và đây là những phân tích, đánh giá chủ quan của cá nhân tôi. Đúng, sai thuộc về nhân sinh quan, cũng như thẩm định văn, thơ của mỗi một con người.

Leipzig ngày 25-11- 2017

Đỗ Trường

1 BÌNH LUẬN

  1. Hữu Thỉnh và cái mớ nhà văn tạp nhạp của hắn so ra không khác mấy với con ếch trong thơ ngụ ngôn “Con ếch và con bò” của La Fontaine.
    Mấy con ếch này cứ tự trương, tự phình sao cho to, rồi cũng có ngày chúng sẽ tự lăn ra chết, như con ếch trong bài thơ của La Fontaine thôi! Chúng khua môi múa mỏ cho lắm cũng chà ai thèm để ý biết chúng là ai. Có ồn ào lắm, bất quá chỉ bằng cái đánh rắm của các nhà văn tên tuổi miền Nam như Mai Thảo, Duyên Anh, Bình Nguyên Lôc, Hoàng Hải Thủy, Lê Xuyên, Nhã Ca, Túy Hồng …
    Chúng đành mặc áo thụng vái nhau và xúi phường ngu si về hùa tâng bốc chúng cho… có chút tiếng tăm với đời vậy!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên