Tại sao kinh tế Trung Quốc không bị khủng hoảng?

8

 

Liên tục trong suốt 30 năm có rất nhiều dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ sụp, gần đây nhất vào năm 2015-16 khi Hoa Lục ồ ạt chảy máu ngoại tệ trong khi tổng số nợ quốc gia tăng nhanh chóng mặt.

Nhưng đến 2017 mức tăng trưởng trở lại 6.7% cho dù độ đáng tin của thống kê rất kém. Nhiều người cho rằng Tập Cận Bình tạm ổn định thị trường cho đến hết kỳ Đại hội Đảng rồi sau đó… tính sổ. Núi nợ vẫn là nguy cơ tiềm ẩn lâu dài nhưng nền kinh tế Hoa Lục đã không hạ cánh cứng (hard landing) theo tiên liệu. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều chuyên gia Tây Phương đã liên tục đánh giá sai lầm về kinh tế Trung Quốc?

Dĩ nhiên nếu bói theo kiểu “ông sẽ chết” lúc nào cũng đúng vì nền kinh tế nào cũng vận hành theo những quy luật nhất định như lên rồi phải xuống (what goes up must come down) hay có vay có trả. Nhưng trái với các định đề trong vật lý, kinh tế là bộ môn khoa học xã hội nên không chính xác và bị tác động bởi chính sách nhà nước (policy) và tâm lý con người (behavioural economics). Sai lầm của những chuyên viên nơi áp dụng cách nhìn chủ quan theo mô hình kinh tế tự do Tây Phương vào nền kinh tế chỉ huy của Hoa Lục.

Âu-Mỹ bị khủng hoảng khi mắt xít yếu nhất (the weakest link) bị đứt, trái lại Trung Quốc chỉ lâm nguy vào lúc mắt xít cứng nhất (the strongest link) lung lay – tức là Đảng Cộng sản mất khả năng kiểm soát. Thí dụ Hoa Kỳ năm 2008 rơi vào Đại suy trầm sau khi Ngân hàng Lehman Brothers yếu nhất trong Top 10 bị phá sản tạo ảnh hưởng dây chuyền đến Citigroup, Merryl Lynch… Khu vực đồng Euro năm 2010 bắt đầu suy sụp do nợ xấu tại nước nhỏ Hy Lạp bị phanh phui rồi từ đó lây lan đến Tây Ban Nha, Ý… Trái lại ở Trung Quốc khi một ngân hàng yếu kém bị lâm nguy thì Đảng Cộng sản hạ lệnh sát nhập vào ngân hàng mạnh, tâm lý hốt hoảng không xảy ra ngày nào thị trường còn tin rằng nhà cầm quyền có đủ khả năng như nhà cái còn bảo đảm được cho nhà con.

Nói cho công bằng không riêng gì tại Trung Quốc mà ngay các chính quyền Tây Phương đều can thiệp ồ ạt để cứu vãn nền kinh tế khi khẩn cấp. Năm 2008 Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ(1) mua nợ địa ốc nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng tư nhân(2) dàn xếp cho ngân hàng mạnh mua lại Lehman Brothers (nhưng không thành)(3) liên tục tung ra nhiều gói kích cầu khổng lồ. Tại Âu Châu IMF đã nhiều lần làm trung gian cho các chủ nợ kéo dài thời hạn trả nợ của các nước Nam Âu, trong khi Ngân hàng Trung ương Âu cắt giảm lãi xuất đến mức âm để thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ. Nhưng mục tiêu của các chính quyền phương Tây để ổn định thị trường trong khi tại Trung Quốc nhằm bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nói cách khác, kinh tế Âu-Mỹ suy sụp dẫn đến xáo trộn chính trị khiến nhiều đảng cầm quyền bị thay đổi, nhưng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò lãnh đạo bị lung lay là việc không thể chấp nhận được.

Chuyện đời có vay có trả nên ngay cả Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không thể thoái nợ mãi mãi được. Dù vậy, nói theo kiểu bình dân nợ kiếp này không trả hết xin để lại kiếp sau nên khả năng của nhà cầm quyền có thể kéo dài tiến trình này rất lâu như Liên bang Xô Viết mãi đến 70 năm mới sụp. Nền kinh tế Trung Quốc lại rất năng động chớ không trì trệ cho thấy Bắc Kinh nghiên cứu rất kỷ các kinh nghiệm Nga, Nhật và Mỹ để đẩy lùi ngày bị tính sổ (reckoning day).

Bài học thứ nhất từ Nga là không thể cởi trói chính trị và kinh tế cùng một lúc. Bắc Kinh tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới mang lại ổn định chính trị và xã hội để tạo điều kiện cho thị trường tự do phát huy năng lực cạnh tranh theo những mục tiêu phát triển mà nhà nước đã đề ra. Cho dù vẫn không ai giải thích được kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì và chủ trương nói trên chứa đầy mâu thuẫn trong lý luận nhưng thực tế đã giúp Hoa Lục không bị tan rã thành nhiều mảnh như Liên bang Xô Viết trước đây, đồng thời mang đến bước nhảy vọt kinh tế thần kỳ, sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mũi nhọn có tính cạnh tranh quốc tế và giúp 1.5 tỷ người Hoa sống đổi đời. Tuy đi đôi với sự tha hóa cùng cực của đảng viên, tham nhũng lan tràn, môi trường bị hủy hoại và khoảng cách giàu nghèo tột bực nhưng đối với Đảng Cộng sản ngay cả những chướng ngại này sẽ không cản trở được tiến trình công nghiệp hóa đưa nước Trung Hoa tiến lên hàng nhất nhì thế giới – và lo tiến lên hạng nhất trước rồi chuyện đâu còn có đó để tính sau!

Nhiều người đã so sánh Trung Quốc với Nhật vào thập niên 70-80 vì sau đó Nhật sa lầy suốt 30 năm dài sau khi bong bóng địa ốc bị vỡ, nợ nần chồng chất và vì tình trạng lão hóa. Bài toán khó cho Bắc Kinh là phải giảm dần mức độ lệ thuộc vào nợ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, không tạo ra thất nghiệp và thị trường địa ốc hạ cánh mềm (soft landing). Lợi tức đầu người tại Nhật vào cuối thập niên 80 gần bằng với Hoa Kỳ trong khi lợi tức đầu người ở Trung Quốc hiện chỉ bằng ¼ của Mỹ. Đối với Bắc Kinh thì đây là lợi thế vì Trung Quốc còn tiềm năng tăng trưởng rất mạnh để giải quyết được bài toán nợ và tình trạng lão hóa. Nói cách khác hiện chỉ có 30% người Hoa ở vùng ven biển là có mức sống cao gần bằng Tây Phương, tức là còn 70% dân chúng hay 1 tỷ người sống trong nội địa sẵn sàng nhận mọi loại công việc với đồng lương cực thấp. Nếu Đảng Cộng sản kiểm soát không để cho tâm lý bất mãn nổ bùng thành bất ổn xã hội thì năng suất lao động của con số 70% rất dễ được cải thiện nhằm tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, giải quyết nợ nần, lấp đầy các thành phố chết không người ở, và nâng giá trị gia tăng hàng hoá bù đắp cho tình trạng lão hóa. Tập Cận Bình không đưa ra một chiến lược toàn diện (grand strategy) nhưng ông tự tin có đủ những chìa khóa (tuning knobs) để giải quyết dần dần bài toán vô cùng phức tạp này một khi quyền hành đã tập trung để bảo đảm ổn định chính trị.

Cuối cùng so với Hoa Kỳ thì tổng số nợ của mỗi nước đều chiếm khoảng 300% GDP. Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều nghiện nợ (addiction to debt) nhưng tăng trưởng tại Hoa Lục từ 5-7% so với Mỹ chỉ 2-3%, tức là Trung Quốc có khả năng trả nợ nhanh hơn. Hai nước đều rơi vào tình trạng phát triển không đồng đều giữa hai khu vực ven biển và trong nội địa, nhưng tại Hoa Kỳ tâm lý bất mãn nổ bùng dẫn đến hỗn loạn chính trị còn ở Trung Quốc vị thế của Tập Cận Bình vững hơn bao giờ hết. Tam quyền phân lập của Mỹ khiến Hành pháp, Lập pháp bị tê liệt, Tư pháp rơi vào những kiện tụng triền miên không bao giờ chấm dứt trong khi nền dân chủ tập trung ở Hoa Lục tạo được chính danh nhờ vào lèo lái đất nước hữu hiệu. Nước nào cũng đầy dẫy các vấn đền nan giải nhưng đa số dân Mỹ không lạc quan cho tương lai vì cảm thấy đất nước đi lệch hướng, còn người Hoa dù bất mãn nhưng tin rằng Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ không còn là chuyện bánh vẽ.

Cho dù kinh tế Hoa Lục có sẽ chiếm 25% hay 40% GDP thế giới không quan trọng bằng việc Trung Quốc qua mặt Mỹ vì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ ngày nền dân chủ tự do (liberal democracy) ra đời cho thấy chủ thuyết này không phải là điều kiện tất yếu cho kinh tế phát triển. Cho dù lợi tức mỗi đầu người Hoa chỉ ¼ hay ngang bằng với Tây Phương cũng không quan trọng bằng ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu, giờ đây mới đứng hạng nhì mà đã khiến thế giới nghiêng ngả chớ nói gì đến khi họ lên hàng thứ nhất.

Người viết không tuyên truyền cổ võ cho mô hình Trung Quốc vì khoảng cách giữa dân chủ tập trung và độc tài toàn trị rất mong manh do không có hệ thống kiểm soát. Tuy nhiên để phê bình về Trung Quốc cần có những phân tích sâu sắc hơn là mô hình cổ điển theo lối Tây Phương hiện giờ cho phép.

Các chế độ độc tài bị sụp đổ phần lớn do lãnh đạo bị nịnh thần che mắt. Nay chính Đảng Cộng sản cũng không tin vào con số phát triển 6.7% của họ, nhưng ông Tập mỗi buổi sáng chỉ cần lên mạng đọc báo New York Times (ông Tập từng du học ở Mỹ nên chắc tiếng Anh khá giỏi) cũng đủ thấy những nan đề trong xã hội Trung Quốc. Ông Tập có thể lo âu mất ngủ nhưng xét lại những lá chủ bài trong tay Bắc Kinh hiện sáng sủa hơn Âu-Mỹ rất nhiều, nên chúng ta phải hy vọng ông Tập lại sẽ… tự sướng ngủ quên.

Đoàn Hưng Quốc

8 BÌNH LUẬN

  1. Tuy ông Đoàn Hưng Quốc đề ở đầu bài viết là “tác giả”, nhưng có cảm nhận rằng phần lớn bài nầy là translation từ bài nhận định của một chuyên gia/học giả kinh tế chính trị học viết bằng tiếng Anh hoặc Pháp, bởi lẽ nhận thấy “tác giả” khá vất khi chuyển một số thuật ngữ từ nguyên bản tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; một số từ hơi ngượng và thiếu chính xác.

    1/ gợi ý xét lại việc dùng từ

    Trích:
    “Sai lầm của những chuyên viên nơi áp dụng cách nhìn chủ quan theo mô hình kinh tế tự do Tây Phương vào nền kinh tế chỉ huy của Hoa Lục.
    Âu-Mỹ bị khủng hoảng khi mắt xít yếu nhất (the weakest link) bị đứt, trái lại Trung Quốc chỉ lâm nguy vào lúc mắt xít cứng nhất (the strongest link) lung lay”./.

    Dễ nghe hơn nếu viết lại:
    *Sai lầm của các chuyên gia là ở chỗ họ đã áp dụng…
    Âu-Mỹ bị khủng hoảng khi mắc xích yếu nhất…
    Trung quốc chỉ lâm nguy vào lúc mắc xích vững chãi nhất…bị lung lay

    Trích:
    “Tập Cận Bình không đưa ra một chiến lược toàn diện (grand strategy) nhưng ông tự tin có đủ những chìa khóa (tuning knobs) để giải quyết dần”

    *…nhưng ông tự tin có đủ những núm điều chỉnh để giải quyết dần.
    (tuning knobs là núm vặn để điều chỉnh [cho phù hợp, cho chính xác, theo mong muốn].
    “Chìa khoá” là thứ chỉ để mở ra, để đáp ứng một yêu cầu.
    Không thể chuyển từ tuning knobs thành ra keys được vì công dụng của 2 khái niệm là hoàn toàn khác nhau)

    2/ bình luận

    Trích:
    “Cho dù vẫn không ai giải thích được kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì và chủ trương nói trên chứa đầy mâu thuẫn trong lý luận nhưng thực tế đã giúp Hoa Lục không bị tan rã thành nhiều mảnh như Liên bang Xô Viết trước đây, đồng thời mang đến bước nhảy vọt kinh tế thần kỳ, sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mũi nhọn có tính cạnh tranh quốc tế và giúp 1.5 tỷ người Hoa sống đổi đời.”

    *Lý do “Hoa Lục không bị tan rã thành nhiều mảnh như Liên bang Xô Viết trước đây” phức tạp nhiều hơn là chỉ vì khủng hoảng kinh tế.
    Cách mạng vô sản Nga thành lập Liên xô đánh đổ nước Nga của Tsa hoàng vốn là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tương đối phồn vinh, đưa dân Nga vào một cuộc sống mới dưới chế độ bôn sê vít kỷ cương nghẹt thở , nhất là dưới thời Stalin. LX là một kết hợp khổng lồ tự nguyện gồm những nước cộng hoà có chủ quyền cùng chia sẻ chủ nghĩa xh, là một liên kết thiếu tính ràng buộc chặc chẻ và cưỡng bác. Luôn có ý thức ly khai ở những thành viên lớn như Ukraina, Belarus… từ tự ái dân tộc. Hơn nữa, theo Điều 72 của Hiến pháp năm 1977, mỗi nước cộng hòa đều có quyền ly khai khỏi Liên Xô. Đó là yếu tố hợp hiến mà cũng là những khứa tạo sẵn cho sự dễ dàng rạng nứt và ly khai khi có cơ hội.
    Năm 1991 cơ hội đã đến khi nhân vật phóng khoáng cởi mở Mikhail Gorbachev làm tổng bí thư, và tình hình kinh tế LX bế tắc trầm trọng, cùng nhiều nguyên nhân chính trị quốc tế khác xảy ra nội khối cs Đông Âu tạo tiền đề cho những ý nghĩ muốn thoát khỏi khối để tồn tại độc lập. Nó gần như một hôn phối đã đến lúc chán ngán chỉ muốn chia tay, đường ai nấy đi.

    Trung quốc không hề mang những mầm mống đó. Dù là chế độ toàn trị, kỷ luật sắt; TQ đã thành công về kinh tế và mọi mặt tiến bộ xã hội cơ bản đủ để thoả mãn nguyện vọng sống ở nấc đầu tiên của thang Maslow. Hơn nữa, TQ nghiêm cấm manh nha ý nghĩ ly khai và sẵn sàng dìm vào biển máu mọi ý đồ đòi độc lập. TQ là bậc thầy LX về đàn áp bài bản và triệt tiêu ý thức độc lập dân tộc, triệt tiêu tự do tôn giáo ở Tây Tạng, khống chế dân Duy Ngô Nhĩ, dẹp tan từ trứng nước mọi ý đồ nổi dậy!
    Cho nên, TQ không có số phận giống LX, là vì TQ có và không có những nguyên nhân mà ta thấy ở LX, chứ không phải đơn giản chỉ vì giỏi ổn định kinh tế.

    Nói rõ ra, ai chịu sống kiếp mất tự do chính trị, tự do biểu đạt, tự do chọn lối sống, tôn thờ giá trị lương tri nhân vị mà loài người văn minh nhiều nơi trên thế giới đang được hưởng; chỉ biết ngoan ngoãn làm một robot trong guồng máy do nhà nước vận hành, không ý kiến, không bình luận, không phản biện, không theo đuổi lý tưởng chân thiện mỹ, không màng lẽ công bằng, lương tâm và lương tri… chịu nề nếp sinh hoạt như ở một trại chăn nuôi hiện đại…
    thì có thể tin tưởng sống ổn ở bậc 1 trong thang các nhu cầu của con người như đã nêu trên.

    Trích:
    “1.5 tỷ người Hoa sống đổi đời”
    * Nếu ai đọc lại sử Trung Hoa cuối thời Mãn Thanh, khi 8 nước châu Âu xâu xé TQ, thì sẽ biết cuộc sống người dân Trung hoa là dưới đáy của nhân loại đương thời.

    Đánh đổi bằng cái giá hàng chục triệu người Tàu bỏ mạng vì muôn vàn lý do khác nhau, chủ yếu là do sai lầm của cuộc thử nghiệm xhcn khốc liệt do Mao chủ trương, cuộc chiến tranh quốc cộng, và đặc biệt bước Đại Nhảy Vọt của Mao với cái giá 40 triệu người chết đủ kiểu, đói rét, hành hình, ăn thịt nhau, bệnh tật, trả thù…và đại cách mạng Văn hoá Vô sản đẫm máu và nước mắt…
    Với cơ hội nghìn năm một thuở, sau 1970, khi Nixon Kissinger đến gặp Mao, ra tay cứu cứu vớt đủ mọi phương diện,
    và nhờ hồng phúc dân tộc, TQ có những lãnh đạo tài giỏi như Đặng, Tập…đã đưa TQ từ đói rách lên cuộc sống tương đối dễ chịu cho quảng đại quần chúng tại Hoa lục, chưa kể một thiểu số dân Tàu trở nên trung lưu, ăn chơi, du lịch, xem là loại hàng mẫu không bán.
    Còn đại bộ phận dân TQ tay làm hàm nhai đã là hạnh phúc đổi đời!

    Vậy, bước tiến trên rõ nét…là do xuất phát điểm quá thấp kém, nghèo đói của người Tàu.
    Sự thật, GDP đầu người của người dân TQ chỉ chưa bằng 1/5 của một người Mỹ.

    Trích:
    “Hai nước đều rơi vào tình trạng phát triển không đồng đều giữa hai khu vực ven biển và trong nội địa, nhưng tại Hoa Kỳ tâm lý bất mãn nổ bùng dẫn đến hỗn loạn chính trị còn ở Trung Quốc vị thế của Tập Cận Bình vững hơn bao giờ hết. Tam quyền phân lập của Mỹ khiến Hành pháp, Lập pháp bị tê liệt, Tư pháp rơi vào những kiện tụng triền miên không bao giờ chấm dứt trong khi nền dân chủ tập trung ở Hoa Lục tạo được chính danh nhờ vào lèo lái đất nước hữu hiệu”

    *Đã nói rồi, tự do nó có cái dở…là tự do quá trớn rồi đòi hỏi, phá phách; hở chút biểu tình, hở chút kiện cáo, bất mãn, chửi bới…
    và vì tự do nên dễ bị kẻ thù lưu manh lợi dụng ăn cắp xâm nhập phá hoại khuynh đảo!

    Độc tài cũng có cái hay, bảo quỳ thì quỳ, bảo đứng thì đứng ngay. Bảo im, im ngay. Thế nên guồng máy dễ chạy êm và có hiệu quả, với cái giá …mất tự do dân chủ, mất quyền chọn lựa, phản biện phản đối khi xã hội bất công chướng tai gai mắt…

    Vậy chọn đi.
    Ai thích cs độc tài ổn định thì chạy qua Tàu ở. Ok, no star where!

    • Tôi xin lỗi vội quá vì phải đi thi hành quyền lợi công dân, chưa biết khi nào xong nhưng viết vội vài góp ý.

      Bàn về kinh tế, so sánh tổng sản lượng và GDP đầu người và cách vận hành rồi đặt câu hỏi tại sao kinh tế Tàu không bị khủng hoảng hoặc chưa sụp đổ mà không nói tới yếu tố chính trị là yếu tố mang tính quyết định guồng máy kinh tế cả nước là một thiếu sót trầm trọng. Không thể so sánh khi chính trị hai chế độ khác nhau. Lấy bài học Liên Xô sụp đổ làm bài học nên Tàu không dám có thay đổi hoặc cởi mở về chính trị. Dễ hiểu nhất là tại vì như bạn HuePhan viết: “…bước tiến…rõ nét…là do xuất phát điểm quá thấp kém, nghèo đói của người Tàu. Sự thật, GDP đầu người của người dân TQ chỉ chưa bằng 1/5 của một người Mỹ.

      Cứ tiêu xài như dân Mỹ và chính trị cho cởi mở xem có khủng hoảng và có sụp đổ không. Thật ra khủng hoảng là có nhưng chế độ (Tàu) họ biết vá và che đậy, điển hình là bất động sản, bỏ tiền ra xây nhiều nhưng để không. Nói cho đơn giản dễ hiểu là anh có ít mà xài nhiều thì sẽ mang nợ, đi vay, mà không có tiền trả nợ thì sẽ vỡ nợ sụp đổ.

      Thắc mắc tại sao cứ bám vào Tàu Cộng như bạn Hồ Ngọc Phước là vì vẫn còn lợi nhuận. Hạ tầng cơ sở đã có sẵn, tốt, thuận tiện, mà các nước khác cơ sở hạ tầng không thuận lợi bằng Tàu hiện có. Ban đầu tư bản vào đầu tư là vì người đông, nhân công quá rẻ, lại là kẻ thù cũ mà Mỹ muốn thay đổi chế độ chính trị, bạn thay thù. Họ đã bỏ rất nhiều tiền xây dựng hạ tầng cơ sở. Hơn nữa hiện nhiều việc đòi hỏi nhân tay nghề cao mà tư bản đã đào tạo và Tàu có sẵn. Họ có đủ trình độ làm ra sản phẩm theo nhu cầu đòi hỏi của chủ nhân. Qua những nước khác tiền lương công nhân cao, hạ tầng cơ sở yếu kém, và tay nghề cao phải đạo tạo rất tốn kém. Tuy nhiên, một số những công việc kỹ năng thấp hơn thì đã di chuyển ra các nước khác như VN và Ấn Độ.

      Comment của bạn HuePhan rất logic và chính xác.
      nv

    • “2/ bình luận
      Trích:
      “Cho dù vẫn không ai giải thích được kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì và chủ trương nói trên chứa đầy mâu thuẫn trong lý luận nhưng thực tế đã giúp Hoa Lục không bị tan rã thành nhiều mảnh như Liên bang Xô Viết trước đây, đồng thời mang đến bước nhảy vọt kinh tế thần kỳ, sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mũi nhọn có tính cạnh tranh quốc tế và giúp 1.5 tỷ người Hoa sống đổi đời.”

      *Lý do “Hoa Lục không bị tan rã thành nhiều mảnh như Liên bang Xô Viết trước đây” phức tạp nhiều hơn là chỉ vì khủng hoảng kinh tế.
      Cách mạng vô sản Nga thành lập Liên xô đánh đổ nước Nga của Tsa hoàng vốn là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tương đối phồn vinh, đưa dân Nga vào một cuộc sống mới dưới chế độ bôn sê vít kỷ cương nghẹt thở , nhất là dưới thời Stalin. LX là một kết hợp khổng lồ tự nguyện gồm những nước cộng hoà có chủ quyền cùng chia sẻ chủ nghĩa xh, là một liên kết thiếu tính ràng buộc chặc chẻ và cưỡng bác. Luôn có ý thức ly khai ở những thành viên lớn như Ukraina, Belarus… từ tự ái dân tộc. Hơn nữa, theo Điều 72 của Hiến pháp năm 1977, mỗi nước cộng hòa đều có quyền ly khai khỏi Liên Xô. Đó là yếu tố hợp hiến mà cũng là những khứa tạo sẵn cho sự dễ dàng rạng nứt và ly khai khi có cơ hội.
      Năm 1991 cơ hội đã đến khi nhân vật phóng khoáng cởi mở Mikhail Gorbachev làm tổng bí thư, và tình hình kinh tế LX bế tắc trầm trọng, cùng nhiều nguyên nhân chính trị quốc tế khác xảy ra nội khối cs Đông Âu tạo tiền đề cho những ý nghĩ muốn thoát khỏi khối để tồn tại độc lập. Nó gần như một hôn phối đã đến lúc chán ngán chỉ muốn chia tay, đường ai nấy đi.

      Trung quốc không hề mang những mầm mống đó. Dù là chế độ toàn trị, kỷ luật sắt; TQ đã thành công về kinh tế và mọi mặt tiến bộ xã hội cơ bản đủ để thoả mãn nguyện vọng sống ở nấc đầu tiên của thang Maslow. Hơn nữa, TQ nghiêm cấm manh nha ý nghĩ ly khai và sẵn sàng dìm vào biển máu mọi ý đồ đòi độc lập. TQ là bậc thầy LX về đàn áp bài bản và triệt tiêu ý thức độc lập dân tộc, triệt tiêu tự do tôn giáo ở Tây Tạng, khống chế dân Duy Ngô Nhĩ, dẹp tan từ trứng nước mọi ý đồ nổi dậy!
      Cho nên, TQ không có số phận giống LX, là vì TQ có và không có những nguyên nhân mà ta thấy ở LX, chứ không phải đơn giản chỉ vì giỏi ổn định kinh tế.

      Nói rõ ra, ai chịu sống kiếp mất tự do chính trị, tự do biểu đạt, tự do chọn lối sống, tôn thờ giá trị lương tri nhân vị mà loài người văn minh nhiều nơi trên thế giới đang được hưởng; chỉ biết ngoan ngoãn làm một robot trong guồng máy do nhà nước vận hành, không ý kiến, không bình luận, không phản biện, không theo đuổi lý tưởng chân thiện mỹ, không màng lẽ công bằng, lương tâm và lương tri… chịu nề nếp sinh hoạt như ở một trại chăn nuôi hiện đại…
      thì có thể tin tưởng sống ổn ở bậc 1 trong thang các nhu cầu của con người như đã nêu trên.“

      Tôi đã đọc nhiều bài phân tích dài lê thê về sự sụp đổ của Liên Xô và sự vươn lên của TQ, và người ta chỉ nói chung chung về yếu tố kinh tế mà không thấy có yếu tố lịch sử.
      Nhưng chỉ một đoạn ngắn gọn trên của HuePhan đang phơi bày ra đầy đủ các yếu tố lịch sử, xã hội, kinh tế Nga, Tàu đã tạo nên sự thành bại của hai anh cộng sản khổng lồ này.

      HuePhan thật là tuyệt chiêu!
      Xin cám ơn

  2. T/G nói
    Cho dù kinh tế Hoa Lục có sẽ chiếm 25% hay 40% GDP thế giới không quan trọng bằng việc Trung Quốc qua mặt Mỹ vì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ ngày nền dân chủ tự do (liberal democracy) ra đời cho thấy chủ thuyết này không phải là điều kiện tất yếu cho kinh tế phát triển. Cho dù lợi tức mỗi đầu người Hoa chỉ ¼ hay ngang bằng với Tây Phương cũng không quan trọng bằng ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu, giờ đây mới đứng hạng nhì mà đã khiến thế giới nghiêng ngả chớ nói gì đến khi họ lên hàng thứ nhất.
    (thôi trích)

    Nhận định của T/G không có ý nghĩa hay giá trị gì về phương diện kinh tế
    Trung cộng (TC) chuyển sang kinh tế thị trường , tức là kinh tế tư bản rồi mặc dù chưa chuyển hẳn 100%, còn cách cai trị độc tài là một chuyện khác
    Nay Tổng san lượng kinh tế TC khoảng 10 ngàn tỷ (số thống kê do TC đưa ra) bằng 60% TSL kinh tế Mỹ, nếu có đứng đầu thế giới thì chỉ đứng đầu thế giới về TSL mà thôi
    Kinh tế có nhiều phương diện, lợi tức đầu người, những hàng hóa thuộc kỹ nghệ cao thì còn lâu TC mới sản xuất nổi
    Nay kinh tế Trung cộng 60% sống nhờ xuất cảng, thị trường Mỹ và Âu châu là hai nơi nuôi sống kinh tế Trung cộng (TC), chưa đủ trình độ một nền kinh tế tiêu thụ, sản xuất của TC nay chỉ là hàng tiêu dùng, quần áo, dầy dép… những phẩm vật trình độ kỹ thuật thấp, chưa có những hàng cao cấp như TV, Xe hơi, máy bay như Nam Hàn, Nhật, Mỹ, Tây Âu….
    Nay tỷ lệ tăng trưởng (growth, taux de croissance) của kinh tế TC là 6 hoặc 7% nhưng không chính xác, các địa phương báo cáo phóng lên, chính họ đã công nhận như thế

    “giờ đây mới đứng hạng nhì mà đã khiến thế giới nghiêng ngả chớ nói gì đến khi họ lên hàng thứ nhất”

    Thế nào là làm nghiêng ngả thế giới trong khi Kinh tế TC phụ thuộc vào nhập cảng của Mỹ, Âu châu? Chỉ cần Mỹ phong tỏa hoặc giảm nhập cảng hàng TC là kinh tế TC chao đảo ngay

    • Le Nguyen nói đúng, bởi quy luật kinh tế là cung và cầu (law of supply and demand).

      Còn các nhận định bong bóng, vở nợ của các ngân hàng là không xác thực bởi vì nó được tài trợ ngầm từ chính phủ Trung Cộng. Cũng như những phần % tăng trưởng hay GDP do họ đưa ra đâu có đúng như các nước ở thị trường tự do, nếu không nói là họ tự bơm tự thổi.
      Cho nên, ngày kinh tế Trung Cộng sụp đổ là ngày mà Mỹ và các nước tây Âu không đầu tư vào vì nhân công rẻ, không mua hàng của Trung Cộng.

      • Chúng ta thường hay bàn luận theo đuôi của các sự kiên và vì vậy không cho chúng ta khả năng nhìn đúng hơn về bản chất của các sự kiện đó và chúng ta cứ mãi đứng bên lề các biến hóa của thế giới . Cứ xem vụ sụp đổ chứng khoán của Trung cộng mấy năm trước , thiệt hại mấy ngàn tỷ đô , có các kinh tế gia của chúng ta đã vội cho rằng kinh tế Trung cộng đang giẫy chết, đang sụp đổ nhưng thực tế khác hẳn ! Anh Trần Công Khai đã đi ngược lên diễn biến của các sự kiện và cho chúng ta sự nhận định của anh : “Ngày kinh tế Trung cộng sụp đổ là ngày Mỹ và các nước tây Âu không đầu tư vào vì nhân công rẻ, không mua hàng của Trung cộng.” Tôi thán phục nhận định này của anh nhưng tiếc quá, anh không bàn xa hơn ! Tôi xin nương vào nhận định này của anh để bàn ngang vì tôi không phải chuyên gia, kinh tế gia gì sất cả !
        Tôi luôn không hiểu được sự chọn lựa của giới tư bản cùng những dự định tương lai của họ ! Họ ra sức thổi cho con nhái bén Trung cộng trở thành con bò, rồi thành con khủng long để nó gầm gừ đe dọa luôn cả bàn tay đang nuôi nó , vậy mà họ vẫn chưa chịu dừng lại ! Các biến cố gần đây như Covid 19 chẳng hạn , cho thấy cả thế giới lệ thuộc vào thằng Tàu một cách nguy hiểm. Từ cái địa vị của một ông chủ, họ tự nguyện tụt xuống hàng của kẻ phục vụ, họ nhắm mắt, bịt tai trước những vi phạm nhân quyền đến mức độ kinh hoàng như Thiên An Môn, Duy Ngô Nhĩ… Những hồ sơ này lột cùng một lúc hai cái mặt nạ : Cái mặt nạ” thay đổi” của tàu cộng và cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của bọn tư bản ! Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán của Tàu cộng như đã nói ở trên, sở dĩ Tàu thoát qua được là chính do bọn tư bản này đã ra sức cứu nó đó thôi bằng cách duy trì và đổ thêm tiền đầu tư vào đó ? Tôi cả tin như vậy ! Các địa bàn đầu tư trên thế giới này đâu có thiếu , Â’n Độ chẳng hạn, phải, anh này có mối thân hữu vói Nga thât nhưng không có tham vọng ngang ngược nào cả cũng chưa từng bị bát quốc liên quân nào xâu xé, lại không có vấn đề căm thù chủ nghĩa . Rồi còn bao nhiêu những quốc gia nghèo khác đều là ứng viên vô cùng thích hợp như Phi Luật Tân, Sri lanka … Vậy tại sao sống chết gi cũng cứ bám vào Trung cộng ? Tôi tin rằng trả lời được câu hỏi này là sẽ trả lời được nhiều câu hỏi khác và cho chúng ta cái nhìn rộng hơn , chính xác hơn về tương lai của chúng ta .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên