Tháng 11/1963: Dòng họ Ngô Đình và Kennedy

9
Ông Diệm bị giết trên xe thiết giáp ngày 2/11/1963

 

Đúng 54 năm trước, vào ngày 1/11, Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Việt Nam là Ngô Đình Diệm đã bị một nhóm tướng lãnh, dưới sự lãnh đạo của Trung tướng Dương Văn Minh, đảo chánh.

Sáng ngày hôm sau, ông Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, cũng là bào đệ, đã bị bắn và đâm chết khi hai ông đang ở trong một xe thiết giáp của quân đội.

Khi đảo chánh thành công, báo chí lúc bấy giờ dưới sự kiểm soát của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đã đưa tin anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm tự tử.

Sự thực là hai ông bị giết sau khi đã đầu hàng và đang được áp tải đưa về Bộ Tổng tham mưu là bản doanh của phe đảo chánh.

Tổng thống John F. Kennedy trước khi bị ám sát chết ở Dallas, Texas ngày 22/11/1963

Theo sử gia Richard Reeves viết trong cuốn President Kennedy, xuất bản năm 1993, tân đại sứ Hoa Kỳ là Henry Cabot Lodge biết về âm mưu giết ông Diệm và ông Nhu của phe đảo chánh và phía Mỹ đã chần chừ không muốn cho hai ông đi ra nước ngoài, vì khi được yêu cầu một tướng Mỹ nói phải mất 24 tiếng đồng hồ mới có máy bay, trong khi căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Philippines chỉ cách Sài Gòn chừng 3 giờ bay.

Washington có muốn giết ông Diệm và Nhu hay không và ai đã trực tiếp ra lệnh giết anh em dòng họ Ngô Đình?

Đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ riêng của Tướng Dương Văn Minh, là kẻ chủ mưu hay chỉ là kẻ thừa hành nhận lệnh từ cấp trên và cấp trên đó là Tướng Mai Hữu Xuân, người được Tướng Minh điều động đi đón hai ông từ nhà thờ Cha Tam, hay Đại úy Nhung trực tiếp nhận lệnh giết từ Tướng Minh?

Hai tháng sau khi đảo chánh thành công, Tướng Minh bị Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý, tức là bị đảo chánh, thì Đại úy Nhung cũng chết trong trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám là nơi ông đang bị giam và thẩm vấn về vai trò liên quan đến cái chết của ông Diệm và Nhu. Cái chết của Đại úy Nhung nhiều người cho là bị thủ tiêu hơn là tự ý treo cổ tự tử.

Mấy tháng sau khi ông Diệm và Nhu bị giết, một người trong dòng họ Ngô Đình còn ở lại Việt Nam là Ngô Đình Cẩn, từng giữ vai trò cố vấn chỉ đạo miền Trung cho chính phủ Diệm, cũng đã bị hành quyết.

Sau khi đảo chính, ông Cẩn vào tòa lãnh sự Mỹ ở Huế để xin tị nạn trước sự căm hận nổi lên của dân chúng.

Ông yêu cầu được đưa ra nước ngoài, nhưng khi được đưa từ Huế vào Sài Gòn ông bị Sứ quán Mỹ giao lại cho phe đảo chánh.

Đầu năm 1964 ông bị đem ra toà và bị án tử hình. Ông bị xử bắn trong nhà giam Chí Hòa ngày 9 tháng 5-1964.

Năm 2000, tại một hội nghị về Việt Nam ở Đại học Texas Tech, Lubbock, khi gặp Đại tướng Nguyễn Khánh tôi có hỏi ông về bản án dành cho Ngô Đình Cẩn.

Ông cho biết lúc đó tuy ông là lãnh đạo và muốn giảm án cho ông Cẩn, nhưng quyền ân xá nằm trong tay Tướng Dương Văn Minh, vì ông là quốc trưởng. Tướng Minh đã không ân xá cho ông Cẩn.

Về cái chết của anh em ông Diệm, theo cựu Đại tá Dương Hiếu Nghĩa viết trong loạt bài đăng trên báo Người Việt ở Nam California, từ ngày 30/3/1996, thì Đại úy Nhung trực tiếp nhận mật lệnh giết hai ông từ riêng Tướng Dương Văn Minh. Ông Nghĩa lúc đảo chánh là thiếu tá và có đi theo đoàn xe đón anh em ông Diệm, Nhu ở nhà thờ cha Tam.

Đầu năm 1996, khi tham dự một hội nghị về chiến tranh Việt Nam, giai đoạn 1954-65, tổ chức tại bảo tàng của Sư đoàn 1 (The Big Red One) ở ngoại ô Chicago, trong bữa ăn sáng đầu tiên, gặp cựu giám đốc CIA William Colby tôi có hỏi ông ai đã ra lệnh giết anh em ông Diệm, ông nói đó là lệnh của Tướng Dương Văn (Big) Minh.

Colby là người ủng hộ ông Diệm trong thời gian ông làm trưởng cơ quan CIA tại Sài Gòn cho đến năm 1962.

Trong bài diễn thuyết tại hội nghị, ông Colby nhận định là ông Diệm không phải là người của Mỹ đưa về Việt Nam, mà thực sự là do ý muốn của người Pháp và ông Diệm đã không coi Hoa Kỳ là đồng minh thực sự muốn giúp Nam Việt Nam.

Theo ông Colby, việc không tham gia tổ chức tổng tuyển cử năm 1956 là quyết định của riêng ông Diệm chứ người Mỹ không có ảnh hưởng hay thúc ép gì

Tướng Minh tự quyết định hay nhận lệnh từ phía Mỹ để giết anh em ông Diệm thì đến nay chưa có tài liệu hay bằng chứng xác minh.

Các tài liệu đã được công bố cho thấy Tổng thống Kennedy đồng ý với kế hoạch đảo chánh, qua Công điện 243 gửi cho Đại sứ Henry Cabot Lodge ngày 24/8/1963, là quyết định của những nhà ngoại giao Mỹ gồm George Ball, W. Averell Harriman, Roger Hilsman và Michael V. Forrestal, phụ tá của Tổng thống Kennedy với nội dung đồng ý loại bỏ ông Nhu khỏi chính trường và nếu ông Diệm ngoan cố thì Hoa Kỳ cũng không thể bảo đảm an toàn cho bản thân ông.

Liên quan đến cuộc đảo chánh, từ nhiều thập niên qua đã có bằng chứng là Lucien Conein, nhân viên CIA làm con thoi giữa phe đảo chánh và Đại sứ Lodge, đã đưa cho các tướng đảo chánh nhiều triệu tiền Việt sau khi đảo chánh thành công.

Tổng thống Diệm có người anh là Giám mục Ngô Đình Thục, có em dâu là bà Ngô Đình Nhu. Nếu họ đã không rời Việt Nam trước đảo chánh, chắc cũng không thoát khỏi cái chết, vì chỉ trong vòng vài tháng ba người anh em dòng họ Ngô Đình đã bị giết chết.

Tại Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963, đến năm 1968 thì người em là Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy cũng bị ám sát chết khi đang vận động tranh cử tổng thống ở Los Angeles, California.

Cái chết của Tổng thống Kennedy đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, từ âm mưu của Cuba, của Liên Xô, của các nhóm mafia, của tình báo CIA hay của giới lãnh đạo quân sự Mỹ muốn leo thang chiến tranh tại Việt Nam nên đã giết Kennedy.

Lee Harvey Osward, tay súng bắn chết Tổng thống Kennedy, đã hành động đơn phương hay có bàn tay nào đứng sau? Tại sao Jack Ruby, chủ một hộp đêm lại giết Osward ngay tại sở cảnh sát, trước ống kính truyền hình?

Tuần qua, nhiều hồ sơ liên quan đến cái chết của John F. Kennedy đã được giải mật, tuy nhiên cũng không có thêm bằng chứng mới để xác minh rõ hơn nguyên do đưa đến vụ ám sát.

Cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi về việc ai đã thực sự ra lệnh giết Tổng thống Diệm, cũng như vẫn còn nhiều bí ẩn đằng sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy ở Dallas trưa ngày 22/11/1963, chỉ 3 tuần sau khi ông Diệm bị giết.

Cách đây hơn một thập niên, trong một dịp thăm Bảo tàng Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas tôi thấy có một tấm hình rất lớn với ông Diệm và ông Nhu nằm chết trong vũng máu trên sàn xe thiết giáp và cạnh đó có hình Tổng thống Diệm tiếp Phó Tổng thống Johnson trong một lần ông đến thăm Sài Gòn.

Theo các tài liệu mới được giải mật, với cái chết của John F. Kennedy chỉ ba tuần sau khi Ngô Đình Diệm bị giết, Tổng thống Lyndon B. Johnson, người kế vị lãnh đạo Hoa Kỳ, coi đó là quả báo.

Có tin vào quả báo hay không thì những cái chết của anh em dòng họ Ngô Đình và dòng họ Kennedy đã đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam vào một nghiệp chướng của lịch sử.

© 2017 Buivanphu

 

9 BÌNH LUẬN

  1. Trích:…”Nhà Ngô, nhà Kennedy đều theo Thiên chúa Giáo La Mã đâu có tin quả báo”… (ngưng trích).

    SAI BÉT ! Đạo Thiên Chúa cũng được dạy về luật nhân quả. Luật này do chính Đức Giêsu dạy: “…CÁC NGƯƠI ĐONG CHO ANH EM BẰNG ĐẤU NÀO THÌ THIÊN CHÚA CŨNG SẼ ĐONG CHO CÁC NGƯƠI BẰNG ĐẤU NẤY!” (Matthew 7:2 và Luke 6:38).

    Đức Giêsu còn nói rõ ràng hơn: chính Thiên Chúa sẽ trả báo cho kẻ gây ra nghiệp chướng. Chỉ có điều là không biết khi nào thôi.

  2. Đúng là NVP viết đẻ chúng tỏ mình biết qua gặp gở các giới chức Mỹ trong những cuộc họp về chiến tranh VN. Và bức hình là điêm trang cho bài viết ,nhưng chăng có gì mới (bức hình cung vậy)
    Tướng Mai Hữu Xuân được lệnh đi đón Ông Diệm khi Ông ta đầu hàng. có cận vệ DVM là Đ/U Nhung nhận lệnh riêng từ DVM (nếu không Đ/U Nhung cận vệ cho Ông Minh đí làm gì ? Giám sát MHX và thi hành lênh trực tiếp giết Ô Diệm theo lệnh chủ?).
    Do đó Đ/U Nhung báo cáo tiêng vói DVM ,có lẻ trước khi DVM ra “đón” xác chết của ÔNG Điệm .
    Và Mai Hữu Xuân cũng b/c theo quân giai “Nhiệm vụ đã hoàn thành”
    Nhà kenneđy bị quả báo ,nhà Ngô bị quả báo ,nhưng quả báo lớn nhất là dân VN…..

  3. Các ông tướng tham gia đảo chính ông Diệm rất hèn ở chỗ không ông nào nhận là đã giết ông Diêm.
    Ông DVMinh chưa bao giờ nhận. Ông TVĐôn cũng nói là không biết ai ra lệnh (Hồi ký TVĐ). Các ông TT Đính, Đỗ Mậu cũng chưa bao giờ dám nhận.
    Nhưng chỉ có những kẻ khù khờ mới không biết 9/10 các tướng lĩnh trong hội đồng đảo chánh đều đồng ý giết ông Diệm. Ông DvMinh là người chủ yếu vì ĐU Nhung là đệ tử ruột của ông Minh trực tiếp đâm chém, bắn ông Diêm. Nhưng ông Đôn rất hèn vì ông ta là 1 trong những người đứng đầu hội đồng, nhưng quá lo sợ hậu hoạn nên đến chết cũng không dám nhận là mình nhúng tay. Cả ông Nguyễn Khánh chịu trách nhiệm tử hình ông Cẩn, vậy mà sau này cũng đổ là ông DV Minh ra lịnh !!
    Nhưng nói thật ra thì người Mỹ có thói quen thả người bất trị vào hang cọp cho cọp xử. Sau này họ cũng “thả” Saddam Hussein vào cái ổ những kẻ thù của Hussein là chính phủ Shiite của Iraq để mượn tay người Shiite treo cổ Hussein (phái Sunni).

    • @Nguyễn Kim Nên: Các tướng đảo chánh “KHÔNG HÈN” khi không ai đứng ra nhận trách nhiệm về cái chết của anh em họ Ngô. Họ quá biết người Mỹ, thế thôi! Thử nghĩ: Khi ngưòi thừa hành làm điều xằng bậy, người Mỹ vẫn qui trách nhiệm cho người lãnh đạo, và xử lý bằng cách truất chức hoặc bắt người ấy phải từ chức. Ngay sau cái chết của họ Ngô, đáng lẽ người Mỹ phải qui trách nhiệm cho Dương Văn Minh hoặc cả cái chính phủ ấy thì họ lại im lặng. Sự im lặng dở hơi bất thường này của người Mỹ đã tự tố cáo họ là kẻ chủ mưu, không hơn, không kém! Ông tướng “quân tử” nào đứng ra nhận trách nhiệm thì cũng chẳng khác gì chịu tội thay cho người Mỹ! Người Mỹ khi không được “sạch tội”, chỉ cần sách động những tướng còn lại thanh trừng ông tướng quân tử ấy là êm việc.
      Các tướng VNCH không hèn mà cũng chẳng ngu chi để mắc mưu người Mỹ, cho nên chẳng ai nhận mình đã giết anh em ông Diệm, thế thôi.!

  4. Thì cứ tin theo Chúa không có quả báo tiếp tục giết và giết ,có sao đâu ? Làm xong xưng tội là hết trong sạch lên Thiên đàng ,HCM nói chết gặp LÊNIN và Mác chuyện ông Diệm mỗi năm thì người ta khui ra hủ mắm vậy thôi thơm thúi gì thì tủy người đối diện ,cứ phong Thánh cho Hồ và cho Diệm yên cả 2 bên Ta và Cộng sản ai cũng có Thánh để vinh danh ,như ông Phạm phong Dinh vừa phong Ông Diệm là kẻ sĩ cuối cùng xong bịa ra Ông Nhung giết anh em ông Diệm xong vượt hệ thống quân giai qua mặt T Mai hữu xuân trình diện ông DVM nói nhiệm vụ đã hoàn thành ,cho đến bây giờ ai cũng biết ông Mai hữu xuân nói câu nầy với ông Minh chứ không -hãi ông Đại uý Nhung

  5. Có hay không chuyện TT Kennedy muốn rút khỏi Việt nam?

    Tờ báo USAToday số ra ngày 15/1/2017 có đăng lời phát biểu của đạo diễn Ken Burns (của bộ phim tài liệu ‘Vietnam War’ vừa được trình chiếu trên đài truyền hình PBS) rằng “Có một điều mà quý vị sẽ không thấy đề cập đến trong cuốn phim tài liệu này là giả thuyết cho rằng Kennedy bị ám sát là vì ông ta muốn rút khỏi Việt nam”. Ông nói tiếp ” Đó là một sự tin tưởng sai lầm “. (Ngưng trích)

    Ngày 05/05/1961, Kennedy tuyên bố rằng tình hình miền Nam Việt Nam đang nguy ngập và nếu cần, ông “sẽ cứu xét việc đưa quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam để chống lại các cuộc tấn công của Cộng Sản.”

    Kennedy :“Nếu chúng ta cần phải chiến-đấu ở Đông-Nam-Á vậy thì hãy chiến-đấu ngay ở Việt-Nam. Ít ra ở đó người Việt-Nam còn có quyết-tâm và ý-chí chiến đấu để tiêu diệt cộng-sản. Có đến một triệu người tỵ nạn Cộng-sản đang ở tại miền Nam. Việt-Nam chính là nơi mà chúng ta muốn “.

    Trên tờ CaliToday số ra ngày 6/11/13, tác giả Trường Giang, trích nguồn tài liệu của Christian Science Monitor- một tờ báo hoạt động trong nhiều thập kỷ và đã từng đoạt nhiều giải Pulitzer Prizes- rằng tổng chưởng lý Robert Kennedy vào năm 1964 từng nói TT Kennedy chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rút quân ra khỏi Việt nam, và đinh ninh quân đội Mỹ cần hiện diện ở nam Việt nam để ngăn chận đà bành trướng của Liên Xô.

    Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng- cựu tổng trưởng Kế Hoạch VNCH: Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, TT Ngô Đình Diệm đã yêu cầu Kennedy rút cố vấn đi, và cũng không muốn cho Mỹ đưa quân đội tác chiến vào miền Nam.

    Nhà biên khảo Trần Đông Phong- với những bài viết về Việt nam – đã viết: Vào năm 1963 khi cả hai ông Ngô Đình Diệm và Kennedy bị giết thì con số cố vấn Mỹ tại Việt Nam đã lên đến 17.000. Dưới thời Tổng Thống Kennedy, người Mỹ đã nhiều lần tỏ ý muốn đưa quân tác chiến Mỹ sang Việt Nam để có thể thanh toán được Việt cộng một cách nhanh chóng hơn, tuy nhiên TT Ngô Đình Diệm đã cực lực chống lại điều đó.

    Cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân Bùi Tín: “ Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc , có lòng yêu nước sâu sắc , có tính cách cương trực thanh liêm , nếp sống đạm bạc giản dị . Giờ đây chúng ta đã có những bằng chứng về lập trường của ông Ngô Đình Diệm : Chống thực dân Pháp, giành lại quyền nội trị đầy đủ, không muốn Hoa kỳ can thiệp sâu , chống lại việc ồ ạt đưa quân chiến đấu Mỹ và nước ngòai vào .

    Trong cuốn sách “Vì sao tôi bắt đầu dạy về cuộc chiến Việt Nam “, tác giả Keith W Taylor – giáo sư Đại học Cornell, tác giả quyển The Birth of Viet Nam và nhiều bài viết về Việt Nam- phê bình về những sai lầm của Kennedy như sau:

    “Ta có thể kể ra dễ dàng những quyết định sai lầm nổi bật nhất: Quyết định đàm phán vấn đề trung lập hóa Lào của Kennedy năm 1961- nhượng bộ cho địch thủ những khu sào huyệt an toàn dọc theo biên giới- và quyết định tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở Việt Nam của Kennedy “.

    Giáo sư Robert Dallek , tác giả cuốn Camelot’s Court, đã viết “Chúng ta không bao giờ biết Kennedy lẽ ra sẽ làm gì với Việt Nam. Tôi không nghĩ là ông ấy biết.” “Johnson thực sự không có lựa chọn nào khác, đó chỉ là sự tiếp nối. Mặt khác, Kennedy đã bị những áp lực ghê gớm từ các cố vấn cũ, muốn tăng sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến đó trong thời gian 1.000 ngày ông nắm quyền” “Nhân dân gây áp lực, đòi ông phải đưa lực lượng quân sự tới nơi và ông thì không muốn làm vậy. Chúng ta không bao giờ biết Kennedy sẽ làm gì với Việt Nam. Tôi không nghĩ là ông ấy biết.”

    Đại úy Lê Châu Lộc cho biết khi tiếp xúc với Đô đốc Felt vào năm 1962, TT Diệm đã nói với đại ý như sau:

    “Trong cuộc chiến đấu chống lại Cộng sản quốc tế chúng tôi cần sự giúp đỡ. Ngó quanh khắp thế giới không ai có thể giúp chúng tôi, ngoài người Mỹ . Nhưng cuộc chiến này tế nhị lắm! không chỉ thuần tuý giao tranh bằng súng đạn, mà có cả chiến tranh tâm lý, có công tác tuyên truyền. Chúng tôi vừa mới đuổi được người Pháp đi sau bao nhiêu năm chúng tôi chịu sự đô hộ của họ. Nếu bây giờ người Mỹ lại tới đây, hiện diện trên đất nước tôi bằng những đạo quân tác chiến. Người dân nông thôn vốn chất phát, họ sẽ nghĩ rằng người Mỹ đến đây cũng chẳng khác chi người Pháp trước kia. Như thế tôi biết làm sao giải thích cho đồng bào tôi hiểu. Vì dân tôi rất nặng lòng với nền độc lập, không muốn chủ quyền bị xâm phạm. Tôi mong rằng người Mỹ hiểu cho tôi. Vì nếu tôi chấp nhận cho quân đội tác chiến Mỹ ở đây, tôi nói làm sao với dân tôi bây giờ?!”

    • Muốn biết Kennedy có định rút khỏi VN hay không thì coi trong In Retrospect của McNamara, chương 3, nói rất rõ Kennedy họp HĐ an ninh QG thảo luận đề ngị của Bộ trưởng QP McNamara rút mỗi tháng 1,000 từ cuối 1963 tới 65 vì tình hình VN đã yên, Mcnamara nhân vật thứ hai trong Hành Pháp sau Kennedy
      Năm 1965 Mỹ vào VN để cứu chúng ta chứ làm gì mà kết án người ta, nhiều người nói Mỹ giết ông Diệm để đổ quân vào VN, VN đối với Mỹ là cái gì? ông Diệm đối với Mỹ cũng chẳng là cái gì cả.
      Cái chết của Kennedy cả thế giới quan tâm, cái chết của ông Diệm chỉ có một thiểu số ở VN quan tâm thôi, trên thế giới chẳng có ai biết cả

  6. Tưởng ông Phú biết thêm nhiều chuyện rồi mới nói, té ra ông cũng chỉ kể lại những điều mọi người đã biết
    Nhà Ngô, nhà Kennedy đều theo Thiên chúa Giáo La Mã đâu có tin quả báo, nếu có quả báo thì sao bọn Mao, Hồ, Staline .. Pol Pot chúng giết người như ngóe hàng chục triệu mà vẫn phây phây, ong Kennedy giết có vài người lại bị quả báo?
    Khó tin

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên