Giữa lúc Bắc Triều Tiên ngang nhiên thử tên lửa liên lục địa có tầm với tới lãnh thổ Hoa Kỳ, thách thức những đe dọa của Tổng thống Trump về Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ loan báo tiếp tục kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tốn 11 tỷ đô la ở miền Nam.
Có thể xem đây là một thành phố nhỏ của Mỹ trên đất Hàn, với 4 trường học, 5 nhà thờ, 3 quán bán thức ăn nhanh phổ biến ở Mỹ; là Arby’s, Taco Bell và Burger King. Tin của Washington Post còn cho hay có cả một ngôi chợ bán đầy đủ các loại thức ăn như bên Mỹ.
Trại binh có tên Camp Humphreys được dựng lên từ một bãi đất trống, rộng 1.400 hecta đi sâu xuống phía Nam thuộc thành phố Pyeongtaek, một khu vực nông nghiệp và phát triển chậm, cách phía nam Seoul khoảng 60 cây số.
Từ 30 năm qua, quân đội Hoa Kỳ tìm cách di chuyển các cơ sở quân sự của họ cách thật xa Seoul và ngoài tầm pháo binh của Bắc Triều Tiên. Ngay khi thế chiến II chấm dứt, bộ chỉ huy này đặt tại Yongsan, trước đây là doanh trại của Nhật Bản khi người Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Yongsan nằm sát nách Seoul và chỉ cách vùng phi quân sự có 64 cây số.
Hai chính phủ Mỹ Hàn đã điều đình từ năm 1987 về chuyện di chuyển các cơ sở quân sự của Mỹ khỏi Yongsan, nhưng các tranh cãi về chính trị và ngân sách khiến chuyện này bị chậm lại. Các phần chính của Camp Humphreys sẽ hoàn tất vào năm 2021.
Một phần của trại binh đã xong và trong tháng này Quân khu 8 sẽ di chuyển về đó với khoảng 25.000 người, tính luôn gia đình binh sĩ và nhân viên làm cho các nhà thầu. Họ có thể sử dụng các sân thể thao, sân chơi, sân trượt nước, sân golf 18 lỗ, và một quán bar để nhâm nhi.
Kể từ tháng 8 sẽ có hai trường tiểu học, một trường trung học cấp 1 và 1 trường cấp 2. Quân y viện có 68 giường nằm sắp sửa xong. Chưa kể một sân bay nhỏ, các khu huấn luyện cho xe tăng và mấy sân bắn.
Sau khi hoàn tất, trại có thể chứa 45.000 người và khu gia binh của trại có thể phục vụ trên 1.000 gia đình quân nhân.
Không những là một trại binh lớn của Mỹ, Camp Humphreys còn là một căn cứ có các công nghệ hiện đại nhất và có phương tiện trú ẩn vững chắc khi bị pháo kích.
Mặc dù hiện nay Bắc Triều Tiên tập trung chế tên lửa hạt nhân tầm xa, nhưng họ cũng đã bố trí dọc vng phi quân sự những dàn đại pháo với tới Seoul, và đó cũng là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ ngần ngại trong ý định tấn công các vị trí có tên lửa hạt nhân của miền Bắc.
Các tướng lãnh Mỹ nói rằng việc di chuyển là hợp lý, vì Pyeongtaek nằm ngoài tầm của các dàn pháo đặt ở biên giới.
Chưa gì mà Bắc Triều Tiên đã lên tiếng hăm he. Khi có tin Quân khu 8 sẽ di chuyển từ Yongsan về Pyeongtaek, Thông tấn xã Trung ương của Bắc Triều Tiên đã dẫn lời một phát ngôn viên quân sự của Bình Nhưỡng: “Căn cứ quân sự của Mỹ càng lớn chừng nào thì càng dễ cho chúng tôi nhắm đúng chừng nấy.”
Sau khi tất cả đã di chuyển về Camp Humphreys, quân đội Hoa Kỳ chỉ còn một lữ đoàn ở Camp Casey, bảo vệ vùng phi quân sự, và các cơ sở ở Yongsan sẽ đóng cửa, trả lại cho chính phủ Seoul.
Các ngành nghề ăn theo
Việc xây dựng Camp Humphreys gieo nhiều hy vọng cho vùng đất trước đây kinh tế chưa phát triển nhiều, chủ yếu là vùng trồng nho hạt to.
Khi có tin Pyeongtaek được chọn đề xây doanh trại, chính quyền địa phương đã xây một nhà ga xe lửa và một con đường có 4 làn xe, tốn 13 triệu đô la. Họ cũng đầu tư 55 triệu đô la cho một nhà máy cung cấp điện cho khu vực.
Những con đường chính của Pyeongtaek bây giờ đầy những chung cư cao tầng. Tại khu vực chung quanh cổng ra vào doanh trại, các cửa hàng và văn phòng dịch vụ của người Hàn đang cố tỏ cho thấy họ là những người thân Mỹ rõ rệt.
Hàng chục văn phòng môi giới bán nhà, thuê nhà treo lá cờ Mỹ nho nhỏ nơi cửa sổ và đặt tên doanh nghiệp của họ như “Komerican Realty,” địa ốc Hàn-Mỹ. Nhiều khu vực đang xây nhà để bán mang những tên như “Lincoln Palace” hoặc “Capitolium.”
Các ô đậu xe đã được nới rộng để xe của Mỹ có thể đậu vừa. Có những quán buffet ăn thịt bò Hàn thả giàn giá 11 đô la một người cho bữa tối, và những nhà hàng nhái theo các nhà hàng phổ thông bên Mỹ.
Có những tiêm hớt tóc có thể húi cua theo kiểu nhà binh hoặc nếu muốn sạch bong hai bên tai, bù xù bên trên để hất về phía sau hoặc thoa dầu bóng dựng lên hoặc búi lại cũng có. Quý vị Mỹ đen nam nữ muốn thắt bính nhiều sợi chúng tôi cũng phục vụ.
Vì quân nhân Mỹ từ cấp trung sĩ nhất trở xuống không được phép lái xe hơi trên đất Hàn, doanh nhân địa phương đã có sẵn những xe đạp hoặc xe gắn máy cho lính Mỹ thuê chạy đầy đường.
Nhưng dường như những người Mỹ tại trại binh này vẫn chưa thành mỏ vàng cho các doanh nghiệp địa phương.
Bà Suh Hee-yeon, chủ nhân một văn phòng có hợp đồng với quân đội Mỹ giúp tìm chỗ ở cho những quân nhân muốn sống ngoài doanh trại, chi phí được quân đội bao trọn gói, than thở rằng công chuyện làm ăn của bà chỉ gọi là tàm tạm, bởi vì càng gần đến ngày doanh trại này hoàn tất, càng có nhiều người đến mở doanh nghiệp giống như bà. “Có nhiều cạnh tranh quá, tôi phải chia sẻ miếng bánh vốn đang có giới hạn,” bà cho biết.
Nhiều người lo ngại tình trạng phạm tội sẽ tăng lên, và nhiều binh sĩ Mỹ ngây ngô sẽ bị phụ nữ Hàn lừa gạt tình tiền. Lục quân Mỹ tại đây đã soạn ra một cái app để binh sĩ của mình có thể vào đó xem những quán bar nào không nên vào, vì các quán này hoặc là có thành tích bán rượu cho người dưới 21 tuổi, hoặc là có tiếp viên phục vụ từ A tới Z.
Nhiều người dân địa phương phàn nàn người Mỹ không chịu học tiếng Hàn và cứ trông đợi dân địa phương phải biết tiếng Mỹ.
Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của dân địa phương là không biết quân nhân Mỹ tại đây có chịu mua sắm hoặc sử dụng các dịch vụ của người Hàn hay không. Ông Park Jong-ho, chủ một cửa hàng giày dép nói: “Quân nhân Mỹ ít khi ra khỏi trại. Họ đã có bất cứ thứ gì họ cần bên trong doanh trại.”
Lời bàn của Mao Tốn Cơm
Quân đội Mỹ đã có mặt ở Nam Triều Tiên từ sau chiến tranh Nam Bắc kết thúc năm 1953 mà chẳng thấy ai nói Mỹ xâm lược miền Nam, chẳng thấy ai gọi miền Nam là Ngụy, chẳng thấy miền Bắc hô hào giải phóng miền Nam đang bị đế quốc Mỹ đô hộ, bóc lột tận xương tủy, đang rên siết dưới gót giày của Mỹ.
Khi chính quyền Hàn Quốc giao miếng đất khá rộng cho Mỹ để xây doanh trại, chẳng thấy có kêu ca gì về giải phóng mặt bằng, chẳng có ai biểu tình vì đền bù không thỏa đáng, chẳng có dân oan nào bị bắt vì phản đối những vụ cưỡng chiếm đất đai. Người Hàn không có chị Cấn Thị Thêu, anh em ông Đoàn Văn Vương, cụ Lê Đình Kình…
Khi có một dự án khủng như vậy, người Hàn chẳng những góp đất mà còn bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án.
Các công ty môi giới xuất khẩu lao động Việt Nam có nên thăm dò địa điểm này để có thêm cơ hội cho dân Việt muốn đổi đời?
M.T.C (Đàn Chim Việt)
ANH NHÀ GIÀU MỸ
Mỹ quen cái thói nhà giàu
Đi đâu lủ khủ mọi đồ mang theo
Nhỏ thì từ cái bồn cầu
Lớn thì mọi thứ khỏi hầu kê ra
Giờ đây Mỹ tính đường xa
Trại binh 11 tỷ đô la quả cừ
Xây nhằm bảo vệ Nam Hàn
Chống quân miền Bắc sẳn sàng tràn vô
Quả y kẻ thổi tù và
Cho người hàng tổng đúng là lạ sao
Dư ăn dư để thế nào
Lo tràn thiên hạ bởi do mình giàu
Vì đời nào có ra gì
Luôn lò thuốc súng Mỹ thì phải lo
Ngày xưa lo ở Việt Nam
Giờ đây Hàn Quốc lại còn Trung Đông
Khiến cho dân Mỹ luôn khùng
Toàn làm những chuyện sang đàng đâu đâu
Ví mà Mỹ thảy cùi đày
Nghèo văng xơ mướp lấy chi hào hùng
Mới hay đời mãi lùng nhùng
Mạt cưa mướp đắng luôn cùng có nhau
Khác nào kẻ cắp bà già
Khi nào chẳng có hỏi mà lạ chi
TẾU NGÀN
(01/8/17)
Bài viết cũng bình thường như những bài đưa tin khác trên những phương tiện truyền thông.
Thế nhưng cái oanh liệt, dữ dội, thâm sâu nó lại nằm ở cái lời bàn của Mao Tốn Cơm “Mạc Việt Hồng”.
Tôi khoái nhất câu…có vẻ bàn ngang của Mạc Chủ Nhiệm:
(Khi chính quyền Hàn Quốc giao miếng đất khá rộng cho Mỹ để xây doanh trại, chẳng thấy có kêu ca gì về giải phóng mặt bằng, chẳng có ai biểu tình vì đền bù không thỏa đáng, chẳng có dân oan nào bị bắt vì phản đối những vụ cưỡng chiếm đất đai. Người Hàn không có chị Cấn Thị Thêu, anh em ông Đoàn Văn Vương, cụ Lê Đình Kình…)
Thanks Mam!
Mỹ xây căn cứ này xong để cho lính tráng của họ được an toàn sau đó sẽ hỏi thăm sức khỏe cậu Ủn