Điều 88 Bộ Luật hình sự và bản án vô nhân đạo !

0

Hôm qua, 25/7/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử chị Trần Thị Nga về tội « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam » theo khoản 1 Điều 88 Bộ Luật hình sự.

Chị Trần Thị Nga là một tên tuổi quen thuộc trong giới hoạt động xã hội dân sự và bất đồng chính kiến trong nước. Chị từng đồng hành bên những người dân oan Hà Nam, xuống đường tham gia biểu tình chống Formosa, đấu tranh cho một xã hội công bằng và một môi trường sống tốt đẹp. Trước Tết Nguyên đán, chị bị công an tỉnh Hà Nam bắt giữ vào ngày 21/1/2017, bất chấp hoàn cảnh gia đình khó khăn khi hai con của chị còn nhỏ.

Sau gần một tháng kể từ ngày khi Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù (29/6/2017) cũng theo Điều 88, nay đến lượt chị Trần Thị Nga bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên phạt 9 năm tù, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành xong án tù.

Trước khi phiên tòa diễn ra, dư luận không hy vọng nhiều về một bản án « nương tay » hay chính khái niệm, tưởng chừng cơ bản nhất, là công lý sẽ được thực thi. Thật vậy, bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam là một minh chứng mạnh mẽ cho sự vi phạm thô bạo quyền tự do ngôn luận khi chụp mũ một cách trơ trẽn chị Trần Thị Nga với nhiều tội danh nặng nề. Từ bao giờ đồng hành cùng những người dân khốn khổ hay xuống đường biểu tình chống lại mối hiểm họa Trung cộng lại là những hành động « xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân » ?

Khốn nạn thay khi lòng yêu nước chân chính của một công dân lại bị cả một guồng máy an ninh của chế độ hùng hổ vào cuộc đàn áp, bắt bớ, giam cầm  và bị qui chụp « tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».

Khi xã hội không còn chỗ cho sự nhân bản, thay vào đó là sự băng hoại đạo đức. Khi quyền con người bị chà đạp bởi chính nhà cầm quyền, khi chủ quyền dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng bởi chính thái độ hèn nhát của những kẻ đang lãnh đạo đất nước và khi giai cấp công nhân nghèo khổ, cơ cực bị bỏ rơi bởi chính « đội tiên phong, đại biểu trung thành nhất » của họ : đảng cộng sản Việt Nam thì chỉ có người dân, chứ không một thế lực nào khác, phải lên tiếng tranh đấu cho công bằng xã hội. Và chính sự sinh tồn của cả đất nước này phải dựa trên những đôi vai nhỏ bé của những người phụ nữ can trường như chị Nga.

Để cứu vớt lấy sự tồn tại của một chế độ độc tài đảng trị, đảng CSVN dựa vào Điều 88 Bộ  Luật hình sự như một công cụ đắc lực nhằm dập tắt, bóp nghẹt mọi đòi hỏi đổi thay từ người dân. Với hai khung hình phạt, nhẹ nhất từ 3 đến 10 năm, nặng nhất từ 10 đến 20 năm, nhà nước CSVN có tất cả mọi quyền lực để đàn áp, khủng bố và giam cầm bất cứ mọi công dân Việt Nam dưới chiêu bài gìn giữ sự ổn định chính trị và xã hội. Không ai được quyền chỉ trích lập trường của đảng, của chính phủ. Bất cứ mọi thái độ, dẫu ôn hòa, đấu tranh nhằm dân chủ hóa đất nước, một nhu cầu cấp bách của một xã hội tiến bộ, đều bị kết tội chống phá nhà nước và âm mưu lập đổ chính quyền. Cả một hệ thống Tư pháp được tạo nên nhằm củng cố, duy trì sự tồn tại của một thể chế chính trị và công khai đàn áp công dân bằng những bản án dã man, vô nhân đạo là bằng chứng cho sự vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế của nhà cầm  quyền Việt Nam.

Cũng chính việc thi hành Điều luật 88 một cách mơ hồ, tùy tiện và sự sợ hãi bị trù dập đã khiến sự phản biện cần thiết trong xã hội bị mai một, trở thành món hàng xa xỉ. Nỗi sợ hãi quá lớn, bao trùm cuộc sống, ai cũng « biết » nguyên cơ nhưng không dám nói, không can đảm đứng lên vạch trần những vấn nạn, những ung nhọt của một xã hội bệnh hoạn. Khả năng phải đối diện với những bản án, với nhưng năm tháng tù tội đã biến nhiều trí thức thành những kẻ ích kỷ, bỏ mặc cộng đồng, thậm chí đồng lõa với chế độ, với cái ác. Thái độ thờ ơ, bàng quan với hiện tình chính trị của đất nước trở nên căn bệnh trầm kha của bao thế hệ. Mặc kệ nó ! Đã có đảng và chính phủ lo !

Thế cho nên, sự đấu tranh ôn hòa nhưng bất khuất của những người dân thấp cổ bé họng như chị Trần Thị Nga trong hoàn cảnh chính trị phức tạp, là tiền đề cho biết bao hy vọng đổi thay. Không nỗi sợ hãi nào có thể dập tắt ý chí của chị. Ngay cả nỗi niềm xa con thơ. Bản án của nhà nước cộng sản dành cho chị chính là cái tát vỡ mặt vào những kẻ đang lộng quyền, độc quyền lãnh đạo đất nước. Nó biểu hiện sự bế tắc của chế độ trong việc đối đầu với làn sóng bất đồng chính kiến ngày càng dâng cao.

Tuyến án 9 năm tù một người mẹ của hai đứa con thơ là một bản án vô nhân đạo, bỉ ổi nhất mà quyền lực độc tài làm được với hy vọng răn đe, làm khiếp sợ những ai dám công khai chỉ trích chế độ. Nhưng chính cái đảng cộng sản này mới đang phải lo sợ vì họ không còn biết dựa vào đâu để bảo vệ tính chính danh ngoài vũ lực. Họ ra sức cứu vớt cái thể chế chính trị đi ngược lại quyền lợi của dân tộc. Cái thời mạt vận của đảng cộng sản lộ rõ qua những vụ bắt bớ, cáo buộc và những phiên tòa lố bịch dành cho những người đấu tranh bất bạo động, những người yêu nước chân chính.

Mới hay con tạo xoay vần

Có khi bĩ cực đến tuần Thái lai

Sự thay đổi là tất yếu. Đảng cộng sản Việt Nam không thể nào ngăn chặn hay dập tắt nỗi khát khao dân chủ của người dân. Tất cả mọi đàn áp, dẫu có man rợ, khát máu đến đâu cũng chỉ là sự đối phó tạm thời. Nó chỉ càng nung nấu ý chí và khát vọng tạo nên một cuộc thay máu toàn diện của nhân dân Việt Nam.

Chế độ này có thể bỏ tù vài cá nhân nhưng không thể nào giam cầm hàng ngàn, hàng triệu tiếng nói phản kháng. Dứt khoát cái thể chế chính trị độc tài này cùng những Điều luật vi phạm nhân quyền như 79, 87, 88, 245 và 258 của Bộ Luật hình sự sẽ phải bị xóa sổ khỏi đời sống chính trị của dân tộc.

Freedom is not free ! Phải tranh đấu, thậm chí hy sinh, cho các giá trị căn bản nhất của con người, mới giành được Tự do. Đó là chân lý của nhân loại. Những người như chị Nga, vì mảnh đất Việt Nam, đang phải chịu những bản án tù đày nặng nề sẽ không bao giờ bị rơi vào quên lãng. Ngược lại, sẽ có nhiều, rất nhiều những Trần Thị Nga khác tiếp nối con đường đấu tranh bền bỉ nhằm xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, phồn thịnh và nhân bản.

 

Lâm Bình Duy Nhiên, 26/7/2017

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên