Tin cho hay một thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), năm ngoái từng bị chặn gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, nay bị bắt vì Điều 88.
Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, là thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Trong dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và gặp gỡ các thành viên YSEALI tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2016, anh bị câu lưu ngay tại địa điểm diễn ra cuộc gặp với ông Obama.
Thông báo của Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội do Đại tá Trần Quốc Khánh ký hôm 3/7 ghi: “Trần Hoàng Phúc có hành vi tàng trữ, làm và đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước lên mạng Internet, vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự.”
Hiện anh Phúc đang bị giam tại Trại tạm giam số 1 ở Hà Nội.
‘Đe dọa’
Hôm 4/7, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của anh Trần Hoàng Phúc, nói với BBC rằng bà “không tiện trả lời bất kỳ câu hỏi nào”.
Cùng ngày, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh: “Chỉ tính trong năm nay, nhiều bạn trẻ, nhà hoạt động xã hội đã bắt giữ, truy tố và phạt tù theo Điều 88.”
“Có thể kể đến anh Nguyễn Văn Hóa bị chuyển tội danh từ Điều 258 sang 88. Mới đây nhất là bản án 10 năm tù theo Điều 88 cho blogger Mẹ Nấm. Theo tôi, đây là chỉ dấu cho thấy chính quyền tỏ ra lo sợ, e ngại trước sự tham gia của các bạn trẻ tuổi vào các sự kiện chính trị trong nước.”
“Và họ dùng việc bắt giữ nhằm đe dọa và chuyển tải thông điệp rằng sẽ mạnh tay với những người trẻ khác đang có tư tưởng này.“
“Dù lúng túng xử lý xử lý các vấn đề xã hội nhưng họ vẫn không muốn người dân tham gia vào các vấn đề được coi là chính trị.”
Theo luật Việt Nam, những người vi phạm Điều 88 sẽ bị phạt từ 3 năm đến 12 năm tù giam.
Gần đây, một số người bị truy tố theo điều khoản này nhưng chưa đưa ra xét xử là nhà hoạt động Thúy Nga, luật sư Nguyễn Văn Đài và trợ tá Lê Thu Hà.
Tháng 10/2016, Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà cao ủy nhân quyền nói là “vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.
Theo thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Việt Nam hiện có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang thụ án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo.
Tin từ BBC