LTS: Hàng loạt các động thái cho thấy Bắc Kinh đang rất tức giận với Hà Nội. Giàn khoan HD981 lại vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từng có tin rằng, nổ súng đã xảy ra trên biển Đông, nhưng không có thương vong.
Trên mặt trận ngoại giao, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần qua và giao lưu quốc phòng Việt Trung đã bị hủy bỏ.
Trước đó ông tướng này tuyên bố, các đảo nằm trong vùng biển Nam Hải (tức biển Đông) đều đã thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ.
Nguyên nhân tức giận thực sự của Trung Quốc có thể liên quan tới dự án khai thác khí với mức đầu tư trên chục tỉ USD mà Việt Nam mới ký gần đây với Exxon Mobil.
Đàn Chim Việt xin đăng lại 1 bản tin cũ bởi nó có thể liên quan tới những căng thẳng gia tăng mới đây trên biển Đông
———————————————
Ngày 27-3, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã ra thông cáo cho biết PVN, tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
PVN cho biết việc ký kết này có sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 26-3.
PVN không công bố cụ thể vốn đầu tư cho dự án khai thác khí lớn ngoài khơi khu vực biển miền Trung này là bao nhiêu, nhưng khẳng định tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho hơn 24 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỉ USD, trong đó có dự án mỏ khí Cá Voi Xanh của PVN.
Trước đó, đã có thông tin về việc Exxon Mobil cho rằng giá trị đầu tư của dự án liên quan các dự án Cá Voi Xanh rất lớn, có thể tới 20 tỉ USD.
PVN cho biết mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ lên tới 150 tỉ m3. Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai.
Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW. Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023.
Cả hai nhà máy xử lý khí và điện trên sẽ đặt tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam , dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác sẽ lên tới khoảng 9 – 10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
(Theo Tuổi Trẻ)