Học giả Trung Quốc bình: Tính toán khôn ngoan của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản

1

China.com.cn ngày 9/6 đăng bài phân tích của Trợ lý nghiên cứu Nhiếp Huệ Huệ từ Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bài viết của tác giả Nhiếp Huệ Huệ có tiêu đề: “Tính toán khôn ngoan của Việt Nam trong chính sách ngoại giao đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản”.

Bài viết này trong chừng mực nào đó phản ánh nhận thức của giới nghiên cứu Trung Quốc đương đại về chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông và quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Do đó, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc nguyên văn chuyển ngữ nội dung bài viết này, và xin có đôi lời bình luận phía dưới.

Chúng tôi xin lưu ý, để biết người biết ta, nội dung chuyển ngữ bài viết của tác giả Nhiếp Huệ Huệ phản ánh nhận thức và lập trường của giới nghiên cứu Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông được giữ nguyên.

Bởi đảm bảo tính xác thực của văn bản sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về đánh giá của giới nghiên cứu Trung Quốc.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ủng hộ hay cổ súy cho các lập luận của họ trong các vấn đề có liên quan đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông hay trong quan hệ đối ngoại với các nước.

Gần đây, hoạt động ngoại giao của Việt Nam vô cùng năng động

Ngày 31/5 theo múi giờ Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến thăm chính thức nước Mỹ. Ngày 4/6, ông lại tiếp tục thăm Nhật Bản.

Mọi người đều biết rằng, trong chính sách ngoại giao với các nước lớn của Việt Nam, quan hệ Việt – Mỹ và Việt – Nhật có rất nhiều điểm đồng.

Ví dụ như hợp tác kinh tế đi trước, sau đó thúc đẩy hợp tác chính trị, nhân văn, quốc phòng những năm gần đây ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, cách nhìn cũng như mong đợi của Việt Nam đối với hai quốc gia này có gì khác nhau không?

Thông qua chuyến thăm Mỹ, Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta có thể rút ra một, hai điều.

Quan hệ Việt – Mỹ: tìm kiếm cái rõ ràng trong cái không rõ ràng

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ kể từ khi nhậm chức. Nếu dùng một từ để khái quát chuyến đi này, thì đó là “mua, mua và mua”.

Ngoài các cuộc gặp dày đặc với chính giới và giới công thương Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn dành nhiều thời gian để tiếp các doanh nghiệp Mỹ, dẫn đoàn (chứng kiến lễ ký hợp đồng) mua các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.

Theo truyền thông, hai bên đã ký kết các hợp đồng tổng trị giá 8 tỉ USD trong chuyến thăm này.

Sau khi các doanh nghiệp Việt Nam đặt đơn hàng khá lớn cho phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc họp báo, ông đánh giá cao việc này vì nó làm tăng cơ hội việc làm khá lớn cho người Mỹ.

Nguyên nhân nào thúc đẩy Thủ tướng Việt Nam đi Mỹ mang theo đơn hàng lớn như vậy? Điều này cần xem xét từ cơ cấu quan hệ Việt – Mỹ.

Quan hệ thương mại song phương này lâu nay tồn tại tình trạng xuất siêu Việt Nam sang Mỹ khá lớn. Hàng năm, Việt Nam xuất sang Mỹ rất nhiều mặt hàng, từ may mặc, giầy da cho đến sản phẩm điện tử.

Sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump chủ trương “nước Mỹ trên hết”, chỉ trích Việt Nam là một trong 16 quốc gia có thâm hụt thương mại và “đánh cắp việc làm” của người Mỹ, hy vọng Việt Nam nhanh chóng cải thiện hiện trạng mất cân bằng mậu dịch song phương.

Theo dự báo của Ngân hàng Credit Suisse, Thụy Sĩ, nếu Mỹ nâng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Việt Nam, GDP của Việt Nam có thể bị giảm xuống 0,9%.

Để cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt ông Donald Trump, Việt Nam không tiếc “bỏ ngàn vàng mua nụ cười đối tác”, dùng hành động thực tế để thể hiện quyết tâm cải thiện tình trạng mất cân bằng mậu dịch song phương.

Trên thực tế, sự phụ thuộc của Việt Nam vào Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở thương mại.

Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, truyền thông Việt Nam ồ ạt thảo luận vấn đề, liệu Mỹ có rút khỏi châu Á – Thái Bình Dương hay không. Họ rất lo ngại Washington có khả năng thu mình, biệt lập.

Trong mắt Việt Nam, chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mỹ có thể đem lại cho họ những lợi ích chiến lược rất lớn.

Đặc biệt là nó giúp họ kiềm chế yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí có thể được Mỹ chống lưng cho các hành động xâm hại quyền lợi ở Biển Đông.

Nhưng đối với nước Mỹ mà nói, Việt Nam hoàn toàn không phải là (đối tác) không thể thay thế.

Nếu Mỹ vẫn còn hứng thú với châu Á – Thái Bình Dương, rõ ràng Việt Nam là một trong những trợ thủ phù hợp nhất.

Nhưng một khi Mỹ “chuyển hướng”, tầm quan trọng của Việt Nam sẽ giảm xuống nhanh chóng.

Đặc biệt là một loạt biểu hiện và hoạt động của ông Donald Trump về ngoại giao kể từ khi nhậm chức, khiến Việt Nam rơi vào trạng thái lo lắng, bất an.

Việt Nam phải tìm cách xác định, nắm bắt xu hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong “hỏa mù Donald Trump”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ lần này, vừa có ý thăm dò chính sách ngoại giao của Washington, vừa muốn thông qua hoạt động “mua, mua và mua” để thu hút sự coi trọng từ phía Mỹ.

Quan hệ Việt – Nhật: trong tuần trăng mật, mỗi bên mang một tâm tư

So sánh với chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trước đó, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam có thể khái quát đơn giản bằng từ “lấy, lấy và lấy”.

Ngoài việc nhận được cam kết cung cấp 100 tỉ yên vốn vay ODA, hai nước còn ký kết 14 văn kiện hợp tác. Doanh nghiệp hai nước ký các hợp đồng trong chuyến thăm này có tổng trị giá lên tới 22 tỉ USD.

Chỉ nhìn lại hoạt động thăm viếng qua lại giữa cấp cao hai nước vài năm gần đây có thể thấy, tương tác giữa Việt Nam và Nhật Bản rất mật thiết.

Ví như ông Nguyễn Xuân Phúc mới nhậm chức Thủ tướng hơn 1 năm, nhưng đã có 2 lần thăm Nhật Bản.

Chẳng bao lâu sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thăm chính thức Việt Nam tháng Giêng năm nay, Nhật Hoàng và Hoàng hậu lại thăm chính thức Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước Nhật Bản, Việt Nam còn nhiều lần nhấn mạnh, quan hệ hợp tác song phương đang phát triển tốt đẹp nhất kể từ trước đến nay.

Nếu so với các nước khác, quả thật Nhật Bản không hổ là đối tác chiến lược sâu sắc của Việt Nam.

Khác với Nga và Ấn Độ vẫn còn “sở đoản kinh tế” (trong quan hệ với Việt Nam), quan hệ Việt – Nhật cũng không có vướng mắc gì về nhân quyền hay lịch sử, hợp tác song phương bao trùm cả kinh tế – thương mại – nhân văn – giáo dục- y tế…

Mức độ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản tuy không bằng Việt Nam với Trung Quốc, nhưng hai nước không có tranh chấp trên biển, hơn nữa lại cùng có nhu cầu kiềm chế Trung Quốc (?!), cho nên hai nước dễ đồng cảm.

Nhật Bản đã cung cấp vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong thời gian dài, là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, giúp Việt Nam bồi dưỡng nhân tài, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Có thể nói, trong mọi lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, đều có bóng dáng Nhật Bản trong đó.

Nhưng Việt Nam thừa biết, Nhật Bản cần tình hữu nghị của Việt Nam hơn là Mỹ cần.

Việt Nam cũng khỏi lo Nhật Bản rút khỏi Đông Nam Á, trong khi thừa biết lo ngại của Tokyo đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc không dễ hóa giải trong một sớm một chiều.

Nói chung Việt Nam biết giá trị chiến lược của mình trong mắt Nhật Bản.

Cũng chính vì điều này, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới có thể “lấy, lấy và lấy”.

Nhưng Việt Nam cũng không muốn vuốt mặt không nể mũi trong quan hệ với Trung Quốc.

Quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng rất sâu sắc, quan hệ thương mại Việt – Trung đã thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, sợi dây liên hệ về văn hóa giữa hai nước không dễ gì cắt bỏ.

Nếu chỉ nhìn từ các lợi ích một cách giản đơn, một khi Việt Nam để mất quan hệ mật thiết với Trung Quốc, địa vị của họ trong mắt các quốc gia khác cũng sẽ suy giảm sau đó.

Tóm lại, Việt Nam chỉ lợi dụng tâm lý Nhật Bản muốn kiềm chế Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích cho mình mà thôi.

Trong một khoảng thời gian quá ngắn, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc liên tục thăm Hoa Kỳ rồi Nhật Bản.

Có thể nói, đó chính là sự thể hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Nhưng từ sự khác biệt trong hai chuyến thăm này, cũng có thể thấy rõ tính toán khôn ngoan trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam.”.

1 BÌNH LUẬN

  1. Người trung quốc có câu biết địch biết ta trăm trận trăm thắng….đối với TQ việt nam như con cá nằm trước miệng mèo…như con nai nằm trước mũi hổ bất cứ động thái nào của VN cũng đều bị TQ kiểm soát…ở đây cũng cần phải khen ông nhà nghiên cứu…vì dẫu sao Ông ta cũng đã bỏ ra nhiều công sức để có được sự hiểu biết thấu đáo về VN như thế được…vì chưa chắc ở VN có được nhà nghiên cứu hay học giả nào hiểu về TỔ QUỐC mình kỹ và thấu đáo như nhà chuyên gia TQ này…thực ra cơ hội VÀNG cho VN độc lập tựdo dân chú ĐÚNG NGHĨA có hai lần vào những giai đoạn 1946-1957…1965-1967…sau đó theo thời gian cơ hội nó cứ lùi xa dần và mất hẳn…để bây giờ Ô thủ tướng lại phả lọ mọ đi cầu canh người ta….

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên