Tác giả: Pierre Darriulat
Người dịch: Thanh Xuân
John Doe là một nông dân ở Nebraska (Mỹ). Ông trồng ngô. Ông đồng thời cũng là một cư dân mạng. Công việc canh tác ngày nay phần lớn được tự động hóa nên John có rất nhiều thời gian rảnh để chơi game online. Ông gia nhập một mạng lưới người chơi trên toàn nước Mỹ. John chơi rất giỏi những game nhập vai siêu anh hùng kiểu như Iron Man hay Spiderman, tham gia vào những trận đánh trên các thiên hà xa xôi. Captain America là vai ưa thích của ông. Giả thử Captain America có tham gia tranh cử ở Mỹ thì hẳn là John đã bầu cho chàng ta một phiếu. Nhưng Captain America không tranh cử, nên John quyết định bầu cho Donald Trump. Ông không hối tiếc điều này bởi giờ đây ông có thể hằng ngày đọc những dòng tweet từ Trump với nội dung đơn giản mà ông có thể hiểu, ví dụ: Obama thật ti tiện khi nghe trộm điện thoại của tôi […] ông ta thật xấu xa [hoặc bệnh hoạn]! John Doe thực sự vui thích lên mạng vì những chuyện như vậy.
Người ta nói rằng các đường song song không bao giờ giao cắt, nhưng các thế giới song song đôi lúc vẫn gặp nhau một cách hiếm hoi và ngắn ngủi, chỉ đủ để trao nhau một cái bắt tay hay một nụ cười. Một thế giới của người giàu và một thế giới của người nghèo. Gần đây, nhà kinh tế người Pháp, Thomas Piketty, xuất bản một cuốn best-seller, Tư bản trong thế kỷ 21, trong đó ông dùng toán học để chỉ ra khoảng cách giữa hai thế giới ngày càng gia tăng sâu sắc. Nhưng chẳng cần đến những con số minh họa thì từ lâu chúng ta đã biết điều này. Trong nửa sau thế kỷ 19, một triết gia người Đức từng viết một cuốn sách về cùng chủ đề, đó cũng là một best-seller. Ông nổi tiếng với lời kêu gọi công nhân trên toàn thế giới đoàn kết lại. Các bạn chẳng có gì để mất ngoài những xiềng xích, ông bảo họ. Tuy nhiên, những người công nhân Pháp và công nhân Đức sống trong những thế giới song song, mỗi bên tin rằng thế giới bên mình là tốt, bên kia là xấu. Vài thập kỷ sau, họ ném bom vào nhau, giành giật nhau từng tấc đất chiến hào lầy lội, và kết quả là gần hai mươi triệu người chết, một nửa là dân thường, một nửa là quân nhân.
Trái ngược với thế giới của người nghèo, thế giới của người giàu không hề chia cắt thành những không gian song song phân định bởi ranh giới các quốc gia. Đó là thế giới của toàn cầu hóa, những tập đoàn đa quốc gia. 54 người giàu nhất nắm trong tay 1,4 nghìn tỷ USD, bằng tổng của cải của một nửa dân số thế giới, những người nghèo ở tầng lớp dưới.
Gần hai năm trước, cầu Long Biên được bảo dưỡng. Nhiều đinh ốc rỉ sét được thay thế. Phải nói rằng những người công nhân thực hiện công việc này là những nghệ sỹ xiếc; một đoạn phim chiếu trên internet1 cho thấy họ khéo léo thế nào, một người tung những chiếc đinh nóng đỏ, một người khác dùng phễu nhôm để hứng lấy từ xa rồi đưa vào đóng xuống đúng vị trí. Tôi đã chiếu đoạn phim này tại một tọa đàm bàn tròn về an toàn hạt nhân trong một hội thảo ở Đà Nẵng mà tôi được mời. Những người công nhân trên cầu Long Biên và những đại biểu họp tại Đà Nẵng sống trong những thế giới giao cắt nhau, điểm giao cắt chính là khi các vị quan khách đại biểu được xem đoạn phim nói trên; tuy nhiên thế giới của họ vẫn là những thế giới song song, bởi đoạn phim mà tôi cho trình chiếu tại hội thảo không hề mang lại thay đổi gì cho những người công nhân cũng như chẳng ảnh hưởng gì tới các vị đại biểu.
Sống trong cùng thế giới của những người công nhân làm việc trên cầu Long Biên là rất nhiều những người công nhân Việt Nam khác mà tôi được thấy. Những người phụ nữ cắt cỏ trên dải phân cách đường Hoàng Quốc Việt, ngay trước mặt viện nghiên cứu nơi tôi làm việc, ít năm trước họ còn dùng kéo, nay họ cải tiến hơn: sử dụng liềm. Những phụ nữ đẩy những chiếc xe rác đầy ứ qua các ngõ ngách, dùng hai thanh sắt gõ vào nhau để báo hiệu cho cư dân về sự có mặt của mình. Và những người gác thanh chắn đường tàu đoạn đi qua Điện Biên Phủ. Các công nghệ tân tiến vẫn chưa hề chạm đến thế giới của họ, ngoại trừ việc mỗi người đều sở hữu một chiếc điện thoại di động để tự chụp selfies hay chụp ảnh con cháu mình và chia sẻ trên Facebook. Họ cũng là những cư dân mạng.
Gần đây, thế giới của người giàu bị xâm lấn bởi những phần tử lạ. Đó không phải là người thực như bạn và tôi mà là những robot được lập trình bởi những công ty đa quốc gia, như Siemens, Google hay Samsung. Các chuyên gia nói về Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Internet của vạn vật, hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, và họ viết tắt là IoT và Công nghiệp 4.0. Họ rất thích nói tắt, nào là mạng 5G, in 3D, rồi CPS (viết tắt của Cyber-Physical Systems). Họ vẽ ra một viễn cảnh tương lai theo kiểu tiểu thuyết Aldous Huxley: robot tự học hỏi, máy móc tự tái định dạng, môi trường nhận dạng thông minh, phần cứng kèm cảm ứng nối mạng, và toàn bộ Trái đất biến thành một bộ não khổng lồ.
Với bạn và tôi, đây dường như là những khái niệm đến từ hành tinh khác; nhưng may mắn là một số người hiểu được và lý giải chúng theo cách chúng ta tiếp thu được; ví dụ khi ông Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam trả lời phỏng vấn báo Hải quan2: bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là việc tạo ra các hệ thống ảo được thiết lập từ môi trường thông tin, giúp kết nối và tương tác giữa con người, máy móc và thế giới thực thông qua cả năm giác quan. Điển hình nhất cho sự liên kết thực và ảo hiện nay là sự ra đời IoT (Internet of Things – Internet kết nối vạn vật). Có thể lấy ví dụ về trò chơi Pokemon Go được phát triển gần đây, thế giới trong game là thế giới ảo nhưng đã có sự tương tác với con người, nếu được phát triển thành những mối quan hệ thông minh hơn, có độ tương tác mạnh hơn như hiểu được cảm xúc con người… thì sẽ càng tác động lớn đến đời sống xã hội.
Tôi không biết nhiều về Pokemon, ngoài từng nghe các cháu mình hồi bé có nhắc đến tên nhân vật hoạt hình này, và tôi phải thừa nhận là mình đã quá già để có thể hiểu vì sao nó có thể tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội… Trong một bài phỏng vấn khác, chủ tịch Express/Asia-Pacific giải đáp mối lo ngại của tôi rằng Công nghiệp 4.0 sẽ chỉ làm lợi cho những tập đoàn đa quốc gia: không hề nhé, bà ta khẳng định, Markor, công ty bán lẻ đồ nội thất Trung Quốc, nhận ra họ có thể đổi mới chuỗi cung ứng của mình để nhận diện các xu hướng trong hành vi người tiêu dùng. Công ty tạo ra một ứng dụng trên điện thoại di động, dùng dữ liệu lớn để nhận biết các xu hướng này, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp cho khách hàng về kiểu dáng sản phẩm. Sử dụng các thiết bị di động, nhân viên bán hàng có thể cho khách xem trước các bản demo sản phẩm và hình ảnh 3D của đồ nội thất được tùy chỉnh theo ý khách. Khi việc mua bán thành công, sở thích của khách và các chi tiết giao dịch được tự động lưu trữ và công ty dùng những thông tin này để định hướng cho hoạt động kinh doanh tiếp theo. Bạn nghe có tuyệt vời không? Chẳng phải tôi đã nói rồi sao, đúng kiểu Aldous Huxley.
Hẳn là tôi cần bỏ nhiều công sức hơn để có thể hiểu đầy đủ về tất cả những điều này. Tuy nhiên, [không quá khó để thấy rằng] xe tự lái sẽ chẳng giúp ích gì cho người Hà Nội khi mỗi ngày đều đối diện với nạn kẹt xe. Công nghiệp 4.0, dường như chỉ phục vụ lợi ích của người giàu. Liệu những người thợ mỏ ở Trung Quốc (1.043 người chết vì tai nạn hầm mỏ năm 2013, năm cuối cùng có số liệu thống kê về vấn nạn này) có quan tâm đến Internet của vạn vật hay Lưu trữ Dữ liệu Điện toán đám mây? Công nghiệp 4.0 vẫn cần đến điện để chạy, trong đó điện than vẫn chiếm phần lớn, nhưng các chuyên gia lại thích nói về năng lượng tái tạo bởi nghe có vẻ hợp mốt và hợp tai công chúng.
Liệu một cô thợ may làm việc trong một xưởng may của Việt Nam có quan tâm đến đóng góp của Công nghiệp 4.0 tới sự phát triển của “thời trang ăn liền” (fast-fashion)? Không, điều cô ta nên quan tâm là nguy cơ mất việc: hàng triệu công nhân dệt may nên lo ngại về điều này. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Thế giới, công nhân trong hai ngành công nghiệp lớn và đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam – dệt may và điện tử – đang nằm trong diện rủi ro: 86% công nhân dệt may có thể bị thay thế bởi các dây chuyền tự động hóa và robot trong các thập kỷ tới. Năng suất và ứng dụng công nghệ ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác: ngành dệt may Việt Nam có năng suất chỉ bằng 20% của Thái Lan. Sản xuất dệt may ở Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào số lượng lao động hơn là tay nghề kỹ thuật cao. Tổng số lao động Việt Nam dự kiến đạt 62 triệu vào 2025, đặt ra một thách thức lớn cho quốc gia, đòi hỏi hơn bảy triệu việc làm mới được tạo ra hằng năm.
Vậy ai sẽ hưởng lợi từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư? Gần đây tôi đọc một bài báo thú vị bởi những người được coi là các nhà tư vấn chiến lược ở Đức3; họ đưa ra câu trả lời, không phải dưới giác độ Việt Nam, mà của châu Âu. Về cơ bản, họ quan ngại rằng các nước đang phát triển đã tăng gấp đôi thị phần thế giới trong các ngành sản xuất chế tạo, khiến thị phần của châu Âu giảm từ 35% xuống còn 24%. Từ năm 1991 tới năm 2011, thị phần sản xuất chế tạo trên thế giới của các nước đang phát triển tăng từ 21% lên 40%, trong đó châu Á (không tính Nhật Bản) thị phần tăng từ 8% lên 31%. Xu hướng thuê khoán từ những nước lao động giá rẻ khiến châu Âu lâm vào tình trạng giải công nghiệp, kỹ năng lao động bị mai một, và buộc những nước công nghiệp yếu phải dựng lên các rào cản để tự bảo vệ. Theo các tác giả của bài báo, hiện nay chính là thời điểm châu Âu tận dụng cơ hội từ Công nghiệp 4.0 để phản kích. Tuy nhiên, bài báo không thuyết phục được độc giả rằng cơ hội phản kích này có nhiều triển vọng sẽ thành công.
Với Việt Nam thì sao? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây yêu cầu các cơ quan trung ương và địa phương phải có kế hoạch tận dụng tối đa những cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cụ thể, các bộ, ngành sẽ cung cấp dịch vụ công chất lượng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình thủ tục hành chính. Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách sự phát triển an toàn và vận hành hợp lý mạng lưới di động 4G từ nay tới 2018. Bộ KH&CN thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia về toán, vật lý, và các ngành khoa học cơ bản khác. Bộ GD&ĐT thúc đẩy giáo dục STEM ở các trường phổ thông. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách thuế và tài chính nhằm khuyến khích các công ty đầu tư cho công nghệ mới và R&D.
Đây là những điều thiết thực mà chúng ta có thể hiểu. Chúng phù hợp với tình hình hiện nay của Việt Nam, với những lợi thế và nhược điểm của đất nước cũng như bức tranh chung của thế giới xung quanh. Ít ra, chúng ta không coi Công nghiệp 4.0 như một thách thức để tự bào chữa [cho sự tụt hậu của mình], mà coi đó như một động lực cho đổi mới (mặc dù đổi mới là yêu cầu tất yếu, dù có Công nghiệp 4.0 hay không). Chúng ta thừa hiểu những nguy cơ cho đất nước nếu cứ kéo dài mãi tình trạng bị bóc lột, là điểm cung cấp lao động giá rẻ cho các nước giàu. Chúng ta hiểu rõ một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia là chuẩn bị cho thế hệ trẻ khả năng sẵn sàng đáp ứng những công việc của ngày mai, rằng giáo dục và đào tạo là chìa khóa cho tương lai của Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế gì? Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 6% trong năm ngoái; có đánh giá cho rằng Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ tám trên thế giới, tính từ nay tới năm 2050. Đội ngũ lao động tăng trưởng mỗi năm trên một triệu người, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,5%. Giới trung lưu có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, đạt 33 triệu người vào năm 2020. Độ tuổi trung vị chỉ trên 29. Gần 70% dân số trong độ tuổi 15 tới 64. Một phần tư dân số dưới độ tuổi 15. So với các nước có mức thu nhập tương đương, Việt Nam có mức đổi mới sáng tạo cao hơn; so với các nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương, Việt Nam liên tục có thành tựu vượt trội.
Nhưng theo cách nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, lợi thế chủ yếu của Việt Nam là ở đội ngũ lao động giá rẻ. Mức lương tối thiểu theo quy định quốc gia là 110 USD/tháng, trong khi của Trung Quốc là 160 USD, của Thái Lan là 230 USD. Rõ ràng Việt Nam không thể tự bằng lòng với mức thu nhập thấp như vậy; chỉ nên coi đây như một bước phát triển quá độ trên con đường tiến tới tương lai thịnh vượng hơn. Khi Việt Nam ngày càng mở cửa đón đầu tư nước ngoài, dòng chảy FDI tăng một cách vững chắc, đạt 24,4 tỷ USD trong năm 2016, tăng 9% so với năm trước đó; 78% dòng vốn này là từ châu Á, trong đó riêng Hàn Quốc có 7 tỷ USD.
Trong nhiều năm, các nhà quan sát nền kinh tế Việt Nam đều có chung một quan điểm. Một bài báo gần đây của Dung Phan đăng trên ASEAN Today4 tổng kết khá đầy đủ quan điểm này, tôi chỉ xin trích dẫn một vài luận điểm nổi bật nhất: Kể từ khi ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc suy giảm, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm thị trường nóng tiếp theo. Trong năm năm qua, xuất khẩu của quốc gia này tăng hơn gấp đôi, lao động giá rẻ và hạ tầng chi phí thấp thu hút FDI đổ vào ngành công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, những thành tựu này mặc dù là dấu hiệu thành công đáng kể về kinh tế, cũng đồng thời tiềm ẩn sâu trong đó nguy cơ mất cân bằng. Hãy nhìn vào mối quan hệ giữa sự thiếu vắng đội ngũ nhân lực trình độ cao và sự dư thừa nhân lực trình độ thấp, thường được gọi là “lao động giá rẻ”, trong ngành chế tạo. Sự chú trọng vào tăng trưởng kinh tế có thể che đậy tình trạng lao động trình độ thấp, với cách nhìn coi “lao động giá rẻ” là “nguồn lực dồi dào thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế”. Năng suất và chất lượng lao động của Việt Nam thấp và tụt hậu xa so với khu vực. Việt Nam nay đối diện với sự khan hiếm lao động trình độ cao do giáo dục cấp ba không đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Lạm phát khiến lương tăng nhanh trong khi trình độ lao động không tăng nhanh tương ứng, gây hạn chế tăng trưởng và tăng thêm các thách thức cho các nhà hoạch định chính sách. Đất nước không thể cứ mãi dựa vào mức lương thấp. Cạnh tranh dựa vào lương thấp là rất rủi ro, chỉ nên được coi như giải pháp tạm thời trước mắt với một nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào lao động giá rẻ thì sẽ không có động lực đổi mới công nghệ để chuyển sang những kỹ thuật tiên tiến hơn.
Chúng ta hãy đừng quá mơ mộng, hãy tạm quên đi những thế giới ảo song song nơi Donald Trump giao thoa với Captain America, nơi Pokemon gây bão trong đời sống xã hội, hay robot tư duy giống như người. Việc nối mạng có ích lợi là cho phép chúng ta dễ dàng khám phá những thế giới song song, những thế giới có thực trong đời sống, nơi những đứa trẻ chết đói ở Hạ Sahara, những cậu bé Iraq kẹt dưới bom đạn ở Mosul, những bé gái Nigeria bị Boko Haram bắt cóc. Có thể điều đó sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, điều mà thế giới đang rất cần. Bên cạnh đó, việc nối mạng cũng giúp chúng ta khám phá về những thế giới hạnh phúc hơn, là cơ sở cho hi vọng, điều mà thế giới cũng đang rất cần. Một ví dụ điển hình chính là tiến trình ngoạn mục của Việt Nam trong cải thiện mặt bằng sức khỏe của người dân, đạt mức tuổi thọ trung bình cao hơn đáng kể so với những nước khác có mức GDP đầu người tương đương; và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm tới ba lần trong vòng hai thập kỷ qua. Những thông tin như vậy giúp chúng ta hiểu sâu hơn về thực tế đất nước mình và xác định rõ đâu là mục tiêu ưu tiên cần tiếp tục phấn đấu trên con đường phát triển tới đây. Mong rằng chúng cũng giúp chúng ta nhận thức đúng hơn về tài sản vô giá, không thể thay thế của đất nước, đó chính là thế hệ trẻ; rằng chúng ta có trách nhiệm đào tạo các em một cách bài bản, cung cấp những hỗ trợ và khuyến khích cần thiết để các em có thể đối diện với nhiều khó khăn đang chờ đón phía trước.
————————
1https://www.youtube.com/watch?v=wHO1B2jKBps
2 http://www.baohaiquan.vn/Pages/ Cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-Co-hoi-mo-hon-cho-nguoi-Viet-Nam.aspx
3 Roland Berger Strategy Consultants, www. Think-act.com, 2014.
4 https://www.aseantoday.com/2016/ 06/vietnam-time-to-stop-the-delusion-of-cheap-labour/
————————–
Chúng ta hãy đừng quá mơ mộng, hãy tạm quên đi những thế giới ảo song song nơi Donald Trump giao thoa với Captain America, nơi Pokemon gây bão trong đời sống xã hội, hay robot tư duy giống như người. Việc nối mạng có ích lợi là cho phép chúng ta dễ dàng khám phá những thế giới song song, những thế giới có thực trong đời sống, nơi những đứa trẻ chết đói ở Hạ Sahara, những cậu bé Iraq kẹt dưới bom đạn ở Mosul, những bé gái Nigeria bị Boko Haram bắt cóc. Có thể điều đó sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, điều mà thế giới đang rất cần. Bên cạnh đó, việc nối mạng cũng giúp chúng ta khám phá về những thế giới hạnh phúc hơn, là cơ sở cho hi vọng, điều mà thế giới cũng đang rất cần.
(Tia Sáng)