Đò Dọc

0

Đây là cuốn phim nhiều tập quay theo truyện dài Đò Dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc, phát hành cách đây vài năm hiện được phổ biến trên youtube, đã được chiếu trên các đài truyền hình tiếng Việt. Loại phim bộ dành cho truyền hình thường thấy ở điện ảnh Á châu nhưng điện ảnh Mỹ ít thấy thể loại này

Xin giới thiệu đạo diễn, các tải tử chính và các chuyên viên thực hiện

Đạo diễn: Lê Hùng Phương
Phó đạo diễn: Nguyễn Đỗ Anh Khoa

Tài tử và các nhân vật chính

Quách Ngọc Ngoan: vai họa sĩ Long
Hoàng Thi: vai cô Hương
Phan Như Thảo: vai cô Hồng
Lê Chi Na: vai cô Hoa
Phương Khánh: vai cô Quá
Trì Thủ Tín: vai ông Nam Thành
Thu Trang: vai Bà Nam Thành
Minh Phương: vai Bà Phủ
Phạm Kiều Khanh: vai cô Phụng
Nguyễn Minh: vai ông giáo Minh
Cát Tường: vai bà Minh
(Lê) Hùng Phương: vai ông Tô

Âm thanh: Thanh Bình
Nhạc: Đức Trí
Ca khúc chủ đề: Con Đường Thiên Lý, ca sĩ Trọng Bắc
Thương Kiếp Đò Xuôi: Uyên Trang

Trong khi đa số phim ảnh Việt Nam, nhất là loại phim bộ nhiều tập nhằm mục đích thương mại chịu ảnh hưởng của phim Tầu và Hàn Quốc, ở đây nhà đạo diễn Lê Hùng Phương đã cố gắng thực hiện được một tác phẩm điện ảnh nghê thuật. Phim dựa trên một truyện tương đối xưa cũ, thởi điểm câu chuyện nằm giữa thập niên 50 nay cũng đã sáu mươi năm. Vật đổi sao dời là trở ngại lớn cho nhà dàn cảnh để làm sống lại phố phường miền nam Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trôi qua, cái khó của nhà đạo diễn nằm ở chỗ này.

Sơ lược truyện phim

“Nội dung kể nỗi gian truân của một gia đình trung lưu miên Nam trong thời loạn lạc nhiễu nhương.

Thầy Nam Thành dậy học ở Bạc Liêu, nhà có bốn cô con gái Hương, Hồng, Hoa, Quá, mỗi người một vẻ. Gia đình chạy loạn phải rời quê lên Sài Gòn sống, chuyển nghề bán vali, túi xách tại khu phố Tây, khách hàng phần nhiều các bà me Tây. Sau hiệp định Geneve 1954, quân Pháp rút về nước, buôn bán khó khăn, năm sau lại nổ ra cuộc chiến giữa chính phủ Quốc gia và Bình xuyên Hòa Hảo.

Ông Nam Thành sợ quá lại phải dọn về vùng quê tại Thủ Đức, Bình Dương, mua đất cất nhà đặt tên Thái Huyền Trang, bốn cô con gái đều không muốn rời bỏ nơi thị tứ văn minh về nơi quê mùa hủ lậu. Vấn đề nan giải của gia đình là các cô đều đã trưởng thành chưa có ý trung nhân sẽ ít có cơ hội lên xe hoa như ở nơi phồn hoa đô hội. Cô út nay đã 22 và trưởng nữ đã vừa tròn 28 cái xuân xanh, hai cô chị lớn Hương, Hồng đều đã tình duyên trắc trở. Đó là lỗi lo âu lớn của ông bà Nam Thành, bậc làm cha mẹ, cùng với ước mơ ngày nào có mấy chàng từ những chuyến xe trên quốc lộ, những chuyến Đò Dọc ghé Thái Huyền Trang để Hương, Hồng, Hoa, Quá có cơ hội làm lễ vu qui.

Thế rồi, một buổi đẹp trời, dịp may ngàn năm một thuở bỗng nhiên xịch đến với gia đình. Chàng họa sĩ tài hoa Long bị lật xe tại Thái Huyền Trang, được gia đình cứu giúp tận tình, anh ta mơ màng tỉnh giấc sau tai nạn thấy một cô gái xinh đẹp đứng đầu giường canh chừng y như trong giấc mộng, và rồi bốn cô lần lượt canh chừng đổi phiên… Chàng là con một của bà Phủ, một góa phụ giầu có sang trọng đã đem đến may mắn cho gia đình Nam Thành và cũng tìm được hạnh phúc cho chính bản thân chàng. Người họa sĩ lãng mạn, tài hoa đã được các cô thầm yêu trộm nhớ, thoạt đầu chàng yêu cô út, rồi sang cô ba, cuối cùng định mệnh đã kết tóc xe tơ chàng với Hồng, người đẹp khả ái nhất của Thái Huyền Trang.

Tai nạn lật xe định mệnh của chàng họa sĩ không chỉ mang lại hạnh phúc cho Hồng nhưng nó cũng là chuyến đò dọc hóa đò ngang, đưa cả bốn chị em cô cùng cập bến vu quy. Long và người anh họ đã mai mối cho Hương, Hoa, Quá… để rồi các cô đã tới bến yêu thương. Cuối cùng ông bà Nam Thành đã thỏa lòng mơ ước gả chồng cho cả bốn cô. Hương, Hồng, Hoa, Quá dù chuyển về miền quê hẻo lánh nhưng rồi thuyền tình đỗ bến yêu đương.

Duy chỉ có Phụng, cô em nuôi của Long là bất hạnh, tình yêu cuồng nhiệt của cô dành cho người anh nuôi cũng là người tình đã bị Bà Phủ tàn nhẫn gạt đi mà bà cho là vô luân thường đạo lý”

* * *

Một cuốn phim nghệ thuật đúng ra không nên kéo dài lê thê đến những 32 tập, ngay cả những thiên tiểu thuyết trường giang đại hải như Cuốn Theo Chiều Gió, Chiến Tranh Và Hòa Bình… cũng đã được thu gọn trong vài giờ. Tuy nhiên không thể phủ nhận sự cố gắng của nhà đạo diễn Lê Hùng Phương, người đã đưa tác phẩm nổi tiếng của miền Nam lên màn bạc. Diễn xuất điêu luyện, âm thanh, thu hình… lành nghề chuyên nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị của phim Đò Dọc

Ngoài ra nhà đạo diễn cũng đã đặt thêm một trọng tâm về âm nhạc qua những ca khúc nhẹ nhàng, buồn mênh mang và những điệu nhạc dân tộc, những bản đàn dạt dào tình cảm. Ca khúc chủ đề “Con Đường Thiên Lý” của Đức Trí soạn riêng cho Đò Dọc. Bản nhạc mở đâu phim đầy ý nghĩa cùng với giọng ca tuyệt vời của Trọng Bắc, ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn hiện nay đã diễn tả gần đủ nội dụng của câu chuyện tình bốn cô con gái thầy giáo Nam Thành.

“Trôi trên con sông đời từng mảnh tình nghiêng rơi, con bến mong ai cho đò xuôi mãi..
Trôi trên con sông tình thuyền ai còn lặng thinh, khi đến khi đi mong chờ con bến hương cũng tàn phai.

Đêm sương giăng mơ màng, hay duyên em lỡ làng, con đường thiên lý xa mấy ngàn
Hò ơi ơi hò! đường đời nghìn lối dọc ngang, bao cơn giông tố cứ hiện rồi lại tan
Hò ơi ơi hò! đò dọc giờ đã về ngang, bao nhiêu con bến tan cuộc dở dang”

Hai câu cuối thể hiện sau bao nhiêu sóng gió, đò dọc giờ đã ghé bến mang đi những cuộc tình dang dở, đó là một kết thúc happy ending khi các cô đều đã nên duyên yên phận. Nhưng có điều là điệu nhạc thoáng buốn có phần không thích hợp cho lắm với không khí hạnh phúc ở phần kết thúc vì nó là một happy ending, tác phẩm không phải là một bi kịch (drama).

“Thương Kiếp Đò Xuôi”, bản nhạc kết thúc cuốn phim qua giọng hát Uyên Trang là khúc dân ca đượm về u sầu, buồn da diết cũng lại là sự hiện diện sai lầm, không tương xứng. Đò Dọc không phải là một bi kịch tuy thân phận cô Phụng, em nuôi của họa sĩ Long có chút hẩm hiu.
Phụng kém may mắn hơn bốn cô ái nữ của thầy giáo Nam Thành, vai trò của cô tuy phụ nhưng tô điểm nhiều cho tác phẩm nghệ thuật thêm phong phú đủ màu đủ vẻ.

Là con một trong gia đình trung lưu, thầy giáo Minh, cha cô đồng nghiệp với ông Nam Thành, bất hạnh dồn dập đổ xuống cuộc đời cô bé vô tội. Giáo Minh bị thần kinh nặng phải vào nhà thương điên, vợ đi lấy Tây để lại đứa con bơ vơ giữa chợ đời rồi may mắn bà Phủ thương tình nhận về nuôi. Bà Phủ thương yêu cô con nuôi rất mực, coi Phụng như con ruột nhưng éo le thay, nàng lại để mắt xanh vào ông anh nuôi họa sĩ tài hoa, lãng mạn nhưng Long chỉ coi nàng như em gái. Bà Phủ tinh ý nhận ra ngay và lo sợ cái mối tình lửa gần rơm thiếu luân thường đạo lý này. Bà đi tìm chỗ hỏi vợ cho Long và tìm việc làm cho Phụng tại ngân hàng, bà không tiếc gì Phụng, cho biết nhà này là của cô nhưng trớ trêu thay, nàng không cần tiền, không tha thiết gì tới gia sản mà chỉ tôn thờ mối tình tuyệt vọng.

Thầy giáo Minh hết bệnh, bà Minh đón chồng về nhà, Phụng từ giã nhà bà Phủ trở về xum họp gia đình, dù vậy cô cũng ra sức ngăn cản Long tìm đến với Hồng nhưng mọi cố gắng của nàng đều vô vọng, họ đã được ông Tơ bà Nguyệt xe duyên….và định mệnh bỏ lại cô gái bất hạnh đau khổ với một trái tim tan nát của mối tình tuyệt vọng trong cảnh cuối cùng của vở kịch.
Phạm Kiều Khanh với sắc đẹp sầu muộn, lãng mạn vô cùng xuất sắc trong vai Phụng, một vai trò rất khó của Đò Dọc. Kiều Khanh đã diễn tả tâm trạng đau khổ của cô gái thất vọng vì tình thật là não nùng bi thiết

Nhìn chung đây là bộ phim thành công của nhà đạo diễn Lê Hùng Phương, tuy nhiên ông đã vấp phải một số lỗi lầm nhất là ở phần dàn cảnh. Khán giả có cảm tưởng như nhà làm phim đã kéo lùi thời gian của tác phẩm tới một, vài chục năm. Giữa thập niên 50, Sài Gòn đã được mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông, nơi phồn hoa đô hội, tửu điếm trà đình với những con đại lộ đầy những xe hơi, taxi, xích lô, xe đạp… đáng tiếc là rất nhiều cảnh trong phim còn thấy xe kéo lạc hậu từ một, hai chục năm về trước. Từ đầu tới cuối phim khán giả chẳng thấy một khu phố tân thời nào ngoài những cảnh quê mùa mộc mạc.

Cách trang phục cũng không được nghiêm chỉnh theo đúng thời điểm thập niên 50, rất nhiều cảnh cho thấy cô Phụng mặc đầm, có lần cô còn mặc váy đầm ngắn (mini jupe) của thập niên 60, 70. Vào nhũng năm 50 số người mặc đầm rất ít, chỉ một số các cô học trường Tây mặc jupe khi đi học hoặc chỉ dành cho phụ nữ ngoại kiều Âu Mỹ. Nhà làm phim thuộc thế hệ thứ hai tuy không sống trong thời đó nhưng ông cần được nhà cố vấn thời trang già nua đóng góp thêm hiều ý kiến xây dựng.

Nhà làm phim cũng quên không tham khảo sao cho xe cộ, máy móc thích hợp với thời điểm ấy, chàng công tử Long lái chiếc xe hiệu Traction đen, một loại xe rất xưa cũ mà thập niên 50 chỉ dùng làm xe đò chở khách, những năm 1954, 55 Sài Gòn đã đầy xe đời mới Pháp, Ý. Đôi khi khán giả thấy cái máy hát đĩa có loa to cao, loại máy này chỉ xài ớ hai, ba thập niên trước. Năm 1954 ngoài Bắc còn dùng máy hát quay dây cót tân tiến hơn, trong Nam giữa thập niên 50 không thấy ai còn nghe máy hát, họ đã chuyển sang nghe máy thu thanh.

Ngoài ra bản thân nhà đạo diễn Lê Hùng Phương lại lầm lẫn một cách trầm trọng khác, là lớp người trẻ lứa tuổi bốn mươi ông lại đóng vai ông Tô, một nhà văn già, bạn của nhà giáo Nam Thành. Trong nước đã có nhiều phim sai lầm như vậy, một tài tử trẻ dù hóa trang khéo đến đâu cũng chỉ cho ta một hình ảnh giả tạo, đâu có thiếu gì tài tử già mà lại phải lấy ngươi trẻ đóng vai ông già.

Có ý kiến cho là “Đò Dọc” thể hiện hai ý nghĩa: Chuyến xe xuôi ngược trên quốc lộ ví như những chuyến đò dọc không biết bao giờ mới dừng lại Thái Huyên Trang. Thứ hai, cuộc sống vô định của người dân trong thời loạn lạc tựa như những chuyến đò dọc lênh đênh của đời người.

Bộ phim kéo lại phần lớn nhờ diễn xuất tuyệt vời của các vai chính cũng như vai phụ và những lời đối đáp tự nhiên, nghiêm chỉnh của một thời gia giáo. Lại nữa những ca khúc chủ đề mở đầu, kết thúc, những điệu nhạc đệm dân ca dạt dào tình cảm trầm buồn tăng phần ý nghĩa cá tính dân tộc.

Nhà đạo diễn đã cố gắng rất nhiều để giúp đưa cuốn phim Đò Dọc đạt một bước tiến dài của nền điện ảnh Việt Nam, và cũng là để cống hiến một đóng góp cao hơn cho nghệ thuật thứ bẩy.

© Trọng Đạt

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên