Trong các cuộc tranh cử sôi động vừa qua và hiện nay, ở Hoa Kỳ, Canada hay ở Ba Lan và Pháp, vấn đề tiết kiệm cao độ số viên chức công quyền và tiết kiệm gắt gao ngân sách quốc gia đều được bàn đến tường tận cụ thể. Vì đây là nguồn lãng phí vô kể của mỗi nước, do bệnh quan liêu, hình thức, phô trương đã thành con bệnh lưu cữu, cộng với tệ nạn tham nhũng hòanh hành từ tinh vi đến lộ liễu.
Ở Việt Nam đã có rất nhiều đợt kêu gọi tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy công quyền, nhưng thật ra, mỗi lần ”tinh giản biên chế” lại là ” tăng ghế nhà ăn”. Theo Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, số viên chức mọi ngành ăn lương nhà nước từ Trung ương xuống cấp xã là gần 20 triệu người, chưa kể biên chế trong quân đội.
Trong thời chiến có lần thủ tướng Phạm văn Đồng đã than vãn là biên chế phình to, nhà nước không kham nổi, tăng lương bị bế tắc vì biên chế quá nặng nề, chỉ riêng số người ăn lương nhà nước ở tỉnh Thanh Hóa đã bằng số nhân viên của cả nước thời thuộc Pháp dưới chế độ phủ tòan quyền Đông Dương.
Tình hình hiện nay tệ hơn, nặng nề hơn hồi đó gáp nhiều lần. Nhưng không ai lo. Cái Học Viện Chính Trị – Hành Chính Quốc Gia lúc nhúc hàng vài trăm tiến sỹ, không ai quan tâm thật sự.
Điều phi lý lớn nhất dễ thấy nhất là 2 hệ thống cai trị song hành – song trùng quản lý hiện nay, bên cạnh bộ máy nặng nề quan liêu của chính quyền là bộ máy quan liêu không kém của Đảng Cộng Sản.
Ở cấp Trung Ương bên cạnh bộ máy chính phủ là bộ máy Đảng. Hệ thống tổ chức Chính phủ song hành với hệ thống tổ chức của Ban chấp hành trung ương và bộ Chính trị . Một bên là Chủ Tịch Nước cùng Thủ Tướng, một bên là Tổng Bí Thư cùng Ủy Viên Thường Trực Ban Bí thư Trung Ương. Bên này là Bộ Thông Tin Truyền Thông bên kia là Ban Tuyên Huấn TƯ. Bên này là Bộ Giáo dục, Bộ Khoa Học Công Nghệ, bên kia là Ban Khoa Giáo TƯ. Một bên là Bộ Ngọai Giao, bên kia là Ban Đối Ngọai TƯ. Một bên là Học Viện Chính Trị -Hành Chính TƯ, một bên là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Hai bộ máy song hành tranh quyền với nhau, dẫm chân lên nhau, còn bỏ quên bỏ sót những công việc khó khăn nặng nề không có lợi dù cho quan trọng cấp bách, nhường và đổ lỗi cho nhau, không có ai đứng giữa để giải quyết.
Ở cấp tỉnh-thành phố cũng vậy. Chủ Tịch Tỉnh và Bí Thư tỉnh ủy thi nhau tranh giành quyền lực, kèn cựa nhau. Các Sở của tỉnh và các ban của đảng bộ tỉnh dẫm chân lên nhau, bên nào cũng muốn mình là quan trọng. Một bên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Chủ tịch Hội Đồng Nhân dân tỉnh, một bên là Bí Thư và Phó Bí Thư Tỉnh ủy. Bên Sở Thông Tin Truyền Thông, Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch lại có ban Tuyên Huấn Tỉnh Ủy ; bên Sở Giáo Dục, Sở Công Thương của tỉnh có Ban Khoa Giáo Tỉnh Ủy … Văn phòng của Ủy Ban ganh đua tỵ nạnh với Văn phòng của Tỉnh Ủy, xem bên nào có quyền thế, oai phong hơn. Từ trụ sở, ngân sách, tiền lương phương tiện, xe cộ, không ai chịu thua kém. Còn đua nhau tranh nhau đưa con cháu, bạn bè, thân thuộc vào cơ quan mình như ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Vĩnh Long …
Có dạo đã có nghị quyết tinh giản bộ máy của các huyện và các quận, coi đây là bộ máy truyền lực trung gian từ trung ưong xuống cơ sở, có thể rất gọn nhẹ, khi có truyền tin nhanh nhậy qua các hệ thống kỹ thuật số rất phổ biến tại nhiều nước, nhưng chưa có huyện nào thực hiện theo tinh thần đó.
Hiện nay khi chuẩn bị cho cuộc họp TƯ 5 khóa XII, có ý kiến nêu lên về ” Nhất thể hóa quyền lực, thống nhất chức Chủ Tịch Nước với chức Tổng Bí Thư, như ở Trung Quốc, nhưng có vẻ như còn gay go vì ông Tổng Bí Thư hiện tại tuy già yếu lú lẫn nhưng vẫn còn ham muốn « phục vụ » nhân dân thêm nữa. Các phe phái còn gầm gừ nhau chưa dàn xếp xong xuôi.
Vậy thì trong khi chờ đợi sự kiện nhất thể hóa ở trên cao thượng đỉnh quyền lực, rất nên bắt tay thực hiện những cuộc tinh giản biên chế ở bộ máy trung ương, ở cấp tỉnh thành, nhất là ở cấp huyện – quận, sẽ dôi ra những khỏan tiền và số nhân lực hàng vài triệu người, có thể nói lợi ích sẽ rất lớn.
Bộ máy nhà nước sẽ gọn, nhẹ hơn, tinh nhuệ hơn, hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Sẽ bớt đi và đi đến xóa bỏ cảnh viên chức chỉ làm việc chừng 2 giờ mỗi ngày, sáng vác ô đi chiều vác ô về, đến cơ quan nói chuyện ngẫu, uống trà tàu, thưởng thức cà phê, tháng ăn lương, phụ cấp, để khi vào Quốc Hội vẫn ngồi ngủ và ngáy khò khò, như nhiều bức ảnh cho thấy thật thê thảm cho một bộ máy nặng nề quan liêu ít tác dụng cầm quyền thật sự.
Đã đến lúc cần một cuộc đào tạo và nghiên cứu về chuyên đề ” khoa học tổ chức bộ máy Nhà Nước ” , theo phương châm ” quý hồ tinh, bất quý hồ đa ”, để nhân dân với đôi vai gầy yếu thóat khỏi gánh nặng ngàn cân, bị chắt bóp, bị khai thác lép vế, khốn khổ vì bộ máy cầm quyền nặng nề, cồng kềnh, lại lạc hậu, bất lực, vô cảm, quan liêu như bấy lâu nay.
Blog Bùi Tín (VOA)
Bài viết rất đúng nhưng không trúng vì chính đảng csvn cũng thừa biết như thế nhưng họ không làm hay nói đúng hơn là họ không muốn làm vì nếu làm thì những đảng viên trung kiên nhưng rất ngu dốt bỏ vào đâu? Đám này là tay sai đắc lực chỉ biết tuân hành tuyệt đối không cần biết đúng hay sai thêm vào đó biên chế là nơi mà cấp lãnh đạo hái ra tiền. Thử hỏi nhân viên thấp tận cùng của xã hội là phu hốt rác vậy mà muốn vào biên chế có nơi cũng phải lót tay từ 10 tr – 20 tr. Thì những chức vụ béo bở khác sẽ thế nào. Nên nhớ rằng csvn chỉ phục vụ đảng không cần biết đến nhân dân hay đất nước,dân tộc. Vì vậy mà tác giả nói đúng mà không trúng là vậy.