S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –  Cái Tết (& Cái Tát) Năm Thân

1

Cái gì chớ hệ thống can chi (Thiên Can Địa Chi) và Âm Lịch (Lunar Calendar) thì tôi không được rành rẽ gì cho lắm, hay nói chính xác hơn là rất lờ mờ. Bởi vậy, tôi vô cùng ngần ngại khi phải hầu chuyện với những vị trưởng thượng mà miệng vừa lẩm bẩm (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Thân, Dậu …) vừa bấm đốt ngón tay, hoặc thỉnh thoảng lại nhíu mày khi cố nhớ những sự kiện đã xa lắc xa lơ (vào những năm một ngàn bẩy trăm, tám trăm, chín trăm … nào đó) đại loại như Chiến Thắng Năm Kỷ Dậu, Hòa Ước Năm Giáp Thân, Trận Lụt Năm Thìn …

Phải gu gồ (chút xíu) mới biết rằng Chiến Thắng Năm Kỷ Dậu vào năm 1789, Hòa Ước Năm Giáp Thân ký năm 1884, và Trận Lụt Năm Thìn xẩy ra hồi 1964 … Riêng Cuộc Thảm Sát Mậu Thân thì tôi biết ngay là năm 1968 vì đã qua tuổi ấu thơ, và vẫn nhớ mãi cái tát (như trời giáng) đúng vào ngày Tết.

Nhà tôi ở Dốc Nhà Làng. Con dốc này còn có tên chính thức là đường Nguyễn Biểu nhưng không mấy ai biết thế, kể cả người địa phương. Dân Đà Lạt thường chỉ biết đây là nơi tụ tập cả ngày lẫn đêm của cả trăm sòng bầu cua, xóc đĩa, tài xỉu (lớn nhỏ đủ cỡ) suốt cả mùa Xuân!

Sáng hôm đó tôi thức sớm vì sự im ắng khác thường bao quanh. Vừa mở cửa, chưa bước hẳn chân ra đến ban công, đã thấy vài người lính trẻ – cỡ cùng tuổi mới lớn như tôi – tay lăm lăm vũ khí (đang đứng nép vào thành tả luy ngay trước nhà) với nét mặt vô cùng căng thẳng, và lo âu, chứ hoàn toàn không có vẻ chi là hung dữ hay đe dọa cả.

Tôi chưa biết phản ứng ra sao thì họ đưa ngón tay trỏ lên môi ra dấu im lặng. Theo phản xạ tự nhiên, tôi gật gật đầu rồi quay nhanh vào bên trong lấy mấy cái bánh chưng trên bàn thờ thẩy xuống đường.

Cả đám mừng rơn. Tôi còn định lấy thêm cam chuối nữa nhưng chưa kịp làm thì bố tôi xuất hiện. Ông nắm cổ áo giật mạnh khiến tôi loạng choạng lùi hẳn vào bên trong, rồi tiện tay tát cho thằng con một cái (nổ đom đóm mắt) trước khi vội vàng khép ngay cửa lại.

Chuyện gì vậy, Trời?

Sau này, tôi mới biết những người lạ là cán binh Cộng Sản. Họ xuất hiện mọi nơi, chứ chả riêng chi Đà Lạt, theo kế hoạch “Tổng Tấn Công/ Nổi Dậy” của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương Miền Bắc.

Kế hoạch này tuy thành công nhờ yếu tố bất ngờ (được thực hiện trong thời gian hưu chiến) nhưng vì dân miền Nam “không chịu nổi dậy” nên lực lượng xâm nhập chả chiếm được một thành phố nào ráo trọi, ngoài Huế. Đây là nơi duy nhất mà Bắc Quân làm chủ được tình hình hơn ba tuần lễ, và đã xẩy ra một cuộc thảm sát ghê rợn với con số tử vong lên đến vài ngàn nhân mạng!

Sự kiện, hình ảnh đều được báo đài miền Nam đăng tải và trình chiếu nhiều lần qua màn ảnh TV. Lần nào ngồi xem tôi cũng kinh hoảng và kinh sợ. Trong những hố chôn tập thể có vô số những thi thể bị trói quặt (hay trói chặt vào nhau) trước khi hành quyết, kể cả xác trẻ con, và cả những nạn nhân bị chôn sống nữa.

Tôi vô cùng hoang mang khi nhớ lại hình ảnh nhỏ thó, ốm o, gầy guộc, xanh xao,  ngơ ngác … của đám lính mà mình đã giáp mặt trước nhà hôm Tết. Sao những người mặt mũi trông hiền lành, ngây thơ (và trẻ thơ) như vậy lại có thể là những kẻ sát nhân tàn ác, và tàn bạo đến thế được?

Lịch sử cận đại không thiếu những cuộc lên đồng tập thể, cùng vô số tội ác kinh hoàng gây ra bởi nhiều tổ chức (Hitler Youth, Blackshirts, Vệ Binh Đỏ, Khmer Rouge …) mà phần lớn thành viên đều là trẻ con mới lớn nhưng tất cả đều chả tồn tại được bao lâu, và kẻ đầu xỏ – Hitler, Mussolini, Mao, Pol Pot…–  đều bị điểm mặt là những tên đồ tể!

Riêng Cuộc Thảm Sát Mậu Thân thì kẻ thủ ác lại thuộc bên thắng cuộc, và họ vẫn giữ được quyền bính cho mãi đến nay nên tội trạng chả những không bị trừng phạt mà còn được vinh danh (bằng nhiều hình thức) suốt từ năm này sang năm khác:

Ngoài những buổi lễ lạc tưng bừng để kỷ niệm và xưng tụng “Cuộc Tổng Tấn Công/ Nổi Dậy Mậu Thân,” nhà nước hiện hành còn không ngần ngại vận dụng (và lạm dụng) mọi phương tiện truyền thông để tráo đổi nạn nhân thành thủ phạm.

Với đề mục Thảm Sát Huế Mậu Thân, Wikipedia (Hà Nội) đã ghi lại những lời phát biểu trơ tráo như sau:

  • Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân: “Cuộc thảm sát Mậu thân là sản phẩm tưởng tượng của một cuộc tâm lý chiến.”
  • Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan : “Biết bao nạn nhân mà sau này bị rêu rao là nạn nhân của Việt Cộng”!
  • Đạo diễn Lê Phong Lan: “Tôi đã gặp những nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến, họ đã nói, tất cả những thông tin về vụ thảm sát năm 1968 tại Huế chỉ là sự vu cáo của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đổ lên đầu Quân Giải phóng miền Nam.”

Miệng lưỡi của bà Lan khiến tôi chợt nhớ một câu thành ngữ Việt (“gái đĩ già mồm”) và một vụ “vu cáo” khác, cũng tráo trở không kém, xẩy ra hồi đầu Thế Chiến Thứ II.

Ngày 3 tháng 9 năm 1940, con tầu Anthem của Anh – chở 1,103 người đi từ Glasgow đến Montreal – bị tầu ngầm U 30 Đức bắn chìm. Hơn trăm hành khách  và thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong số nạn nhân có 28 công dân Mỹ.

Bá Linh không chỉ chối phắt mà còn phát động một chiến dịch tuyên truyền đổ vấy tội cho Hải Quân Hoàng Gia là đã cố ý đánh chìm con Tầu Athenia với âm mưu làm Đức mất mặt và lôi kéo Hoa Kỳ vào vòng chiến: “Berlin accused London of intentionally sinking the Athenia in a plot to discredit Germany and to curry favour with the United States to join the war.”  (Donald Fullarton. “Burgh Cook Never Recovered From Sinking”. Helensburgh – Heritage 13 June 2015).

Mãi cho đến khi có những phiên xử tội phạm chiến tranh – diễn ra ở Nuremberg, Đức Quốc – cùng với bằng chứng vô phương chối cãi, sự kiện Athenia mới hoàn toàn sáng tỏ vào năm 1946. Mai hậu, Việt Nam rồi cũng sẽ có những phiên toà tương tự vì đã có quá nhiều cái chết oan khốc gây ra bởi chế độ hiện hành:

  • 1945: Thảm sát 3000 tín đồ Tin Lành tại Quảng Ngãi
  • 1956: Thảm sát 1000 tín đồ Công Giáo tại Quỳnh Lưu
  • 1965: Đặt chất nổ giết chết 43 thường dân tại nhà hàng Mỹ Cảnh
  • 1967: Thảm sát 256 dân làng Dak Son
  • 1968: Trên 5000 người bị giết hoặc chôn sống tại Huế
  • 1971: Thảm sát 183 thường dân tại Tân Lập
  • 1971: Thảm sát tại Dục Đức 100 dân làng bị giết, 150 bị thương
  • 1972: Pháo kích Đại Lộ Kinh Hoàng – Quảng Trị 3000 người thiệt mạng
  • 1972: Pháo kích vào trường học tại Cai Lậy 42 học sinh chết, 50 bị thương.

(Vietnam Film Club. Những Vụ Thảm Sát Đẫm Máu Của CSVN Trong Lịch Sử. 2021)

Vấn đề không phải là truy thù hay báo oán nhưng quá khứ cần phải được thanh thoả để chúng ta yên tâm sống với hiện tại, và tránh bớt tội ác cho những thế hệ đến sau.

1 BÌNH LUẬN

  1. Những tác giả người ngoại quốc viết những gì về Mậu Thân 1968:

    ***Theo Don Oberdorfer, một nhà báo đã đi lòng vòng trong thành phố Huế và vùng phụ cận để tìm kiếm và phỏng vấn những người đã có dịp chứng kiến những gì mà cộng quân đã làm trong 26 ngày chiếm đóng ở đây. Sau đây là những nạn nhân mà nhà báo này đã thu thập được:

    -Ông Phan Văn Tường, một người lao công bán thời gian cho Phòng Thông Tin Huế và cũng là người có tên trong danh sách phản động được lập bởi những tên Cộng sản nằm vùng, bất kỳ những ai có tên trong danh sách đen này đều là đối tượng để cộng quân truy lùng và sát hại. Khi tìm thấy ông Tường, đứa con gái lên 3 tuổi và đứa con trai 5 tuổi cùng với 2 đứa cháu của ông, Cộng quân đã bắn chết họ ngay lập tức.

    -Vào ngày thứ 5 sau khi Cộng quân chiếm Huế, một toán Cộng quân được hướng dẫn bởi các sinh viên thân cộng đã xâm nhập vào nhà thờ Phú Cam, nơi đây có hàng ngàn người đang tỵ nạn. Tại đây chúng đã bắt khoảng 400 người dẫn đi; những người bị bắt dẫn đi phần lớn là những người có tên trong một danh sách được lập từ trước bởi những tên cộng sản nằm vùng, phần còn lại là những trai tráng khỏe mạnh trên 15 tuổi. Một số lớn trong số 400 người này đã tìm thấy xác ở Khe Đá Mài.

    *** Theo James Robbins, tác giả cuốn sách “This Time We Win: Revisiting the Offencive,” viết trong sách của ông rằng, một nhân chứng nói cho ông biết là hai vị linh mục người Pháp là Cha Urbain và Cha Guy bị cộng quân bắt dẫn ra khỏi thành phố Huế; ít lâu sau đó xác của hai vị linh mục này được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể với 18 người khác. Cha Urbain với hai tay và hai chân bị trói, Cha Guy bị lột áo nhà tu bắt quỳ gối xuống mặt đất với một vết thương bởi một viên đạn ở phía sau đầu.

    ***Theo Alje Venema , một bác sĩ người Canada gốc Hà Lan, từ năm 1965 tới 1968 Vennema là giám đốc Phòng Canada Hỗ Trợ Y Tế tại Việt Nam, trong thời gian tết Mậu Thân Vennama đang làm việc ở Huế. Vennema đã có dịp chứng hay biết đến những vụ giết người và những mồ chôn tập thể ở Huế và vùng phụ cận.

    Dưới đây là những mẩu tin về những vụ giết người mà Vennema viết trong cuốn trong cuốn “The Viet Cong Massseca at Hue” :

    -Bà Nguyễn Thị Lào là người bán hàng rong trên đường phố bị VC bắt dẫn đi, ít lâu sau xác bà Lào được tìm thấy trong một mồ chôn tập thể ở một trường học, tay bà bị trói, miệng bà bị nhét một nùi giẻ rách và trên người bà không hề có một thương tích nào cả. Như thế rõ ràng là bà Lào đã bị chôn sống.

    -Ông Nguyễn Tý, hành nghề thợ hồ bị cộng quân bắt vào ngày 02/02/1968. Vào ngày 01/03/1968, xác của ông Tý đã được phát hiện với hai tay bị trói và một vết đạn bắn vào cổ và trổ ra ở miệng.

    -Ông Nguyễn Nam Long cùng vợ và năm người con bị bắn chết bởi một toán VC khi chúng đột nhập vào nhà của ông.

    -Một danh sách mồ tập thể cũng được Vennema đề cập trong sách của ông với 2,329 xác được tìm thấy. Khi những mộ tập thể này được khai quật, người ta thấy có rất nhiều xác bị bắn chết, và cũng nhiều xác khác không mang bất kỳ một thương tích nào có nghĩa là họ đã bị chôn sống; trong số những ngôi mộ tập thể này thì ngôi mộ ở Đồng Gi là lớn nhất vì có tới 110 xác.

    -Trong thời gian chiếm đóng Huế và vùng phụ cận, Việt cộng thành lập một số tòa án nhân dân để xét xử cư dân Huế bị bắt. Việc điều hành những tòa án này được giao cho những người đã trốn vào mật khu theo VC trước đây và đã trở về Huế vào dịp Tết Mậu Thân như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh… Hàng ngàn cư dân Huế được dẫn giải ra các tòa án này mà không hề biết lý do tại sao. Trong số này có hàng trăm người bị buộc tội là tay sai của chính phủ VNCH hay là người đã hợp tác với đế quốc Mỹ hoặc là thành phần phản động rồi bị xử bắn ngay tại tòa.

    ***Theo Philip W. Manhard, một cố vấn Mỹ của Tỉnh Thừa Thiên, bị VC bắt vào dịp Tết Mậu Thân và bị dẫn từ Huế ra miền Bắc như là một tù binh chiến tranh, Manhard được trao trả vào năm 1973 đã kể lại rằng, khi rút khỏi Huế Cộng quân đã cho lệnh dẫn giải tất cả những người bị chúng giam giữ tạm thời ở Huế vào những trại tù trong mật khu, bất kỳ tù nhân nào không tuân lệnh cũng như người đau yếu hay già yếu không đủ sức chịu đựng cho một chuyến bộ hành đường dài trong vùng rừng núi để tới những trại tù trong mật khu của họ đều bị sát hại.

    ……

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên