“Conclave” là tên bộ phim hồi hộp, nghẹt thở, gay cấn đến phút chót, dựa trên cuốn tiểu thuyết best-seller mang cùng tên của Robert Harris. Bộ phim đang rất ăn khách hiện nay, được nhiều đề cử Oscar về đạo diễn, diễn xuất, hình ảnh, âm nhạc…
Câu chuyện xoay quanh cuộc bầu một giáo hoàng mới sau khi vị giáo hoàng đương nhiệm qua đời. Mọi chuyện diễn ra bên trong các bức tường dày đặc và những cánh cổng chắc nịch của Vatican. Hơn 100 hồng y khắp thế giới mang hộ chiếu khác nhau kín đáo chọn một người trong nhóm, sẽ trở thành người nổi tiếng nhất thế giới, lãnh đạo hơn một tỷ giáo dân. Hồng y đoàn giống như một mini Liên Hiệp Quốc, vì cộng đồng dân Chúa ở khắp mọi nơi, không phân biệt màu da, giàu nghèo, tuổi tác…
Trong lúc các vị hồng y trò chuyện trước khi bước vào vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhiều người ngạc nhiên khi thấy có một hồng y lạ mặt, không biết có phải hồng y thứ thiệt hay không; nhưng ngài đã chứng minh và cho biết mình là Ban Ninh, quốc tịch Mexico, đã được cố giáo hoàng tấn phong bí mật để cai quản Kabul. Tấn phong bí mật là một thủ tục quen thuộc trong Giáo hội La mã, đã từng xảy ra tại các nước coi tôn giáo là phản động, khi mà sự an toàn của người được tấn phong lâm nguy nếu tuyên bố công khai. Trước khi phục vụ tại Kabul, ngài đã từng phục vụ tại Congo và Baghdad, toàn những chỗ hắc ám.
Điều khiển cuộc bầu kín để chọn giáo hoàng mới là Hồng y Lô Đăng, người Anh, vì ngài là Niên trưởng Hồng y đoàn và được cố giáo hoàng giao nhiệm vụ trong chúc thư để lại. Các hồng y vào họp không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhưng vì là trưởng ban tổ chức, Lô Đăng cần có sự giúp sức của một số tu sĩ nam nữ nên vẫn thường xuyên tiếp xúc với họ.
Mặc dù không có cảnh vận động tranh cử công khai, cử tri thích người nào thì cứ ghi tên người đó vào phiếu bầu, nhưng thiên hạ bàn tán có bốn hồng y có thể được bầu. Một là Bế Linh, người Mỹ, có lập trường tiến bộ, khai phóng, gần giống cố giáo hoàng. Hai là An Đệ, người Nigeria nổi tiếng, có nhiều hy vọng trở thành giáo hoàng da đen đầu tiên của Giáo hội giống như Obama của nước Mỹ. Ba là Trầm Lê, người Canada, có lập trường bảo thủ chính thống. Bốn là Tê Đê, người Ý, không thích những cải tổ của Giáo hội trong nửa thế kỷ qua và muốn đảo ngược những gì mà Công đồng Vatican II đã thực hiện.
Trước khi chính thức bước vào màn bầu cử, Lô Đăng khuyến khích các hồng y nên chấp nhận sự hoài nghi và sự bất định trong Giáo hội, ngài ủng hộ một cách tiếp cận cởi mở và linh hoạt hơn để lãnh đạo Giáo hội; thay vì cứ bám chặt vào đức tin cứng ngắc, bởi vì khi chấp nhận hoài nghi và bất định, ta có thể có những quyết định thấu đáo và có lòng thương xót hơn. Những lời này nghe có vẻ như một diễn văn vận động tranh cử, biến ngài trở thành người thứ Năm có thể được bầu; nhưng khi bị Bế Linh chất vấn trong giờ nghỉ, Lô Đăng nói rằng mình không ham muốn địa vị giáo hoàng vì có những lúc mình bị khủng hoảng đức tin đến độ đã từng xin từ chức Niên trưởng Hồng y đoàn, nhưng cố giáo hoàng không cho.
Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, không có người nào trong 5 hồng y đạt hai phần ba số phiếu cần thiết để thành giáo chủ. Bế Linh và Lôi Đăng có lập trường tiến bộ nên số phiếu của nhóm tiến bộ bị phân tán giữa hai người này. Nhóm tiến bộ không thống nhất để chỉ chọn một trong hai người này cho nên họ quay sang ủng hộ An Đệ, người Nigeria; nhưng Bế Linh, không thích thái độ của An Đệ kỳ thị người đồng tính, bí mật đồng ý ủng hộ Trầm Lê để đổi lại lời hứa cho chức Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh.
Cuộc bầu kín diễn ra tại Nhà nguyện Sistine, còn ăn uống nghỉ ngơi thì các hồng y về tòa nhà Casa Santa Marta, nằm kế đền thờ Thánh Phê-rô, ăn thì có phòng ăn chung, ngủ thì mỗi người một phòng đơn sơ. Tòa nhà này cũng có phòng ngủ của cố giáo hoàng và từ hôm ngài qua đời, căn phòng đã được niêm phong. Quản lý tòa nhà là Sơ An Nhiên, chỉ huy một nhóm bà sơ nhiều quốc tịch khác nhau, có nhiệm vụ lo chỗ ăn ở cho các hồng y trong thời gian mật nghị.
Trong một bữa ăn, người ta nghe tiếng ồn ào tại bàn có Hồng y An Đệ, một bà sơ người da đen phục vụ thức ăn dường như lớn tiếng với An Đệ, có tiếng bát đũa rơi xuống sàn rồi bà sơ người da đen bỏ đi. Lôi Đăng yêu cầu Sơ An Nhiên cho mình nói chuyện riêng với bà sơ người da đen. Trước sự thuyết phục, trấn an, bảo đảm hết mình của Lôi Đăng, bà sơ thú nhận mình có một con trai với An Đệ khi mình 19 tuổi và ông ta 30.
Lôi Đăng gặp riêng An Đệ để hỏi cho ra lẽ. An Đệ xác nhận, bảo rằng mình cũng là con người và con người thì không ai mắc lỗi lầm, một lỗi lầm của tuổi trẻ, đã xin Chúa tha thứ và tin tưởng Chúa đã tha thứ, đã quên hết tội lỗi và tập trung vào việc tu hành. An Đệ còn cho biết đứa trẻ đã được gửi cho một gia đình Công giáo nuôi nấng dưới sự cấp dưỡng của An Đệ và đang là một công dân tốt của Nigeria. Nhưng An Đệ thắc mắc với Lôi Đăng tại sao giữa lúc mình có nhiều hy vọng được bầu thì bà sơ đó bỗng nhiên xuất hiện ở Vatican, vì từ 30 năm qua, bà ấy có bao giờ rời Nigeria đâu. Phải chăng có một âm mưu muốn dìm hàng?
Coi như một giáo hoàng tiềm năng đã bị loại khỏi vòng chiến. “Chiến tranh” là từ mà Bế Linh đã nói với Lôi Đăng để thuyết phục Lôi Đăng nên tích cực hơn nữa trong vai trò vận động để được bầu. Lôi Đăng nhắc lại mình không muốn trở thành giáo hoàng vì đôi khi đức tin bị lung lay và vẫn nghĩ rằng đây chỉ là mật nghị có sự soi sáng của Thiên Chúa, thay vì là một cuộc chiến tranh. Bế Linh nói không, mình phải xem đây là một cuộc chiến tranh và một khi đã xác định đây là chiến tranh thì Lôi Đăng phải chọn đứng về phe nào.
Bây giờ chỉ còn lại Trầm Lê, Bế Linh, Tê Đê và – dù muốn hay không – Lôi Đăng. Vòng bầu cử thứ ba vẫn chưa có ai đủ trên 70 phiếu để trở thành Giáo hoàng, người nào cũng dưới 25 phiếu.
Đến lượt Trầm Lê bị loại khỏi vòng chiến sau khi Sơ An Nhiên trưng tài liệu cho Lôi Đăng thấy Trầm Lê chính là người đã thu xếp và trả tiền vé máy bay cho bà sơ người Nigeria đến Vatican. Sơ An Nhiên đã từng giải thích với các hồng y rằng mặc dù trong Giáo hội, chị em phụ nữ chúng con phải đóng vai vô hình, như một lời trách móc Giáo hội không cho phụ nữ giữ chức linh mục hoặc giữ những chức vụ cao, nhưng Thiên Chúa vẫn ban cho chị em phụ nữ chúng con tai mắt để nhận thức được những gì đang xảy ra nhằm bảo bọc Rôma.
Trầm Lê hỏi thẳng Lôi Đăng có phải Lôi Đăng đứng sau thủ đoạn loại bỏ An Đệ và Trầm Lê để thực hiện tham vọng của mình hay không. Lôi Đăng phủ nhận lần nữa và than thở tại sao cố giao hoàng lại giao mình một nhiệm vụ khó khăn như vầy.
Quá mệt mỏi và bực mình, Lôi Đăng bẻ dấu niêm phong, đột nhập vào phòng riêng của cố giáo hoàng, tìm thấy một ngăn bí mật trong tường, lôi ra một số tài liệu tuyệt mật, xác nhận cố giáo hoàng có yêu cầu Trầm Lê từ chức và một số chuyện thâm cung bí sử khác. Lôi Đăng than Trời, thì ra, cố giáo hoàng theo dõi tất cả hồng y và biết hết những “góc khuất” của họ, chẳng khác nào Tập Cận Bình có đầy đủ báo cáo về Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai.
Hai người sáng giá bây giờ chỉ còn Tê Đê và Lôi Đăng.
Trước khi mật nghị bước vào vòng bỏ lần phiếu thứ năm, một kẻ đánh bom tự sát đã cho nổ tại quảng trường Vatican, giết chết nhiều người trong đám đông bên ngoài đang theo dõi mật nghị và làm hư hại Nhà nguyện Sistine, bụi cát bay tứ tung vào phòng mật nghị. Ngay khi các hồng y vừa hoàn hồn, Tê Đê đứng lên đổ lỗi cho những người Hồi giáo chuyên khủng bố và kêu gọi Giáo hội tranh đấu chống lại Hồi giáo.
Giữa lúc mọi người trong phòng họp ngạc nhiên về thái độ quá khích của Tê Đê, Ban Ninh, vị hồng y “lạ mặt” lúc ban đầu, xin phép lên tiếng. Bằng một giọng hùng hồn. Ban Ninh nói rằng bạo lực không nên đáp trả bằng bạo lực, ngài đã thấy cái giá thực sự phải trả của nó trong thời gian phục vụ Thiên Chúa ở Congo, Baghdad và Kabul.
Gặp cú sốc trước thái độ của Tê Đê bất dung chấp các tôn giáo khác; xúc động và bị thuyết phục trước phát biểu của Ban Ninh, các hồng y dồn đủ phiếu cho Ban Ninh để trở thành tân giáo hoàng trong vòng bầu phiếu thứ sáu.
Các phiếu bầu đem đốt thành khói màu trắng, thoát ra ngoài ống khói nhà nguyện Sistine trước sự reo hò hoan hô của quần chúng đứng bên ngoài.
Vào lúc tân giáo hoàng chuẩn bị trang phục bước ra ban công để chính thức ra mắt giáo dân và thế giới, Lôi Đăng chợt nhớ trong lúc đột nhập vào phòng riêng cố giáo hoàng, trong tài liệu giấu trong tường có ghi mục lấy hẹn cho Ban Ninh đến một cơ sở y tế bên Thụy Sĩ để chăm sóc sức khỏe, nhưng cuộc hẹn đã bị hủy. Lôi Đăng xin phép gặp riêng tân giáo hoàng trong phòng thay quần áo để tìm hiểu tại sao một cái hẹn y tế lại trở thành một chuyện cần giấu trong tường. Lôi Đăng giải thích với Ban Ninh rằng thắc mắc của mình nhằm bảo vệ sự minh bạch của Giáo hội, muốn Giáo hội có một lãnh đạo xứng đáng chứ không có ý gì khác.
Ban Ninh không bao che, trả lời rằng lần hẹn ở Thụy Sĩ đó là để làm laparoscopic hysterectomy – một thủ thuật nội soi để cắt bỏ tử cung. Từ nhỏ, Ban Ninh không thấy mình khác biệt gì với các bạn trai, cho đến khi mình đi cắt ruột dư khi trưởng thành, bác sĩ phẫu thuật phát hiện ra Ban Ninh có tử cung. Có nghĩa là tuy tờ khai sinh ghi là nam giới, nhưng thực ra Ban Ninh là người liên giới tính, có dương vật, tử cung và buồng trứng. Cố giáo hoàng đã thu xếp để Ban Ninh sang Thụy Sĩ làm phẫu thuật, nhưng cuối cùng Ban Ninh xin cố giáo hoàng cho mình giữ lại nội tạng nữ, vì “Chúa tạo ra con như thế nào thì con muốn để nguyên như thế nấy”.
Lôi Đăng đối mặt với hai lựa chọn; hoặc là công khai giới tính của Ban Ninh, buộc ngài phải từ nhiệm, mình sẽ trở thành người sáng giá nhất còn sót lại; hoặc là giữ im lặng, tuân theo đức vâng lời của một tu sĩ, chấp nhận sự hoài nghi và sự bất định của cuộc đời, của xã hội, của Giáo hội như mình đã hô hào. Cuối cùng, Lôi Đăng đứng bên trong cánh cửa nhìn tân giáo hoàng với đầy đủ áo mão và gậy, bước ra ngoài ban công chính thức ra mắt thế giới.
Có người cho rằng bộ phim Conclave báng bổ Công giáo, có người cho rằng bộ phim chỉ muốn trình bày sự bất toàn của con người, cho dù đã trở thành bậc Hồng y.
Bộ phim kết thúc với cảnh vài bà sơ dưới quyền Sơ An Nhiên từ tòa nhà Casa Santa Marta bước ra ngoài đường, cười nói vui vẻ. Phải chăng các nhà làm phim muốn nói giờ đây, Giáo hội có một giáo hoàng phái nam nhưng trong người có bộ phận phái nữ, mỉa mai lập trường của Giáo hội không chấp nhận người đồng tính, không chấp nhận phá thai?
Châu Quang