Tháng Tư những mất và còn

1
Văn nghệ sinh viên Đại học Berkeley hôm 8/4/2017 (ảnh Bùi Văn Phú)

Người Việt ở lứa tuổi 30 hay trẻ hơn ngày nay ít ai biết đến một quốc gia có tên gọi “Việt Nam Cộng hòa” đã hiện hữu trên mặt địa cầu trong 20 năm, từ 1955 cho đến ngày 30/4/1975.

Cuối tháng Tư năm 1975 khi xe tăng và bộ đội cộng sản tiến chiếm Thủ đô Sài Gòn, hàng trăm nghìn người của đất nước này đã rời bỏ quê hương ra đi trong cơn hoảng loạn. Tương lai trôi dạt về đâu và cội nguồn sẽ còn lại gì nào ai biết được.

Những ngày sống qua các trại tị nạn, lo học vài câu Anh ngữ, tìm hiểu về đời sống, phong tục nơi đất nước mới sẽ là chốn định cư. Nhưng tương lai biết có còn nét văn hoá Việt nơi xứ lạ hay không nên nhiều người đã chuyền nhau đọc những quyển sách, tập truyện, đã chép lại những vần thơ, câu ca và nghe lại lời ca tiếng nhạc từ những băng cát-sét đã theo đoàn người tị nạn đến được bến bờ tự do.

Ngay từ trong trại Camp Pendleton ở miền Nam California những băng nhạc Việt được sao chép lại như chút quà từ quê hương cũ mà người tị nạn mang theo trên đường định cư.

Trong những ba-rắc hay giữa lều trại tị nạn trên đồi cỏ khô thường nghe vang vang ca từ nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lê Uyên Phương. Cũng có hôm nghe Vũ Thành An, Từ Công Phụng và thi thoảng mới có Trần Thiện Thanh, Anh Bằng hay Duy Khánh, Trúc Phương.

Có nhạc Việt để nghe, người tị nạn còn tìm báo tiếng Việt để đọc vì trông ngóng tin tức về tương lai định cư, về tình hình quê nhà, về thân nhân thất lạc trong hành trình vượt thoát.

Ở đảo Guam có báo Chân Trời Mới phát hành mỗi ngày. Qua đến Camp Pendleton chỉ có tờ bản tin ngắn bằng tiếng Việt.

Những sinh viên du học đem báo Thái Bình, nguyệt san của Liên hiệp Việt kiều Yêu nước tại Mỹ, một tổ chức thân cộng, vào phát thì bị đồng bào đuổi đi.

Tháng 10/1975 các trại đón tiếp người tị nạn đóng cửa sau khi 130 nghìn người Việt đã được định cư tại Hoa Kỳ.

Chỉ vài tháng sau có trung tâm băng nhạc Việt của ca sĩ Khánh Ly ra đời đầu năm 1976 với băng nhạc “Như cánh vạc bay” gồm 16 ca khúc của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly và tiếng đàn ghi-ta của bác sĩ Ngô Thanh Trung.

Sau có trung tâm của nhạc sĩ Ngọc Chánh, của gia đình Phạm Duy, có trung tâm Thanh Lan nhưng không phải của ca sĩ cùng tên, là những cơ sở sản xuất băng nhạc trong những năm đầu của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Từ đó nền âm nhạc Việt Nam Cộng hòa dần dần được bảo tồn tại hải ngoại để phục vụ nhu cầu tinh thần của người xa xứ.

Những ca khúc một thời của Việt Nam Cộng hòa và những sáng tác mới về hành trình tị nạn, đời lưu vong đã là chủ đề của hàng nghìn băng cát-sét, CD, băng hình VCR hay DVD được hàng chục trung tâm băng đĩa nhạc sản xuất. Biết đến nhiều nhất là các sản phẩm của Thúy Nga Paris by Night và Asia.

Đầu thập niên 1990 có những giao thoa giữa âm nhạc trong và ngoài nước. Một số ca khúc miền Nam bị cấm bắt đầu được nhà nước cho phép phổ biến. Trung tâm Kim Lợi của Thành Hammer, dù tổ chức nhiều buổi văn nghệ với ca sĩ trong nước bị phản đối, nhưng phải công nhận ông là người có công trong việc đưa ca sĩ và nhạc trong nước ra hải ngoại và giúp cho nhiều ca khúc thời Việt Nam Cộng hòa được các ca sĩ thế hệ sau biết đến và được hồi sinh trong ng đất nước.

Từ khi Việt Nam mở cửa đón du khách, người Việt nước ngoài về thăm quê nhà thường xuyên hơn, đông hơn và đã đem theo những văn hoá phẩm hải ngoại nên người trong nước cũng được dịp tìm lại nét văn hoá Việt Nam Cộng hòa xưa.

Ngày nay với mạng thông tin toàn cầu Internet, qua YouTube người Việt ở khắp nơi trên thế giới có thể tìm xem hay nghe những ca khúc mình yêu thích của mọi thời đại.

Sau âm nhạc, nền báo chí tị nạn cũng phát triển rất sớm tại Hoa Kỳ. Năm 1976 đã có tờ Hồn Việt, do Nguyễn Hoàng Đoan, chồng của Khánh Ly, điều hành.

Từ miền Nam California, ngoài tờ Hồn Việt còn có báo Trắng Đen của Việt Định Phương, Thức Tỉnh của Tô Văn, Người Việt của Đỗ Ngọc Yến, Đất Việt (sau đổi thành Việt Nam Hải Ngoại) của Đinh Thạch Bích, Việt Nam Tự Do của Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi. Trong giai đoạn đầu đa số các báo là nguyệt san hay bán nguyệt san.

Từ tiểu bang Washington có tờ Đất Mới của Vũ Đức Vinh. Vùng Thủ đô Washington có Văn nghệ Tiền phong của Hồ Anh.

Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm người Việt định cư tại Hoa Kỳ, Trung tâm Tác vụ Đông Dương (IRAC) của giáo sư Lê Xuân Khoa có xuất bản quyển tổng mục báo chí Việt ngữ hải ngoại do ông Nguyễn Hùng Cường, nguyên giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, biên soạn.

Sách xuất bản trước 30/4/1975 cũng được in lại và phổ biến rộng rãi tại hải ngoại từ cuối thập niên 1970. Những nhà xuất bản đầu tiên tại Mỹ là Đại Nam, Xuân Thu, Sống Mới và Việt Nam đã in lại cả nghìn tác phẩm từ tiểu thuyết của Duyên Anh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Dương Hùng Cường, Nhã Ca, Trùng Dương, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thụy Long đến sách của Hoàng Hải Thủy, Đoàn Thêm, Vũ Tài Lục, Đăng Trần Huân và nhiều tập nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lê Uyên Phương v.v…

Sách xuất bản thời Việt Nam Cộng hòa được in lại tại Hoa Kỳ (ảnh Bùi Văn Phú)

c mới định cư ở Mỹ tôi cũng lo ngại cho văn chương, âm nhạc Việt Nam Cộng hòa rồi sẽ mai một đi.

Đến khi vào Đại học Berkeley, làm việc thêm trong thư viện trường mới khám phá ra một kho sách miền Nam, trong đó có nhiều tác phẩm tôi đã đọc ngày còn ở quê nhà.

Qua hệ thống liên thư viên đại học tôi đã mượn từ Đại học Cornell nhiều tập nhạc, để từ đó trong những buổi sinh hoạt hay họp mặt các bạn sinh viên có thể ca “Nối vòng tay lớn”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” hay “Nghìn trùng xa cách”, “Bài không tên số 2”, “Còn chút gì để nhớ”, “Con đường tình ta đi”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Huế Sàigòn Hà Nội”…

Một trong những băng nhạc đầu tiên của Khánh Ly phát hành tại Mỹ năm 1976 (ảnh Bùi Văn Phú)

Những đại học lớn ở Hoa Kỳ như Cornell, Yale hay Harvard, Berkeley và Thư viện Quốc hội Mỹ đều có nhiều sách báo xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Nhiều nhất là tại Đại học Cornell, ở đây không chỉ có sách mà còn có báo, tập san và cả báo của sinh viên học sinh.

Từ sau ngày 30/4/1975 văn hoá Việt Nam Cộng hòa đã không chết mà còn nở hoa trên đất Mỹ.

Tháng 4/1980 Hội Sinh viên Việt Nam đại Đại học Berkeley tổ chức văn nghệ “Đêm Việt Nam” đầu tiên. Chương trình có hát hò ba miền, có múa nón, múa quạt, có áo dài tứ thân với khăn mỏ quạ. Có kịch thơ Hận Nam Quan” để phản kháng kẻ thù phương Bắc, có đàn tranh, sáo trúc, ghi-ta, dương cầm. Sinh viên đơn ca “Áo anh sứt chỉ đường tà”, thi nhạc giao duyên “Áo lụa Hà Đông”, đồng ca “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời Việt Nam hai câu nói bên vành nôi…”.

Hôm 8/4/2017 vừa qua, sinh viên Berkeley tổ chức văn nghệ thường niên, lần thứ 38, chủ đề “Fragments – Tìm tiếng nước tôi”.

Các bạn sinh viên đã cất tiếng đồng ca: “Oh, say! can you see by the dawn’s early light. What so proudly we hailed at the twilight’s last gleaming… O’er the land of the free and the home of the brave?”, đã cùng ca vang: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”

Sinh viên đã soạn kịch về một gia đình với người cha sau ngày 30/4/1975 bị tù đày trong các trại học tập cải tạo rồi đến Mỹ định cư. Đó là bi kịch mà nhiều người dân Việt đã phải đối mặt sau khi đất nước tưởng sẽ hòa bình, oán thù sẽ tan. Đến Mỹ, cô con gái sinh ra sau chiến tranh muốn tìm hiểu về cuộc đời cha mẹ từng trải và về cội nguồn.

c bạn đã cất tiếng hát ca ngợi tình cha, xen trong những màn múa lụa, múa nón, múa quạt, múa lân, bên cạnh những tà áo dài, áo bà ba, tiếng đàn tranh, ghi-ta, tiếng dương cầm.

Nhìn lại thời gian qua, từ sau dấu mốc lịch sử 30/4/1975 với mất mát là không gian tự do sáng tác trên đất Việt, nhưng còn lại vẫn là những tác phẩm văn học, những lời ca tiếng nhạc đã lắng sâu trong lòng nhiều người Việt.

Dù ngăn cấm và đã có những chiến dịch càn quyét, nhưng văn hoá Việt Nam Cộng hòa đã không mất đi mà còn được yêu thích cho đến hôm nay.

Bùi Văn Phú

 

1 BÌNH LUẬN

  1. CHẲNG RA LÀM SAO

    Đúng là việc chẳng làm sao
    Hai lần chiến trận nghẹn ngào thế kia
    Bốn lăm cho tới năm tư
    Rồi sau đó nữa tới ngày bảy lăm

    Khởi đầu chống Pháp xâm lăng
    Nghe toàn mát ruột say hăng một thời
    Hòa bình đất nước phân đôi
    Quê hương lìa bỏ bao người ngẩn ngơ

    Nhưng đời đâu có để chờ
    Chiến tranh nổ lại đôi bờ sông xưa
    Pháp đi lại Mỹ xía vào
    Bàn cờ Quốc tế lẽ nào không hay

    Bởi vì lịch sử loay hoay
    Cảnh hai trong một những ngày đạn bom
    Người toàn chính trị đỏ lòm
    Choảng cùng người chỉ xanh rờn một cây

    Nước non hóa chốn cùi đày
    Hòa bình ai chẳng mê say một thời
    Mong cho hết cảnh tả tơi
    Nước nhà thống nhất đặng đời tự do

    Ai dè kết quả ra trò
    Bảy lăm khai phá nỗi lo ngàn trùng
    Vượt biên thiên hạ chập chùng
    Có người hài bảo cột đèn cũng đi

    Dẫu sao một thuở lâm li
    Người đi cải tạo ỳ xèo rên la
    Miền Nam tiêu mất Cộng hòa
    Một thời bao cấp diễn ra bạt ngàn

    Cuối cùng thời cuộc sang trang
    Những gì ngỡ tưởng huy hoàng còn đâu
    Tiến nhanh tiến mạnh ngõ hầu
    Bổng dưng đùng cái nửa đường quay lui

    Bởi Liên Xô đã mất rồi
    Đông Âu cũng vậy rõ ràng tiêu vong
    Trở thành lý tưởng đi đoong
    Chỉ còn thực tế bộn bàng vậy thôi

    Hỏi ai từng chẳng bồi hồi
    Hỏi ai từng chẳng mê tơi bao ngày
    Bây giờ lớp cũ đi rồi
    Chỉ còn lớp mới giữa đời bơ vơ

    Phải chăng chín đợi mười chờ
    Mỗi người một phách bây giờ là đây
    Chẳng qua sông nước với đầy
    Kiểu dòng lịch sử tháng ngày nổi trôi

    Giờ thì việc cũ chia phôi
    Chỉ còn kỷ niệm những thời xa xưa
    Khổ đau chở nặng thân lừa
    Cuối cùng chỉ giống như vừa ngủ say

    Nên thôi tháng đoạn ngày chày
    Ngàn năm lịch sử sau này hẳn ghi
    Giấc mơ ảo tưởng xuân thì
    Giờ thì hóa đá còn gì trách ai

    Vọng phu đứng đó tượng đài
    Người chồng đi biệt lẽ đâu còn về
    Đứa con lớn lại não nề
    Một thời chinh chiến mọi bề vậy thôi

    DÁNG NGÀN
    (13/5/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên