Đặng Sỹ đáng lẽ phải đi theo gót chân Ngô Đình Cẩn sớm về bên kia thế giới. Nhưng vì sao ông tránh được bản án tử hình? Chúng ta cùng nhau nhìn lại vụ án Đặng Sỹ.
Đặng sỹ, kẻ thoát án tử hình
Ngày mồng 8 tháng 5, năm 1963 là ngày đáng ghi nhớ. Bởi vì nó là ngày mở đầu cho biến cố Phật Giáo miền Trung năm 1963, nhưng lại là một bi kịch cho số phận nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Ai là người bày ra tấn bi kịch này? Cho đến hiện nay, chưa một ai có thể khẳng định một cách minh bạch. Trong ngày đó, vào khoảng 10 giờ 30 tối, có cả thảy 8 em vô tội đã bị thảm sát tại Đài phát thanh Huế.
Xin được nhắc lại tên các nạn nhân. Nguyễn Thị Ngọc Lan, 12 tuổi. Huỳnh Tôn Nữ Tuyết Hoa, 12 tuổi, Nguyễn Thị Phúc 15 tuổi. Lê Thị Kim Khanh 17 tuổi, Trần Thị Phước Tự, 17 tuổi, Nguyễn Thị Yến, 20 tuổi,Nguyễn Văn Đại 13 tuổi, và Đặng Văn Công 13 tuổi.
Các em đều là những nạn nhân phần đông rất trẻ! Đạn hay chất nổ vô tình không trừ ai! Vậy mà đây như thể có chọn lựa ai là người phải chết?
Đó là nhận xét và câu hỏi không kém quan trọng của người viết bài này. Xác chết thường là nhân chứng cuối cùng và cứ hỏi nó, nó sẽ tố cáo ai là thủ phạm.
Qua các nạn nhân này, Hồi chuông báo tử phải chăng đã dóng lên cho một chế độ?
Các nhân chứng có mặt tại hiện trường khẳng định như thế. Và dư luận thời đó và ngay cả hiện nay, nhiều người vẫn thiếu suy nghĩ cho rằng vụ thảm sát tại đài phát thanh Huế là do xe tăng của Thiếu Tá Đặng Sĩ đã cán chết các em. Và người trực tiếp trách nhiệm vụ thảm sát này không ai khác hơn là Đặng Sỹ?
Làm sao “xe tăng” lại chỉ chọn cán trẻ em mà không phải người lớn?
Và làm sao đại liên từ khoảng cách 50 mét, cách xa đài, nếu bắn thì người lớn chết trước? Hà cớ gì lại là trẻ con?
Riêng ông Ngô Đình Cẩn, trước khi chết có tâm sự với luật sư Võ Văn Quan là ông không có ra lệnh cho Đặng Sỹ giết trẻ em trước đài phát thanh.
Điều rõ ràng và chắc chắn là ngày nay không có một ai nghĩ rằng ông Ngô Đình Cẩn có dính dáng vào vụ nổ này. Ngay trước tòa án quân sự xử Ngô Đình Cẩn, công tố viện cũng không đề cập đến vấn đề này.
Cần có một câu trả lời cho cái chết của các trẻ em vô tội chết không toàn thây trước cửa Đài phát thanh Huế? Tại nơi đây, người ta đã dựng một tượng đài để tưởng nhớ vong linh các em. (Thật ra có 9 em, nhưng một em theo công giáo nên gia đình đã xin rút tên khỏi danh sách).
Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, tôi nghĩ trọng tâm của bài viết này không hẳn là đi tìm thủ phảm, bởi vì mất nhiều thời giờ mà thủ phạm trong một biến cố hạ sát người như thế cho đến nay vẫn chưa biết chắc chắn là ai?
Nhưng điều chắc chắn là Đặng Sỹ là con dê tế thần thứ ba đáng lẽ cũng nhận một án tử hình như Phan Quang Đông, ông Ngô Đình Cẩn. Nhưng ông đã may mắn thoát nạn.
Vì thế, tôi sẽ đưa ra một chứng cớ hồ sơ chưa được tiết lộ trong thời kỳ đó. Chứng cớ có giá trị thuyết phục; hồ sơ này có thể là yếu tố quyết định đã tha cái mạng cho Đặng Sỹ?.
Điều thứ hai là, tôi muốn viết ra đây là nếu xử tội, để cho công bằng, thì ngoài thiếu tá Đặng Sỹ thì những cấp chỉ huy trực tiếp của ông cũng phải liên đới trách nhiệm.
Đặng Sỹ không thể giết người một mình cũng như đại úy Nguyễn Văn Nhung không thể tự ý trói tay anh em ông Diệm, đâm, và bắn được!
Chẳng những họ phải ra tòa làm nhân chứng mà còn phải nhận lãnh trách nhiệm đồng lõa nếu thực sự có bàng cớ.
Thứ nhất, với tư cách nhân chứng, tòa bắt buộc TT. Trí Quang phải ra trước tòa, vì ông là nhân chứng quan trọng số 1. Ông không muốn ra tòa án phải có trát lệnh đòi ông ra, nếu cần, cảnh sát sẽ áp tải ông ra trước tòa, vì ông là người có mặt trước thềm đài phát thanh.
Vậy mà tòa đã bỏ qua vì không dám gửi trát đòi ông này này ra hầu tòa. Ông ở trên pháp luật. Thế thì công lý ở đâu?
Thứ hai nếu nhìn nhận Đặng Sỹ là người trực tiếp gây ra cái chết của 9 em nhỏ thì không thể nào không nói đến trách nhiệm liên đới của những cấp chỉ huy của thiếu tá Đặng Sỹ. Người thứ nhất là ông Nguyễn Văn Đẳng, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng thành phố Huế. Đại tá Đỗ Cao Trí, tư lệnh Sư Đoàn 1 và nhất là Thiếu tướng Lê văn Nghiêm, tư lệnh vùng I chiến thuật.
Nếu Đặng Sỹ bị kết án tử hình thì theo luật Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm có bị tử hình không vì ông là người ra lệnh? Phải chăng bản án tử hình vì thế đã được giảm khinh xuống tù chung thân?
Chính điều này là một trong những yếu tố để tòa án cách mạng không dám thẳng tay với Đặng Sỹ chăng?
Tôi cũng rất lấy làm tiếc ra hải ngoại, tôi đã liên lạc được với thiếu tá Đặng Sỹ hai lần. Nhưng cả hai lần ông đều khất lần và sau đó ông đã qua đời ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Bài viết có hai phần, phần đầu, chọn lựa dựa trên các lời viết của các nhân chứng hàng đầu, có mặt trong biến cố đài phát thanh Huế.
Ở phần đầu, người đọc sẽ thấy, các nhân chứng nói mâu thuẫn nhau, ông nói gà bà nói vịt. Và nếu cứ căn cứ trên những điều mâu thuẫn trái ngược nhau như thế, tòa có bắt buộc phải tha bổng cho Đặng Sĩ không?
Sang phần hai, vụ xử án Đặng Sỹ trước tòa án cũng vậy. Mọi kẻ có liên đới trách nhiệm đều ra trước tòa với tư cách làm nhân chứng. Những sĩ quan dưới quyền Đặng Sỹ thì không người nào được gọi ra trước tòa! Người ta sợ lời khai của họ chăng?
Nhưng như chúng ta đã được biết, đây là một vụ án dựa vào chính trị nên việc kết án hay tha bổng không tùy thuộc vào tòa án mà thuộc vào những thế lực bên ngoài tòa án.
Và cũng nhờ vào đó, Đặng Sỹ được thoát bản án tử hình trong gang tấc.
Phần 1: trích dẫn về những chứng từ trong đêm 8 tháng 5 năm 1963, tại đài phát thanh Huế.
Những chứng từ sau đây của các nhân chứng hầu hết nhìn tận mắt cho thấy một sự việc đã được nhìn, được thấy như thế nào?
Ông Nguyễn Khắc Từ, Huynh trưởng gia đình Phật Tử, người đã có mặt từ đầu đến cuối bên cạnh Thượng Tọa Trí Quang. Ông viết,
“Một chiếc xe mang tên Ngô đình Khôi cán bừa lên cả người đồng bào. Vài tiếng thét ghê rợn. Mặc kệ, họ cứ tiến vào đám quần chúng. Giữa lúc ấy, 3 tiếng súng lục chát chúa khô khan vang lên, và lựu đạn cay tung ra tứ phía. Từng loạt súng liên thanh và một tiếng nổ kinh hồn rung chuyển cả đài phát thanh. Tiếng súng vẫn nổ. Trong đài, chúng tôi vào ẩn trong trong phòng hoà âm gồm các Thượng Tọa, Đại Đức, ông Tỉnh trưởng và một số chúng tôi.”
(Trích trên web Giao Điểm; web Giao Điểm trích từ tạp chí Liên Hoa, số ra ngày 15 tháng 1965, Sài Gòn.)
Nhận xét: Cứ như ông Từ viết, lúc xảy ra có tiếng nổ, ông ở trong đài và ẩn trong một phòng hoà âm cùng với các Thượng Tọa, Đại Đức. Vậy bằng cách nào, ông có thể nhìn thấy cảnh xe tăng tiến vào với ba tiếng súng lục nổ. Đặc biệt, ông là một trong những nhân chứng nói đến xe tăng cán bừa lên quần chúng và lựu đạn cay tung ra tứ phía.
Theo lời của nhân chứng, các nạn nhân chết vì ba nguyên nhân: vì xe tăng cán, vì tiếng nổ kinh hồn và đạn đại liên.
Bác sĩ Erick Wulff
Phỏng vấn giáo sư Erick Wulff của báo Liên Hoa, số Đặc biệt Phật Đản, ngày 26 tháng 5- 1964. (trích lại trên Giao Điểm). Cuộc phỏng vấn này xảy ra khi bác sĩ người Đức này trở lại thăm Việt Nam.
“Đêm 8-5-1963, tôi và anh Tôn thất Kỳ, sinh viên y khoa của tôi có đến xem cuộc lộn xộn trước đài phát thanh Huế. Khi chúng tôi vừa đến thì điều làm chúng tôi hốt hoảng là một loạt súng chát chúa vang lên. Liền đó, xe thiết giáp kéo đến, tôi thấy rõ ràng có một chiếc xe mang tên “Ngô đình Khôi” có gắn súng 12-7, chĩa nòng súng vào phía dân chúng đang tụ tập nhốn nháo quanh đài phát thanh. Tôi đang bỡ ngỡ thì lại nghe tiếng nổ rất lớn. Rồi nhiều tiếng nổ khác tiếp theo.”
Tiếp theo, ông đến nhà xác.
“Tôi thấy một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp, 7 cái xác chết tan hoang, nhưng còn có thể nhận ra được, kẻ bị văng óc vỡ đầu, kẻ thì thân xác nát bấy, máu thịt đất cát cùng với óc não lẫn lộn be bét, còn một cái xác khác thì hoàn toàn tan nát từng mảnh không sao nhận ra được. Xem xét các xác chết, tôi thấy có ba xác bị bể sọ, quan sát kỹ chắc là do đạn (cỡ súng lớn bắn). Mà chắc là do súng cỡ lớn trên xe thiết giáp Ngô Đình Khôi bắn. Đạn này làm bay cả sọ, văng óc ra ngoài.”
Kết luận ông đáp:
“Vì tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc thảm sát ở Đài phát thanh Huế, tôi vô cùng xúc động trước sự đàn áp dã man này nên tự thấy có bổn phận ủng hộ cho cuộc đấu tranh.”
Bài trích dịch từ cuốn Vietnamesische Lehrejahren, 1972, từ trang 129-142, trích lại trên trang Giao Điểm và cũng trên Khuông Việt, 2003 trong bài “Những tháng ngày không quên” của Thái Kim Lan Chứng từ thứ hai của Bác sĩ Erich Wulff, giáo sư Đại học Y khoa Huế, từ 1961-1967.
Giữa bài phỏng vấn và bài trích trong sách của ông bác sĩ người Đức có nhiều chi tiết khác nhau.
“Tôi bỗng nghe một người nào đó gọi tên tôi. Đó là Tý, một người học trò của tôi. Tý hỏi tôi muốn đi cùng đến nghe phát thanh lại bài nói chuyện sáng hôm nay của Thích Trí Quang, bài này sẽ được phát đi trong vòng vài phút nữa và sẽ được truyền ra bên ngoài bởi những loa phóng thanh đặt trước cửa đài.
Vài phút sau đó có tiếng ầm ầm của một đoàn xe thiết giáp. Có tất cả 5 xe thiết giáp xuất hiện. Một chiếc tìm cách đi thẳng vào khuôn viên của đài phát thanh. Nó dừng lại chỉ cách Tý và tôi vài bước mà thôi. Và rồi những phát đạn đầu tiên được bắn ra từ nòng súng cà nông của xe thiết giáp, chúng tôi nghe khoảng 10 phát súng nổ kêu vang và khô khan. Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng đầu ngọn lửa phát ra từ họng súng của hai chiếc xe án ngự nơi bồn tròn nằm phía đầu cầu Trường Tiền. Sau đó một loạt súng trường bắt đầu nhả đạn. Sau đó, tôi đã gặp Paul Miller, một người Mỹ còn trẻ làm việc trong văn phòng trường đại học. Anh ta kể rằng “họ đã đi qua đây”. Thiếu tá Đặng Sỹ, người cầm đầu đoàn quân đã bảo anh ta phải biến mất đi. Sắp có màn phải giết người, vì ông ta đã nhận được lệnh của cấp trên đến dẹp tan vụ bạo lọan tại đài phát thanh với bất cứ giá nào.”
Sau đó, bác sĩ Wulff được một người y tá dẫn vào cổng sau nhà xác. Tai đây, ông ghi nhận như sau
“Không có ánh đèn điện. Dưới ánh sáng yếu ớt của đèn bạch lạp, chúng tôi thấy có 7 thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực, thân thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác, tất cả là trẻ em, thì không còn đầu. Nơi một người phụ nữ thì có những vết đạn bắn vào cánh tay, vai và cổ. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của đài phát thanh và nhô đầu ra trước. Nếu như các em khôn ngoan như người lớn, tức là nằm xuống dưới đất lúc súng đạn bắt đầu nổ thì có lẽ các em đã không hề hấn gì.
Khi về đến cư xá giáo sư đại học, tôi vội bước đến phòng của Giáo sư Krainick. Tình cờ lúc đó bà Krainick đang đọc vào máy ghi âm bức thư gia đình hỏi thăm các người con. Trong sự hốt hoảng lúc bà và ông chồng nghe tôi kể lại những biến cố vừa xảy ra, bà đã quên tắt máy. Cuộn băng ghi âm này đã được dùng làm bằng cớ vào tháng 9 năm 1963 trước Ủy Ban Việt Nam của Liên Hiệp Quốc, kèm theo với lời khai danh dự chứng thật nguyên bản của giáo sư Krainick.”
Nhận xét: Có lẽ những chứng từ của giáo sư người Đức được coi như có giá trị khả tín nhất, vì ông là người ngoại quốc khách quan hơn. Đối với một số Phật tử thời đó, ông chẳng những là một nhân chứng hàng đầu mà còn là người ân nhân số một của biến cố 1963. Vào ngày 14-4-1964, ông E. Wulff được tiếp đón nồng nhiệt khi trở lại Huế sau ngày đảo chính. Người ta đã dành tất cả cái vinh dự ấy cho ông như một người bạn của Huế. Ông đã được các Thượng Tọa Thích Trí Quang và Hoà Thượng Thích Đôn Hậu đón tiếp với hàng rào người đứng hai bên. Vì vậy, ông mới được mời ra làm nhân chứng vào tháng 9, 1963 với cuốn băng ghi kể lại biến cố với ông bà GS Krainick, trước Ủy Ban Việt Nam của LHQ. Nhưng thử so sánh hai bài tường thuật của ông xem sao.
- Thứ nhất, có một sự lầm lẫn, nếu không được giải thích sẽ gây ra hiểu lầm. Có lúc ông nói là Tý có lúc là Tôn Thất Kỳ. Có sự khác biệt đổi tên như thế vì Tôn Thất Kỳ không muốn để lộ tên mình ra nên ông Wolff đã phải gọi tránh ra như thế?
- Thứ hai, ông viết khi vừa đến thì đã nghe một loạt súng, liền sau đó xe thiết giáp kéo tới. Chắc ông viết lầm, phải đợi xe thiết giáp tới rồi mới bắn được.
- Thứ ba, ông còn có thể nghe và đếm được có khoảng 10 phát đạn đại bác (chắc là đại liên?) bắn đi. Cái này phải hỏi chuyên viên vũ khí, có thể đếm được đạn đại liên bắn đi không? Có chỗ ông viết: “nhìn thấy 5 xe thiết giáp tiến tới rồi nhả đạn”. Thật sự trong cái tình thế căng thẳng và có thể đi đến rối loạn, thật khó có thể có những ghi nhận thật chính xác được như thế. Những trắc nghiệm tâm lý đưa ra những hoàn cảnh giả, rồi yêu cầu được trả lời đã nhìn, nghe, nhớ gì. 90 phần trăm người được trắc nghiệm đã không thể trả lời đúng như sự việc đã xảy ra.
- Thứ tư, và nếu như lời ông tường thuật ở đoạn ông trích ra đây, ông và Tý thấy tuần xa là bắt đầu sợ và rủ nhau nhảy qua hàng rào đài phát thanh, đứng sang bên kia đường để nhìn về phía đài. Khi có tiếng súng nổ thì còn chạy núp vô một đường hẻm gần đấy. Nhưng đọc đọan ông mô tả thì như thể ông là một quan sát viên, hay một quan khách, đứng bàng quan và bình tĩnh, đứng gần tuần xa có mấy thước, nghe và đếm được 10 phát đạn, thấy hết hiện trường.
Tôi chỉ hỏi thật, ông đứng ở đâu? Không trả lời được thì ông chỉ là một tên phét lác!
- Thứ năm, ông kể được nghe qua một người bạn tên Paul Miller cho biết gặp Đặng Sỹ và Đặng Sỹ cho biết phải biến đi, vì sắp có cảnh dẹp loạn và cảnh giết người. Cứ tin vào chứng từ của ông bác sĩ thì Thiếu Tá Đặng Sỹ đã được lệnh trước chẳng những dẹp lọan mà còn có bổn phận phải tàn sát dân chúng đi biểu tình. Chứng cớ này khá là quan trọng vì có sách lược tàn sát đồng bào Phật Tử tối hôm đó? Ông Wolff phải ra làm chứng về điều này và xác nhận lại một lần nữa câu nói của ông. Nếu ông xác nhận Đặng Sỹ có nói như thế thì vụ án Đặng Sỹ rất đơn giản vì có lời giải đáp.
Rất tiếc, ông đã rời Việt Nam sớm hơn một tháng trước khi vụ án Đặng Sỹ được đem ra xét xử.
- Thứ sáu, theo ông các trẻ em bị thảm sát vì vượt hàng rào đài phát thanh cao khoảng 1m50. Như vậy, thay vì bị chết ở sát cạnh đài phát thanh thì nay chết ở hàng rào đài phát thanh. Đây là một vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Chứng cớ này của ông không đứng vững được vì vi phạm luật hiện trường. Một điều vẫn ám ảnh tôi mãi. Tại sao nạn nhân chỉ là trẻ con và thanh thiếu niên? Nếu đạn đại liên bắn như thế thì chẳng những các em chết và người lớn cũng chết không miễn trừ?
- Thứ bảy, ông là người thứ nhất, trước cả bác sĩ Lê Khắc Quyến có đặc quyền được giảo nghiệm xác chết. Tôi có đem truyện này hỏi các bác sĩ thì họ cho rằng nếu không phải bác sĩ chuyên môn về giảo nghiệm tử thi thì không đủ tư cách để có thể xem xét và quyết đoán về các vết thương. Họ không thể nào xác định được một vết thương do đạn, hay do chất nổ? Về điểm này có thể nói rằng cho dù có chứng tử giảo nghiệm đi nữa, không bị cưỡng buộc đi nữa, chừng từ đó cũng khó có sự giảo nghiệm kỹ càng và chính xác. Một bác sĩ thường, không chuyên ngành, không có cách gì phân biệt được một vết thương do chất nổ lựu đạn hay plastic, hay do đầu đạn, v.v.. Thật không dễ đâu? Dầu vậy thì đây là một bằng chứng vô cùng quan trọng, bởi vì trong nhiều trường hợp, nhân chứng duy nhất có thể truy lùng ra tội phạm lại chính là xác chết. Xác chết biết nói, biết tố cáo. Mặc dù ông không phải bác sĩ chuyên khoa về giảo nghiệm xác chết, mặc dù dưới ánh nến lù mù không soi sáng đủ và mặc dù thời gian chắc cũng không cho phép ông ở lâu để giảo nghiệm, đo đạc các vết thương sâu hay rộng để biết đích xác vết thương do chất nổ gì gây ra. Ông đã khẳng định là: quan sát kỹ, ông cho rằng chắc là do đạn đại liên bắn ra làm bay cả sọ và văng óc ra ngoài. Ông còn ghi thêm là do chiếc xe có bảng hiệu Ngô Đình Khôi bắn ra nữa. Có lúc ông nói có 5 xác bị bắn nát đầu văng óc, nhưng từ chân đến đầu còn nguyên vẹn. Đọan sau, ông nói ngược lại là 7 xác chết tan hoang, nát bấy, hoàn toàn nát bấy.
Còn nguyên vẹn và nát bấy đã hẳn phải khác nhau? 5 xác và 7 xác đã hẳn cũng khác nhau?
Quý vị không tin cứ việc đọc lại. Không thể giảo nghiệm khơi khơi thế được? Chắc ông chưa từng được xem Bao Công xử án.
Kết luận: các nạn nhân chết là do đạn đại liên từ xe thiết giáp Ngô Đình Khôi bắn ra.
Hai bản văn mà nội dung do một nhân chứng viết lại có nhiều chỗ phản lại nhau từng chi tiết một, không có chi tiết nào trong hai bản văn giống nhau đến độ có cảm tưởng do hai nhân chứng viết lại chứ không phải một người.
Tôi chỉ xin giữ một ý là về hiện trường và chất nổ. Thói thường chỉ có trẻ con mới xúm xít chung quanh đài phát thanh, còn người lớn, đứng xa xa và ở dưới. Trong phần trích dẫn cho thấy đây là một vụ nổ plastic và do bàn tay Hoa Kỳ gây ra. Sự thật ở chỗ nào?
- Thích Trí Quang
Thật ra, TT Trí Quang đã không trực tiếp viết về biến cố đài phát thanh Huế, nhưng do ông kể lại và ủy thác cho Thái Kim Lan với sự cho phép của ông. Vì thế, phần tài liệu này được kể là chính thức. Chứng từ này được kể là quan trọng và có tầm mức cao nhất về mức độ khả tín do một vị lãnh đạo tinh thần, là linh hồn của biến cố đài phát thanh Huế. - Trí Quang kể:
“Đến giờ, tôi đích thân đi với thầy Mật Nguyện xuống đài phát thanh. Ông quản đốc nói có lịnh không cho Phật Giáo phát thanh, xin các thầy biết cho đây là việc ngoài quyền hạn của tôi. Tôi yêu cầu mời ông Tỉnh trưởng xuống giải quyết tại chỗ. Bấy giờ gần tối. Phật tử đứng nghẹt sân đài phát thanh, ngoài đường và cầu Trường Tiền. Ông Tỉnh trưởng đến mới cùng thầy Mật Nguyện, tôi và ông Quản đốc, đứng lên chỗ cao, chưa kịp nói gì thì phía ngoài vòi rồng phun nước rất mạnh, kế đến hai chiếc chiến xa tiến vào đại liên và lựu đạn cùng nổ. Một số Phật tử ở góc sân trên của đài phát thanh, chỗ gần chúng tôi đứng bị ném lựu đạn tàn sát. Họ là các Thánh tử đạo đầu tiên của cuộc vận động 1963.
Sau đó, được biết trong hai chiến xa xung kích, một chiếc được mật lệnh giết tôi. Kẻ thi hành là Trung Úy Kỳ. Khi chĩa súng bắn tôi thì bị một đội viên cùng xe đánh bật tay lên. Chiếc khác được lệnh tiến bắn thì không bắn, vì sợ làm chết lây thầy Mật Nguyện và các ông Tỉnh trưởng, quản đốc. Sau bị trách phạt rằng sao không bắn luôn cả ba người ấy.
Súng ngưng nổ, chiến xa rút liền. Tên Phong, cảnh sát và tên Uyên, quân cảnh cùng một số lính, ăn mặc như xung trận vào đài phát thanh mặt đầy sát khí, nhìn chúng tôi nói dõng dạc: “Việt Cộng đột nhập, ném lựu đạn chết người’’ Và nhìn tôi muốn bắn. Tôi nói: “còn các ông thì yểm trợ cho Việt Cộng. Đúng là gà đẻ gà tục tác.’’
Nhận xét; Qua lời kể này, có nhiều sự việc phản bác lại tất cả những nhân chứng và chứng từ vừa nêu trên:
- Thứ nhất, TT. Trí Quang, Mật Nguyện, ông Quản đốc, ông Tỉnh trưởng không ở trong đài như nhiều người xác nhận, chẳng hạn theo lời kể của ông Nguyễn Khắc Từ, huynh trưởng gia đình Phật tử, cho rằng ông có mặt từ đầu, luôn ở bên cạnh thày Trí Quang. Các vị ấy đứng ở chỗ cao là phải, để quan sát và lượng định tình hình đám dân chúng đang ở dưới như ngòi thuốc nổ, có thể nổ bất cứ lúc nào.
- Thứ hai, Rất quan trọng là hiện Trường. Phải xác định rõ Hiện Trường. Hiện trường là chỗ góc sân trên của đài phát thanh, chỗ gần chúng tôi, bị ném lựu đạn tàn sát. Có nghĩa hiện trường ở sát cạnh đài phát thanh, là góc sân trên, như thế phản bác cái giả thiết của bác sĩ E. Wulff cho rằng các em bị bắn chết ở hàng rào đài phát thanh cao 1mét 50. Hiện trường không phải cách xa đài cỡ 50, 60 mét. Các em tò mò phải tiến tới sát đài. Làm sao các em bé trèo qua được cái hàng rào sắt nhọn cao 1 mét 50 được?
- Thứ ba, hiện trường ở góc trên đài phát thanh, nghĩa là có bậc tam cấp để đi lên. Điều đó cũng phản bác tất cả những chứng từ như của ông Vũ Ngự Chiêu và một số người khác cho rằng có hai em bị tuần xa cán chết dập đầu, nát bấy. Có nghĩa là khẳng định tuần xa không leo lên bực cấp đài phát thanh để cán chết các em được. Người đứng đông dày đặc như thế, nó cũng không thể nhúc nhích đến sát chân đài phát thanh được?. Và nếu nó cán chết các em thì trước tiên, nó đã phải cán bừa lên những đồng bào Phật tử người lớn đứng ở dưới sân đài phát thanh. Nên nhớ là không có người lớn tuổi nào là nạn nhân của biến cố đài phát thanh. Yếu tố chỉ có trẻ con dễ đưa đến ý tưởng là các em vì tò mò thường đứng gần sát đài phát thanh. Điều này hoá giải ý tưởng của phần đông dân chúng cho rằng các em bị các tuần xa cán chết.
- Thứ tư là các em bị đạn và lựu đạn bắn chết. Vấn đề này là vấn nạn gay go nhất, xin dược bàn tiếp theo ý kiến của Trung Tướng Tôn Thất Đính và lúc Đặng Sỹ ra toà.
- Thứ năm theo Thượng Tọa là có một âm mưu muốn ám sát TT Trí Quang với danh tính hẳn hoi. Đó là Trung Uý Kỳ và đồng bọn. Nhưng việc không thành chỉ vì có người lấy tay cản đồng thời sợ chết lây lan sang nguời khác. Chỉ rất tiếc là TT Trí Quang đã không chỉ đích danh cái người định ám sát Thượng Tọa. Nhưng chắc là phải giữ vai trò cao hơn Thiếu Tá Đặng Sỹ và ông Tỉnh trưởng? Người đó là ai? Có thể chỉ còn có mình TT Trí Quang có câu trả lời? Rất tiếc ông lại không nói. Đến lúc ra tòa, tôi đi tìm mãi không thấy Trung Uý Kỳ đâu? Chắc đã được TT Trí Quang bỏ qua.
Đã biết được rõ âm mưu như thế, hẳn nhiên TT Trí Quang cũng biết rõ ai là kẻ chủ mưu ra lệnh? Và cái kết quả thảm sát 8 trẻ em vô tội? Dù gì đi nữa thì TT cũng nên nói rõ ra một lần để rửa cái vết lõm dính máu trên đài phát thanh Huế cho oan hồn các em chứ? Không ra tòa đã đành? Nhưng không nói, im lặng lại là chuyện khác?
Phần 2: Vụ án Thiếu Tá Đặng Sĩ trước toà án Cách Mạng
Biến cố đài phát thanh Huế xảy ra đêm 8-5-1963. Từ đó đưa đến sự sụp đổ chế độ TT Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963. Nhưng vụ án Đài phát thanh Huế mãi đến 2-6-1964 mới được đưa ra xét xử tại Sài Gòn. Tức là hơn một năm khác với vụ án Trung Tá Phan Quang Đông và ông Ngô Đình Cẩn bị đem ra xét xử 19-5-1964 và lãnh án tử hình.
Xét sử sau quả thực có cái lợi của nó.
Thời gian càng kéo dài ra thường có lợi cho bị can, tránh được những sôi nổi khi sự cố còn nóng hổi. Thứ hai, phạm trường là Huế, trung tâm đầu não của biến cố 8-5-1963, cứ sự thường tội đâu xử đấy. Nhưng cũng không ai cấm được tòa án thay đổi chỗ xử án để cho toà án được độc lập hơn, tránh sức ép của dư luận quần chúng. Viện Chưởng lý tòa án quyết đinh xử ở Sài Gòn để tránh ‘Sợ gây hoang mang dư luận’. Theo nguyên tắc có 3 trường hợp: Sử tại nơi xảy ra phạm pháp. Toà án tại nơi can phạm bị bắt. Toà án tại nơi can phạm bị giam giữ.
Sử Đặng Sỹ là chuyện nhỏ, cân bằng hai thế lực tôn giáo trong lúc này là chuyện lớn. Các chính phủ quân nhân đều quá yếu nên phải di giây chứ biết làm sao? Đặc biệt là chính phủ Nguyễn Khánh.
Trước ngày Đặng Sỹ ra toà một tuần có bài báo trên tờ Lập Trường: Đồng bào Huế và Trung Việt nghĩ sao? Đặng Sỹ ra tòa tại Sài Gòn. Đối với dư luận xứ Huế: Vụ thảm sát tại Đài phát thanh chỉ là bước cuối cùng của cả một chương trình tận diệt tôn giáo. Dân chúng đã quá biết điều đó rồi. Lúc xử Ngô Đình Cẩn, tất cả các báo Sài Gòn đều viết rằng nhân dân đã xử ông Cẩn trước khi tòa án xử. Đối với Đặng Sỹ cũng vậy, nhân dân đã xử rồi chứ đâu có chờ đến tòa án Cách Mạng?
Vì thế Đặng Sỹ trước mắt người dân xứ Huế đương nhiên là một tội phạm và hình phạt dành cho ông là một án tử hình. Rõ ràng như thế, mang xe tăng đến trước đài phát thanh, rồi ùm ùm, súng nổ, lựu đạn nổ rầm trời. 8 mạng trẻ con chết thê thảm. Mọi người dân Huế, nhất là giới Phật tử đêm đó đều có dịp quan sát thấy tận mắt từ đầu đến cuối. Chối cãi đi đằng nào?
Vậy mà hơn 50 năm, chúng ta vẫn phải bắt buộc nhìn lại.
Nhưng nhiều người muốn truy đến cùng đằng sau Đặng Sỹ là ai? Ai ra lệnh? Một phóng viên của tờ Lập Trường, ngoài Huế đã mập mờ đưa ra mà như không đưa ra:
“Chúng tôi không muốn dành quyền phán xét của tòa án như một hai tờ báo ở Sài Gòn đã làm, vì vậy chúng tôi không muốn bắt chước họ nêu tên nêu tuổi chánh phạm ở đây. Tên tuổi đó không phai mờ trong lòng dân chúng Huế được đâu? Không bao giờ.’’
(Báo Lập Trường, tháng 6-1964)
Theo như câu nói trên thì dân chúng Huế biết rõ, biết chánh phạm là ai rồi?
Cuối cùng, chính quyền nghiêng về giải pháp đem Đặng Sỹ về Sài Gòn xử. Chỉ tiếc một điều là Toà án Cách mạng không xử Đặng Sỹ tại Huế, là nơi Đặng Sỹ phạm tội, để đồng bào, những người đã nhìn thấy sự thật trước mắt, sự thật ngày hôm nay vẫn còn hiển hiện trước mắt, tự mình lắng tai nghe thử những người xử án, nhân chứng và bị cáo nói gì trước tòa án về những sự việc đã xảy ra.
“Cho nên thật ra không phải người ta sợ hắn chết mà người ta chỉ sợ hắn không chịu im lặng để chết mà thôi. Chú thử nghĩ nếu ra giữa tòa mà hắn cà rịch cà tang khai hết những thượng lệnh mà hắn đã nhận để thi hành thì có tọa họa nó ra hết không. Người ta đang la làng lên là vì rứa….. Nếu phải chết, tội chi mà y chết một mình, y sẽ khai tùm lum ra hết. Nếu không thì phải tìm cách cho y đừng nói. Chú học lịch sử còn nhớ vụ Nuremberg không? Biết bao nhiêu tội phạm chiến tranh tự tử trong ngục trước trước khi bị đem ra xử… Mình lo cho Đặng Sỹ là vì rứa.”
(Báo Lập Trường tháng 6-64)
Vì thế, việc xử Đặng Sỹ đã làm nhiều người thất vọng đến độ nghĩ rằng:
“Trước hiểm họa Cộng Sản, trước viễn tượng Cách Mạng sụp đổ, lòng tin sụp đổ, những chữ của chúng tôi đang chứa đầy tủi nhục của nhân dân xứ Huế, của những người đã vùng dạy làm cách Mạng từ ngay sau đêm thảm sát Đài phát thanh, để rồi ngày nay thấy mình bị phản bội.’’
(Lập Trường 6-6-64)
Xử không khéo là lòng tin vào cách mạng sụp đổ và cảm thấy bị chính quyền phản bội?
TT Trí Quang đã đưa ra một liều thuốc giải vừa để gỡ rối vừa để trấn an dư luận, ông lúc đó đang ở Sài Gòn lại xin khoan hồng cho Đặng Sỹ đồng thời có đánh một công điện ra Huế mà nội dung như sau:
“Chúng ta chủ trương khoan hồng cho ông ấy thì không cần quan tâm đến những chi tiết khác làm gì.”
Tha thì không thể tha mà tội chết cũng không thể chết. Đó là cái thế của Đặng Sỹ. Nhưng tôi tự hỏi với tư cách gì TT. Trí Quang có thể khoan hồng cho Đặng Sỹ? Và tại sao không khoan hồng cho Phan Quang Đông và Ngô Đình Cẩn?
Có nghĩa là thực sự đây là một vụ án chính trị. Và dựa trên sắc luật 4-64 ngày 18 tháng 2, năm 1964 thiết lập tòa án Cách Mạng dưới thời tướng Nguyễn Khánh. Luật này có “hiệu lực hồi tố”. Và vì thế đã có một danh sách 267 những bị can phải ra trước tòa án Cách mạng. Trong đó có những vụ án nổi bật như Phan Quang Đông (cơ quan đặc vụ và tình báo) và Dương Văn Hiếu (Trưởng Đoàn mật vụ)
Xin trích dẫn lời Lý Chánh Trung trên tờ Tìm hiểu về tình hình lúc đó với nhan đề“Lọan để trị”
“Vì rằng từ mấy tháng nay, thành tích duy nhất của ông Khánh sau ngày chỉnh lý bị đạp đổ, người dân miền Nam đã nếm được cái thú vị của Tự Do xuống đường, tự do đập lộn, chém giết, nói láo, bêu xấu. Muốn gì cứ việc xuống đường. Xuống đường là thắng trận. Hoan hô dân chủ. Thật không có cái chính quyền nào nhiều thiện chí bằng cái chính quyền này: xum xoe chạy từ nhóm này đến khối kia, vuốt ve hứa hẹn để làm vừa lòng tất cả mọi người.”
Nhưng tội thay, không ai vừa lòng cả.
Hành tung của Erisk Wulff rât đáng chú ý và khả nghi. Ông ta sinh ở Estonia (cs) rồi
qua sống ở Tây Đức. Vừa mới ra trường, ông ta vội xin đi theo nhóm giáo sư y khoa
Đức qua giúp đại học y khoa Huế theo lời mời của viện trưởng Cao Văn Luận. Ông ta
dạy môn thần kinh học.Đáng chú ý nhất là trong khi 4 giáo sư Đức bị thảm sát trong
vụ Mậu Thân 1968 thì ông lúc đó đã có mặt ở Đức rồi. Việc này được báo lớn nhất ở
Đức viết như sau : Trong khi các đồng nghiệp thiệt mạng ở Huế năm 1968 thì Erisk
Wulff đi biểu tình cầm cờ ủng hộ MTGPMN. trên đường phố Đức !
Sau này trở lại VN.ông ta đã được nhà nườc CsVN. tuyên dương trên bào Sài Gòn Giải
Phóng (ngày 21/6/ 2008) “Gặp lại Ersik Wulff, một ân nhân Việt Nam”.
Cuối đời, ông ta qua sống ở Pháp và chết tại đây.
Xin lỗi.
Đính chính ERICK Wulff, không phải Erisk W.
Việc “phong thánh” cho các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế là một sự gắng gượng mang tính chính trị lạc lỏng và vô duyên. Những đứa trẻ ấy đã chết mà không có sự chuẩn bị. Cái chết đó xảy ra “bất ngờ”. Hơn nữa sự hiện diện của họ là vì mục đích gì? Những đứa con nít như thế không thể có những ý niệm tranh đấu và xả thân. Hội đoàn nào phong thánh cho họ thì thủ đoạn chẳng khác gì cộng sản. Hãy nhìn những Pháp danh đều bắt đầu từ chữ Tâm. Nó đồng nghĩa rằng những Pháp danh này đã được đặt ra sau cái chết để những đứa trẻ xấu số này đóng hết vai trò của mình cho bọn đạo diễn.