Tết ở California: văn hoá truyền thống và thể thao

6
Đốt pháo và múa lân đón tết ở San Jose, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tết Giáp Thìn năm nay, theo dương lịch, nhằm ngày thứ Bảy 10/2. Cuối tuần qua có những sinh hoạt văn hóa châu Á tại các thành phố San Francisco, San Jose, Oakland ở miền bắc California, là những nơi có đông người Việt sinh sống. Sau mưa giông kéo dài đã có nắng lên nên từ đêm giao thừa và trong hai ngày đầu năm nhộn nhịp với sinh hoạt đón Tết.

Tối giao thừa, thiện nam tín nữ đến chùa khấn Phật, hái lộc đầu năm, xin xăm trong tiếng pháo nổ rền vang đón mừng năm mới. Nhiều nhà thờ cũng có thánh lễ để kính nhớ tổ tiên. Tôi dự lễ giao thừa mang nhiều sắc thái Á Đông tại nguyện đường trường thần học Dòng Tên tại Berkeley với một trăm khách, nhiều sinh viên người Hoa, Hàn và Việt có văn hóa truyền thống đón mừng Tết Âm lịch nên có nghi thức dâng hương, hoa trái để tưởng nhớ tổ tiên và các lời cầu nguyện bằng tiếng Anh, Hoa, Pháp, Hàn, Tây Ban Nha, Swahili và Việt. Nhà thờ gần nơi gia đình tôi sinh sống, cộng đoàn Việt Nam cũng có lễ đón giao thừa, hái lộc và đốt pháo.

Tối mùng Một, anh em trong nhà sum họp. Theo truyền thống, trước bữa ăn u tôi xướng kinh cho con cháu chắt cùng dâng lời cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà và những người thân đã khuất.

Sang ngày Chủ nhật, mùng Hai Tết, mọi người tụ họp xem qua màn hình ti vi trận Super Bowl tranh cúp vô địch bóng cà-na giữa đội San Francisco 49ers và đội Kansas City Chiefs tại sân vận động Allegiant ở thủ đô cờ bạc Las Vegas. Đúng lúc khai mạc trận đấu, chúng tôi đốt một tràng pháo đón Tết và reo mừng ủng hộ đội nhà 49ers.

Nếu sống ở vùng Vịnh San Francisco, hôm nay bạn sẽ thấy nhiều gia đình gốc Á họp mặt ăn Tết cùng sinh hoạt thể thao. Đón tết mà sao lại có thể thao trong đó? Có lẽ đây là nét giao duyên tình cờ, nhưng mang nhiều ý nghĩa giao lưu giữa văn hóa thể thao Mỹ và truyền thống đón tết của cộng đồng người gốc Hoa, gốc Việt hay gốc Hàn.

Super Bowl có từ năm 1967, là trận chung kết hằng năm của môn bóng cà-na. Với 32 đội banh trên toàn quốc, bắt đầu với vòng loại theo vùng miền diễn ra vào tháng Chín, kéo dài cho đến cuối tháng Giêng hay đầu tháng Hai là Super Bowl, thường trùng vào thời điểm Tết Âm lịch. Đã có nhiều năm tết về đúng vào Chủ nhật Super Bowl nên nhiều gia đình vừa họp mặt ăn tết vừa xem đấu bóng cà-na trực tiếp trên truyền hình.

Super Bowl lần thứ 58 là cuộc thi đấu giữa SF 49ers và KC Chiefs, đương kim vô địch, vào chiều mùng Hai Tết. Vùng Vịnh San Francisco vắng xe ngoài đường, còn trong nhà và quán bia rượu lại sôi động lên vì bốn năm trước hai đội cũng đã vào chung kết và KC thắng SF 31-20. Thị trường đánh cá thể thao hơn 20 tỉ đôla tiên đoán đội 49ers năm nay sẽ thua.

Ba môn thể thao mang tính đại chúng ở Hoa Kỳ là bóng chày, bóng rổ và bóng cà-na. Trận Super Bowl mỗi năm được đông người chú ý nhất, theo ước tính năm nay có 126 triệu người Mỹ xem trực tiếp trên truyền hình và một nửa số đó tham gia đánh cá ít nhiều.

Anh em trong gia đình và bạn đến chơi có người đặt cược KC Chiefs, có người mong SF 49ers thắng, trong đó có tôi. Trò chơi đỏ đen với thể thao còn có cá cược mà nhiều người có thể tham gia là chơi ô, ai trúng hai số cuối điểm mỗi đội sau khi hết từng hiệp đấu sẽ thắng. Tùy theo ít nhiều, một ô có giá vài đôla. Những năm trước anh em định giá 2 đô 50 xu mỗi ô, tổng cộng tiền góp vào là 250 đôla. Năm nay, kinh tế đang phát triển, lạm phát xuống nên tăng lên 5 đô một ô. Ai trúng hiệp nhất, hiệp nhì hay hiệp ba thì được 100 đô. Còn lại 200 đô cho hiệp cuối cùng khi có kết quả thắng thua.

Đội 49ers đã 5 lần đạt chức vô địch. Tôi còn nhớ lần đầu khi đội nhà thắng Super Bowl 1982 với cầu thủ nổi tiếng Joe Montana làm cả ký túc xá reo mừng. Lúc đó thành phố Oakland bên cạnh có đội Raiders cũng làm mưa gió trên sân vận động, nhưng tôi vẫn thích đội San Francisco hơn. Có thể nói vùng Vịnh San Francisco là thủ đô thể thao của Hoa Kỳ vì có các đội tuyển bóng cà-na, bóng rổ và bóng chày.

Đến Mỹ năm 1975, sau bảy năm tôi mới hiểu được luật chơi và sự hấp dẫn từng phút, từng giây của bóng cà-na (người Mỹ gọi là “football”), mà có người gọi là bóng bầu dục hay bóng chổng mông vì 11 cầu thủ trên sân khi dàn binh là trong thế đứng chổng môn. So với bóng đá mà người Mỹ gọi là “soccer”, banh cà-na có nhịp độ chơi trên sân chậm hơn nhiều, nhưng bạo lực hơn, dễ gây thương tích trên thân và đầu.

Lễ Thanksgiving đầu tiên, đến nhà một người trong xứ đạo ăn tiệc, tiếng Anh còn lõm bõm nên nghe hỏi ở quê nhà Việt Nam có “football” không, tôi hiểu đó là bóng đá nên trả lời “yes” mà chưa biết gì về môn thể thao truyền thống này của nước Mỹ. Sáng đi học ESL ngang qua sân vận động trường cấp ba thấy mấy học sinh đội nón bảo hiểm cứ chạy rồi húc đầu, cố xô đẩy những tấm ván do hai bạn cầm mà không biết các em đang tập cái gì.

Hè 1983, tôi rời nước Mỹ qua châu Phi dạy học và có mang theo một áo sơ mi in hình biểu tượng 49ers màu đỏ. Trong những lúc trò chuyện, trao đổi văn hóa với học sinh, kể chuyện cách chơi bóng cà-na, mà tiếng Mỹ gọi là football, đồng tự với tiếng Pháp nhưng môn thể thao này hoàn toàn khác với sự hiểu biết của các em. Football trong tiếng Pháp là bóng đá, với FIFA World Cup diễn ra mỗi bốn năm mà hầu như cả thế giới đều biết đến. Còn ở Mỹ, football chỉ là môn thi đấu nội địa, dù có chơi ở Canada, Anh, Brazil và Nhật nhưng không được biết đến nhiều. Tôi miêu tả cầu thủ đội nón bảo hiểm, ôm banh chạy chứ không đá, rồi húc nhau như chọi trâu, đè nhau như chơi đô vật hay ném banh cho đồng đội bắt làm các em ôm bụng cười, nói football gì mà không dùng cẳng, chỉ dùng tay hay dùng đầu. Vì thế các em gọi đó là “football americain” để phân biệt với môn bóng đá trên sân cỏ.

Đến nay danh từ “football” đối với một số sinh viên trong lớp xác suất thống kê của tôi vẫn mang ý nghĩa là môn bóng đá, như tôi đã hiểu khi vừa đặt chân đến Mỹ. Cuối tháng trước, khi vào học kỳ mùa xuân, bài tập đầu tiên của lớp là một bản khảo sát ý kiến với nhiều câu hỏi, có câu: “Which one is your favorite football team?” – Đội banh cà-na nào bạn yêu thích nhất? – thì đa số trả lời 49ers, cũng có em chọn Broncos, Patriots, Raiders hay Cowboys mà trong đội có Đạt Nguyễn là cầu thủ trong nhiều năm. Ngạc nhiên khi thấy có em chọn Argentina, Morocco hay Cameroon là những đội tuyển gây tiếng vang trong World Cup gần đây và rồi tôi hiểu ra có thể các em mới đến Mỹ. Lớp chỉ học qua mạng, không biết mặt sinh viên nhưng qua câu trả lời tôi đoán các em chưa biết nếp sống Mỹ, chưa quen sinh hoạt vùng Vịnh San Francisco, nên hiểu từ “football”, là môn bóng đá, như tôi đã hiểu cách đây gần nửa thế kỷ khi cũng vừa đến Mỹ định cư.

Trận Super Bowl lần thứ 58 vào chiều Chủ nhật 11/2 đã diễn ra sôi nổi với SF 49ers dẫn điểm 10-3 khi hết hiệp hai và bước qua phần trình diễn âm nhạc mà nhiều người chờ đợi thưởng thức với Usher, Ludacris, Dupri, Jon.

Báo chí trong nước cuối năm ngoái đưa tin ca sĩ Tuấn Hưng được mời biểu diễn trong Super Bowl. Rồi đầu năm lại có tin ba bốn nhóm nghệ sĩ Việt được mời biểu diễn trong Super Bowl Tailgate mà làm như sân khấu vĩ đại cho hàng trăm triệu khán giả thưởng thức. Tôi biết là kiểu đưa tin nổ như pháo đùng của báo Việt Nam, vì những màn trình diễn tại Super Bowl toàn là những siêu sao Mỹ, từ Timberlake, Lady Gaga, J. Lo. cho đến Beyonce, Rihanna, Emiem thì ca sĩ Việt Nam là ai mà có chỗ đứng trên sân khấu đó.

Qua hai hiệp sau cùng, đội nhà chơi kém đi nhưng cũng giữ huề 19-19 cho đến hết hiệp thứ tư. Đấu thêm giờ, theo qui luật trong vòng 15 phút nếu đội nào đem bóng vào được vùng chiến thắng – touchdown – trước thì đương nhiên thắng. SF 49ers đá vào được thêm 3 điểm, nhưng rồi KC Chiefs đem được bóng vào vùng thắng điểm, đưa tỉ số lên 25-22 để giữ chức vô địch hai năm liên tiếp.

Thế là hết Tết và mùa banh cà-na sôi động nhất nước Mỹ cũng chấm dứt. Sau mấy tiếng đồng hồ xem thể thao và ăn nhậu, với người Mỹ là bia Bud cùng BBQ; với người Việt là bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, bê thui, tiết canh, lòng dồi và uống rượu đón tết.

Sau ăn nhậu, vui chơi xem thể thao ai cũng mong ngày hôm sau không phải đi làm. Nhiều người Mỹ đã lên tiếng đề nghị lập pháp Hoa Kỳ chọn ngày thứ Hai sau trận Super Bowl là ngày lễ nghỉ trong năm. Nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Đội Chiefs chiến thắng, tên tuổi của cầu thủ Travis Kelce lại nổi lên không chỉ vì là cầu thủ tuyệt vời mà còn vì anh có cô ca sĩ tình nhân Taylor Swift với 14 giải âm nhạc Grammy vừa bay về sau sô diễn ở Tokyo để kịp dự khán trận chung kết, ủng hộ cho KC Chiefs. Họ là đôi tình nhân hạnh phúc nhất trong ngày diễn hành chiến thắng ở Kansas City, Missouri.

Tết qua rồi. Ngày Tình nhân sắp đến. Chúc bạn đọc tràn ngập yêu thương.

Đón tết và xem tranh giải Super Bowl 2024 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Quảng cáo Super Bowl bên cạnh bánh mứt tết trong siêu thị vùng Vịnh San Francisco (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Thánh lễ đón giao thừa tại nhà nguyện ở Berkeley, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Đốt pháo đón giao thừa tại chùa ở California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú

6 BÌNH LUẬN

  1. Chúng nó từ lỗ nẻ chui ra!

    Mời ai cũng được nhưng trừ ra
    Bè lũ cộng sản cùng MAGA
    Bởi lẽ bọn chúng vô nhân tính
    Chúng nó từ lỗ nẻ chui ra!

    Nông Dân Nam Bộ

  2. Họ sẽ nghĩ gì về chúng ta?

    Nhân ngày cúng giỗ Ông Cha ta
    Tưởng niệm, ta tổ chức tại nhà
    Mời bạn bè những người ngoại quốc
    Và giới thiệu Bàn Thờ Ông Bà!

    Họ sẽ nghĩ gì về chúng ta
    Phong tục hủ lậu quá xấu xa
    Mê tín dị đoan hay đồng bóng?
    Đó là nét văn hóa tinh hoa!

    Nông Dân Nam Bộ

  3. Đạo Thờ Cúng Ông Bà là đây!

    Ngày cuối năm ta rước Ông Bà
    Đoàn tụ gia đình ba ngày Tết
    Quây quần con cháu chung một nhà
    Hàng năm cúng giỗ – nhớ ngày chết

    Đạo Thờ Cúng Ông Bà là đây!

    Nông Dân Nam Bộ

  4. Bản sắc văn hóa của dân tộc

    Bốn ngàn năm xương máu Ông Cha
    Cốt lõi còn sót lại may ra
    Bản sắc văn hóa của dân tộc
    Đó là Đạo Thờ Cúng Ông Bà!

    Nông Dân Nam Bộ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên