Bản dịch bài phát biểu cảm tạ của ông Vũ Quốc Dụng (VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền) nhân dịp Liên đoàn Thẩm phán Đức (Deutscher Richterbund) trao Giải Nhân Quyền 2017 cho luật sư Nguyễn Văn Đài trong buổi Lễ trao giải được tổ chức tại thành phố Weimar, miền Đông nước Đức, vào ngày 05/04/2017 vừa qua. Xin xem Video-Clip: Đài truyền hình Đức ARD đưa tin về Lễ trao giải, và xem Bằng Tưởng lục Giải Nhân Quyền 2017 ở phần cuối bài.
Luật sư Nguyễn Văn Đài và Giải Nhân Quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức
Kính thưa Quý Vị,
Thật là một điều đáng buồn khi hôm nay tôi phải đứng ở chỗ này. Lẽ ra hôm nay Luật sư Nguyễn Văn Đài phải là người có bài phát biểu tại đây, và ông sẽ có nhiều điều để mà nói cho chúng ta nghe, nhưng ông hiện đang bị giam cầm. Do đó theo dự tính, vợ ông, bà Vũ Minh Khánh, sẽ là người phát biểu thay cho ông, nhưng bà cũng đã bị chặn xuất cảnh ở Hà Nội vào ngày 02.04.2017. Đáng lý ra hôm nay chúng ta sẽ phải dành hai ghế trống, một cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và một cho vợ ông vì cả hai người đều không thể đến với chúng ta được.
Thưa Quý Vị! Người ta có thể câu thúc thân thể của vợ chồng Luật sư Đài nhưng sẽ không thể giam hãm được những suy nghĩ mà họ muốn chuyển đến chúng ta trong ngày hôm nay. Sau đây xin trích một đoạn lời cảm tạ mà vợ Luật sư Nguyễn Văn Đài dự định sẽ đọc nếu bà có mặt ở đây:
„Tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của chồng tôi. Hiện nay anh Đài đang bị cô lập hoàn toàn và không được ai bảo vệ. Anh đang phải đối diện với khung hình phạt từ 3 đến 20 năm tù giam của điều 88 trong chương “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật hình sự Việt Nam.
Chỉ là vợ, dĩ nhiên tôi không thể thổ lộ hết những gì trong tâm khảm của chồng tôi, nhưng anh sẽ chắc chắn nói lên, nếu như anh không đang bị giam cách ly và có thể có mặt hôm nay nơi đây, về những điều anh đã làm, làm với tất cả lý tưởng và nghị lực của một người trẻ yêu con người và yêu công lý, những điều được vinh danh tại Đức, nhưng trên quê hương Việt Nam chúng tôi trong chế độ cộng sản lại là những tội cần phải bị trừng phạt. Tôi không thể diễn tả được hết ngọn lửa hừng hực trong tim anh Đài, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là chồng tôi, nếu đang đứng tại nơi đây, anh sẽ nghĩ và nhắc đến những người bạn can đảm và tuyệt vời đang bị tù tội vì đã và đang tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, thí dụ người cộng tác viên của anh là bà Lê Thu Hà.
Và chắc chắn, chắc chắn lắm, vì biết những người đó đều rất xứng đáng được vinh danh, nên chồng tôi sẽ xin nhận giải thưởng này với tất cả sự khiêm tốn của mình.“
(hết trích đoạn)
Tôi không thể nào hiểu được vì sao hôm nay vợ chồng Luật sư Nguyễn Văn Đài lại không thể có mặt nơi đây. Có thể trả lời đơn giản, vì ông đang bị tù.
Nhưng vì sao ông ấy lại bị tù? Cho đến ngày hôm nay, sau gần một năm rưỡi bị giam giữ, chính quyền Việt Nam đã không cho gia đình, luật sư và công luận biết hành vi cụ thể nào của ông đã bị xem là phạm tội. Chính quyền Việt Nam nghĩ rằng họ chỉ cần tuyên bố rằng Luật sư Đài đã „tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ và như thế đã „xâm phạm an ninh an ninh quốc gia“ là đủ. Ông Đài có nguy cơ bị kết án đến 20 năm tù giam. Tôi cho rằng, bất cứ người nào khi bị bắt giam với một cáo buộc nặng nề như thế, thì cũng có quyền được biết họ đã có hành vi sai trái nào, dù đó là hành vi gì đi nữa.
Ở đây người ta có thể nghi ngờ rằng, những cáo buộc đối với Luật sư Đài không có đủ cơ sở pháp lý và có động cơ chính trị, giống như trong lần đầu mà ông bị bắt giữ với cùng một tội danh vào năm 2007. Hồi đó cả một hệ thống truyền thông nhà nước đã kết án ông là phản động và tội phạm hình sự ngay sau khi ông vừa bị bắt giữ. Các luật sư của ông đã chỉ nhận đươc giấy phép bào chữa có bảy ngày trước phiên xử và đã chỉ có vài giờ đồng hồ mỗi ngày để đọc hồ sơ vụ án. Ông Đài đã không được hưởng được một phiên xử công bằng. Trong một phiên xử ngắn ngủi tòa án đã không muốn nghe lời ông trình bày. Mọi lý lẽ và bằng chứng đưa ra đều bị lờ đi và không được tranh luận, bởi vì bản án đã được định sẵn từ trước phiên xử và nhiệm vụ của thẩm phán chỉ là có mặt để đọc nó.
Sau khi mãn án tù bốn năm vào năm 2011, Luật sư Đài đã tiếp tục bị giam lỏng tại gia thêm bốn năm nữa. Trong thời gian giam lỏng tại gia, ông đã không được rời khỏi phường cư trú nếu không được công an cho phép, trên thực tế là không được đi đâu cả. Ở hai đầu đường nhà ông đều có chốt canh gác thường xuyên với nhiệm vụ cản trở ông rời khỏi nhà khi có một phái đoàn quốc tế đến Hà Nội, cho dù phái đoàn này có muốn gặp ông hay không. Phạm vi di chuyển của ông bị giới hạn trong phường cư trú và những khách ngoại quốc hay bạn bè của ông đều bị xua đuổi, thậm chí bị hành hung khi họ đến đó. Ngay cả sau khi việc quản chế chính thức kết thúc vào tháng Ba 2015, ông Đài vẫn tiếp tục bị quản chế trên thực tế cho đến lúc bị bắt lại vào tháng Mười Hai 2015. Ông đã không được tự do đi lại và không được xuất cảnh sang Đức, mặc dù chẳng có lý do nào được đưa ra. Một giải thích thô thiển được nêu ra là vì ông không có hộ chiếu. Nhưng làm sao ông có được hộ chiếu, khi ông bị từ chối cấp hộ chiếu? Kể từ đó ông đã hiểu rằng mình sẽ không bao giờ có thể xuất cảnh được nữa, giống như hoàn cảnh hàng chục nhà hoạt động khác tại Việt Nam.
Bà Khánh vợ ông không có một tiền án nào, không bị truy tố và còn có cả một cuốn hộ chiếu. Vậy thì tại sao bà vẫn không thể xuất cảnh? Bởi vì bà là vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài, bởi vì người ta không muốn chồng bà được bên ngoài biết đến và bởi vì một người bị đóng nhãn „tội phạm hình sự“ không thể được nước ngoài vinh danh. Cho dù sự vinh danh đó có đến từ một hiệp hội chuyên ngành như Liên đoàn Thẩm phán Đức, một thành viên cố định trong chương trình Đối thoại về Nhà nước Pháp trị giữa nước Đức và Việt Nam.
Khi một quyền căn bản như là quyền tự do xuất cảnh mà còn bị khước từ, thì vợ chồng Luật sư Đài còn có quyền nào nữa? Gần như không còn có quyền nào cả. Theo cách hiểu của nhà nước Việt Nam, nhân quyền là điều được chính quyền ban phát và người dân phải biết ơn chính quyền về việc này. Còn kẻ thù thì không được hưởng bất cứ quyền nào và sẽ không được bảo vệ khi các quyền của họ bị xâm phạm.
Nhưng thật sự Luật sư Đài có phải là kẻ thù của chính quyền Việt Nam không? Ông tự xem mình là một luật sư nhân quyền và không đương nhiên là một nhà đối lập. Ông đã nói với các nhân viên an ninh mật vụ đến sách nhiễu ông rằng, họ không nên ép ông phải trở thành một người đối lập. Ông muốn thấy mình được thực hiện nhân quyền tự thân của mình và muốn bảo vệ cho nhân quyền của người khác, đó là những quyền con người mà Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ khi đã ký kết các công ước quốc tế.
Người nào quen với Luật sư Đài thì biết ông là một người lạc quan, thân thiện, cởi mở và ôn hòa. Ông lớn lên dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc Việt Nam và bố của ông là một cán bộ nhà nước. Lối suy nghĩ của ông đã không khác nhiều người xung quanh ông cho đến khi ông đến Cộng hòa Dân chủ Đức và chứng kiến sự sụp đổ của Bức tường Berlin và cuộc cách mạng ôn hòa. Từ đó ông có ý muốn cải tổ và dân chủ hóa chế độ bằng những phương tiện pháp lý và ôn hòa. Do đó ông đã học luật và hành nghề luật sư. Mặc dù bị theo dõi, bắt bớ, giam lỏng tại gia và hành hung ông vẫn tin rằng con đường mà mình lựa chọn là đúng đắn cho một đất nước chịu nhiều đau thương của chiến tranh và chia rẽ, một đất nước mà nhân dân của nó xứng đáng được hưởng một tương lai tươi sáng. Ông đã nhiều lần đối thoại rất lâu với những kẻ hành hạ mình, với hy vọng rằng họ sẽ hiểu công việc của ông hơn, dù bạn bè có bảo ông rằng chuyện đó là vô ích và nguy hiểm. Ông cũng đã mời các viên an ninh mật vụ canh giữ nhà ông hay ngăn cản ông rời nhà cùng đi uống cà phê. Trong trường hợp họ phải đeo bám, theo dõi ông, ông còn đề nghị chở họ đi cùng xe. Những người quản giáo xác nhận ông có ảnh hưởng tốt đến các bạn tù, và các quản giáo cảm thấy yên tâm.
Luật sư Nguyễn Văn Đài chỉ khác thường so với những gì mà chế độ muốn thấy nơi ông. Luật sư Đài đã học luật vì muốn giúp người. Ông tin tưởng vào nhân quyền và công lý. Khi ông hành nghề luật sư, thì những bước đầu vẫn còn nằm trong khuôn khổ cho phép của chế độ. Nhưng càng ngày ông càng đụng vào những giới hạn và ông đã cố gắng nới rộng chúng ra. Năm 2014 ông đã cùng một số luật sư trẻ thành lập nhóm „Luật sư vì Công lý“ nhưng nhóm này đã sớm bị đánh tan. Đây là lần phản kháng đầu tiên của các luật sư để rồi 11 năm sau (2015) nhóm này càng hiện rõ nét và càng được củng cố cho đến ngày hôm nay. Hiện đang có một nhóm luật sư tại ở Việt Nam vận dụng ý tưởng trước kia của ông Đài bằng cách giúp đỡ miễn phí những nạn nhân của bất công và vi phạm nhân quyền. Bất chấp sự đe dọa, Luật sư Đài đã tranh đấu cho những anh chị em Cơ Đốc giáo tại các phiên tòa. Mặc dù chưa thắng được một phiên xử nào, nhưng ông là người đầu tiên dám đứng ra bảo vệ cho sự vô tội của thân chủ mình và đó là công trạng lớn nhất của ông. Chí ít những nạn nhân đã tìm được nơi ông một người dám can đảm công nhận họ vô tội. Trong một thời gian dài trước đó tại Việt Nam đã không ai dám công khai nghi ngờ về tính hợp pháp của việc bắt giữ hoặc kết án. Trước ông, một người nếu bị bắt hay bị giam thì đương nhiên sẽ bị xem là có tội. Nhiều luật sư đã không biết đến nguyên tắc suy đoán vô tội và nghĩ rằng, họ có thể giúp thân chủ mình thật nhiều khi tìm cách xin giảm án cho họ.
Những hoạt động của Luật sư Nguyễn Văn Đài đã làm thay đổi cái nhìn của công chúng. Hiện nay trong tất cả các phiên tòa chính trị, các luật sư đều bào chữa cho sự vô tội của thân chủ, dù biết rằng họ không thể thắng kiện và sẽ gặp nhiều phiền toái sau này. Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng là người đi tiên phong trong lãnh vực giáo dục nhân quyền và báo cáo nhân quyền. Hiện nay ở Việt Nam nhân quyền đã không còn là một đề tài cấm kỵ và báo cáo về vi phạm nhân quyền không còn bị xem là một hoạt động gián điệp nữa, mặc dù những nhà hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Kính thưa Quý Vị,
Luật sư Đài đã gây cảm hứng và tác động cho nhiều người làm việc có ích và ông đã đang phải trả một giá rất đắt cho việc này. Ông đã có thể chọn một cuộc sống khác mà chắc chắn là dễ chịu hơn cho ông và gia đình. Là một luật sư ông đã có thể kiếm được nhiều tiền, nếu như chịu luồn cúi và chịu đóng trọn vai trò mà chế độ muốn phân công cho ông. Nhưng ông đã có quyết định khác. Ông đã bị tước giấy phép luật sư và từ đó mất cả kế sinh nhai và sự tự do. Đó là cái giá phải trả cho một quyết định tự do mà chúng ta tôn trọng và ngưỡng mộ. Nhưng có một điều mà không ai có thể cướp được, đó là nhân phẩm của ông. Tôi tin chắc rằng ông sẽ đứng lên trở lại được, bởi vì ông muốn được sống làm NGƯỜI với tất cả trách nhiệm và bổn phận gắn liền với danh nghĩa đó.
Tôi xin kết thúc bài này bằng những ý tưởng mà đáng lẽ phải do chính bà Vũ Minh Khánh, vợ Luật sư Nguyễn Văn Đài, phát biểu khi nhận Giải Nhân Quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức, nếu như bà có mặt cùng chúng ta hôm nay:
„Nếu ở trong tù mà chồng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Đài, biết mình sẽ được nhận giải thưởng cao quý này thì anh sẽ rất vui mừng, vì đó là sự công nhận quốc tế dành cho những việc làm của anh. Hôm nay tôi đại diện anh và cũng đại diện cho những công dân Việt Nam khác, đặc biệt là các luật sư đã âm thầm tranh đấu bao nhiêu năm nay cho nhân quyền và cho nguyên tắc pháp trị tại Việt Nam. Hôm nay tôi nghĩ đến tất cả những người đã dám hy sinh những lợi ích bản thân cho lý tưởng của mình. Chồng tôi chỉ là một trong số những người đó và đang được quý vị quan tâm đến.“
Xin cảm ơn Quý Vị đã lưu ý lắng nghe.
(Tri Nguyên dịch từ bản gốc tiếng Đức)
Xem video của Đài Truyền Hình Đức