Lại vẫn tiếng nói của Dân Biểu Đài Loan về Formosa

0

Hồi tháng 9-2016, 5 tháng sau khi tổ hợp gang thép Formosa xả thải hóa chất cực độc xuống Vũng Áng gây nên thảm nạn cá chết, biển chết, người chết ở bốn tỉnh miền Trung, Dân biểu Tô Trị Phần của QH Đài Loan đã tới Hà Tĩnh tìm hiểu sự việc. Ngay khi trở lại Đài Loan bà đã tường trình sự việc với các đồng viện và sự hiện diện của người cầm đầu ngành hành pháp, danh xưng địa phương gọi là Viện trưởng.

Sau lần gặp gỡ hai LM Nguyễn Đình Thục và Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan vừa qua, một lần nữa bà Tô lại có dịp lên tiếng chất vấn Thủ tướng Đài Loan trong 20 phút tại Quốc Hội xứ này. Mục tiêu chính vẫn không ngoài chủ đề nói về hành vi bê bối tắc trách của tổ hợp Formosa tại Việt Nam. Theo bà, thái độ vô trách nhiệm này của Formosa đã ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đài Loan. Phần chất vấn này nghe được trên Youtube với phần chuyển qua Việt ngữ của Lê Việt Kỳ Nhi.

Mối liên hệ lâu đời giữa Đài Loan và Việt Nam

Sau khi chào Thủ tướng (Viện trưởng) và các đồng viện, bà Tô Trị Phần nhắc lại vài ngày thăm viếng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Việt Nam của bà hồi tháng 9-2016. Bà nhấn mạnh tới chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan và tỏ ý tiếc về thái độ khinh xuất của công ty gang thép Formosa đã tác hại cho mối liên hệ lâu đời giữa Việt Nam và Đài Loan từ năm 1952, qua các đời Tổng thống Lý Đăng Huy, Trần Thụy Điển, Mã Anh Cửu. Với những gì bà quan sát được trong chuyến đi ngắn ngủi năm rồi bà hết lời ca ngợi những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Chỉ căn cứ vào những tranh vẽ của một họa sĩ bình thường, bà nhân ra Việt Nam đã được thừa hưởng một căn bản vững chắc trong các lãnh vực kiến trúc, điêu khắc và hội họa do người Pháp để lại trong ngót một thế kỷ bảo hộ Việt Nam. Những trường Cao đẳng Mỹ thuật được mở ra. Trong vài ngày ở Việt Nam bà đã gặp những người Pháp và họ tỏ ra đồng cảm với những nhận xét của bà.

Bà Tô trong dịp tiếp hai LM Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Đình Thục

Do những sưu tầm riêng, bà cho hay Việt Nam ngày nay, xét về thành phần dân số được coi là một quốc gia trẻ trung, với 73 % thuộc lứa tuổi từ 35 trở xuống. Trước mặt người cầm đầu ngành hành pháp Đài Loan bà tỏ ý phàn nàn về tỷ lệ số người dân đảo quốc này theo học tiếng Việt quá thấp. Đấy là một nhược điểm cần khắc phục nếu muốn đẩy mạnh chính sách Hướng Nam Mới.

Lời chứng của An Luật, nạn nhân cá chết ở Hà Tĩnh

Nhắc tới An Luật, một ngư dân Vũng Áng, Hà Tĩnh 26 tuổi, màn hình hiện lên mạng Quê Choa, bà nói: ngư dân trẻ này vào nghề đánh cá từ năm 13 tuổi. Nhớ lại chuyến ra khơi đầu tháng tư năm ngoái, An Luật nói với bà Tô.

Nhớ lại hôm 05-4-2016, bỗng dưng tôi thấy hàng ngàn, vạn cá chết trôi trên mặt biển. Có cả các loại cá sống ở sâu ngoài khơi lẫn với cá ở vùng nước cạn. Ban đầu chúng tôi không biết cá nhiễm chất độc, vớt lên ăn và còn đem bán ra thị trường. Khi biết ăn cá chết sẽ nguy hiểm, chúng tôi không dám ăn và cũng không dám ra khơi đánh bắt nữa. Cá chết, biển chết, cả đến san hô cũng chết!”

Theo thống kê, bà Tô cho hay có khoảng 100 tấn cá chết được vớt lên đem đi tiêu hủy, còn số lượng cá chết rữa nằm sâu dưới đáy đại dương và trôi giạt đi đâu không có thống kê nào cho hay. Còn về ống xả thải hóa chất độc hại từ công ty gang thép Formosa ở Vũng Áng dài khoảng 1 hải lý với đường kính 1,4 mét. Ngoài ra còn có ba đoạn ống xả thải với thiết diện nhỏ hơn.

Bà Dân Biểu họ Tô thuật lại lời An Luật cho hay: nếu Formosa có nói gì thì chỉ nói với giới cầm quyền Việt Nam, không hề có họp báo công bố cho người dân biết về căn nguyên gây ra nạn cá chết hàng loạt phơi trằng dọc theo bở biển bốn tỉnh miền Trung. Khi được hỏi, với tư cách ngư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ môi trường biển bị hủy hoại đưa tới cảnh cá chết, anh có điều gì để bày tỏ, An Luật nói:

Điều tôi và các nạn nhân mong muốn là Formosa vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi về suy nghĩ của anh đối với sự có mặt của Formosa từ ngày đầu, An Luật cho hay.

Lúc họ tới chúng tôi vui mừng vì nghĩ rằng họ thiết lập nhà máy để đô thi hóa và giúp cho đời sống người dân Hà Tĩnh chúng tôi phát triển nhưng tuồng như họ không có một ý niệm gì về vấn đề bảo vệ mội trường.”

Dân Biểu họ Tô muốn nói gì với TT Đài Loan?

Trước mặt các đồng viện của bà tại diễn đàn quốc hội, bà Tô Trị Phần nói với Thủ tướng Đài Loan, trong vài ngày có mặt ở Hà Tĩnh, Việt Nam, đi đến đâu, gặp ai bà cũng nghe những lời ta thán về Formosa, Formosa, Formosa!

Điều đáng tiếc là với nạn nhân vụ cá chết, họ đồng hóa Formosa với diện mạo của Đài Loan! Đối với dân chúng Việt Nam, không còn ai tin ở Formosa. Và điều này có nghĩa là họ không còn tin tưởng ở Đài Loan nữa!”

Ngỏ lời với Thủ tướng (Viện trường) Đài Loan, bà Tô nhắc lại lời người ngư phủ trẻ tỏ ý tiếc nuối cảnh đẹp và an toàn của hai trăm cây số bở biển Hà Tĩnh trước khi có Formosa. Từ đấy, bà cũng nói tới cảnh quan xinh đẹp của bờ biển Vân Lâm, cố hương của bà và cũng là quê của Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Lý Ứng Nguyên (Lee Ying Juan) thời chưa bị Formosa tàn phá. Bà nói.

Nhìn vào cứ điểm của Công ty Formosa Vũng Áng, Viện trưởng thấy toàn là bờ biển với một diện tích đất lên tới 3.300 Hecta. Nếu chúng ta muốn thực hiện chính sách Hướng Nam Mới ở Việt Nam, chúng ta hãy suy nghĩ chính sách này sẽ mang lại cho Việt Nam điều gì? Chúng ta sẻ gieo tại họa, khổ đau cho họ hay mang cái gì? Mang lại sự cải thiện đời sống cho họ hay cái gì khác?

Tôi nhìn thấy những bà mẹ Việt Nam và các thế hệ con cháu họ. Lớp trẻ này sẽ lớn lên và sẽ tìm hiểu lịch sử giai đoạn hiện nay, và họ sẽ nhìn chúng ta như thế nào? Quê hương của mẹ tôi cũng như thế. Còn tôi, tôi sinh ra ở Đài Loan.

Đấy là điều tôi muốn nói với Viện trưởng hôm nay.”

Trong dịp này bà Tô đã nêu câu hỏi là thử ngó qua nước Mỹ và Công ty Formosa đã có quan hệ với nhau như thế nào. Bà cho rằng nước Mỹ ngày nay là một nước giàu mạnh và là anh cả của thế giới. Bà yêu cầu Thủ tướng Đài Loan hãy nhìn lại lịch sử Formosa đã vi phạm quy luật của Mỹ về môi trường trong năm 82, 90, 91, 92, 99, 13 ít nhất mỗi năm một lần và coi xem Formosa đã bị Mỹ phạt nặng ra sao? Ngay sau đó bà cho hay trong các năm 90, 91, 92, 99 và 13 tiền phạt Formosa phải chi trả cho Hoa Kỳ là 500 triệu Đài tệ. Trong khi ấy ở Formosa Lục Khinh, huyện Vân Lâm, theo báo cáo họ cũng vi phạm nhiều về luật ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, ETA, ô nhiễm nước v.v… Từ năm 100 đến 105 THDQ (tức từ năm 2011 đến năm 2016) Formosa vi phạm tổng cộng 165 vụ.

Tiếp theo Dân Biểu Tô Trị Phần nêu lên một lô câu hỏi liên quan tới pháp luật.

Pháp trị là gì? Pháp luật là gì? Pháp luật xây dựng và cam kết điều gì?

Pháp luật chẳng phải là để kiến lập sự công bằng giữa con người với con người sao?

Và pháp luật có phải là để bảo vệ chính nghĩa?

Từ những câu hỏi nêu trên, đối chiếu với thực tế, tôi thán phục Mỹ quốc đã khôn khéo trong việc sử dụng pháp luật khi cho phép Formosa đầu tư ở Mỹ. Khi vi phạm luật pháp là bị xử phạt ở mức độ cao.

Còn chúng ta thì sao. Xin Thủ tướng (Viện trưởng) coi lại.

Lời cuối bà Tô nhắn gửi người lãnh đạo hành pháp xứ sở của bà

Thưa ông Viện trưởng,

Tôi chưa quên được lời An Luật, người ngư phủ trẻ Việt Nam nói với tôi:

Bà là một Dân Biểu đến từ Quốc hội Đài Loan. Bà là Quan Phụ Mẫu của con dân nước bà. Tôi xin bà dạy dỗ, hướng dẫn họ trở nên những người tốt hơn.”

Nói đến đây, Dân Biểu Tô Thị Phần đưa bàn tay phải đặt lên ngực trái và lập lại câu than đã có một lần bà cất lên trước các đồng viện của bà.

Chúa ơi! Với tâm tình của người bạn ngư dân Việt Nam tên An Luật, thưa ông Viện trưởng, tôi phải trả lời thế nào đây? Rõ ràng An Luật đã thay mặt cả triệu đồng bào anh để nói với chúng ta, những con dân Đài Loan rằng, chính chúng ta đã phá hoại môi trường biển của họ, chính chúng ta đã cướp đi bát cơm trên tay họ!?

Trước khi kết thúc buổi chất vấn người cầm đầu ngành hành pháp Đài Loan, bà nói.

Hy vọng trong bao nhiêu năm lãnh đạo ngành hành pháp, ông Viện trưởng có thể làm được gì giúp phát triển khá hơn để Đài Loan trở thành một xã hội có những giá trị quan tốt đẹp hơn. Và như thế, pháp luật nghiêm minh quả là điều tối quan trọng.

Chúng ta cần có những đạo luật để có thể áp dụng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Và như thế mới khiến mọi người tin phục.

Trân trọng kính chào ông Việt trưởng.

(Trong suốt thời gian bà Dân Biểu Tô Trị Phần chất vấn, ông Viện trưởng viện Hành Pháp Đài Loan nghiêm chỉnh đứng nghe, dù ngay phút đầu bà Tô mời ông an tọa. Khi bà Tô dứt lời, người ta nghe được tiếng “vâng” của ông.)

Nhìn vào những phỗng đá trong cái gọi là QHVN!

Người viết xin chỉnh lại vài chi tiết về thời gian trước khi trích lại mấy giòng trong một bài viết cách đây ít lâu để dùng làm lời kết cho bài viết này.

Xuyên qua tâm tình, tư cách và thái độ tận tụy phục vụ công ích của nữ dân biểu Tô Trị Phần, là người Việt Nam, làm sao chúng ta không phẫn nộ trước mấy trăm khuôn mặt trơ trẽn, “ăn hại đái nát” của những kẻ được đảng cộng sản tuyển chọn vào làm tay sai trong cái cơ cấu gọi là Quốc Hội của chúng ở Hànội?

Trong suốt một năm qua, kể từ khi tổ hợp gang thép Formosa xả thài những hóa chất cực độc như chì, thủy ngân xuống lòng biển Vũng Áng gây ra thảm họa hàng trăm tấn cá chết phơi trắng bãi biền bốn tỉnh miền Đông, chưa một lần cơ cấu tập hợp nhưng kẻ mang danh đại biểu của dân này lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền truy tố tội phạm ra trước công lý để trả lại công bằng và an sinh cho cả triệu đồng bào nạn nhân. Trái lại, họ chỉ biết cúi đầu toa rập với đảng và nhà nước CSVN tìm cách chạy tội cho những kẻ đã gieo tai ương, đói rách cho các thành phần dân chúng sống bám vào biển.

Trong khi một Dân Biểu nước ngoài lặn lội đến Việt Nam với thiện chí tìm hiểu hành vi phá hoại môi trường biển do đồng hương của họ gây ra để đặt vấn đề trách nhiệm với cơ quan hành pháp, hoàn thành trách nhiệm một người dân cử… thì những kẻ mang danh đại biểu của người dân sở tại, từ chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trở xuống, không hề có một một thái độ, một hành động, một tiếng nói nói nào để bênh vực các nạn nhân. Và như thế, tiếng nói lương tâm chức nghiệp của nhà lập pháp họ Tô vang lên trong tòa nhà Quốc Hội Đài Loan hôm 30 tháng 9-2016 và một lần nữa hôm cuối tháng 3-2017, mãi mãi là biểu tượng tố cáo nỗi ô nhục của tập đoàn thống trị cộng sản Hànội, trực tiếp cái gọi là cơ cấu lập pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.

Nam California ngày 05-4-2017

Trần Phong Vũ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên