Chớp bể mưa nguồn kéo khắp miền
Sá chi tắm gội, sá truân chuyên
Bút nghiên đèn sách đều sai lạc
Kim cổ, Đông Tây cũng hão huyền
Ví biết lửa hương tìm chắp nối
Là hay vàng đá để trao truyền
Văn minh nghĩ kỹ còn nhiều việc
Đem cả muôn loài lên Duy Nhiên.
(“Đạo Trường Ngâm” – Thái Dịch Lý Đông A)
————————————————
Sau khi ba bài viết “Vấn đề của đảng Cộng Sản Việt Nam” của tôi được đăng trên các trang mạng, hai tác giả Đức Trung với bài “Phải chăng chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao nhất của sự tiến hoá của xã hội?” và Dân Phòng với bài “Sự lẫn lộn trắng đen, phải trái của Tạ Dzu”, phản bác một số luận điểm của tôi trên trang nhanvanviet.com.
Mặc dù trang mạng mang tên Nhân Văn Việt Nam, nhưng từ ngữ của hai tác giả gán cho tôi rất phản nhân văn, thiếu văn hoá (“cam tâm làm tay sai cho các thế lực thù địch phản dân, hại nước”, “tên bồi bút tay sai của các thế lực thù địch” của Đức Trung; hay “kẻ phản động, xuyên tạc bản chất cách mạng” của Dân Phòng). Tôi là người viết độc lập, không có cá nhân hay thế lực nào trả tiền để tôi làm bồi bút cả. Tôi muốn nhân dân được tôn trọng, sống xứng đáng là người; muốn đất nước phồn vinh tiến bộ, hoà vào trào lưu tiến hoá chung của nhân loại, cố gắng điểm lại những khiếm khuyết, sai sót của cả Duy Vật lẫn Duy Tâm dưới nhãn quan triết học của một thiên tài tư tưởng Việt, tiên sinh Lý Đông A (1920-1946?) để mọi người cùng góp sức điều chỉnh hướng đi cho đất nước – hướng đi mà trong hơn 40 năm từ 1975, Việt Nam vẫn lẹt đẹt đứng hạng chót thế giới dưới sự lãnh đạo “tài tình” của đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cùng thời gian tương đương, Nhật Bản đã vươn lên hạng nhất nhì thế giới từ hoang tàn đổ nát bởi hai trái bom nguyên tử. Ai là người yêu nước mà không cảm thấy nhục nhã, xót xa cho thân phận tụt hậu, bạc nhược Việt Nam dưới chế độ cộng sản? Cho nên tôi không nhận những từ ngữ gán ghép đầy ác ý, kém văn hoá của Đức Trung và Dân Phòng. Gửi trả để hai tác giả đã được đảng CSVN “trồng người” ra sao, nhận lại.
Thật ra, cả hai tác giả chỉ phản biện những điểm phụ trong ba bài viết nói trên. Những điểm chính của chủ nghĩa Duy Vật như: có phải loài người thực sự tiến hoá từ loài vượn thông qua lao động hay do lý do nào khác, hoặc nền kinh tế tự nhiên có thực sự hiện hữu hay do lầm tưởng, hay những quy luật Duy Vật biện chứng có thực sự lúc nào cũng đúng khớp với thực tế? vv… đều không được phản biện, hay chí ít nhắc tới.
Về luận điểm của Dân Phòng
Tác giả Dân Phòng phản bác quan điểm của tôi dưới hai tiêu đề: “Không thể nói bừa rằng ‘Mác tuyệt đối hóa vật chất và những người cộng sản bị vật chất hóa’” và “Không thể nói bừa rằng ‘Mác tuyệt đối hóa tự nhiên và những người cộng sản bị tự nhiên hóa’”. Tuy là hai tiêu đề nhưng ý nghĩa tương tự nhau.
Tuyệt đối hóa tự nhiên, vật chất
Trước hết, tiền đề triết học của Duy Vật là vật chất. Vật chất (phần hữu hình), là chính, sản sinh ra tinh thần (phần vô hình), là phụ.
Quan điểm Duy Vật cho rằng thứ duy nhất có thể tồn tại là vật chất, và một cách căn bản thì mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất, mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất.
Nói khác đi, quan điểm trên cho rằng vật chất là vạn năng. Vật chất sản sinh ra tất cả, kể cả những gì thuộc phần vô hình (trí nhớ, tình cảm, lòng yêu nước, lý trí, ý kiến, tư tưởng…). Người cộng sản đã tuyệt đối hoá vật chất theo nghĩa đó.
Trong thực tế đời sống, chỉ “duy” phần vật chất hữu hình (lẫn “duy” phần vô hình) không thể sản sinh ra “hiện tượng sống”. Một người bị hôn mê, mất trí nhớ (vô hình), thân thể vật chất hữu hình còn đó, nhưng người ta chỉ coi đó là một đời-sống-thực-vật, không còn là một con người bình thường nữa.
Ngay bản thân vật chất cũng bao gồm hai phần hữu hình và vô hình, từ một nguyên tử nhỏ bé cho đến vũ trụ to lớn. “Nguyên tử là đơn vị cơ bản của vật chất, gồm hạt nhân ở giữa và bao quanh bởi electron mang điện tích âm. Hạt nhân là một kết hợp giữa các proton mang điện tích dương và các neutron trung hoà không điện tích… Đó là phần hữu hình. Một nguyên tử sẽ không được hình thành nếu thiếu các phần vật chất này. Đâu là phần vô hình? Đó chính là trật tự xoay vần giữa chúng. Phá vỡ trật tự này, nguyên tử sẽ nổ. Trật tự xoay vần giữa các hành tinh chung quanh mặt trời, rồi Thái Dương hệ trong dải Ngân Hà, rộng ra tới toàn thể vũ trụ chính là phần vô hình. Nguyên tử và các hành tinh đâu phải như bộ não người, qua lao động mà phát sinh ra trật tự quân bình vô hình kia? Chúng hiện hữu ngay từ lúc vũ trụ được hình thành” (trích: “Vấn đề của đảng Cộng Sản Việt Nam (Phần 2)”).
Đặt tiền đề triết học trên vật chất, Mác (K. Marx) dựa vào những nguyên tử nhỏ bé hoặc nhỏ hơn nữa, hay to lớn là đại vũ trụ làm căn bản, trong khi thành phần cấu tạo vật chất có thể rất khác nhau (oxy và carbon chẳng hạn), đồng thời vật chất lại có tính tương đối (nước, có lúc ở thể lỏng, thể hơi hay thể đặc), lúc này lúc khác, đâu phải luôn luôn tuyệt đối mà chọn làm tiền đề?
Ăngghen có nói đến loài vật chỉ hái lượm, trong khi loài người sản xuất, bao gồm ba loại: sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất ra bản thân con người. Tuy nhiên, sản xuất vật chất vẫn giữ “vai trò cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội, và xét cho cùng quyết định toàn bộ sự vận động của đời sống xã hội” như ông Dân Phòng nhắc đến. Lập luận như thế, thì những tư duy (sản xuất) về chính trị, luật pháp, lý trí… là những sản phẩm thuộc về tinh thần, nếu không có “vai trò cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội” như vật chất, chắc chắn con người không thể biết cách tổ chức đời sống, tổ chức xã hội.
Như phần trên đã chứng minh, chỉ duy vật chất hữu hình mà thiếu phần tinh thần vô hình cùng tồn tại (chứ không phải cái này sinh ra cái kia) không thể sản sinh ra hiện-tượng-sống. Không có con người, không có hiện tượng sống, vũ trụ có cũng như không. Chính con người mới là tổng hợp của cả tinh thần lẫn vật chất mà những nhà Duy Vật (lẫn Duy Thần) không nhận ra. Họ chỉ thấy được một phần sự thật, như những người mù sờ voi. Hạt cây rơi xuống đất thì do may rủi của đất trời (tự nhiên) mà mọc lên; còn con người do có tư tưởng mà chủ động đem hạt đi trồng (do người), vun xới cho tươi tốt để phục vụ người (vì người). Nhờ cải tạo tự nhiên, do người và vì người, rồi biết cách sinh sống khác với tự-nhiên-giới mà con người thành người, không phải từ vượn mà ra như Mác ngộ nhận.
Tư tưởng, phần vô hình, khi tư duy phù hợp với, phản ánh đúng thực tại, chính là đại biểu của sinh mệnh mà Mác không thấy. Mác thấy phần khách quan (vận động của vật chất) mà không thấy phần chủ quan tạo ra hiện tượng sống nơi con người.
Tiền đề triết học Duy Vật của Mác do đó, đã vấp phải những khiếm khuyết nghiêm trọng, cần được bổ khuyết.
Tự nhiên hoá, vật chất hoá
Từ ngàn xưa, nhân loại vừa đấu tranh với thiên nhiên, vừa nương tựa vào thiên nhiên để sống còn. Người bị tự nhiên tấn công trên cả hai phương diện, tinh thần lẫn vật chất. Về thể chất, tự nhiên tấn công người bằng thời tiết, khí hậu, thiên tai, thú dữ… Về tinh thần, tự nhiên tấn công người bằng thú tính cạnh tranh khốc liệt và tìm cách chiến thắng nhân tính: con người dễ bị quyền lực, danh vọng, tiền tài ảnh hưởng, lôi kéo, dễ bị tha hoá.
Tự-nhiên-giới sử dụng quy luật đối lập huỷ diệt đối với nhau. Trong rừng núi, thú mạnh tiêu diệt những con nhỏ yếu hơn; trên sông biển, cá lớn nuốt cá bé.
Khi bị tấn công, người không thể huỷ diệt thiên nhiên mà phải “hợp tác”, “thống nhất” với tự nhiên, nghĩa là con người chuyển sang thế chủ động đối với thiên nhiên. Khi khai thác thiên nhiên để phục vụ cho mình, loài người cũng phải biết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống; nếu không, loài người sẽ bị tiêu diệt. Con người có nhu cầu phải “hoà” cùng tự nhiên.
Nói khác đi, con người chuyển đổi từ thế đối lập huỷ diệt thành thế hợp tác, đối lập thống nhất giữa con người với tự nhiên.
Với đồng loại cũng thế. Nhân loại tiến hoá từ hoang dã đến văn minh, càng ngày càng nhận ra rằng loài người không thể sử dụng quy luật mạnh được yếu thua như thế giới động vật, mà phải chuyển từ nguyên tắc đối lập huỷ diệt sang đối lập thống nhất: đối lập thống nhất giữa cá nhân và tập thể, giữa nhân dân với chính quyền, giữa các giai tầng xã hội với nhau và giữa dân tộc này với dân tộc khác. Đó là đời sống, lối sống của người – nhân đạo; lấy con người làm gốc – nhân bản; xiển dương nhân tính, loại trừ dần thú tính.
Những người cộng sản từ chối sử dụng phương cách giải quyết mâu thuẫn bằng đường lối của loài người, họ chọn phương pháp của tự-nhiên-giới: triệt để áp dụng bạo lực mạnh được yếu thua, hô hào giai cấp công nhân tiêu diệt các giai cấp khác, khơi dậy lòng thù hận nhỏ nhen. “Bên thắng cuộc” đã đối xử với “bên thua cuộc” năm 1975 ra sao? Trong khi nhìn sang cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, sau chiến tranh, từ chính quyền cho đến người dân đều cố tìm xác binh sĩ hai bên chôn cất tử tế, đồng thời cố gắng giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống nhân dân bất phân bên thắng hay bại. Nhờ cách cư xử rất nhân văn, rất người này mà nước Mỹ mau chóng hàn gắn quá khứ, mọi người cùng bắt tay nhau xây dựng lại quê hương. Còn CSVN? Họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, không chỉ thù hằn những người ra đi từ 1975 mà ngay cả với nhân dân trong nước, những người tranh đấu ôn hoà vì lợi ích toàn dân nữa.
Họ đã bị tự nhiên hoá, vật chất hóa theo ý nghĩa đó.
Một nhà tư bản chỉ muốn thu lợi nhuận thật cao, bất chấp việc bóc lột sức lao động, trả lương thật thấp cho công nhân, bất kể môi trường làm việc nguy hiểm: nhà tư bản bị tự nhiên hoá.
Một đảng phái nhất quyết sử dụng bạo lực cướp cho được chính quyền, hoặc mù quáng “thống nhất đất nước” dưới sự chỉ đạo của Cộng sản Quốc tế, bôi mặt gà nhà đá nhau, bất kể phải giết oan hàng ngàn người, gây chết chóc đau thương cho hàng triệu gia đình: đảng này bị tự nhiên hoá.
Một đảng đưa ra chính sách xây dựng đất nước hợp lý, vận động cử tri ủng hộ bằng lá phiếu hợp pháp: đảng này đang thực hiện mục tiêu tự nhiên hoà.
Một nhà nước qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước đại diện làm chủ, sau đó qui hoạch một khu dân cư, bồi thường cho cư dân một, dân không đồng ý thì cưỡng chế bằng súng đạn, rồi quay sang hợp đồng với tư bản nước ngoài, hưởng tiền “lại quả, bôi trơn”, “trị giá thặng dư” gấp trăm, gấp ngàn lần bọn tư bản mà họ chê bai đánh đuổi: nhà nước này bị tự nhiên hoá.
Một chính quyền cần giải toả một ngôi nhà vì lợi ích chung, thuyết phục gia chủ, bồi thường số tiền bằng hoặc hơn trị giá những ngôi nhà chung quanh nếu chủ nhà không đồng ý, lại còn hỗ trợ chi phí di chuyển: hành động của chính quyền này mang tính tự nhiên hoà.
Càng ngày con người càng cố gắng sống lối sống tự nhiên hoà – hoà cùng tự nhiên – hơn là để bị tự nhiên hoá (“Đem cả muôn loài lên Duy Nhiên” – Lý Đông A).
Về luận điểm của Đức Trung
Tác giả thứ hai lên tiếng phê phán là ông Đức Trung, với tựa bài “Phải chăng chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao nhất của sự tiến hoá của xã hội?”
Thực ra trong bài viết, tôi không hề khẳng định chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao nhất của sự tiến hoá xã hội: “Xã hội với nền kinh tế tư bản có thể điều chỉnh được các khiếm khuyết không phù hợp với nhân bản là nhờ thể chế chính trị dân chủ… Không có chế độ dân chủ, khả năng tự điều chỉnh của con người không phát huy được. Kinh tế thị trường tự do và thể chế chính trị dân chủ tạo điều kiện cho đa nguyên phát triển. Qua đó, chế độ tư bản mở ra cơ hội cho mọi người mọi giới, cộng sản hay không cộng sản, tham gia vào tiến trình điều chỉnh những sai trái của chế độ trong ôn hoà và tôn trọng lẫn nhau.” (trích: “Vấn đề của đảng Cộng Sản Việt Nam (Phần 1)”).
Trong thực tế, không có thể chế nào là đỉnh cao nhất, là nấc thang cuối cùng của lịch sử nhân loại như cộng sản chủ trương, bởi đời sống luôn thay đổi, luôn tiến hoá. Một cơ chế chính trị có thể hợp với thời đại này, nhưng khi tiến hoá sang thời đại khác, phải có tư tưởng, mô hình khác thay thế.
Một cách tổng quát, tự bản thân xã hội tư bản còn rất nhiều khiếm khuyết cần phải được điều chỉnh để con người ngày càng phát huy nhân tính, xa rời thú tính, tạo các tương quan xã hội ngày càng “người” hơn, tiến gần chân thiện mỹ hơn là bị tự nhiên hoá (Duy Vật hoá) hay thần linh hoá (Duy Tâm hoá).
Về chính trị chẳng hạn, nói chung, cơ chế chính trị của các nước tiến bộ nhất hiện nay là phương Tây và Mỹ đều chủ yếu dựa trên các đảng phái, người dân chưa thực sự được đại diện cho chính mình (dân cử, dân bầu), mà chỉ bầu cho đại diện các chính đảng vào hành pháp và lập pháp (đa đảng cử, dân bầu), tất nhiên là khá hơn độc đảng nhiều. Luật pháp cho phép người dân tự ứng cử, nhưng nếu không có tiền, hoặc ngay cả có nhiều tiền đi chăng nữa, khả năng trúng cử rất mong manh, gần như không thể. Ông Trump đã thấy gương của tỉ phú Ross Perot, một ứng viên tổng thống độc lập thua cuộc trong cuộc tranh cử năm 1992, đã phải đổi sang đảng Cộng Hoà mới thắng cử.
Lý Đông A phê phán cơ chế chính trị dựa chủ yếu vào các chính đảng là “chính trị đảng tranh” – các chính đảng tranh chấp quyền lực và tranh giành lá phiếu của người dân với mục đích nắm quyền, chưa hẳn thực sự đại diện cho quyền lợi dân, hay quyền lợi dân đến sau quyền lợi đảng phái. Dân chủ như thế, vẫn Lý Đông A phê phán, là một nền “dân chủ giằng co”.
Tiếp tục quan sát chính trị Hoa Kỳ: Quốc hội, qua nhiều năm tranh cãi lẫn kiện tụng, đã thông qua hệ thống bảo hiểm sức khoẻ với giá phải chăng, quen gọi là Obamacare. Trump lên, quay ngoắt 180 độ đòi huỷ bỏ; hay chính sách quốc phòng dưới thời Obama “chuyển trục sang châu Á”, đồng lúc với hiệp định TPP, Trump cũng gạt phắt, bắt tay Putin, hoà hoãn Tập Cận Bình nhằm “biến nước Mỹ vĩ đại trở lại!”.
Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà giằng co đốp chát với nhau. Chính trị châu Âu cũng y như thế.
Chính trị và dân chủ theo Lý Đông A là “điều lý nhân tính”, là “thiết kế và chấp hành dân sinh” (social engineering), là dựa chính yếu trên toàn dân, “phân công và hợp tác”, là “đan quyền” – một khái niệm rất mới đối với phương Tây và thế giới (từ sử thống truyền lại dưới thời Lý, Trần và Lê Thánh Tông) – chứ không phải tập quyền như cộng sản, phân quyền như Tây phương hay quân quyền (đều quyền) như Trung Hoa.
Tại sao phân công là chính mà không phân quyền là chính? Hãy lấy ví dụ: một người được phân công làm cảnh sát. Để làm tròn nhiệm vụ, viên cảnh sát được xã hội trao cho một số quyền, như quyền biên phạt tài xế vi phạm luật giao thông, quyền bắt trộm cướp gây nguy hại đến an ninh người dân v.v… Các chức vụ khác cũng thế. “Quyền” phải đi theo “công”, quyền có là do công chứ không phải làm cảnh sát là có quyền muốn bắt ai thì bắt, muốn khủng bố ai thì mặc sức tung hoành.
Trên đây chỉ là một vài thí dụ mang tính giới thiệu, nhưng một nền chính trị như thế là để bảo đảm nhân dân có quyền và nhà nước có lực. Chính quyền có “lực” là nhờ nhân dân có thực “quyền”, chứ không phải quyền lực tập trung vào chính quyền, rồi vì e ngại có kẻ lạm quyền trở thành độc tài nên phải phân quyền. Và ngay cả khi đã phân quyền, cơ chế chính trị dựa chủ yếu vào các chính đảng thay vì dựa vào toàn dân, các đảng phái lại thường phá bĩnh nhau để huyễn hoặc cho rằng: đảng A, B, C… mới xứng đáng được dân bầu nhằm tiếp tục ngồi trên đỉnh quyền lực. Quản lý và điều hành đất nước là công việc của toàn dân, nào đâu phải chỉ của một số đảng phái?
Phải thay đổi tư duy triết lý chính trị và thay đổi cách nhìn cơ cấu chính trị. Vậy chính quyền cần được thiết kế ra sao? Khi có dịp chúng tôi sẽ trình bầy về Cơ Năng Hiến Pháp và cơ cấu chính trị đan quyền của cha ông Việt ta.
Nói tiếp đến những khiếm khuyết của tư bản, về kinh tế, mục đích chính của tư bản là lợi nhuận, càng nhiều càng tốt, không quan tâm mấy đến quan hệ giữa người với người trong xã hội. Các tay tư bản tung những quảng cáo rất hấp dẫn, tạo ra “nhu cầu giả”, dụ dỗ người tiêu dùng mua. Họ còn tung tiền vận động hành lang giảm bớt luật lệ khi có thể. Tình trạng tắc trách của giới lãnh đạo, nới lỏng luật lệ tài trợ vay tiền mua nhà là một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tài chính 2007-2009 khiến hàng vạn người trắng tay mất nhà, mà chính phủ vẫn phải cứu các đại gia too big to fail.
Hệ thống kinh tế tư bản khuyến khích người ta lúc trẻ, còn khoẻ thì miệt mài kiếm tiền mua những nhu cầu nhiều khi không cần thiết. Về già lại dùng tiền cực nhọc kiếm ra để mua lại sức khoẻ, với nhiều người thì không thể mua nổi dù ngồi trên đống bạc.
Vậy cần phải thay đổi tư duy, thay đổi triết lý sống. Kinh tế, theo Lý Đông A, muốn phát triển bền vững và tạo quan hệ đầy chất người trong xã hội, phải là nền kinh tế dựa trên nhu yếu (necessities) chứ không dựa trên dục vọng và lòng tham (desires, greed). Ông đề xuất nền kinh tế bình sản, sẽ được trình bầy trong một dịp khác.
Nhân loại đã bắt đầu quan tâm đến chỉ số hạnh phúc, không chỉ nhìn vào chỉ số phát triển kinh tế hay tổng sản phẩm nội địa (GDP), để lưu ý đến quan hệ giữa người với người trong xã hội và với tự nhiên như tiên sinh họ Lý đã thấy từ thập niên 1940 (nhiên, nhân, dân liên hệ nhất quán với nhau). Những nước đang bắt đầu phát triển như Việt Nam cần nhìn lại vấn đề kinh tế, không thể phát triển bất chấp tất cả khiến môi trường sống bị huỷ hoại, và huỷ hoại luôn các mối quan hệ trong xã hội.
Kết
Thực ra mà nói, cả Duy Tâm lẫn Duy Vật đều là kết tinh tim óc với máu đào của con người trong mỗi thời đại, đều có những đóng góp nhất định và tích cực cho sự tiến hoá của cả loài người, chúng ta cần chuốt lọc lấy tinh hoa của những cống hiến đó cho giòng sống sử nhân loại và mỗi dân tộc.
Thời Lý Trần, cha ông ta đã tổng hợp hai nền văn hoá Ấn-Hoa (Phật, Lão, Khổng), coi như văn minh của cả nhân loại trong vùng lúc đó, hoà hợp với đạo lý cổ truyền Việt Nam (đạo Nội) để không một hệ tư tưởng nào chiếm địa vị độc tôn, mà chế hoá, bổ túc cho nhau, khiến Đại Việt cường thịnh 400 năm trong chu kỳ 500 năm của lịch sử Việt tộc. Tất cả các tư tưởng lớn, các tôn giáo lớn, các chủ nghĩa đều đã hiện diện trên đất Việt. Ngày nay, chúng ta cũng cần thực hiện một đại tổng hợp đông tây, kim cổ, kết hợp với văn hoá Việt tương tự như thế – không nghiêng về tâm hay vật mà lấy con người làm gốc, chuẩn bị cho chu kỳ 500 năm hưng thịnh sắp tới.
Việt tộc phải chiến thắng tất cả những yếu hèn, những tranh chấp chia rẽ từ cuộc chiến cốt nhục tương tàn trong Chiến tranh Lạnh vừa qua, chủ yếu gây ra bởi cả tư bản lẫn cộng sản, kéo dài từ sự tranh chấp giữa Duy Tâm và Duy Vật, quên mất con người mới là tổng hợp của cả vật lẫn tâm, mới là trung tâm của mọi cố gắng xây dựng xã hội.
© Tạ Dzu
© Đàn Chim Việt
_________________________________
Ghi chú:
Muốn đọc các tác phẩm của Thái Dịch Lý Đông A, độc giả có thể vào website: https://thangnghia.org/
[…] http://www.danchimviet.info/phan-bien-cong-san-bo-xung-c-marx/04/2017/2693/ […]
Bài viết hay, phân tích hợp lý, chặt chẽ.
CNCS sai lầm nên những nước đi theo lý thuyết CS đều nghèo đói, dân chúng cùng cực, những kẻ nắm quyền tha hồ tự tung, tự tác, không để ý tới an bình, hạnh phúc của dân, chỉ muốn độc tôn, độc đảng, độc tài mãi mãi. Cách cai trị đất nước là dối trá, che đậy, bịp bợm và một lối cai trị đầy ác độc là chụp mũ hoặc giết chết bất kỳ ai phát ngôn không theo hoặc trái với ý đồ CS. Đức Trung và Dân Phòng chính là những tên CS thấm nhuần xảo thuật chụp mũ, quy kết kiểu CS nên mới ăn nói bừa bãi theo kiểu dư luận viên.