Nơi nào có bầu không khí ‘cởi mở hơn’ trong các vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí và biểu đạt, thì nơi đó việc làm báo cũng thuận lợi hơn, và bạn đọc có thể ‘dễ được hưởng lợi hơn’ từ những thông tin đa chiều, đa dạng và ‘ít tính chỉ đạo’, một chủ bút báo mạng tiếng Việt từ Hungary chia sẻ với BBC về làm báo ở hải ngoại trong thời đại kỹ thu số và mạng xã hội.
Các nhà báo hải ngoại được ‘tự do về ngòi bút’, nhưng nhiều người lại không phải là những nhà báo chuyên nghiệp hoặc không có thời gian để làm việc một cách chuyên nghiệp. Mặt khác, lượng độc giả hải ngoại cũng ít hơn và không phải tờ nào cũng có thể tiếp cận trực tiếp được với độc giả trong nước vì vấn đề tường lửa, một chủ bút báo mạng tiếng Việt khác từ Ba Lan chia sẻ về cùng vấn đề trên với BBC và tin rằng ‘nếu không có tường lửa’, tôi tin rằng những tờ báo như chúng tôi ở hải ngoại ‘sẽ tăng gấp nhiều lần lượng truy cập’.
Mời quý vị theo dõi sau đây cuộc trao đổi (do Quốc Phương thực hiện) giữa BBC Việt ngữ hôm 02/4/2017 với nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo điện tử Đàn Chim Việt Online từ Ba Lan và nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, chủ biên báo điện tử Nhịp Cầu Thế giới từ Hungary.
———————————————
BBC: Làm báo tiếng Việt ở hải ngoại, mà trong trường hợp này là với các tờ báo mạng của quý vị, thì cái khó và cái dễ đáng nói nhất là gì?
Bà Mạc Việt Hồng: Thưa anh, có thể kể ngay và luôn, rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc Đàn Chim Việt không có kinh phí, không có tài trợ. Và tất nhiên, người viết cũng như biên tập viên, kỹ thuật viên đều làm việc không lương, giống như một công việc thiện nguyện.
Độc giả sẽ hỏi, vậy chúng tôi sống bằng gì? Xin thưa, chúng tôi đều có công việc của mình.
Những người làm kỹ thuật đều làm việc trong lĩnh vực tin học và họ có thu nhập từ nghề nghiệp đó.
Ban biên tập, người là bác sĩ, người là giáo viên, người kế toán, bản thân tôi làm trong lĩnh vực bảo hiểm và bất động sản.
Ngoài tiền bạc ra là vấn đề thời gian. Chúng tôi làm việc theo nguyên tắc, ai rảnh lúc nào thì làm lúc đó và làm được bao nhiêu thì làm.
Kế tiếp, phải kể tới sự phá hoại của tin tặc.
Điều này thì Đàn Chim Việt bị triền miên từ mười mấy năm nay, từng sụp lên sụp xuống, bị hack mất tên miền.v.v.
Dễ tất nhiên là cũng có. Chúng tôi không phải xin phép ai, không bị ai kiểm duyệt, không sợ mếch lòng cá nhân hay tổ chức nào. Nói tóm lại là chúng tôi hoàn toàn tự do.
Không bị kiểm duyệt
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Nhịp Cầu Thế Giới (NCTG), như chúng tôi thường nhấn mạnh trong nhiều dịp, là một tờ báo nhỏ của một nhóm nhỏ thuộc một cộng đồng Việt nhỏ ở một nước nhỏ (Hungary), nên tôi không dám nói, những khó và dễ trong công việc làm NCTG có thể đặc trưng hay không cho việc làm báo nói chung ở hải ngoại, cho dù giữa chúng có thể có một số điểm tương đồng, theo tôi.
Trước hết xin nói về những khó khăn. Như mọi tờ báo hay diễn đàn thông tin khác ở nước ngoài, đối với những vấn đề Việt Nam – mà bất cứ tờ báo Việt ngữ nào ở ngoài này cũng gặp phải – đó là việc phải tiếp nhận, kiểm định và đưa tin từ một khoảng cách rất xa, mà cho dù với sự phát triển của mạng Internet, của các mạng xã hội, vẫn đặt người làm báo vào một hoành cảnh khó khăn.
Việc thiếu vắng hơi thở của cuộc sống, của những sự kiện chính trị, xã hội diễn ra ở quê hương, sự quan ngại về tính xác tín trong các nguồn tin, v.v… luôn luôn khiến người làm báo, trong trường hợp này, phải cẩn trọng và chừng mực. Trong cuộc “chạy đua” với các blogger và mạng xã hội, tôi nghĩ nhiều khi rất “khó ở” khi mình buộc quyết định phải chậm vài bước, nhưng cho chắc chắn.
Có lẽ đó là cái khó đáng nói nhất, nói chung, về mặt “nghiệp vụ” của báo chí hải ngoại: mình không, hoặc ít khi “với” tới một cách thật trực tiếp và hoàn toàn đáng tin cậy với các nguồn, các nhân vật ở trong nước, khi muốn đưa tin về Việt Nam. Đối với cá nhân NCTG, đó là lý do khiến tờ báo không có nhiều tin tức về Việt Nam, và thường chỉ phản ánh các mặt của đất nước theo góc nhìn cá nhân của các tác giả, CTV.
Cái dễ đáng nói nhất, có lẽ là việc thiếu vắng một bộ máy kiểm duyệt, luôn “soi” từng câu từng chữ, và rất dễ bề quy chụp vô cơ sở (cho dù, tất nhiên, tự do luôn đi kém với trách nhiệm). Một cái “dễ” căn bản khác nữa, là báo chí ở ngoài này, trên nguyên tắc, có thể có cái nhìn toàn diện, đa chiều và xác đáng hơn về những vấn đề của thế giới, đặc biệt là những khi cần có sự phân tích, bình luận.
BBC: Tờ báo của các quý vị có khá nhiều chuyên mục, tòa soạn tự nhìn nhận đâu là điểm mạnh và điểm yếu, sở trường, sở đoản của mình và vì sao?
Bà Mạc Việt Hồng: Nói đúng ra thì chúng tôi đã ‘bày vẽ’ ra quá nhiều mục, trong lúc nhân lực và tài lực đều thiếu thốn!
Điểm mạnh của Đàn Chim Việt trong nhiều năm qua là mảng chính trị.
Có thể nói, đó là trang về chính trị.
Chúng tôi có nhiều cây bút về mảng này và đó cũng là mảng mà bạn đọc truy cập nhiều nhất, quan tâm nhất.
Sở đoản theo tôi là mảng Văn Học, mảng này ít được chăm chút, không có nhiều tác giả ruột.
Nghe nói nhà báo Quốc Phương cũng là các ‘tay văn thơ có hạng’, có thể hy vọng ở sự đóng góp của anh chăng?
Chấp nhận sở đoản
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Nhịp Cầu Thế giới là một diễn đàn hoàn toàn mang tính độc lập và thiện nguyện, không lệ thuộc hay dựa vào bất cứ tổ chức chính trị, tôn giáo hay thương mại, nên trong thực tế nó không có kinh phí hoạt động – sự tồn tại của nó hoàn toàn dựa trên sự ủng hộ, khích lệ và đóng góp bài vở của nhóm chủ trương, của các thân hữu, cộng tác viên (CTV) có sự đồng cảm với tờ báo.
Tất nhiên, làm việc trên cơ sở thiện nguyện theo hình thức phi lợi nhuận – khi từ nhóm chủ trương tới các CTV đều không có bất cứ khoản thu nhập hay nhuận bút từ công việc của mình – thì rất khó có thể tổ chức được bài vở, đề tài sao cho cân bằng, đều đặn như ý. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng, dù có nhiều chuyện mục nhưng chất lượng các bài vở còn chưa được đồng đều, nhiều đề tài còn chưa được khai thác và cập nhật như ý.
Và điều này, với tình trạng nhân lực và trị sự tối thiểu của một diễn đàn nhỏ, chúng tôi cũng biết là khó thay đổi được ở mức “vượt bậc”. Chúng tôi tạm chấp nhận sở đoản đó, để tập trung và kiên trì điều tạm gọi là “sở trường” của tờ báo, là duy trì cách đưa tin trung lập, xác tín và không thiên kiến, trên cơ sở ủng hộ tinh thần nhân bản và dân chủ.
Trong khả năng có thể, chúng tôi cố gắng nghiêm túc với bài vở được đăng, kể từ việc biên tập và trao đổi kỹ lưỡng với tác giả trước khi đăng, cho tới việc chọn đề tài và cách thể hiện để tờ báo có được nét riêng, đáp ứng phần nào nhu cầu của bạn đọc muốn hướng tới và không bị chìm trong đại dương các tờ báo bạn có tiềm lực mạnh hơn rất nhiều.
Với những đề tài và tin tức mà các báo bạn đã làm tốt, đầy đủ và liên tục, chúng tôi xin phép không đưa lại, và chỉ đi sâu vào những khía cạnh riêng, hoặc mang đặc thù Việt Nam và Hungary là hai Tổ quốc của chúng tôi. Chúng tôi nhấn mạnh mảng tin, bài lịch sử, văn hóa và chính trị của Hungary, vì tới nay tờ báo vẫn là một kênh tin cậy đối với tất cả những ai có duyên nợ hoặc có sự quan tâm tới mảnh đất nhỏ bé và xinh đẹp này.
Chúng tôi cũng chú tâm tạo dựng và duy trì những “hồ sơ” về những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, và cá nhân chúng tôi cảm thấy quan trọng ở một khía cạnh nào đó, nhất là trong những vấn đề chính trị và lịch sử. Trong một số đề tài, tờ báo đã là nguồn tin Việt ngữ đầu tiên, từ nhiều năm nay, và tới giờ vẫn tiếp tục quan tâm một cách kỹ lưỡng và chuyên tâm.
BBC: Tới đây, tờ báo của các quý vị có những dự định, dự kiến gì như một viễn cảnh phát triển, nhất là trong bối cảnh báo chí, truyền thông mạng xã hội, cộng đồng mạng xã hội tự tham gia sản xuất, xuất bản và truyền thông ngày càng lan rộng như hiện nay?
Bà Mạc Việt Hồng: Đúng là làm báo thời nay rất khó trong việc chạy đua với các trang mạng xã hội.
Không cứ gì Đàn Chim Việt mà nhiều tờ báo lớn, hãng thông tấn lớn cũng gặp những khó khăn tương tự.
Mạng xã hội ngày càng phát triển và xét về mặt nào đó, họ đang là một phần của báo chí.
Họ làm chức năng đưa tin, bình luận, làm phóng sự có video, hình ảnh…
Nhưng tôi nghĩ, nếu mạng xã hội phát triển tràn lan, vô tổ chức thì báo chí sẽ là nơi chắt lọc thông tin, kiểm chứng thông tin, là nơi các tác giả gửi gắm những sản phẩm nghiêm túc của mình.
Chừng nào các tờ báo khác sống được thì tôi tin là Đàn Chim Việt cũng sống được.
Xin bật mí với anh và BBC là theo bảng xếp hạng của trang Alexa, Đàn Chim Việt vẫn giữ một thứ hạng cao trong làng báo Việt ngữ hải ngoại.
Dễ hưởng lợi hơn
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Xác định được rằng mình chỉ là một thành viên rất nhỏ bé trong làng báo chí Việt ngữ, nơi mà càng ngày các nhà “dân báo” (blogger) trên mạng xã hội càng có ảnh hưởng và sự áp đảo, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu rất nhỏ bé phù hợp với sức lực và khả năng của mình, là tiếp tục tồn tại như một diễn đàn có chủ kiến nhưng không định hướng, tôn trọng mọi tiếng nói và sự khác biệt.
Hiện tại, với số lượng bài vở ít nhiều cũng phong phú, và cách tiếp cận vấn đề có nhiều điểm mới mẻ, khác biệt và không trùng lặp, hàng năm, Nhịp Cầu Thế Giới có hàng ngàn bài của các cộng tác viên (CTV), trong đó có những bài phân tích, nhận định, quan điểm và khảo cứu chuyên môn vượt lên khỏi khuôn khổ những tin tức thường nhật. NCTG muốn được xuất bản những bài viết ấy trong các tập san riêng, mang tính chuyên đề, như một sự ghi nhận.
Để đáp ứng nhu cầu và đề xuất của nhiều bạn hữu và CTV, NCTG cũng muốn tổ chức định kỳ hoặc theo từng dịp một số buổi gặp mặt, giao lưu, trao đổi và thảo luận về các chuyên đề thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, có thể là về thời sự, chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử hay tôn giáo, với sự tham dự của những chuyên gia, những người có tiếng nói thẩm định.
Ra đời tại Hungary với mục tiêu ban đầu là phản ánh những sinh hoạt của cộng đồng Việt tại đây, chúng tôi cũng mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ và sâu sắc hơn nữa với các Hội, Đoàn người Việt, nhất là với Hội Trí thức Việt tại Hungary, một tổ chức mới thành lập với thành phần thành viên gần gũi với tờ báo, và những tiêu chí, dự định có phần tương đồng và hữu ích cho cộng đồng.
Và trên đây mới chỉ là vài dự định chính của tờ báo. Việc đưa lại trực tuyến toàn bộ những bài viết giá trị của thời kỳ hơn 7 năm đầu khi NCTG còn là báo giấy – như một hình thức lưu trữ và tri an công sức đóng góp của nhiều thế hệ CTV – cũng nằm trong kế hoạch của tờ báo. Ngoài ra, trang website của báo cũng cần sửa đổi và cải tiến nhiều về mặt kỹ thuật và tính năng để có những chức năng thuận tiện cho việc đọc và theo dõi bài vở, hình ảnh, clip…, cũng như, nâng cao hơn nữa tính tương tác với bạn đọc.
Đối với một trang mạng, duy trì, nâng cấp và quảng cáo site thường xuyên để nâng hiệu quả là điều phải thực hiện liên tục, về mặt lâu dài sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực và tài lực đều đặn. Tất cả những công việc ấy, bên cạnh nỗ lực của anh em chủ trương, đều rất cần sự ủng hộ về tinh thần và tài chính của cộng đồng, vì nó được thực hiện vì và chỉ vì lợi ích cộng đồng.
Chính vì vậy, chúng tôi rất hy vọng rằng, bạn đọc, thân hữu và cái nhà tài trợ hảo tâm chia sẻ được với những mục tiêu của tờ báo, cảm thông được với nguyện vọng của nó, và có những hỗ trợ, song hành với NCTG trong thời gian tới.
BBC: Cuối cùng, ông, bà có so sánh gì về cách làm báo của báo chí, truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại và trong nước ở Việt Nam hiện nay? Ở đâu có tự do hơn, ở đâu bạn đọc dễ được hưởng lợi hơn?
Tường lửa, kiểm duyệt
Bà Mạc Việt Hồng: Các nhà báo hải ngoại được tự do về ngòi bút, nhưng nhiều người lại không phải là những nhà báo chuyên nghiệp hoặc không có thời gian để làm việc một cách chuyên nghiệp.
Mặt khác, lượng độc giả hải ngoại cũng ít hơn và không phải tờ nào cũng có thể tiếp cận trực tiếp được với độc giả trong nước vì vấn đề tường lửa. Nếu không có tường lửa, tôi tin rằng những tờ như Đàn Chim Việt sẽ tăng gấp nhiều lần lượng truy cập.
Các nhà báo trong nước bị kiểm duyệt, không được tự do viết lách, có nhiều vùng cấm, nhưng họ có lượng độc rất giả lớn, có kinh phí do nhà nước cấp, có quảng cáo của các doanh nghiệp. Đó là lợi thế của họ.
Sự tồn tại song song cả 2 nền báo chí, lề phải và lề trái, trong bối cảnh hiện nay là cần thiết cho bạn đọc. Nó bổ sung cho nhau và giúp bạn đọc tiếp cận với những thông tin đa chiều.
Chúng tôi thường nói đùa rằng, khi nào Việt Nam có tự do báo chí thì chúng tôi sẽ giải nghệ, gác bàn phím đi chơi.
Nhưng người ta thường nói, ‘mình tính không bằng trời tính’, biết đâu chúng tôi lại chẳng tuyển dụng các nhà báo trong nước và trở thành một tờ báo chuyên nghiệp hơn?
Đây không phải là một câu nói vào ngày Cá tháng Tư mà là một mớ ước. Không có gì là không thể, phải không ạ?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Tôi chỉ có thể trả lời được câu hỏi này qua cảm nhận cá nhân, tất nhiên trên nguyên tắc nơi nào có bầu không khí cởi mở hơn trong các vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí và biểu đạt, thì nơi đó việc làm báo cũng thuận lợi hơn, và bạn đọc có thể dễ được hưởng lợi hơn từ những thông tin đa chiều, đa dạng và ít tính chỉ đạo.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tự do cần được tận dụng cùng với sự cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin, sự đầu tư công sức, thời gian và tránh cách làm tin chủ yếu dựa trên quá nhiều nguồn tin trên mạng (mà một tỷ lệ đáng kể có thể là thất thiệt, tin “rác”) một cách dễ dãi, mới có thể đưa được tin hữu ích và tin cậy cho độc giả. Đây cũng là điều chúng tôi luôn tâm niệm để nhớ, vì không phải bao giờ cũng làm được điều đó.
Riêng đối với Nhịp Cầu Thế Giới, chúng tôi may mắn được sự tham gia của nhiều cộng tác viên từ khắp nơi, trong và ngoài nước, với nhiều “thành phần xuất thân”, quá khứ, nghề nghiệp, sở thích, sở trường và sở đoản khác nhau. Họ không có sự lệ thuộc hay phụ thuộc vào bất cứ điều gì – cùng lắm chỉ lệ thuộc vào… chính bản thân họ -, viết cũng không theo chỉ đạo hay “đơn đặt hàng”, nên những ý kiến, quan điểm và cảm xúc của họ – có thể đúng hay sai một cách tương đối – thường là chân thành và vô tư.
Độc giả có thể có được sự tham khảo, và cái nhìn tham chiếu khi đọc những bài như thế, không bắt buộc phải đồng tình hay đồng thuận, nhưng điểm có ích lớn nhất mà tôi thấy ở đó, là tính gợi mở để chúng ta tự suy ngẫm, và rút ra được quyết định hay góc nhìn riêng cho mình.
Nếu nói tới chuyện “hưởng lợi”, thì tôi cho rằng, bạn đọc có thể “hưởng lợi” nhiều qua những ý kiến dị biệt như vậy, từ một diễn đàn nhỏ như NCTG của chúng tôi…
BBC: Xin cảm ơn ông, bà đã tham gia trả lời cuộc phỏng vấn này!
Quốc Phương– Bài đăng trên trang BBC