Philippines giữa hai nước lớn

0
Bongbong Marcos. A3b=ng BBC/ Getty Images

Thắng lợi bầu cử của người con trai cố Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos đã dẫn đến nhiều lời bàn tán vui buồn chẳng những giữa người dân Philippines mà còn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nước lớn tại đây.

Một ngày sau khi đắc cử tổng thống, Bongbong Marcos đã đến đặt vòng hoa nơi ngôi mộ của thân phụ ở nghĩa trang dành cho “các anh hùng” nằm trong thủ đô Manila, nơi thi thể đã được chuyển đến từ năm 2016.

Trước đó, xác của Marcos Cha đã được cất giữ trong một lăng tẩm đóng băng ở Paoay, quê hương của ông, cho đến khi Tổng thống Rodrigo Duterte chấp thuận cho mang về chôn cất tại Manila với đầy đủ nghi lễ quân cách.

Các chính phủ trước ông Duterte không cho phép chôn cất nhà độc tài tại Manila vì thành tích duy trì tình trạng thiết quân luật và chế độ chuyên quyền tàn bạo trong 20 năm, kết thúc bằng vụ lật đổ trong “cuộc nổi dậy nhân dân” vào  năm 1986.

Dưới chế độ độc tài Marcos, gia đình và các sân sau của ông đã tích lũy được khoảng 10 tỷ USD tài sản bất minh, hàng chục ngàn người bị nghi là phiến quân cộng sản và kẻ thù chính trị đã bị bỏ tù, đánh đập hoặc giết chết.

Nhưng tân tổng thống luôn ca ngợi cha mình, gần đây gọi cha mình là một chính khách và “thiên tài chính trị” và thời kỳ cai trị của cha mình là “thời kỳ vàng son” của  Philippines.

Các nhà phê bình và đối thủ chính trị nói rằng chiến thắng của Bongbong Marcos là nhờ các thông tin được dàn dựng trên mạng xã hội, với sự hỗ trợ của một mạng lưới những người có ảnh hưởng và blogger, nhằm xóa tan những câu chuyện lịch sử về chế độ Marcos và đưa ra cách giải thích mới về các sự kiện.

Bonifacio Ilagan, người từng bị bỏ tù và tra tấn trong thời kỳ thiết quân luật, cho biết: “Chuyến thăm mộ cha là một màn kịch của gia đình Marcos. Rõ ràng điều gì sẽ xảy ra sau khi ông ấy trở thành tổng thống: phục hồi gia đình Marcos và hoàn tất chuyện sửa đổi lịch sử.”

Phe Marcos từ lâu đã phủ nhận hành vi sai trái và nói rằng họ không tham gia vào các chiến dịch thông tin sai lệch.

ĐU DÂY GIỮA MỸ VÀ TÀU

Chiến thắng của Bongbong Marcos sẽ tái định hình mối quan hệ của Philippines với Trung Quốc và Hoa Kỳ và dường như tân tổng thống đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Vào năm 2016, tòa trọng tài được thành lập theo Luật Biển Quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Philippines về Biển Đông, mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn trong khi đi tranh cử, Marcos nói rằng phán quyết này “không hiệu quả” vì Trung Quốc không công nhận. Ông tuyên bố sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết những khác biệt giữa hai nước.

Ông nói với đài DZRH Radio: “Nếu bạn để người Mỹ vào, bạn sẽ biến Trung Quốc thành kẻ thù của mình. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận (với Trung Quốc). Thật vậy, những người của đại sứ quán Trung Quốc là bạn của tôi. Chúng tôi đã bàn về chuyện này.”

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết hai nước “đối mặt với nhau trên hai vùng biển, vui hưởng tình hữu nghị truyền thống lâu đời” và Trung Quốc vẫn “cam kết muốn có tình láng giềng tốt” dưới thời tân tổng thống.

Antonio Carpio, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao, trưởng nhóm pháp lý của Philippines tại tòa trọng tài quốc tế, cho rằng lập trường của Marcos là một “sự phản bội”. Ông nói: “Ông ấy đứng về phía Trung Quốc chống lại Philippines.” 

Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh tại Manila, cho biết Marcos muốn có quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc nhưng không muốn nhượng bộ lãnh thổ. “Ông ấy sẵn sàng tham vấn trực tiếp và đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết những khác biệt. Ông ấy sẵn sàng thăm dò các lĩnh vực hợp tác thực tế với Trung Quốc, kể cả việc phát triển khí đốt và dầu hỏa ở Biển Tây Philippines.”

Ông Banlaoi còn cho biết Marcos cũng muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc cho chương trình phát triển cơ sở hạ tầng to lớn của mình. 

CÁC KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Gia đình Marcos có những kỷ niệm rất đẹp qua những chuyến thăm Trung Quốc.

Cha của Marcos là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ nhưng bắt đầu giao thiệp với Trung Quốc sau khi Philippines và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975.

Một năm trước đó, Marcos Jr., khi đó 18 tuổi, đã cùng mẹ là bà Imelda đến Bắc Kinh trong một chuyến đi lịch sử, mở đường cho sự hòa hoãn về ngoại giao. Trong chuyến đi này, chàng trai trẻ với nét mặt rạng rỡ đã được Mao Trạch Đông tiếp.

Sau chuyến đi đó, ông Marcos còn thường xuyên đến Trung Quốc vào năm 2005 và 2006 để thúc đẩy kinh doanh.

Qua năm 2007, Trung Quốc đã mở lãnh sự quán ở thành phố Laoag, vùng đất quen thuộc của gia đình Marcos trong tỉnh Ilocos Norte, nơi Marcos làm thống đốc. Nhiều người thắc mắc thành phố Laoag với dân số 102.000 người trong đó có bao nhiêu người Hoa mà cần một lãnh sự quán.

QUAN HỆ PHỨC TẠP

Trong khi đó, quan hệ giữa Marcos với Hoa Kỳ là một quan hệ phức tạp.

Vào năm 1995, tòa án ở Hawaii đã ra lệnh cho gia đình Marcos phải trả 2 tỷ đô la tài sản đã cướp cho các nạn nhân đã bị chế độ Marcos gây hại. Tòa đã yêu cầu Bongbong Marcos hợp tác nhưng ông này từ chối, do đó, trước luật pháp Hoa Kỳ ông này vẫn còn bản án khinh thường lệnh của tòa án. 

Từ 15 năm qua, ông Marcos đã không đến Hoa Kỳ, lo sợ về những hậu quả mà ông và mẹ ông phải đối mặt với phán quyết của tòa án và khoản tiền phạt 353 triệu đô la. Số tiền này nằm ngoài khoản thanh toán 2 tỷ đô la mà gia đình Marcos đã được lệnh phải trả cho 9.539 nạn nhân nhân quyền, trong đó chỉ thu hồi được 37 triệu đô la.

Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận về việc liệu Marcos có được miễn trừ ngoại giao nếu ông đến Mỹ hay không. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, còn quá sớm để bình luận về kết quả cuộc bầu cử ở Philippines hoặc tác động của nó đối với các mối quan hệ, nhưng cho biết “chúng tôi mong muốn được nối lại quan hệ đối tác đặc biệt” và làm việc với một chính quyền mới ở Manila.

Greg Poling, Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết: “Chiến thắng dứt khoát của Bongbong Marcos sẽ khiến nhiều người ở Washington thất vọng, nhưng nó không thay đổi thực tế rằng liên minh Hoa Kỳ-Philippines quan trọng hơn bao giờ hết và Hoa Kỳ cần tiếp tục làm việc để quan hệ hai nước sâu sắc hơn.”

Vào tháng 3 và tháng 4, hơn 5.000 quân nhân Hoa Kỳ đã tập trận chung với các quân nhân Philippines, và đây là cuộc tập trận lớn nhất từ 7 năm qua.

(Theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên