Bỉ, tuần làm 4 ngày

0

Bỉ là quốc gia mới nhất công bố kế hoạch cho người lao động có quyền chọn một tuần làm việc bốn ngày, một biện pháp mà chính phủ muốn tìm cách tăng cường tính linh hoạt tại nơi làm việc trong bối cảnh mà Thủ tướng Alexander De Croo nói là sau hai năm có “khó khăn” do Covid-19.

Việc sửa đổi luật lao động sẽ mang lại cho người đi làm nhiều tự do hơn – và cho họ quyền từ chối các yêu cầu của sếp muốn họ làm thêm sau giờ làm việc chính thức, một xu hướng đang phát triển khác trong thời đại Covid-19.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Thủ tướng De Croo cho biết thỏa thuận đạt được đồng thuận trong chính phủ liên hiệp gồm bảy đảng của ông, nhằm mục đích đưa đất nước đến chỗ “đổi mới hơn, bền vững hơn và áp dụng kỹ thuật số nhiều hơn. ”

De Croo cho biết chính quyền của ông còn nhằm khuyến khích có thêm nhiều người làm việc hơn. Tỷ lệ việc làm ở Bỉ vào cuối năm ngoái là vào khoảng 71% và chính phủ hy vọng sẽ tăng tỷ lệ đó lên 80% vào năm 2030.  Tỷ lệ việc làm được định nghĩa là thước đo mức độ sử dụng các nguồn lao động sẵn có, mức của những người sẵn sàng làm việc, được tính bằng tỷ lệ giữa số lao động có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động.

Nếu công đoàn đồng ý, nhân viên có thể chọn làm việc tối đa 10 giờ một ngày để tích lũy số giờ giúp họ có được ba ngày nghỉ cuối tuần. Trước đây, ngày làm việc được giới hạn ở mức 8 giờ. Họ cũng có thể chọn làm việc nhiều hơn trong một tuần và ít hơn vào tuần sau. Chủ nhân không được trả lương ít hơn, và phải cho nhân viên quyết định.

Bộ trưởng Lao động Pierre-Yves Dermagne cho biết: “Việc này phải được thực hiện theo yêu cầu của người lao động, và giới chủ nhân phải có những lý do chắc chắn để từ chối.” Mỗi khi người chủ muốn từ chối yêu cầu làm việc 4 ngày một tuần, họ phải đưa ra lý do chính đáng bằng văn bản.

Bộ trưởng Dermagne cho biết, giờ giấc làm việc linh hoạt sẽ đặc biệt giúp các bậc cha mẹ sống ly thân san sẻ quyền nuôi con để họ có nhiều thời gian hơn cho con cái. Các quy tắc này cũng bảo vệ mạnh hơn cho người lao động theo thời vụ hoặc theo kiểu hợp đồng ngắn hạn.

Cũng nằm trong gói cải cách là quyền không còn kết nối với chủ nhân sau giờ làm việc. Quyền này đã có trước đại dịch ở phần lớn các nước châu Âu, nhưng từ khi có đại dịch phải chuyển sang làm việc từ xa, quyền này đã bị coi thường, người lao động hay bị chủ nhân kêu réo sau giờ làm việc. 

Theo kế hoạch mới của Bỉ, chủ nhân có từ 20 công nhân trở lên sẽ không được yêu cầu nhân viên phải đọc hoặc trả lời email hoặc tin nhắn ngoài giờ làm việc. Bộ trưởng Dermagne nói: “Quy tắc này là phản ứng đối với ranh giới ngày càng mong manh hơn giữa công việc và cuộc sống riêng tư; nó gây nhiều tác hại, ví dụ như kiệt sức và khó giải quyết các trách nhiệm trong gia đình.”

Dự thảo luật phải được phía Quốc hội nghiên cứu và thông qua trước khi được ban hành.

Việc Bỉ hướng tới sự linh hoạt hơn cho người lao động đang là một xu hướng toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mọi người đánh giá lại công việc của họ và xét lại chuyện đi tìm hạnh phúc. Nhật Bản và Tây Ban Nha nằm trong số ít các quốc gia cố gắng áp dụng tuần làm việc bốn ngày dựa trên cơ sở tự nguyện, mà những người ủng hộ nói rằng sẽ giúp người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân tốt hơn và nói chung là năng suất cao hơn. Một số công ty ở Hoa Kỳ cũng đã thử nghiệm mô hình này.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cuộc thử nghiệm 4 ngày làm việc trong tuần ở Iceland là một “thành công vượt trội”, nhiều công nhân chuyển sang làm việc ít ngày hơn mà năng suất của họ không bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, công nhân có năng suất cao hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “những tác động tích cực chuyển đổi” của một tuần làm việc ngắn hơn có lợi cho cả nhân viên lẫn doanh nghiệp.

Phong trào một tuần làm việc bốn ngày đã đạt được tiến bộ trong những năm 1970 nhưng cuối cùng đã mất lửa. Sau nhiều thập niên, trong bối cảnh thiếu hụt lao động và làn sóng người lao động bỏ việc ở một số quốc gia, các chuyên gia lao động cho rằng phong trào lần này có thể có sức sống lâu hơn. Họ nói rằng đại dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng cho sự chuyển dịch này.

Joe Ryle, một nhà hoạt động  của phong trào 4 Day Week Campaign có trụ sở tại Anh, nói rằng khái niệm về một tuần làm việc ngắn hơn “đang thực sự nổi lên, có thêm động lực và người ủng hộ, không chỉ ở Vương quốc Anh mà trên toàn thế giới vào lúc này. Nhiều người muốn có một tương lai đi làm tốt hơn.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ chuyện tuần làm việc bốn ngày. Họ nêu trường hợp của những người được làm bốn ngày một tuần, ba ngày còn lại thay vì nghỉ ngơi với gia đình thì đi kiếm một công việc thứ nhì.

(Theo Washington Post)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên