Vào năm 2007, ở trong nước tái bản một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu. Rồi gần đây nhất, người ta cho in lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng và đọc một số truyện ngắn của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn trên Radio làm cho bác Nguyễn hàng xóm, tiến sĩ ngôn ngữ học Đức, ghé tai tôi: Dường như người ta đang rón rén hồi sức cấp cứu để Văn học miền Nam (giai đoạn 1954-1975) sống dậy, sau mấy chục năm truy sát, đốt phá, tưởng chừng đập chết ăn thịt ngay thì phải? Sống ở nước ngoài đã quá nửa thế kỷ, nhận xét được như bác Nguyễn, quả thực cũng không có nhiều người. Tuy nhiên, tôi vẫn phải cự lại: Nhìn cái vỏ thì bác nói có phần đúng. Nhưng khi tìm tòi, nghiên cứu ta có thể thấy, Văn học miền Nam không cần phải (hồi sức cấp cứu) như vậy. Bởi, tuy bị bức tử, song cũng như âm nhạc, sức sống của nền văn học ấy vẫn mãnh liệt lắm. Nó không chỉ âm thầm đi sâu vào lòng người ở ngay đó, mà còn sinh sôi nảy nở ngoài cương thổ, nơi có mấy triệu người Việt nữa kìa!
Có lẽ, không hoàn toàn đồng ý với những suy nghĩ của tôi chăng? Nên bác Nguyễn hơi nhíu mày, máy mắt. Nhưng chưa tìm ra lý lẽ bắt bẻ, nên bác đành phải lắc gật, lắc gật… Thật vậy, có được sức sống lâu dài ấy, cũng bởi Văn học miền Nam chứa đựng những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hai giá trị cơ bản của văn học này, dường như ta rất ít gặp ở những tác phẩm ngoài Bắc trong cùng giai đoạn chiến tranh 1954-1975. Bởi, tính tuyên truyền đã bóp nghẹt những giá trị ấy. Dù miền Bắc có rất nhiều nhà văn tài năng. Gần đây ở trong nước nảy nòi ra một cụm từ mới: Văn học đô thị miền Nam. Nghe hơi bị giả giả, sến sến. Vậy thì giai đoạn 1954-1975 miền Nam còn có văn học nông thôn, rừng núi với những tác giả: Anh Đức, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, hay Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Bạch Đằng…nữa chăng? Không! Dứt khoát không có cái gọi văn nghệ đô thị, văn nghệ nông thôn như vậy. Bác hàng xóm tiến sĩ ngôn ngữ chém tay phầm phập, khẳng định cứ như đinh đóng cột. Bởi với ông, Văn nghệ giải phóng, giải pheo gì đó, cùng các tác giả này, đều là cánh tay nối dài của văn nghệ tuyên truyền, định hướng miền Bắc mà thôi. Lần này, có lẽ bác hàng xóm có lý, tôi cứng họng không cãi được câu nào. Do vậy, cũng theo ông, từ con Sông Bến Hải trở vào chỉ có một nền Văn học miền Nam duy nhất (chứ không có văn học đô thị, đô thẹo gì ở đây cả).
Thật vậy, dù đánh tráo khái niệm, hay khoác cho một chiếc áo, một tên gọi mới, thì thực chất Văn học miền Nam không hề bị méo mó, đổi thay. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào cái giá trị hiện thực, và nhân đạo của Văn học miền Nam (trong chiến tranh) dưới ngòi bút của những nhà văn người lính mà thôi.
*Giá trị hiện thực.
Hiệp định Genève cắt đôi hình đất nước, kéo theo gần một triệu người di cư, trốn chạy từ Bắc vào Nam, với qui mô chưa từng có, kể từ ngày lập quốc. Và trong dòng người ấy, có rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ tài năng như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Nguyễn Sĩ Tế… Họ đã mang theo văn hóa đặc trưng vùng, miền làm cho ngôn ngữ Văn chương miền Nam thêm phong phú, đa sắc. Tuy chưa đến độ hoàn hảo, nhưng cánh cửa tự do đã mở cho văn học, cũng như báo chí miền Nam lúc đó. Chính vì vậy, sự tiếp nối Văn học tiền chiến, cùng tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây đã cho Văn học miền Nam một sắc thái, diện mạo mới, như một lẽ tự nhiên vậy.
Có thể nói, chiến tranh tuy tàn khốc, nhưng đã sản sinh ra một loạt các nhà văn, nhà thơ tài năng xuất thân từ những người lính: Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, Tô Thùy Yên, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Trần Dzạ Lữ… Những tác phẩm còn nguyên mùi khói thuốc, vang tiếng đạn bom của họ như một luồn gió mới làm thức tỉnh, và giải tỏa sự bế tắc của Văn thơ miền Nam đang gà gật lúc đó. Và những tác phẩm ấy gắn liền với hiện thực của xã hội, sự tàn khốc chiến tranh, cũng như thân phận người lính. Cái bi ai, cùng với tương lai mịt mù của những thế hệ trẻ bị ném vào chiến tranh, như lời thán ca vọng lên trong thơ, Trần Hoài Thư đã chia sẻ sự cảm thông, hay cho người đọc một nỗi đau nhức nhối ở trong lòng:
“Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu“ (Thế hệ chiến tranh)
Sự đói khát, gian nan ấy được Tô Thùy Yên đưa vào trong thơ một cách chân thực. Đọc lên, có lẽ ai cũng phải rùng mình cảm thương cho thân phận người lính: “Trên người bạn gục đạn mươi viên/ Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc/ Trong vết thương người bạn nín rên/ Người chết mấy ngày chưa lấy xác/ Thây sình mặt nát lạch mương tanh…”(Qua Sông). Cùng thời điểm đó, nếu đọc Văn chương miền Bắc, ta bắt gặp cái không khí hân hoan trái ngược hẳn với hiện thực sầu bi nơi bom đạn chết chóc. Sự thần thánh hóa chiến tranh và con người mang tính tuyên truyền như vậy, thì giá trị của nó chỉ (nhất thời) ở thời điểm đó mà thôi:“Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.” (Phạm Tiến Duật). Thật vậy, chỉ có hiện thực mới làm nên giá trị văn học. Và bút ký Những Ngày Gãy Vụn là một trong những tác phẩm như vậy của Phan Nhật Nam. Cái hiện thực ấy, được ông tái hiện lại dưới ngòi bút tài hoa của mình. Những trang văn rùng rợn, bi thương đó, đọc lên ai cũng phải bùi ngùi, xúc động:
“Thoạt đầu còn e ngại nhưng đến xác thứ tư thứ năm lớp thịt nhũn của xác chết tiếp xúc với bàn tay hóa thành quen. Đi từ nơi để xác trở vào rừng, tôi không dám nhìn vào hai bàn tay của mình, thịt da người chết đã phết một lớp dầy trên da tay. Hai giờ chiều, xác chết đã nhặt được hết, tôi chà tay xuống mặt đất như muốn bóc hẳn lớp da. Thèm điếu thuốc lá nhưng không dám đưa bàn tay lên môi …trời miền Nam bắt đầu vào mùa mưa, đất đỏ từ lối đi vào đến nơi chứa xác lầy lội tưởng như có pha máu người. Thân nhân người chết than khóc, lăn lộn trên lớp bùn non, áo sô trắng lấm đất đỏ như dấy máu. Hơi đất, hơi người sống, người chết, mùi hương đèn lẫn lộn ngây ngấy nồng nặc, choáng váng…“.
Nếu Phan Nhật Nam bước vào cuộc chiến bằng bút ký, thì ở mặt trận Phong Điền, người lính Trần Dzạ Lữ trải nỗi đau đó vào những trang thơ của mình. Và Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường một bài thơ ngũ ngôn mộc mạc, giản dị được Trần Dzạ Lữ viết cách nay đã nửa thế kỷ, song đọc nhiều lần vẫn cho ta sự ám ảnh với những cảm xúc ban đầu. Hình ảnh cùng cực của người lính với sự tàn khốc của chiến tranh này, không chỉ có giá trị văn học, mà nó còn là chứng tích của lịch sử:
“bốn năm thằng lơ láo
áo quần rách tả tơi
ăn cơm bên xác người
tay bốc tay cầm súng
—
ăn xong múc nước ruộng
uống đại cho qua ngày
quê nhà em có biết
chinh chiến thân lưu đày
ăn được là điều may
có khi hai ba ngày
không ăn chẳng có uống
ta nằm với cỏ cây…”
Đạn bom, gian khổ nơi chiến trường chưa hẳn là điều đáng sợ, bởi nó không thể giết chết niềm tin, lẽ sống của người lính. Song chính cái khối ung nhọt ở nơi hậu phương mới giết chết linh hồn, khát vọng của họ. Khi người lính nhận ra, sự hy sinh cả một thế hệ để phục vụ cho những kẻ lãnh đạo không lương thiện, thiếu tài năng. Và cũng chính những con sâu ở giới lãnh đạo thượng tầng, hay những ông vua tôn giáo này, góp phần không nhỏ dẫn đến sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hiện thực và sự chán chường đó đã được nhà văn, người lính Phan Nhật Nam đưa vào tác phẩm Dấu binh lửa, một cách sinh động. Có thể nói, nếu không có sự can đảm của nhà văn thì chắc chắn không thể có những trang viết chọc thẳng vào cái ung nhọt của thượng tầng xã hội như vậy. Và chính nó đã làm nên một tác phẩm có giá trị lâu dài:
“Chúng tôi rời Sài Gòn trong thở dài nhẹ nhõm, một tháng ở Thủ Đô đủ để tạo thành sụp đổ tan hoang trong lòng, đủ thấy rõ sự phản bội của hậu phương, một hậu phương lừa đảo trên máu và nước mắt của người lính. Một tháng đủ để chúng tôi hiểu ti tiện hèn mọn của loại lãnh tụ ngã tắt, những anh hùng đường phố, những ông vua biểu tình theo ngẫu hứng, vua tôn giáo đầy thù hận và dục vọng… Một tháng “vỡ mặt” lính non cũng như lính già. Chúng tôi bây giờ biết rõ: Máu và đời sống của mình đã đổ ra cho một xã hội lừa lọc.“ (Dấu binh lửa)
Gian khổ, khốc liệt đưa đến cái bi quan chán chường của người lính là vậy, nhưng ở đâu đó sau trận chiến, ta vẫn sự hồn nhiên sảng khoái của họ, dưới ngòi bút của các văn nhân, thi sĩ: “Ta chắt cho nhau giọt rượu sót/ Tưởng đời sót chút thiếu niên đây/ Giờ cất quân, đưa tay bắt/ Ước cõi âm còn gặp để say.“ (Tô Thùy Yên). Ở giai đoạn này, các nhà văn, nhà thơ viết và khai thác tâm lý người lính một cách chân thật. Bởi vậy, hình ảnh họ với rượu chè, gái gú ngang tàng, cùng những khẩu ngữ trần trụi làm cho những tác phẩm văn học ấy sinh động, mới lạ, gần gũi và chân thực hơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ thành mây bay” (Nguyễn Bắc Sơn). Những khẩu ngữ trần trụi, đôi khi được cho là tục tĩu chẳng có tí tẹo gì liên quan đến thi ca thơ phú cả, (đại kỵ với văn thơ truyền thống, bác học) nhưng khi được đặt đúng trong văn cảnh, nó trở nên hay đến bất ngờ cho người đọc. Và Hành Quân là một bài thơ như vậy của Linh Phương: “Chiều qua sém chết vì viên đạn/ Du kích bên sông bắn tỉa hù /Cũng may gặp phải thằng cà chớn/ Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô”. Có thể nói, Linh Phương là nhà thơ tài năng, một gương mặt tiêu biểu Văn học miền Nam. Để Trả Lời Cho Một Câu Hỏi được ông viết vào năm 1970 là một trong những bài thơ hay và bi thương nhất của nền Văn học Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, bài thơ đã được Phạm Duy phổ thành bản nhạc: Kỷ Vật Cho Em. Cái thân phận mỏng mảnh, và bi thảm của người lính trong thơ làm cho ta phải lặng người, xúc động khi đọc. Song có lẽ, nó chỉ mới nói lên được phần nào sự rùng rợ, tàn khốc của cuộc chiến mà thôi:
“Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Plei Me
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã
Anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng…”
Giai đoạn chiến tranh (1954-1975) Văn học miền Nam dường như không có nhiều tác phẩm viết về đề tài nông thôn, nơi hậu phương? Ngoài những cuốn: Sông Sương Mù, và Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh, Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư… Và gần đây tôi được đọc Địa ngục có thật của Dương Nghiễm Mậu. Đọc nó, ta không chỉ hiểu được văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, và mối quan hệ, tình làng nghĩa xóm, mà còn thấy sự chết chóc, tàn nhẫn của chiến tranh ở đây không kém nơi chiến trường. Nếu ta đã đọc Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, thì chắc chắn sẽ trấn tĩnh hơn, và giảm bớt được nỗi kinh hãi khi đọc bút ký Địa ngục có thật của Dương Nghiễm Mậu. Có thể nói, không chỉ truyện, mà bút ký của Dương Nghiễm Mậu cũng có lời văn sáng, và rất đẹp. Cùng với Phan Nhật Nam, bút ký của ông mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi đọc. Dù bút pháp, văn phong của hai nhà văn này hoàn toàn khác nhau. Chẳng vậy, mà bác tiến sĩ ngôn ngữ hàng xóm bảo, đọc Địa ngục có thật, đêm ngủ cứ giật mình thon thót, bởi ám ảnh. Vâng, đó mới chỉ là một phần của sự thật được Dương Nghiễm Mậu đưa lên trang viết. Và còn bao nhiêu cái chết, với những hố chôn người tập thể nữa, mà nhà văn chưa tìm bới ra được: “Người ta chỉ cho chúng tôi đi tới nữa, con đường hơi vòng, qua chiếc cầu sắt chúng tôi kinh hoàng với khung cảnh trước mắt: trên khoảng đất trống ven sông một nhà sạp chạy dài, trong đó hơn mười chiếc quan tài đủ cỡ để song song với nhau sau những bàn thờ, quanh đó những người mặc áo, đội khăn tang, trong đó có xác một học sinh đệ nhị, một ông già 68 tuổi… Người ta vẫn còn tiếp tục tìm xác, chỉ mới có 32 xác được tìm thấy… Còn những ai nữa sẽ được nhận ra. Còn những ai nữa nằm trong những cái hố nhỏ chất bẩy tám người chỉ cần lấy tay moi nhẹ là thấy. Những đau khổ không nói thành lời. Những sự việc không có lời giải thích. Tại sao vậy? Tại sao vậy?” (Địa ngục có thật)
Thành thật mà nói, nếu văn thơ không đi thẳng vào đời sống xã hội, một cách trung thực nhất, đó chỉ là những trang viết chết. Do vậy, đọc và nghiên cứu sâu về Văn thơ miền Nam, ta có thể thấy, tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng giai đoạn 1954-1975 các nhà văn miền Nam đã không chịu sự kiểm soát, và áp đặt của quyền lực. Sự thật, công lý cho người dân là nơi ngòi bút của họ hướng tới. Cho nên, hiện thực là một trong những giá trị làm nên nền Văn học miền Nam (sống) là vậy.
*Giá trị nhân đạo
Nếu không có thơ văn đích thực, thì chúng ta và các thế hệ sau này chắc chắn sẽ không hiểu sự thật về bản chất của cuộc chiến này, cũng như tâm trạng người lính với những năm tháng tang thương đó. Văn học như một chiếc cầu nối lịch sử đến với con người vậy. Và chính những nhà văn người lính đã nối những nhịp cầu ấy. Thật vậy, giữa sự sống và chết rất mỏng manh nơi chiến trường, vậy mà ta vẫn thấy tính nhân bản của con người chợt hiện lên, đi vào những câu thơ có tính sảng khoái, nhẹ nhàng làm nguội đi cái không khí nghẹt thở đó: “Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng/ Xinh đẹp như con gái Sài Gòn/ Ta nổi máu giang hồ hảo hán/ Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân” (Linh Phương). Và cái tình người ấy, dường như xuyên suốt trang thơ của người lính. Một ngày ngưng chiến (1972), nhà thơ người lính Phan Xuân Sinh ngất ngưởng bên ly rượu cùng người lính phương Bắc. Tình đồng loại ấy đã cho Phan Xuân Sinh cảm hứng viết nên tác phẩm: Uống rượu cùng người lính phương Bắc hay đến nghẹn ngào. Trước đây mấy năm, khi viết chân dung nhà văn Trần Hoài Thư, đọc đến: Một Ngày Không Hành Quân, tôi cứ ngỡ đó là bài thơ độc nhất vô nhị của Văn học miền Nam. Và nó đã làm cho những giọt nước mắt của tôi rơi ngay trên bàn phím này: “Tôi rót mời một người lính Bắc/ Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật/ Trên người vẫn còn sót lại bài thơ/ Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ/ Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng/ Tôi với hắn đâu có gì thống hận/ Bài thơ nào cũng viết để yêu em”. Nhưng tôi đã lầm. Do vậy, khi gặp bài Uống rượu cùng người lính phương Bắc của Phan Xuân Sinh, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Nó vẫn cho tôi cảm xúc nghẹn ngào ban đầu. Và tôi nghĩ, cũng như Trần Hoài Thư, khi Phan Xuân Sinh viết: Uống rượu cùng người lính phương Bắc, đã dứt bỏ hoàn toàn mọi áp lực xung quanh, chỉ còn lại trái tim đa cảm, bao dung đang rung lên của người nghệ sĩ. Và ngay từ năm 1972, Phan Xuân Sinh đã nhận ra, cuộc chiến này bạn và ta (những người lính hai phía) cùng nhân dân đều bại:“Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc”. Dường như, với ý tưởng này Phan Xuân Sinh người lính phương Nam, để cho Nguyễn Duy người lính phương Bắc sau này viết ra những câu thơ: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Và cái tư tưởng nhân bản ấy của người thi sĩ đã xóa nhòa lằn ranh giới của chém giết, hận thù:
“Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí…
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
Bày làm chi trò chơi xương máu
Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc…” (Uống rượu cùng người lính phương Bắc)
Không chỉ khi hưu chiến, mà ngay trên chiến trường đẫm máu, lòng nhân đạo, tính vị tha hiện lên đầy ăm ắp trang viết của người lính. Buổi dừng chân của nhà văn Lê Bá Lăng là một trong những bút ký điển hình như vậy. Chưa biết nhiều về Lê Bá Lăng, song đọc một số bút ký, truyện ngắn của ông, tôi thấy, cái nào cũng thấm đẫm tình người. Là một sĩ quan ngày cũng như đêm hành quân tác chiến, Lê Bá Lăng hiểu hơn ai hết nỗi đau của người lính ở cả hai phía. Do vậy, sự cảm thông với người lính như một nguyên tắc bất dịch trong ông:
“Thì cái vụ thằng chả bữa hôm ở Lang Xá Bàu đó, ông đừng đưa vội lên Đại Bàng thì tụi tui giàu to biết mấy. Chỉ cần hai thùng nước lã là nó chỉ, nó khai hết…Tôi nói, thôi dẹp cha chuyện đó đi, khai thác tù binh là bổn phận của tiểu đoàn, đâu phải quyền tao. Tụi mày than phiền mãi, chán phèo…
-…Ông nhân đạo quá. Đ.M…Việt Cộng nó giết mình như ngóe mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập…” (Buổi dừng chân- Lê Bá Lăng)
Dường như, Thái Luân (Nguyễn Hồng Phúc) bước vào chiến tranh bằng trái tim của người nghệ sĩ. Cho nên, không chỉ với người lính, sự bao dung, lòng nhân ái của ông đến với cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Thi tập Vùng tủi nhục ra đời năm 1966 gây tiếng vang trên văn đàn, song mang nhiều phiền lụy đến cho Thái Luân. Đứng về phía những cô gái làm cái nghề được cho là đi ngược lại đạo đức của xã hội, trong lúc nước sôi, lửa bỏng như vậy, ngoài sự cảm thông, tôn trọng, ta còn thấy lòng can đảm của Thái Luân. Và Lời cám ơn bar, là một bài thơ được ông viết trong hoàn cảnh ấy. Nó đã phá vỡ tư tưởng cổ hủ, và bóc trần bộ mặt thật của con người, xã hội lúc đó. Có một điều đặc biệt, bài thơ có tính khẩu ngữ trần trụi này, nếu tách ra, nó chỉ là những câu nói thường nhật. Nhưng ghép lại, nhìn tổng thể, nó trở thành bài thơ rất mới, lạ ở thời điểm đó:
“Xin cám ơn những cô gái bán bar nhỏ con
Đã gồng mình chịu đựng
Vì cuộc sống
Của các cô
Và của Việt Nam.
Thưa thầy giáo, thưa công chức:
Xin đừng vênh vênh cái mặt đạo đức
Chửi người ta
Con gái Huế bây giờ đi bán bar!” (Thái Luân- Lời cám ơn bar)
Tuy là một sĩ quan trực tiếp cầm súng ngoài mặt trận, nhưng cái tư tưởng chán ghét chiến tranh, khinh bỉ những kẻ gây ra cuộc chiến đầy ăm ắp trong thơ Thái Luân. Mượn sân khấu hề chèo, Thái luân chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Thông qua bài thơ: Bi hài kịch với những hình ảnh ẩn dụ, Thái Luân cho ta thấy, một sự mỉa mai, châm biếm rất sâu cay về hiện thực cuộc sống:
“Đạo diễn đưa tay lên,
Đạo diễn đưa tay xuống,
Bi hài kịch còn dài
Bi hài kịch chưa thôi.
Diễn viên và khán giả
Ai cũng buồn như ai!”
Tuy nhiên, Bi hài kịch, hay Lời cám ơn bar chưa hẳn là những bài thơ hay của Thái Luân, khi nó nằm trong mạch của bài viết, mà tôi lấy làm dẫn chứng. Nhắc đến Thái Luân (Nguyễn Hồng Phúc) người đọc sau này biết nhiều hơn với những tác phẩm rất hay như: Nửa Hồn Xuân Lộc, Tháng Tư, lính không cần hớt tóc, hay Mặc kệ ai bỏ làng bỏ nước… dưới bút danh Nguyễn Phúc Sông Hương.
Có thể nói, những nhà văn miền Nam (1954-1975) không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi bất kể thế lực, đảng phái nào. Cái tôi, và tự do tư tưởng, sáng tạo của họ đã được coi trọng, phát triển. Với tư tưởng như vậy, nên nền Văn học miền Nam được hình thành bởi những giá trị hiện thực, và nhân đạo là điều hiển nhiên. Với tôi đó chính là một nền văn học đích thực.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào đọc, nghiên cứu, ta có thể thấy miền Nam không phải không có một bộ phận văn thơ tuyên truyền, tâm lý chiến phục vụ cho chiến tranh. Thứ văn thơ tuyên truyền, tâm lý chiến thời vụ này, đã ngỏm củ tỏi ngay sau khi nó ra đời. Sách báo miền Nam vẫn còn kiểm duyệt, và đục bỏ những trang viết có thể gây quá bất lợi cho cuộc chiến, khi in ấn, xuất bản. Những lý do, việc làm này đã dẫn đến hạn chế và nhược điểm không nhỏ cho Văn học miền Nam ở giai đoạn này.
Leipzig ngày 15-11-2021
Đỗ Trường
Đọc bài cùng chủ đề: ‘Vòng tay học trò’ dưới cái nhìn phân tâm học
Trích: “Sách báo miền Nam vẫn còn kiểm duyệt, và đục bỏ những trang viết có thể gây quá bất lợi cho cuộc chiến, khi in ấn, xuất bản. Những lý do, việc làm này đã dẫn đến hạn chế và nhược điểm không nhỏ cho Văn học miền Nam ở giai đoạn này.”
Về điểm này, có lẽ tác giả Đỗ Trường muốn làm cho “Bên Thắng Cuộc”….bớt buồn về nền Văn Hóa tuyên truyền ở miền Bắc, chăng??? Kiểm duyệt và đục bỏ văn nghệ và báo chí trong miền Nam, tuy có nhưng RẤT ÍT. Bằng chứng là báo chí chửi bới chính quyền và những người lãnh đạo tơi bời, chửi ra rả, sinh viên và các tôn giáo biểu tình chống đối chính quyền xảy ra như cơm bữa….những bài thơ, nhạc phản chiến phổ biến TỰ DO, thí dụ Kỷ Vật cho em, nhạc Trịnh Công Sơn, v.v. Không đáng trách, chỉ vì tác giả ĐT đã không sống ở miền Nam nên kinh nghiệm của ông về miền Nam, từ 1945-1975, là thiếu chính xác.
-…Ông nhân đạo quá. Đ.M…Việt Cộng nó giết mình như ngóe mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập…” (Buổi dừng chân- Lê Bá Lăng)
À hém, ĐCV rộng lượng quá, bò đỏ Phét chửi văng xích chó mà vẫn để nó Phét. Mịa, trong nước tụi nó bịt miệng người dân, chỉ cho ca tụng lãnh tụ, nói gì khác ý tụi nó là vào tù như chơi.
Tố Hửu đả bắt các văn nhân nghệ sĩ..Miền Bắc xây dựng một nền Văn Học mang-tỉnh -Đảng hay gọi gọi đó là văn học Miền Bẳc.Không thể gọi đó là Văn Học VN đươc ! Đó là văn học không mang-tính-người ! Hay khác hơn ,đó là nền văn học phi-nhân-bản !!! “Là thương con khi Mẹ nhìn gẳt gỏng. Sao không đi cưu nưởc hởi con ơi ???” (Tố Hửu) Cỏ tình mẩu tử nào mà lạ lùng đển thể” hoặc “Thương Cha thương một.Thương Ông thương mười (khóc Stalin). Văn Học là Phần Hồn của một Đất nước. Sông-
Núi,tài nguyên..đó là phần Xác. Đất nước mà Phần Hồn là bản chất của
của quỷ Satan,thì cho dù có nhà cao cửa rộng.Có đường cao tốc. Có Tàu
Cát-Linh… thì đó củng chỉ là nghĩa Địa ,lâu đài của Quỷ mà thôi. Cám Ơn nhà văn Đổ Trường.!