Việt Nam: Triết học đang cần “trăm hoa đua nở”

3

Một tạp chí triết học ở hải ngoại bằng tiếng Việt vừa tục bản sau khoảng trên hai thập niên ra mắt, từ phiên bản xuất bản trên giấy trước đây chuyển sang dạng tạp chí mạng (online) ngày nay, đó là Tập San Triết học và Tư tưởng vừa được giới thiệu với độc giả trở lại vào đầu hạ tuần tháng Bảy.

Nhân dịp này, hôm 22/7/2021, BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với một số thành viên Ban biên tập, đó là Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm – Chủ biên, Tiến sỹ Dương Ngọc Dũng – Chủ bút, Như Hạnh, tức Giáo sư Nguyễn Tự Cường – Cố vấn học thuật và Tiến sỹ Nguyễn Lê Tiến – Giám đốc điều hành & kỹ thuật.

BBC: Với số đầu tiên của Tập San Triết học & Tư tưởng tục bản vừa tái ra mắt độc giả, xin các ông vui lòng cho biết vì sao có quyết định ‘tái xuất’ này sau trên hai thập niên ‘vắng bóng’?

Nguyễn Hữu Liêm: Cám ơn BBC tiếng Việt. Mặc dù đã hơn 20 năm đình bản, nhưng những anh em trong Ban biên tập vẫn nuôi hoài bão về một tạp chí chuyên ngành về triết học và tư tưởng. Nhìn lui, nhìn tới từ trong nước ra hải ngoại, chúng tôi vẫn chưa thấy một tạp chí chuyên ngành như anh em mong đợi. Khoảng trống học thuật về triết và tư tưởng vẫn còn đó, thêm vào những tiến bộ kỹ thuật hiện đại, đã cho chúng tôi cơ hội tái xuất hiện.

Nguyễn Lê Tiến: Khi có đề nghị “tái xuất” thì các bạn quyết định rất nhanh là “phải làm”, chỉ trong vài ngày. Chứng tỏ, mọi người đã có hoài bão này từ lâu. Hoài bão này, tôi nghĩ , cũng là mong muốn chung của trí thức Việt Nam là góp phần xây dựng triết học, tri thức… cái mà chúng ta đang rất thiếu.

BBC: So với Tập san in giấy trước đây, về hình thức, nội dung, tôn chỉ, nguyên tắc, tiêu chuẩn đổi mới hay không và thế nào?

Nguyễn Hữu Liêm: Dĩ nhiên về hình thức thì nay là những ấn bản báo mạng. Nay chúng tôi không phải mang gánh nặng in ấn và phát hành giấy. Dù sao, chúng tôi cảm thấy là một tập san “cứng” vẫn có gì đó hay hơn về thẩm mỹ và tính trang trọng, nó cho người đọc cảm giác thú vị khi cầm trên tay cuốn tập san.

Về tôn chỉ, đường hướng và nội dung thì vẫn như cũ. Chúng tôi chỉ chọn đăng những bài nào đạt tiêu chuẩn học thuật, và không đặt giới hạn vào lãnh vực hay chiều hướng tư tưởng.

Mục tiêu chính trị và tự kiểm duyệt? 

BBC: Tập san có đặt ra mục tiêu chính gì không, như về chuyên môn, học thuật, tiếp cận độc giả, hay có mục tiêu chính trị, xã hội nào khác?

Nguyễn Hữu Liêm: Tập san không có mục tiêu chính trị. Đây là một tạp chí chuyên ngànhnhằm thiết lập một diễn đàn học thuật sâu và chuyên cho các học giả, triết gia về triết học và tư tưởng có nơi để quảng bá tư tưởng và quan điểm chuyên môn, và cho độc giả Việt ngữ có dịp tiếp cận với tư duy của các chuyên gia ngành triết.

Nếu nó có một tác dụng nào đó tới bình diện xã hội trong vòng độc giả tiếng Việt thì tất cả đều là gián tiếp và lâu dài trên con đường tiến hóa chung của con người Việt Nam và tiếng Việt. Nhưng đó là chuyện khó có thể tiên liệu hay dự đoán – và cũng không nằm trong chủ trương của chúng tôi.

 

BBC: Tập San và Ban Biên tập có tự cảm thấy có ‘vùng cấm’ nào không, có ‘tự kiểm duyệt’ hay không? Làm thế nào để tiếp cận độc giả và được chấp nhận cả ở hải ngoại lẫn tại Việt Nam? Ban Biên tập có gì e ngại không, chẳng hạn chủ đề, vấn đề, tác giả, tiếng nói gây tranh cãi (chính trị, học thuật)? Có e ngại về kiểm duyệt hay e ngại trong quan hệ với chính quyền ở quốc gia nào đó, như với chính quyền và đảng Cộng sản ở Việt Nam chẳng hạn?

Hữu Liêm: Không có vùng cấm và không có tự kiểm duyệt. Ý muốn có một tập san học thuật chuyên ngành độc lập, không bị quản lý bởi một cơ quan hay định chế nào, hay giới hạn định hướng tư tưởng nào, là một trong những lý do để chúng tôi cho xuất bản TRIẾT.

Nhờ với cơ năng Internet liên mạng toàn cầu thì độc giả trong nước, cũng như khắp thế giới có thể tiếp cận tập san này dễ dàng. Không có biên giới trong nước hay hải ngoại, tư tưởng hay tác giả. Tạp chí sẽ sẵn sàng đăng những bài viết về chính trị, xã hội nhìn từ góc độ triết học – nếu hội đủ tiêu chuẩn chuyên môn.

Mong là nhà nước Việt Nam sẽ không dựng tường lửa rào cản. Nếu có tường lửa thì sẽ là điều rất đáng tiếc. Xin nói thêm là chính cá nhân tôi, Nguyễn Hữu Liêm, ở những năm 1996-97, khi hai số đầu của TRIẾT vừa được phát hành ở Mỹ, tôi đã đích thân mang chúng về nước trao tặng các nhà tư tưởng, nhà giáo trong ngành.

An ninh tư tưởng có mời tôi lên làm việc, trao đổi hào hứng, và hình như họ thấy đây chỉ là một cơ sở học thuật chuyên môn, sâu và biệt, nên không có vấn đề – trong khi đó, tôi ngạc nhiên, họ rất dị ứng với các tạp chí văn chương hải ngoại.

Đảm bảo tính khách quan và tự do tư tưởng?

 

BBC: Làm thế nào để đảm bảo tính khách quan, chất lượng bài viết bên cạnh tự do tư tưởng và học thuật? Liệu đây sẽ là một Tập san đóng (với một nhóm ‘thống trị’ diễn đàn) hay sẽ là mở và chấp nhận nhiều tiếng nói, kể cả cạnh tranh, thách thức quan điểm, tầm nhìn của Ban Biên tập? Phương thức giải quyết và đường hướng xử lý của BBT như thế nào trước những vấn đề gây tranh cãi, thách thức, mới hay khó?

Dương Ngọc Dũng: Nếu bạn lại muốn một câu “trả lời” hay một “đáp án” đơn giản, trong sáng, gọn gàng, và “khách quan” cho những vấn đề trong đời mình, có một số địa chỉ khác, không phải là triết học, rất được ưa chuộng xin được giới thiệu: chính phủ, quân đội, công an, chính trị, khoa học, tôn giáo, tư vấn tình yêu và hôn nhân.

Như Hạnh: Điều chính yếu là họ phải có sự thành thật và chính trực trí thức (intellectual honesty and integrity) chứ không phải là khách quan, bởi vì không có cái gì gọi là khách quan cả. Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người được

Nguyễn Hữu Liêm: Chúng tôi mong có nhiều bài vở đến từ nhiều học giả khắc nhau, nhiều khuynh hướng, và sẽ không có nhóm nhỏ nào thống trị diễn đàn. Các số xuất bản cho đến nay đã chứng minh điều đó. Lần nữa, tiêu chuẩn là thuần học thuật chuyên môn. Nếu bài nào mà chỉ một người trong BBT nói không là bài sẽ không được đăng. Các thư độc giả phản biện đúng đắn sẽ được đăng vào mục Thư độc gỉả ngay từ các trang đầu – như chúng tôi đã làm ở các số trước.

Nguyễn Lê Tiến: Tôi nghĩ, tri thức là vô tận, không một ai có thể nắm hết được. Vả chăng, chẳng có cái gì gọi là chân lý tuyệt đối cả. Lịch sử triết học là cả một chuỗi vô tận những tranh biện, phản biện. Chính những khác biệt đó soi sáng những khía cạnh khác nhau của vấn đề. Triết học cần “trăm hoa đua nở”. Dĩ nhiên cần phải là hoa.

Có ‘khoảng cách’ về triết ở Việt Nam và hải ngoại? 

BBC: Ban Biên tập có định hướng, chương trình bài vở và mục tiêu cụ thể thế nào trong thời gian tới đây? Các chương trình, mục tiêu đó liệu có công khai không hay thế nào? Từ kinh nghiệm của số đầu tiên tục bản, có thể dự đoán gì về điểm khó dễ, thuận lợi, thách thức và cả cơ hội lớn nhất trong thời gian tới đây, có thể hình dung chính yếu gì về Tập san chẳng hạn trong 5-10 năm tới, nếu tạp chí vẫn tiếp tục hoạt động, về nội dung, phong cách, hình thức, tầm nhìn, đóng góp, vai trò v.v..?

Nguyễn Hữu Liêm: Khó khăn nhất là làm sao có đủ bài vở có chất lượng, đúng tiêu chuẩn cho mỗi số. Nhìn về tương lai gần, mong rằng TRIẾT sẽ được chấp nhận chính thức ở trong nước – như là một cơ sở học thuật chuyên nghành và sẽ được chính thức lưu hành trong các đại học và viện nghiên cứu cho sinh viên và học giả tham cứu, trích dẫn. Nếu có một đại học uy tín ở trong nước tiếp nhận TRIẾT và chấp nhận nó vào trong chương trình giảng dạy, hay là đây một tập san uy tín nơi để các học giả có thể đăng bài nghiên cứu của họ theo tiêu chuẩn học thuật quốc tế, và được công nhận như thế, thì đó là một điều hân hạnh.

BBC: Cuối cùng, xin quý vị vui lòng cho biết quan sát, cảm nhận của mình về nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, xuất bản và thảo luận triết học ở Việt Nam hiện nay ra sao, so với ở hải ngoại qua những gì quý vị biết, có gì khác biệt từ Việt Nam hay không? Có khoảng cách nào không và tại sao?

Nguyễn Hữu Liêm: Về học thuật chuyên môn các ngành ở bậc đại học nhìn chung theo cá nhân tôi thì Việt Nam đang đi đúng hướng – dù là tốc độ và nội du

ng còn nhiều bất cập, nhất là về triết học. Khẩu hiệu của Đảng CSVN là sẵn sàng tiếp nhận đầy sáng tạo và đãi lọc những giòng tư duy khác.

 

Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần về nước, Nam, Trung, Bắc, đến các đại học, cơ sở nghiên cứu nhà nước, giảng dạy, thuyết trình về triết học và cũng đã ra mắt các đầu sách về triết của tôi.

Vấn đề là tùy năng lực và tư duy của các giáo sư chuyên ngành khi quyết định giảng dạy triết học Tây phương đa diện – đôi khi không vì lý do tư tưởng mà là những lý do khác.

Lần nữa, chúng tôi không thấy một biên giới nào giữa trong nước và hải ngoại. Cả một thế hệ sinh viên Việt đang khao khát học hỏi và tiếp cận triết bằng Việt ngữ, TRIẾT mong được đáp ứng phần nào cho khát vọng đó.

Nguồn: BBC.com

3 BÌNH LUẬN

  1. Bọn khuyễn-triết, đứng đầu là Nguyễn Hửu Liêm, là một nhóm con-con chuyên thờ-lạy những ông râu xồm, mấy anh mắt xếch.
    Coi râu xồm và mắt xếch là ông cố-nội-tổ, bọn này chẵng ích-lợi gì cho triết-học Việt Nam.
    Lủ hám-danh đông như ruồi.

  2. Câu hỏi đặt ra là tại sao tạp chí lại phải đình bản hai chục năm
    về trước ?

    Bây giờ tái bản lại cung là điều hay ,có còn hơn không .
    Facebook đã chặn một số tư tưởng mách qué của bọn LL47
    gì đó . Chúng tôi hy vọng là Tập san Triết chỉ bàn về Triết
    mà thôi . Không nên lợi dụng nó như một phương tiện tuyên
    truyền cao cấp ,đánh bóng ,đề cao cái tư tưởng thổ tả mà
    Hồ chí Minh đã du nhập vào VN .

    Hy vọng không có bàn tay khốn nạn của Vixi nhà ta ,thò vào
    để hồi sinh cái tạp chí này , trở thành điễn đàn ngôn luận
    trá hình của chúng .

  3. A new generation of communist is still communist. The poor people in Vietnam can not study abroad as communist related young kids . And to these poor people, philosophy means show them a way to overthrow the communist government – not to obey it

    That is the real philosophy- the rest that you had mentioned, is just an illusion of words

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên