MỘT BÁCK KHOA TAN TÁC SAU 1975
Trước ngày mất Sài Gòn, Võ Phiến và Lê Tất Điều do có làm việc cho Đài Mẹ Việt Nam nên được kể trong số nhân viên của Đài được Mỹ lo cho di tản trước. Chứng kiến một Võ Phiến hai lần khóc khi phải ra đi vì biết không có ngày trở về, lần thứ nhất với Lê Ngộ Châu nơi toà soạn Bách Khoa ngày 23/4/1975, rồi lần thứ hai với Lê Tất Điều trên con tàu Challenger ngày 29/4/1975 khi rời đảo Phú Quốc. Một số những văn nghệ sĩ khác cũng may mắn thoát đi được, có thể kể thêm như Viên Linh Hóa Thân, Túy Hồng Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Thanh Nam Bóng Nhỏ Đường Dài, Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa, Nghiêm Xuân Hồng Người Viễn Khách Thứ 10, Mặc Đỗ Siu Cô Nương nhóm Quan Điểm, rồi cả Phạm Duy Con Đường Cái Quan…
Thế còn những người ở lại thì sao?
Ngày 5 tháng 5, 1975, Lê Ngộ Châu đã kinh hoàng khi nghe tin một trong những cây viết lâu năm của Bách Khoa, Phạm Việt Châu tác giả loạt bàiTrăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã tuẫn tiết ngay tại tư gia khi cộng sản tiến chiếm Sài Gòn. Cái chết rất sớm và tức tưởi của một học giả có viễn kiến về lịch sử dân tộc, với sức sáng tạo đang sung mãn mới bước vào tuổi 43, đã như một hồi chuông báo tử cho rất nhiều tang thương diễn ra sau đó.
Rồi cũng vào một ngày đầu tháng 5, 1975, khi chưa đi trình diện cải tạo, người viết tới thăm anh Lê Ngộ Châu, và đã gặp hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới tòa báo Bách Khoa. Trước khách lạ, đứa con gái bằng một giọng hãnh tiến, nói với anh chị Lê Ngộ Châu: “Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.” Hình ảnh của đám nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” không khác một “phó bản” của một đám Vệ binh Đỏ của Mao trong cuộc cách mạng văn hoá, chúng đi reo rắc kinh hoàng giữa một Sài Gòn đang hoảng loạn lúc bấy giờ. Cũng chính những đám này là thành phần kích động chủ lực trong chiến dịch “lùng và diệt tàn dư văn hóa Mỹ Nguỵ”, chúng dẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả tới những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả một tủ sách “Học Làm Người” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Hoạ sĩ lập thể Tạ Tỵ, BS Trần Văn Tích hai người có bài viết trên số báo Bách Khoa 426 cuối cùng không thoát đi được, đã cùng với hầu như toàn thể các văn nghệ sĩ miền Nam, lần lượt trước sau bị bắt đưa vào các trại tù cải tạo của CS.
Nhà thơ nhà giáo Vũ Hoàng Chương, cùng thời với thi sĩ Hoàng Cầm, Hữu Loan ngoài miền Bắc, có nhiều bài thơ đặc sắc đăng trên Bách Khoa cho tới 1975, cũng bị CS bắt giam tù trong khám Chí Hoà, và chỉ được thả ra khi sắp chết, và ông đã chết tại nhà 5 ngày sau.
Học giả Nguyễn Hiến Lê, người viết nhiều nhất trên Bách Khoa, tới 1975 đã xuất bản tác phẩm thứ 100, bắt đầu phải sống qua những trải nghiệm đắng cay và vỡ mộng với những người cộng sản và mặt trận giải phóng mà bao năm trước đó ông đã không dấu mối thiện cảm và cả sự ngưỡng mộ.
Lê Ngộ Châu, tuy không bị bắt đi tù cải tạo nhưng bị vô hiệu hoá, thư viện phong phú của Bách Khoa một đời ông dày công sưu tập cũng không giữ được và cuối cùng cũng phải nộp cho Hai Khuynh tức Nguyễn Huy Khanh, là một trong “ngũ hổ tướng” của Thành uỷ Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau này, cũng những cuốn sách ấy với cả thủ bút các tác giả ký tặng anh, đã được thấy bày bán nơi mấy tiệm sách cũ, mà các khách tìm mua có cả những học giả từ miền Bắc vào. Nhà văn Thế Phong, trước 1975 nổi tiếng với Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục, in ronéo, đã kể lại cũng chính Thế Phong tìm mua lại được hầu như toàn bộ tác phẩm của mình xuất bản trước 1975 với thủ bút đề tặng Lê Ngộ Châu. Ai cũng hiểu rằng đó là niềm đau sót sâu thẳm của Lê Ngộ Châu mà anh không bao giờ anh nói ra.
Vũ Hạnh, tên thật Nguyễn Đức Dũng còn có thêm bút hiệu cô Phương Thảo, tuy được biết từ lâu là một cán bộ CS nằm vùng trong Bách Khoa, từng bị bắt vào tù nhiều lần, nhưng đều được các văn hữu “với tấm lòng” cứu ra, trong số đó phải kể tới Linh mục Thanh Lãng chủ tịch Văn bút, chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã vận động để Vũ Hạnh được thả ra để rồi sau đó Vũ Hạnh lại công khai hoạt động. Sau 30/04/1975 Vũ Hạnh chính thức lộ diện là một cán bộ cộng sản và như một hung thần, Vũ Hạnh lập thêm công trạng bằng cả một danh sách chỉ điểm cho “cách mạng” truy lùng bỏ tù hầu hết các văn nghệ sĩ miền Nam còn kẹt ở lại, trong đó có cả những người đã từng ký tên đòi trả tự do cho Vũ Hạnh khi đang trong vòng lao lý.
Sau 1975, nhiều nhà văn nhà báo miền Nam ấy đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương. Nếu còn sống sót, đều nhất loạt phải gác bút: Dương Nghiễm Mậu Nhan Sắc sống bằng nghề sơn mài, Lê Xuyên Chú Tư Cầu ngồi bán thuốc lá lẻ ở đầu đường, Trần Lê Nguyễn tác giả kịch Bão Thời Đại thì đứng sạp bán báo để độ nhật, Nguyễn Mộng Giác Đường Một Chiều làm công nhân sản xuất mì sợi, Trần Hoài Thư Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi ba năm ở tù ra trở thành Người Bán Cà Rem Dạo.
Vũ Hạnh, tuổi đã ngoài 80 rồi 90, như một đao phủ bao nhiêu năm sau vẫn không nương tay tiếp tục viết các bài đấu tố những người cầm bút còn ở lại. Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, là những nạn nhân điển hình khi Công ty Phương Nam cho in lại mấy cuốn sách chỉ có tính cách văn học của Dương Nghiễm Mậu.
Vũ Hạnh của Bút Máu viết: “Sách của Dương Nghiễm Mậu thì nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược, còn sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy.” Vũ Hạnh viết tiếp: “Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu… Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.” Và rồi cũng Vũ Hạnh kể lể: “các tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào.” (Sài Gòn Giải Phóng, 22/4/2007).
“Ngày Xưa Vũ Hạnh” cộng sản nằm vùng vẫn được sống thênh thang, vẫn được đối xử như một nhà văn, được quyền tự do phát biểu (Lý Đợi, talawas 10.5.2007) “Ngày Nay Vũ Hạnh” bên thắng cuộc – tên bộ sách của Huy Đức, thì vô cảm vênh váo, là tiếng nói hung hãn nhất trong Hội đồng đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia. Vẫn một cliché, vẫn một khẩu hiệu tung hô không suy suyển: “tác giả là gốc ngụy, nội dung tác phẩm là nô dịch phản động đồi trụy”. Vũ Hạnh xấp xỉ tuổi Võ Phiến, nay sắp bước vào cái tuổi 90 vẫn cứ nhân danh “đảng ta, chèo lái con thuyền chở đạo” vẫn không ngừng truy đuổi cả những thế hệ nhà văn trẻ nối tiếp có khuynh hướng tự do, điển hình qua bài viết phê phán Nhã Thuyên và Nhóm Mở Miệng với hai cây bút nổi trội là Lý Đợi và Bùi Chát (Thấy gì từ một luận văn sai lạc, Văn Nghệ 29/2013).
Có lẽ tấn thảm kịch của Vũ Hạnh cũng như những người cộng sản tha hóa bước vào Thế Kỷ 21 là sự “ngụy tín / mauvaise foi” họ sống với hai bộ mặt, vẫn không ngừng hô hào cổ võ cho điều mà họ không còn chút tin tưởng. Vũ Hạnh vẫn không ngưng nặng lời chửi rủa Mỹ, nhưng rồi vẫn gửi con cái trưởng thành sang sống ở Mỹ; Vũ Hạnh vẫn được ra vào nước Mỹ như một con người tự do.
Vũ Hạnh, trong một lần qua Mỹ thăm con ở nam California, đã viết thơ cho anh Trí Đăng tha thiết ngỏ ý muốn được gặp Võ Phiến, nhưng lời yêu cầu ấy đã bị Võ Phiến và gia đình dứt khoát từ chối.
NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA LÊ NGỘ CHÂU
Tên tuổi Lê Ngộ Châu, nơi địa chỉ 160 Phan Đình Phùng đối với nhiều người là một điểm hẹn đáng tin cậy. “Từ Calfornia, khi cần tìm lại một số bài viết từ trước 1975, tôi – người viết nghĩ ngay tới Lê Ngộ Châu và được anh cho biết sau 1975, tủ sách đầy đủ của toà soạn Bách Khoa anh đã không còn giữ lại được nhưng anh vẫn hứa sẽ cố giúp. Anh hỏi nhiều người, cuối cùng anh nhờ được LM Nguyễn Ngọc Lan, Dòng Chúa Cứu Thế và sau đó tôi đã có được đầy đủ các bài viết trên bộ báo Trình Bày; và rồi tuyển tập truyện ngắn Mặt Trận ở Sài Gòn do Văn Nghệ của anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết xuất bản lần đầu tiên ở hải ngoại 1996 do có sự nhiệt tình giúp đỡ của anh Lê Châu.”
Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc là cháu của nhà văn Nguyễn Ngu Í, vẫn còn nhớ tới lời khuyên của anh Lê Châu: “Anh Ngọc viết được gì thì viết ngay bây giờ đi (lúc đó Đỗ Nghê 60 tuổi, anh Lê Ngộ Châu đã 80), đừng để như tôi, biết bao nhiêu chuyện hay thú vị ở toà soạn Bách Khoa, định viết mà rồi không còn viết được nữa.”
Tuy nói vậy, nhưng từ nhiều năm trước, mỗi lần có dịp gặp anh Lê Châu tôi đều có nhắc như một gợi ý là anh nên viết một hồi ký hành trình 18 năm với Bách Khoa, thì anh Châu chỉ dí dỏm trả lời bằng một câu hỏi khác: “Anh Vinh khi về bên đó hỏi Võ Phiến có cho tôi viết hay không?” Ý tại ngôn ngoại, ai cũng hiểu rằng anh Châu muốn nói tới những quan hệ linh tinh giữa các nhà văn nam nữ và Bách Khoa thì như một trạm giao liên và Lê Châu thì rất kín đáo, không bao giờ nói ra.
Chuyện dật sự bây giờ mới kể, là sau khi đã phải “hiến” thư viện Bách Khoa cho Hai Khuynh, Lê Châu nghĩ tới tình huống căn nhà 160 Phan Đình Phùng nơi anh cư ngụ bất cứ lúc nào có thể bị công an tới khám xét. Chuyện sau 1975 mà ai cũng biết, ngay như với Giáo sư Y khoa Phạm Biểu Tâm, một tên tuổi lớn của trí thức miền Nam mà chế độ mới đang rất cần ông trong những năm đầu nhưng họ vẫn không bao giờ tin ông. Bằng cớ là căn nhà của GS Tâm trên đường Ngô Thời Nhiệm, giữa thanh thiên bạch nhật, ít nhất đã hai lần bị công an thành phố xông vào lục xét. Và cứ sau một lần như vậy, không phát hiện được gì thì Thành Ủy đã lại đứng ra xin lỗi coi đó chỉ là hành động sai trái của thuộc cấp. Sự giải thích ấy thật ra chỉ là hai bản mặt của chế độ.
Không thể nói anh Lê Ngộ Châu không hiểu cộng sản, nên còn bao nhiêu thư từ chung và riêng của Bách Khoa đã giữ gìn bấy lâu, anh cẩn thận xếp để vào trong hai hộp giấy, đem tới gửi nơi nhà chị Nguyễn Khoa Diệu Chi, vợ nhà văn Nguyễn Mộng Giác bên Thị Nghè. Năm 1990, khi chị Diệu Chi và con gái sắp đi đoàn tụ với chồng bên Mỹ, hàng trăm bức thư cả chung và riêng ấy – như một phần lịch sử của Bách Khoa, có tính văn học hay không, thì tất cả cũng đã trở thành tro than, thả về cho người trăm năm cũ.
Trần Hoài Thư viết về chủ nhiệm Bách Khoa: “Lê Ngộ Châu mà tôi được biết trong vài lần ghé thăm tòa soạn Bách Khoa: (1) Mỗi tác giả đều có một hồ sơ riêng (folder), bài không đăng, có thể lấy lại từ tòa sọan. (2) Ông không ngại đọc bản thảo viết tay quá xấu, như trường hợp cá nhân tôi, vì ngón tay cầm viết bị miểng lựu đạn cắt nên chữ viết rất khó đọc, vậy mà ông không nề hà. Ông cầm cái kính lúp soi từng hàng chữ, rồi sửa lại chi chít, trước khi đưa chị Châu đánh máy, anh không hề than một tiếng… Điều đó chứng tỏ ông rất trân trọng sự đóng góp của người viết. Tôi nghĩ nếu Bách Khoa không có ông Lê Ngộ Châu thì không biết có Hoàng Ngọc Tuấn, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ? Riêng bản thân tôi, tôi sẽ nói nếu không có Bách Khoa, không có ông Lê Ngộ Châu thì chắc chắn tôi sẽ không có dịp đi vào con đường chữ nghĩa như ngày hôm nay.” [2]
VẪN MỘT LÊ NGỘ CHÂU CỦA HÒA GIẢI
Năm 1994, Lê Ngộ Châu đưa người con gái thứ hai sang Mỹ định cư. Với 18 năm điều hành tờ Bách Khoa, anh Châu có rất nhiều bạn và Võ Phiến có lẽ là người anh thân thiết nhất. Trong chỗ rất riêng tư, khi biết giữa Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác, “có vấn đề” trong sự chuyển tiếp tờ Văn Học Nghệ Thuật sang tờ Văn Học. Cả hai cùng là người Bình Định,nhưng với cái tình đồng hương ấy cũng không sao tránh được trục trặc trong điều hành tờ Văn Học, khi mà Võ Phiến còn đứng tên chủ nhiệm và Nguyễn Mộng Giác là chủ bút. Rất bén nhạy, Lê Ngộ Châu cảm thấy ngay được sự “nghẽn mạch” giữa hai anh em. Anh sốt sắng đóng vai “hòa giải” – vẫn chữ của Lê Ngộ Châu.
Rồi như một cái cớ, tôi tổ chức buổi họp mặt tiếp đón anh Lê Ngộ Châu tại một clubhouse, nơi tôi cư ngụ trên đường Bellflower, Long Beach. Dĩ nhiên có anh Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác và có khoảng hai chục thân hữu quen biết anh Lê Ngộ Châu và tạp chí Văn Học có mặt hôm đó: các anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, Từ Mai Trần Huy Bích, Trúc Chi, Thạch Hãn Lê Thọ Giáo, Khánh Trường, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy… Chỉ riêng cái tình “tha hương ngộ cố tri” ấy, qua những trao đổi, như từ bao giờ anh Lê Ngộ Châu vẫn lối nói chuyện vui dí dỏm và duyên dáng, anh đã như một chất xi-măng nối kết mọi người. Và cũng để hiểu tại sao, trong suốt 18 năm, anh Lê Ngộ Châu đã điều hợp được tờ Bách Khoa, vốn là một vùng xôi đậu phức tạp như vậy.
Đó là lần thăm Mỹ duy nhất 1994 của anh Lê Ngộ Châu, cũng như giám đốc Nhà sách Khai Trí, nhưng rồi cả hai đều chọn trở về sống ở Sài Gòn. Năm 2001, trong dịp trở lại thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi gặp lại anh Lê Ngộ Châu nơi tòa soạn Bách Khoa ngày nào, anh vẫn nhớ và nhắc tới buổi gặp gỡ “hoà giải” hôm đó.
Anh Lê Ngộ Châu trong chuyến thăm bạn hữu ở California (1994), từ trái, Dohamide / Đỗ Hải Minh (cây bút chuyên khảo về văn minh Champa trên Bách Khoa ngày nào), Lê Ngộ Châu, Ngô Thế Vinh, Võ Phiến. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Sau lần gặp anh Lê Ngộ Châu ở Mỹ (1994), 5 năm sau gặp lại anh tại toà soạn Bách Khoa 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn, anh Lê Châu còn rất tráng kiện và minh mẫn ở tuổi 76; từ phải: Lê Ngộ Châu và Ngô Thế Vinh. [photo by Nghiêm Ngọc Huân 11/1999]
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM BÁCH KHOA [6]
Phục hồi Di sản Văn học Miền Nam là mối ưu tư của nhiều người, trong đó có phần tìm lại toàn bộ báo Bách Khoa và đó là công lao của hai khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt văn học ở hải ngoại: chị Phạm Lệ-Hương và anh Phạm Phú Minh. Cả hai đã rất thành công trong việc tổ chức cuộc Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, Hội Thảo Trương Vĩnh Ký với việc xuất bản cuốn Kỷ yếu TLVĐ, Kỷ yếu Triển Lãm và Hội Thào Trương Vĩnh Ký là những tài liệu được đánh giá rất cao cả ở bên trong và ngoài nước. Cuộc hành trình đi tìm Bách Khoa không đơn giản, với công sức đóng góp của nhiều người khác nữa nhưng kết quả cuối cùng là toàn bộ 426 số báo Bách Khoa được sưu tập trọn vẹn, được số hoá và upload lên internet. Kể từ đây, Bách Khoa đã phục sinh, để cùng sống với những thế hệ mai sau xa hơn cả “tam bách dư niên hậu”. [6]
Lê Ngộ Châu mất ngày 24/9/2006 năm Bính Tuất tại Sài Gòn, thọ 84 tuổi. Linh cữu được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố trên đường Lê Quý Đôn Quận 3 Sài Gòn. Ông được an táng trong khu đất riêng của chùa Phổ Chiếu, Gò Vấp. [Hình 17b] Lê Ngộ Châu đã để lại rất nhiều tiếc thương cho những người từng được quen biết và làm việc với ông. Nguyễn Minh Hoàng, một dịch giả cộng tác viên lâu năm của Bách Khoa ngày nào, đã viết hai câu thơ viếng cảm động trong sổ tang của gia đình Lê Ngộ Châu:
Duyên nợ Bách Khoa, anh vội ra đi, mây chiều gió sớm,
Cuộc đời dâu biển, tôi còn ở lại, ra ngẩn vào ngơ…
Mang Viên Long, một nhà thơ trẻ miền Trung từng viết cho Bách Khoa, nay vẫn còn nhớ ngày anh Lê Ngộ Châu mất: “Hôm nay – gần đến ngày giỗ thứ 5 của Anh, nơi chốn quê nhà quạnh hiu này – tôi lại nhớ anh: “Một nhà báo chân chính, tài năng , và vô cùng độ lượng đã suốt đời hy sinh cho sự nghiệp văn học! Xin được thắp cho anh một nén hương muộn nhưng rất chí tình.”
Bài viết này như một tưởng niệm 98 năm sinh của anh Lê Ngộ Châu. Để kết luận, có thể nói rằng: nếu không có chủ nhiệm sáng lập Huỳnh Văn Lang, sẽ không có một tờ báo mang tên Bách Khoa từ 1957. Nhưng nếu không có được cái “nhẫn” và tài năng điều hành toà soạn 160 Phan Đình Phùng của Lê Ngộ Châu, sẽ không có một tạp chí Bách Khoa khởi sắc với 426 số báo với tuổi thọ 18 năm cho tới 1975 và cũng sẽ không có một bộ báo Bách Khoa như một công trình văn hoá đồ sộ của miền Nam để lưu lại cho các thế hệ mai sau và chúng tôi vẫn mãi biết ơn Anh.
California 26/06/2021
Tưởng niệm 98 năm sinh Lê Ngộ Châu
—————
THAM KHẢO:
1/Ngô Thế Vinh. Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hoá.
Việt Ecology Press 2017
2/Trần Hoài Thư. Thư Quán Bản Thảo số 48, chủ đề viết về tạp chí Bách Khoa
3/Đặng Tiến. Ông Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng.
4/Dũ Lan Lê Anh Dũng. Vĩnh biệt ông Bách Khoa Lê Ngộ Châu.
5/ Phạm Phú Minh. Bách Khoa điện tử Toàn tập [từ số 1 tới 426], Thư Viện Người Việt Online.
6/ Phạm, Lệ-Hương. Hành trình đi tìm Bách Khoa. Phỏng vấn cá nhân.
Huntington Beach 21/6/2021. – p.16
7/ Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, Một Chương Hồi ký, Tập Ba ([trang 208 – 219). Tác giả Xuất bản 2001
[…] Gia đình bách khoa và một Lê Ngộ Châu khác (2) […]