Trên các diễn đàn Việt ngữ hải ngoại mấy hôm nay, phần lớn các nhà bình luận bị lạc đề – tôi nghĩ – khi bàn về bài viết mới nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng. Xin mời bạn đọc ở đây:
https://tuoitre.vn/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-vn-20210516203550852.htm
Giáo sư Trọng viết,
Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Một bài viết mạnh mẽ và công phu. Tuy nhiên ta hãy suy ngẫm. Đây không phải là một bài giải thích, một diễn văn gởi quốc dân, hay là một cương lĩnh chính trị. Nó cũng không phải là một luận cứ nhằm chinh phục kẻ nghi ngờ, hay thiếu thiện chí. Mà ở đây, GS Trọng chỉ muốn tung hô một khẩu hiệu biểu dương Ý Chí quyền lực của ĐCSVN – “Đảng ta là Đảng cầm quyền!”
Ý chí Quyền lực nhất quán nầy đã không thay đổi và chứng minh sức mạnh hiệu năng của nó suốt 70 năm qua. Vì thế, sẽ không có Đúng/Sai đối với bài viết của GS Trọng. Không nên nêu lên cái sai lỗi cơ bản về nguyên lý logic nhân quả – cái phải-là đối với cái đang-là – trong đoạn văn thứ hai trích ở trên. Và ta cũng đừng mất công tìm tòi hay mong mỏi ở GS Trọng một tín hiệu mới.
Nhưng khi ta nhìn tới thực tế hoàn cảnh hôm nay để thấy rằng với mùa dịch Covid-19 nầy thì cái Hệ Nguyên lý Ý chí Quyền lực – the Paradigm of Will-to-Power – nầy rõ ràng đã thay đồi. Rằng, đối thủ của Đảng Ta không còn là con người, thế lực thù nghịch, đế quốc, thực dân, bọn phản động, thoái hóa – mà là thế giới vi sinh.
Dù chỉ đề cập sơ qua đến vấn đề dịch bệnh đang lan tràn, với mẫu người Cộng sản cổ điển, rất có thể rằng GS Trọng vốn vẫn ngâm mình trong niềm hãnh tiến chiến thắng qua Ý Chí Chính Trị – và chỉ duy Ý Chí – vì thế ông không muốn nhân dân nghi ngờ về Ý chí quyết tâm, khả năng chiến thắng của Đảng Ta trước bất cứ thử thách nào. Bởi thế, GS Trọng chắc là muốn nhân dân ta phải đáp lời AMEN! khi đọc bài nầy. Khi GS la to “Nhảy lên” thì nhân dân chỉ biết tuân thủ và hỏi “Cao bao nhiêu, thưa lãnh tụ?” Ta không thể – và không có quyền – đặt câu hỏi như vầy, “Để xem Đảng Ta có thành công khi biểu dương Ý Chí Quyền lực nhằm ra lệnh cho những con virus Covid nầy nhảy bao xa hay không?”
Ở đây tôi không có ý tưởng mỉa mai. Đảng Ta – với Ý chí quản lý và tuyên truyền chính trị – đã thành công lớn trong việc phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Không ai có thể phủ nhận thành công ấy. Điều đó, một lần nữa chứng minh tiếp sức mạnh ở Ý chí chính trị và quyền lực của Đảng. Và đó cũng là một bệ phóng hiệu năng cho sự khẳng định mới từ GS Trọng về tương lai của Đảng Ta và Chủ nghĩa Xã hội.
Câu hỏi ở đây là, liệu Ý chí cai chế hành vi con người do Đảng lãnh đạo có thể tiếp tục thành công trong chiến dịch chống virus nầy? Có thể rằng Ý chí Chính trị của Đảng có thể tương đồng và hỗ trợ cho tài năng quản lý nhân dân?
Về bình diện chính trị, Đảng vẫn tiến hành bầu cử Quốc hội – dù rằng điều nầy có thể làm gây lan truyền dịch bệnh – trong khi quán ăn, học đường, tiệc tùng, họp mặt phải hủy bỏ. Tức là, ưu tiên chính trị và chính danh quyền lực phải nằm ở tầm mức khẩn trương hơn là nguy cơ dịch bệnh. Ta thà chết – hơn là do dự Ý chí quyền lực. Nói hơi đại ngôn thì lịch sử thế giới và quốc gia đã cho ta thấy rằng giây phút do dự, tự nghi ngờ, thiếu quyết tâm quyền lực đồng nghĩa với tự vẫn chính trị.
Tức là, GS Trọng, qua bài viết nầy, khai sáng lần nữa hệ nguyên lý Chính trị quốc gia cho nhân dân – để từ đó, ta chỉ có một việc là quán triệt và thi hành. Ta không có quyền đặt câu hỏi, nghi ngờ nội dung của hệ nguyên lý đó. Tuy rằng ông không nhấn mạnh đến nguy cơ quốc gia từ dịch bệnh, nhưng ta phải biết rằng Nguyên lý quyền lực chính trị mà ông đưa ra gắn liền với khả năng thành công của phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Kiểm soát và khống chế dịch bệnh là một chiến dịch, một trận tuyến xung kích mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cái mà Đảng Ta muốn cai chế để chiến thắng dịch Covid-19 là hành vi con người. Vì hành vi là điều có thể cai quản, nên điều nầy trở thành một vũ khí hiệu năng cho Đảng. Mà con người Việt Nam, trên hết, rằng mỗi cá nhân là một khối sợ – sợ vi rút, sợ chính quyền. Cho nên, ở đây, GS Trọng muốn nhân dân quán triệt về Ý chí quyền lực của Đảng Ta – biểu trưng qua chính sách cai chế hành vi con người bằng nỗi sợ và tinh thần thụ động – nó bao gồm luôn mọi bình diện xã hội và nhân văn, kể cả nhu cầu y tế.
Khi đọc GS Trọng, phía thân chế độ chỉ biết quán triệt tư tưởng của ông và chấp tay thuần phục; phía chống chế độ thì chỉ phủ định toàn triệt trong vô vọng. Chính vì thái độ xác định/phủ định đó mà điều khẳng định chính trị của GS Trọng đã thành công. Nó một lần nữa minh định và cũng cố cái Đã-là như vậy – thực tế Chính Trị và Công quyền của Việt Nam – suốt hơn nửa thế kỷ qua. Từ bài học lịch sử lâu dài đó, nhân dân Việt Nam không thể nghi ngờ khả năng thành công trong cơ đồ chống dịch bệnh – cùng với cơ đồ Ý chí Quyền lực chính trị mà Đảng ta đã duy trì gần thế kỷ qua.
Nhưng dầu sao, số phận nhân dân Việt Nam nay đã gắn liền với khả năng chiến thắng của Đảng – một khối Ý chí lịch sử bách chiến bách thắng – mà thành công hay thất bại vẫn chỉ là một tiêu chí được xác định và đo lường bởi Đảng, do Đảng và cho Đảng. Và ta không thể đặt nghi vấn hay phản biện về điều đó.
Chúc nhân dân Việt Nam thật nhiều may mắn!
Nguyễn Hữu Liêm