Tiếp tục câu chuyện Tây nguyên với giới chức ngoại giao phương Tây

0

Anh Võ Ngọc Lục cùng vợ chồng và hai con Huỳnh Thục Vy xuất phát từ Buôn Mê Thuột đi Đà Lạt lúc 8h tối ngày 23/3/2021. Đường đi suôn sẻ, chúng tôi đến Đức Trọng, Lâm Đồng 2h sáng ngày 23/3/2021. Sau đó thẳng tiến thành phố Đà Lạt. Đến hơn 12h trưa cùng ngày chúng tôi đã đến Ana Villas. Ông Stephen Taylor- tùy viên chính trị Lãnh Sự quán Anh, cô Hà Mai- trợ lý và thông dịch viên và sư thầy Thích Đồng Quang đến trước và đang đợi chúng tôi ở đó.

Ông Taylor và cô Hà Mai mời chúng tôi: anh Lục, thầy Đồng Quang và Huỳnh Thục Vy dùng bữa trưa với toàn thức ăn chay nhằm thuận tiện cho người tu hành Phật giáo (thầy thích Đồng Quang từ Kon Tum). Thức ăn rất ngon, nhưng chúng tôi không ăn được bao nhiêu vì anh Lục lo nói chuyện, thầy Đồng Quang bị mệt nhiều do khó thở vì hen suyễn thường trực. Chỉ có mỗi tôi, Huỳnh Thục Vy ăn nhiều, mà nói cũng không ít chuyện.

Hơn ba giờ đồng hồ nói chuyện trong bầu không khí ấm áp của phòng ăn nho nhỏ của resort, sự khác biệt ngôn ngữ không ngăn cản được chúng tôi bày tỏ tất cả những gì hai bên muốn trao đổi thẳng thắn với nhau, nhờ trình độ cao và cái tâm đáng quý của cô Hà Mai.

Ông Taylor thông báo rằng, ông đã xin phép chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho phép vào thăm một làng người H’mong nhưng đã bị từ chối. Và rằng ông vui mừng vì vượt qua mọi cản trở và khó khăn, ông đã gặp được chúng tôi trên vùng đất Cao nguyên Trung phần nhiều vấn đề nhạy cảm này. Chúng tôi giới thiệu về nhau và ông còn tử tế muốn hỏi thăm tình hình của người viết Huỳnh Thục Vy. Nhưng tôi đã đáp rằng tôi ổn, và câu chuyện của tôi rất dài, thời gian quý báu này để dành nói chuyện các anh em sắc tộc thì tốt hơn.
Mỗi người trong anh em chúng tôi thay nhau trình bày với ông về tình trạng người sắc tộc bị đàn áp tự do tôn giáo khắp Cao nguyên, về những chuyện một người Kinh không thể tin nổi nhưng vẫn xảy ra bình thường với những anh em sắc tộc.

Ông Taylor và bà Huỳnh Thục Vy

Ông Taylor hỏi rằng: ông không nghĩ mục tiêu của chính quyền là đàn áp, họ chỉ muốn kiểm soát thôi, chúng tôi nghĩ sao về ý kiến đó. Thầy Đồng Quang đang ngồi thở, anh Lục thì đang nói dở một câu chuyện khác. Tôi đáp lời ông Taylor rằng: những người Cộng sản Việt Nam vô thần vốn coi tôn giáo là thuốc phiện, cần bị tiêu trừ. Về mặt lý tưởng họ luôn ác cảm với các tổ chức tôn giáo nói riêng và các tổ chức xã hội dân sự nói chung. Nhưng về mặt thực tiễn, tình hình thế giới hôm nay không cho phép họ dùng phương tiện sắt máu để tiêu diệt tôn giáo nên họ đành dùng các biện pháp thu nhỏ, dồn lùa lại và kiểm soát tôn giáo. Nghĩa là, đàn áp tiêu diệt là ý muốn, là mục đích sau cùng còn, kiểm soát (control) chỉ là phương tiện ngắn hạn đạt đến mục đích đó. Ở đây ko có sự mâu thuẫn nào giữa sự tiêu diệt và kiểm soát, hoặc có thể phân tách mục tiêu của chính quyền là tiêu diệt hay kiểm soát.

Chúng tôi hỏi ông có thường nhận được tin tức về những sự đàn áp mà người Montargnard gặp phải không, thì ông trả lời rằng, ông nhận được nhiều tin tức từ nhiều nguồn như chưa có một tài liệu nào xuyên suốt và đầy đủ để cho ông một bức tranh toàn cảnh. Tôi nghĩ một bản báo cáo chi tiết là điều anh em chúng tôi phải nỗ lực trong thời gian tới.
Anh em chúng tôi và cả ông Taylor đều đồng ý với nhau rằng: mặc dù tình hình nhân quyền đang bị nhấn chìm, bị đặt ra bên lề mọi cuộc đối thoại quan trọng trên khắp thế giới, và tình hình nhân quyền Việt Nam mấy năm nay vô cùng tồi tệ; nhưng là những người bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền, chúng tôi không có cách nào khác là phải giữ vững bước chân, lần mò trong đêm tối đi từng bước đi ngắn và để đạt tới những tiến bộ dù nhỏ nhất cũng không sờn lòng; và ông, một đại diện ngoại giao, một viên chức của hành pháp, sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình ở Việt Nam với sự hợp tác và đôn đốc không ngừng của những tổ chức vận động uy tín của người Việt Nam hải ngoại, mà BPSOS của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là một ví dụ.
Thầy Đồng Quang, người từng chịu nhiều đánh đập dã man từ công an của chính quyền Kon Tum, do thầy thuộc Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, bỏ bàn ăn ra ngoài nhiều lần để xịt thuốc, uống thuốc, rửa mặt và ngồi thở…Tất cả chúng tôi đều thấy ái ngại khi nghe thầy kể thầy phải đi xe máy một mình từ Kon Tum đến Đà Lạt trong tình trạng sức khỏe như thế.

Anh em chúng tôi nhấn mạnh với ông Taylor rằng, mặc dù về mặt tiếp nhận thông tin, chúng tôi có thể họp mặt nhau qua mạng nhưng những cuộc gặp trực tiếp như thế này rõ ràng rất quan trong trong việc tạo dựng cảm tình và sự thông cảm giữa anh chị em bất đồng chính kiến với các giới chức ngoại giao phương tây. Và chúng tôi cũng đề nghị ông vài phương cách gia tăng sự gắn kết đó có thể thực hiện dễ dàng trong thời gian tới nếu phía nhà ngoại giao các ông thực tâm muốn làm. Ông bảo rằng ông hoàn toàn đồng ý với chúng tôi về tầm quan trọng của việc gặp gỡ trực tiếp và sẽ gởi lời nhắn tới các đồng nghiệp ngoại giao từ các nước khác như Hoa Kỳ, Canada, EU…về điều này.

Kết thúc buổi họp mặt, ông Taylor và cô Hà Mai tiễn chúng tôi ra bãi đậu xe của Ana Villas. Và tôi được biết trong lúc chúng tôi đang nói chuyện trong phòng ăn ấm cúng thì chồng và các con tôi đợi ở ngoài đã bị nhiều an ninh thường phục đến theo dõi, quay phim, chụp hình.

Vợ chồng con cái chúng tôi cùng anh Lục rời khỏi Ana Villas trên xe hơi riêng, dò tìm nhà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trên đường Phạm Ngọc Thạch. Đến trước cửa nhà bác Hà Sĩ Phu, nhiều công an thường phục và sắc phục đã phục sẵn, đứng chắn trước cổng nhà không cho phép chủ nhà mở cửa cho bất cứ vị khách nào. Anh em chúng tôi sau một hồi đấu khẩu với công an Đà Lạt thì cũng đành cầm tay bác bùi ngùi nói lời tạm biệt. Lời tạm biệt, mà như chồng tôi nói là, với sự ngăn chặn như thế này của công an, không biết kiếp này chúng tôi có thể gặp lại bác hay không, trong khi bác Tụ đã là người lớn tuổi gần đất xa trời. Tôi và anh Lục muốn chụp ảnh kỷ niệm với bác, nhưng mấy tay an ninh lực lưỡng ngăn lại, và chúng tôi biết rằng, nếu có cố gắng rút điện thoại ra chụp hình cũng sẽ bị giật lấy mất thôi.

Công an Đà Lạt còn đòi kiểm tra giấy tờ xe của chồng tôi, đòi đưa tất cả chúng tôi lên công an làm việc trong khi chúng tôi đang bồng bế hai đứa con nhỏ, một hơn bốn tuổi và một chưa đầy hai tuổi. Một bên người già sức yếu bị cấm mở cổng nhà, một bên con trẻ chưa biết gì, chúng tôi đành tránh xô xát lên xe thẳng tiến về Đăk Lắk.

Trên đường lòng vòng chưa ra khỏi thành phố, anh Lục nhìn thấy bác Bùi Minh Quốc đang đi bộ, anh xuống khỏi xe chúng tôi và đi theo bác Quốc, chỉ với mong muốn thăm hỏi vài câu vì lâu ngày không gặp, chụp ảnh kỷ niệm trong một quán cà phê gần đó, thì cả chục công an ập vào không cho họ ngồi cùng nhau, không cho chụp ảnh kỷ niệm và yêu cầu mỗi người ai về đường người nấy. Anh Lục trở về xe với vợ chồng tôi, và hàng chục công an thường phục đi xe máy hộ tống chúng tôi ra khỏi thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Lúc đó là gần 4h chiều.

Trên đường về Đăk Lăk, anh Lục nhận được tin thầy Đồng Quang đã bị công an Đà Lạt bắt về trụ sở làm việc và hăm dọa đến hơn 5h chiều cùng ngày mới thả thầy ra về. Một mình thầy với một xe gắn máy cà tàng lầm lũi trên đường trở về Kon Tum. Một đoạn đường hơn 500km cho một người mang trong mình nhiều bệnh tật.

Vợ chồng tôi về đến nhà ở làng Hà Lan A, Buôn Hô, Đăk Lăk là hơn 10h đêm ngày 23/3/2021. Các con tôi vừa vào giấc ngủ thì chúng tôi nghe tiếng chó sủa dữ dội. Mở cửa thấy hai anh công an phường Thống Nhất của thị xã Buôn Hồ đứng đó cầm một xấp giấy tờ đòi kiểm tra cư trú. Chồng tôi kiên quyết không muốn tiếp đón công an lúc khuya khoắt vì các con tôi đang trong giấc ngủ. Tôi đóng cửa, thả rèm cửa chính xuống và vào giường ngủ. Chó sủa thêm một hồi rồi ngưng vì hai vị khách không mời đã ra về.

Vì mệt mỏi nhiều sau chuyến đi do mang các con nhỏ theo, tôi đã mất một ngày mới hồi sức và viết một báo cáo chưa đầy đủ như thế này để quý anh chị em hiểu phần nào sự việc đã diễn ra.

Huỳnh Thục Vy

Đêm 24/3/2021- Fecabook Huynh Thục Vy

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên