Rời khỏi cổng khách sạn, “âm mưu Hội Tam Hoàng” bọn anh đưa mắt nhìn nhau :
– Đi đâu đây?
– Thì đi tham quan Hà Nội, thăm lăng Bác, thăm Hồ Gươm, phủ Tây Hồ, đền Trúc Bạch, Văn miếu, Quốc Tử Giám…chớ còn đi đâu nữa ? Bộ hai đứa bọn bây quên cuộc bàn luận tối qua rồi sao? Hoàng Cầu hỏi.
– Nhớ chứ! Hoàng Tín thanh minh: – Nhưng tụi mình lần đầu ra Hà Nội, biết Lăng Bác ở đâu mà tìm?
– Thì hỏi! Đường ở miệng mà , Hoàng Tánh lanh chanh.
– Phải vậy thôi – Hoàng Cầu, to con, vạm vỡ nhất đám tiến lên phía trước, “nhị Hoàng” nhanh nhẹn bước theo.
Xa xa một đám thanh niên ngồi nhàn tản bên vỉa hè, sát chân cầu Thăng Long, xung quanh là 4, 5 chiếc xe máy dựng gần nhau. Thoạt đầu tưởng họ là xe ôm, nhưng càng đến gần càng thấy họ không phải và không thể làm “người cầm lái vĩ đại” được vì nhìn họ, từ hình thể đến tính cách không có cái vẻ dạn dày, rắn rỏi, nhàu nhĩ vì sương gió, bụi đường … Vậy thì giữa ban ngày, ban mặt họ ngồi đây làm gì mà trên tay người nào cũng kè kè một chiếc mũ bảo hiểm, trang phục thì đặc sinh viên. Áo trắng cổ cồn, quần bò mới cứng, tóat lên dáng vẻ lịch lãm, con nhà giàu …
Thu hết can đảm, Hoàng Cầu dợm bước tiến lên, cất tiếng hỏi:
– Chào mấy em!
Cả chục cặp mắt săm soi nhìn “Hội Tam Hoàng” từ đầu đến chân như muốn ăn tươi, nuốt sống. Một cậu có vẻ cao ráo nhất đám: Tóc rẽ ngôi giữa, mắt tròn như mắt cá, láo liên, ranh mãnh, quát lộng óc:
– Biến!
Cả ba giật mình ngơ ngác, Hoàng Cầu cất tiếng thanh minh như thể có một sự hiểu lầm nào đó giữa hai bên :
– Kìa, Bọn anh chỉ muốn hỏi đường chút xíu thôi mà.
Một người đang ngồi ngay sau đuôi xe máy , nghe đồng bọn hỏi , nổi hứng tò mò liền đứng bật dậy , tiến sát đến ba người hất hàm vẻ trịch thượng:
– Đ. mẹ chúng mày, đến đây làm gì? Định ăn xin à? Hay ăn cắp? Biến !
Tần ngần chưa kịp quay đi, Hoàng Tín đi sau cùng đã thấy nóng gáy vì câu chửi thề :
– Đ.mẹ chúng mày, còn giương “bộ pha” sáng quắc lên nhòm chúng tao hả? Bố mày lại sai người móc mắt nấu cháo cho chó ăn bây giờ. Biến!
Ra khỏi vùng “nhạy cảm” Hoàng Cầu quay sang sánh vai Hoàng Tín thì thầm
– Tín nè, mày có tin là 30 năm trước, khi học thêm môn ngữ văn ở nhà thầy Đạt, tao đã từng ao ước được một lần đặt chân tới mảnh đất văn vật nghìn năm văn hiến này không?
– Tin chứ , Tín đáp: – Thầy Đạt, sinh 1920, dân Hà Nội chính gốc, chính thầy kể cho cả lớp nghe từ hồi bố thầy mới 2,5 tháng tuổi, ông nội thầy đã bế lên Hà Nội rồi cho học trường An Be Sa Ro, lớn lên học trường hậu bổ, được bổ ra làm quan cho nhà nước đại pháp, lương tháng 5 cây vàng nên khi sinh hai anh em thầy ra, ông cụ đã đặt mua hẳn hai chiếc xe pơ giô từ Pháp về để hai anh em tha hồ đạp xe ngắm cảnh Hà Nội , từ phố Bích Câu nơi gia đình thày ở, tới Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, đền Trấn Quốc v.v , rồi thầy lấy vợ cũng là người Hà Nội. Năm 1945, ngay trước ngày Việt Minh cướp chính quyền, cả nhà thầy di cư vào Nam nhưng những kỉ niệm về phố xá, con người Hà Nội, cả cô và thầy không bao giờ quên và mỗi lần dạy học lại một lần ký ức sống động dâng trào , ào vào tâm hồn, trí óc ngây thơ của bọn học trò tụi mình chứ gì.
– Ờ, Cầu đi chậm lại như muốn đợi Tánh đang giang chân hối hả phía sau: – Vậy mà hôm nay, sau hơn ba thập kỷ, thực hiện được mơ ước của mình, tao mới thấy người Hà Nội …thô thiển, tục tĩu làm sao.
– Ồ, mới ngày đầu mà, tụi mình còn ở đây một tuần lận, sao kết luận vội vàng thế, ông nội ? Tín nhắc.
Chiếc taxi do Tánh vẫy vừa kịp trườn tới, cả ba tạm quên tâm trạng buồn bã vừa rồi, hồ hởi lên xe.
Bác tài đón “ba chàng ngự lâm pháo thủ“ bằng cái nhìn âu yếm:
– Ba cậu ở trỏng ra hả?
– Ủa sao bác biết? Tánh ngạc nhiên
– Thì nhìn dáng điệu, giọng nói , phong cách, nước da , cách ăn mặc là biết ngay ấy mà … Nghề của tôi phải trông mặt, bắt hình dong mới dám dừng xe đón khách chứ.
Xe quay lại đoạn đường lúc trước, nhìn cánh thanh niên đang chụm đầu bên những cốc bia, mắt vẫn không rời mặt đường, đặc biệt phía bên kia cầu, thỉnh thoảng lại chỉ chỉ, chỏ chỏ hoặc đứng lên, ngồi xuống ra chiều tất bật lắm, Tánh hỏi:
– Bộ bọn họ làm gì mà phơi người dưới nắng suốt ngày vậy bác?
Cặp mắt hẹp dưới đôi lông mày rậm của bác tài chợt trùng xuống:
– Chúng nó hả? Toàn “Cạm bẫy người” đấy!
“ Tam Hoàng” ngơ ngác không hiểu, bác Tài tiện miệng giải thích:
– Thực ra bọn này toàn là con cháu công an cả, chúng nó được người nhà chọn ra để đánh lừa mọi phương tiện qua lại. Đoạn đường này Công an đã cắm chốt phía trên, hễ ai ngơ ngác không biết rẽ lối nào, lên hẳn cầu hay rẽ xuống phía dưới bên trái chân cầu, phải dừng lại là chúng chạy lại ngay, chỉ cho người ta vào đường một chiều, có biển cấm, thế là bị cảnh sát giao thông hốt hết. Xe máy từ 200 đến 500 nghìn tiền phạt, còn ô tô bỏ rẻ cũng 800 nghìn đến 2 triệu.
– Trời đất, số tiền ấy chúng đưa đi đâu? Không lẽ phải nộp cho kho bạc nhà nước hết? Tín thắc mắc
– Chúng bỏ vào túi riêng chứ, chỉ trừ trường hợp chây ì không chịu nộp phạt theo đúng số tiền chúng yêu cầu, chúng buộc phải cho phương tiện lên xe tải đem về đồn, thì số tiền ấy mới phải nộp lại thôi .
– Trời, nếu thế một ngày chúng nó kiếm cả chục triệu ấy à?
– Tất nhiên, nhưng cũng phải chia năm, xẻ bảy, bởi phần lớn nhất nộp cho sếp để sếp giữ chỗ, không cho thằng khác vào chốt gác ngon lành đó, phần còn lại chia 3, bọn chúng 2 phần, còn bọn lâu la, chim mồi , chỉ điểm một phần…Làng nhàng mỗi ngày bọn oắt con cũng kiếm được năm, bảy trăm hoặc cả triệu bạc đấy.
– Không ngờ Hà Nội Thủ đô văn vật mà lại có võ bẩn đến vậy? Cầu chặc chặc lưỡi
Giọng bác tài trùng hẳn lại:
– Còn nhiều chiêu trò lắm chú ơi,
Sau khi ngã giá, bao trọn gói cả ngày, từ “ổ bẫy người” đến các tụ điểm tham quan, cả hội vui vẻ hướng về lăng Bác
Nhìn đoàn người xếp hàng dài dằng dặc, tiếng loa phát thanh vọng ra bài hát quen thuộc: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đã thấy trong lăng hàng tre bát ngát, ôi hàng tre, xanh xanh Việt Nam”… Bác tài bảo:
– Các cậu chịu khó đi bộ vào nhé, tôi chờ ở phố Ông Ích Khiêm bên kia đường …Lăng Bác thì tôi chả lạ gì, vì từ hồi bằng tuổi các cậu, tôi đã vào cả vài chục lần rồi.
– Vài chục lần? Tánh đang quay người bước, nghe bác Tài nói vậy vội dừng lại, hỏi :
Bác tài cười, giảng giải:
– Ờ, hồi nước nhà mới mở cửa đói lắm, lãnh đạo lăng được lệnh phân phát một ổ bánh mì kèm một thìa đường cho mỗi người vào viếng, bánh này do Liên xô viện trợ. Vì thế tụi tôi : từ già trẻ, lớn, bé đều đặn mỗi ngày một lượt ra xếp hàng nhận bánh, nhận đường. Trời, thời đó mà được ăn bánh theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc: Thơm phức, nở phồng, to gấp đôi bánh mì mậu dịch kèm thìa đường khuấy với nửa quả chanh… uống ừng ực …no quên đời luôn.
Nuốt nước bọt do phản xạ tự nhiên, Hoàng Cầu lựa lời hỏi:
– Đi nhiều lần thế, bác có thấy trong ấy có gì lạ không?
– Lạ gì? Bác Tài cười hồn hậu, thú nhận: – Vào lần đầu còn thấy bác hồng hào khỏe mạnh như người đang ngủ, lần hai, lần ba chỉ mon men bên ngoài lấy bánh rồi tìm cách chuồn, không ngờ nghe mấy chú cảnh vệ kháo nhau: “Thi hài ông cụ nặn bằng sáp, thế mà khối người tưởng thật nhỉ”. Thế là thay vì hô “ Bác Hồ muôn năm” tụi tôi hô thầm trong đầu “bánh mì muôn năm”
Cả hội bật cười, Hoàng Tín nhận định:
– Không ngờ người dân miền Bắc, à Hà Nội thực dụng nhỉ!
Nghe vậy, Bác Tài liền “ăn miếng, trả miếng”:
– Ơ hay, trong Nam các cậu chả dài miệng kêu: – “Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán lắm, từ ngày giải phóng vô , ta ăn độn dài dài” còn gì?
Vịn tay lên cánh cửa xe, Hoàng Cầu vui vẻ tung ra lời phán:
– Hóa ra mục đích của công cuộc giải phóng miền Nam là “chiến đấu cho đến ngày Nam-Bắc nghèo bằng nhau” đúng thật.
Bác tài bổ sung:
– Ấy, ấy, chiến đấu cho hai miền Nam Bắc hòa niềm đau nữa chứ. Cả bên thua cuộc lẫn bên thắng cuộc, ai chẳng chịu cảnh “con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em, nhà mất cửa, ruộng bỏ hoang…
Nét suy tư hiện ngang vầng trán, Tánh giang tay ra hiệu cản cả bọn:
– Thôi biết nặn bằng sáp thì vào làm gì cho phí thời gian, trưa rồi phải củng cố dạ dày thôi .
– Đúng đấy! Tín ủng hộ: – Dạ dày tao đang thõng thành hình dấu phẩy đây này. Đói thấy mẹ
Cầu vào huà:
– Thì tao cũng dzạy, dạ dày đang co thắt trong đầu liên tục, đói thấy bà.
Bác tài theo thói quen hếch mũi vào trong không trung rồi chỉ tay ra phía trước:
– Các cậu vào quán phở “Nó kìa” đi , Phở Hà Nội nhưng do người Nam Định gốc Tàu nấu nên ngon lắm. Tôi đứng tận đây mà còn ngửi thấy mùi nước dùng thơm lừng.
Theo tay bác chỉ , cả Hội “Tam Hoàng” cùng lặng lẽ tiến vào…
Phở được bưng ra, cả ba cúi mặt, sụp soạt húp:
– Ngon thiệt! Tánh bảo: – Nước dùng nấu bằng xương bò kèm sá sùng, thảo quả, nêm gia vị, nên ngọt tự nhiên chớ không gắt như ở trỏng, dùng đường…
– Bánh phở thái bằng tay nên có vẻ mềm hơn trong tụi mình thái bằng máy. Cầu chen vô.
Ngẩng lên nhìn chủ quán, theo thói quen Tín đề nghị:
– Cho đĩa giá chụm nghe!
Giấu một hơi thở dài, ông chủ sắp xếp lại thìa, đũa trong ống, không trả lời
Tưởng chủ quán không nghe thấy, Tín nhắc lại:
– Ê! Ông chủ, cho đĩa gía chụm nào !
Bất ngờ ông chủ gắt:
– Không có đâu mấy cha, muốn ăn gía nhúng, giá chụm thì về Sài Ghềnh nghe.
Cả bọn tưng hửng, mất hết cả hứng thú ban đầu, im lặng ăn cho qua cơn đói, những sợi phở mềm bỗng trở nên cứng ngắc nơi cuống lưỡi.
Ngồi gật gù ngủ gật bên tay lái, Bác tài giật mình khi cả ba nặng nề trở ra:
– Gia cố xong rồi hả? Ngon không? Tôi đoán dạ dày các cậu bây giờ không còn vết lõm nào đâu.
Chán nản, Tánh đề nghị:
– Hà Nội nắng nóng thấy mồ, ông xem có quán bia nào chở giùm tụi tui tới đó đi!
Bác tài hồ hởi:
– OK! Tôi sẽ đưa ba cậu đến quán bia rẻ nhất Hà Nội , khỏi lo bị chặt đẹp.
… To ngang, đuồn đuỗn, ngồi đâu che khuất đó, cả người là một khối thịt nình nịch, bà chủ cất giọng the thé, sai người làm:
– Bàn 5, tám cốc, bưng ngay đi!
– Vâng ạ!
Cô bé như lọt thỏm trong chốn bia rượu ồn ào, gương mặt trong sáng, hai mắt mở to, nét cười tươi tắn, nhẹ nhàng bê khay bia đến trước mặt bốn người, lễ phép:
– Của ba anh và bác đây ạ!
Trời nắng, háo nước, Cầu vục miệng vào thành cốc bia tu một hơi bỗng lè vội ra nhăn nhó:
– Trời đất! Bia gì mà nhạt thếch, chua loen loét như dzầy nè…
Tín và Tánh mải ngắm người đẹp, nghe vậy cụp vội mắt xuống nhấp nhấp cốc bia đầy cảnh giác.
– Ờ, Tín lẩm bẩm: – Bia hơi hay bia hôi mà hôi rình vậy trời, lại chua như c** mèo nữa.
Vứt bịch cái ví da chuyên để tiền vào ngăn kéo, đóng sập cửa tủ lại, bà chủ to béo tức tối lê quèn quẹt đôi dép xuống tận bàn, nơi bốn người đang ngồi, giọng hằn học, rin rít:
– Bia hai ngàn rưởi chỉ thế thôi! Tiền nào của nấy, thích thơm, thích bổ thì uống bia tươi, bia lon, bia chai, 10- 15 nghìn đây này.
Buông cốc, bỏ lại cả khay bia, cố điều hòa hơi thở, cả ba rời bàn ra khỏi quán, tiếng bà chủ đay đả phía sau:
– Mẹ kiếp, lũ hót phân người lại chê phân mèo, rõ rởm đời.
Túm vội tay bà chủ, bác tài rên lên khe khẽ:
– Bà ơi, họ ở miền Nam ra, không phải dân Cổ Nhuế chuyên nghề hót phân Bắc như bà tưởng đâu.
Co rúm vì thất vọng, miệng bác tài méo xệch, chỉ còn thiếu mức đấm ngực thùm thụp:
– Lỗi tại tôi, tại tôi cả. Mấy lần chở khách qua đây, thấy quán đông, biển đề giá rẻ, mấy cô phục vụ mỏng mày, hay hạt nên mới đưa họ tới đây… bà ơi là bà.
Ngồi quanh xe đợi bác tài, cả ba nóng mặt, thật sự họ không muốn nhìn ai lúc này, càng không muốn nghĩ lại cảnh huống kinh hoàng vừa rồi. Thật là hai thực thể trái ngược nhau, cô gái hoàn hảo trong vẻ đẹp hoàn hảo của thiếu nữ, còn bà chủ quán -một thực thể phô diễn hết mọi khía cạnh thô tục của người đàn bà. Gương mặt dữ tợn, đỏ bầm, hai con mắt xếch chéo, hàm răng nghiến kèn kẹt và tiếng rít nghe chối tai. Không lẽ sự giận dữ cần được khuếch đại đến thế sao? Hay đây là cách giải tỏa của người Hà Nội ít học ? Thật trớ trêu, chuyến đi này cả “Hội Tam Hoàng”- những học trò cũ của thầy Đạt vừa kết hợp ra ký hợp đồng với đối tác, vừa thăm lại “cảnh cũ, người xưa” mà trong lúc dạy học, thầy luôn nhắc đến: “Làm người vừa nên là một giá trị xã hội, vừa nên là một giá trị luân lý”, vì vậy, trong ký ức của cả ba: “Người Hà Nội luôn là một vẻ đẹp tươi tắn, mặn mà ,mơn mởn, thanh cao, như câu thơ thày vẫn viết: “Chẳng thơm cũng thể hoa lài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” Vậy mà, sự thực sao mà trái ngược???.
Trả đủ tiền xe cho bác tài như thỏa thuận lúc đầu, bộ ba mở cửa xe lùi lũi chui vào cổng khách sạn, không chút năng lượng, sinh khí.
*
* *
Thời gian trôi như một nốt nhạc buồn, thấm thoát một tuần ở lại Hà Nội đã hết, ngoài việc chờ đợi ra, cả ba chẳng làm được việc gì có ích cho mình. Hà Nội mưa rả rích, phố biến thành dòng sông uốn quanh, cả ba chôn chân trong khách sạn nhìn những giọt mưa còn đọng trên cây lá, mái phố mà chợt nhớ tới hồn thơ Nguyễn Bính cùng câu than thở bất hủ của ông: ” Kinh thành Hà Nội chít khăn xô”
Đặt trong bối cảnh này, tim của hội “Tam Hoàng” bọn anh cũng lặng lẽ chít khăn tang vì “âm mưu” ký kết hợp đồng với đối tác không thành. Lẽ ra theo đúng hợp đồng, công ty bạn ở Pháp đã chấp nhận cho tổng công ty may mặc xuất khẩu của bọn anh được may 200 triệu chiếc áo khoác, 900.000 đôi giày với giá 3 USD một đôi , 3,5 USD một chiếc áo, và chi nhánh trong Sài Gòn bọn anh được nhận phần lớn giá trị hợp đồng này . Vẫn biết làm thuê cho bạn, bọn anh chỉ được vụn bánh, còn bao nhiêu miếng lớn, miếng nhỏ thuộc về họ và tổng công ty hết. Đơn cử như may một đôi giày phải trải qua 46 chi tiết, công đoạn từ cắt vải, may, ghép, đục lỗ, dập đinh v v, vậy mà chỉ được vẻn vẹn 70 nghìn VND, trong khi giá bán trên thị trường của họ tại Pháp là là 69 Euro hoặc ở Mỹ là 85 USD, nhưng có méo mó hơn không. Thời buổi “Người khôn, của khó, xung quanh nghiêng ngó” này, có hợp đồng là tốt lắm rồi . Vậy mà chờ đợi mòn mỏi cả năm, cả tháng, phía bạn vừa cử người sang để ký kết hợp đồng chính thức thì trời lại mưa, trong khi trước đó mọi việc tưởng đã mười mươi rồi, “nồi” đã bắc, “gạo” đã vo , chỉ chờ “cơm” chín …Nào ngờ chờ trân trối 4 tiếng đồng hồ, hết toi cả buổi sáng, phải ráng đợi sang chiều, hàng chục nhân vật quan trọng cùng đỏ mắt , cuối cùng khi bạn vừa tới tiền sảnh khách sạn, phiên dịch đã chạy ra rối rít:
-Thưa ngài Richter, chúng tôi chờ ngài mãi, sao bây giờ ngài mới tới?
Chỉ tay về phía tổng giám đốc đang hồ hởi ra đón, theo sau là bậu sậu gồm đủ văn võ bá quan và giám đốc điều hành các chi nhánh khắp trong Nam ngoài Bắc, phiên dịch liến thoắng: – Toàn thể ban giám đốc chúng tôi đã chờ ngài suốt 4 tiếng đồng hồ, riêng ngài tổng giám đốc vừa lên tiếng trách móc vì ngài đến quá muộn.
– Xin lỗi, tôi buộc phải dừng lại ở khu vực bến xe phía Nam đúng bốn tiếng đồng hồ để chờ nước rút. Richter nói chậm rãi như nhằn từng tiếng.
Phiên dich ngỡ ngàng:
– Ôi thật thế ạ. Nếu thế phía Việt Nam chúng tôi phải có lời xin lỗi ngài, còn bây giờ … huơ cánh tay phải về phía phòng họp, phiên dịch quả quyết: – Xin mời ngài và hai vị đi cùng vào hội trường, chúng ta sẽ bắt đầu cuộc họp.
Trái với sự mong đợi của tất cả mọi người, Richter thản nhiên đáp:
– Vâng các ngài cứ họp, còn tôi… Richter nghẹn họng, bỏ lửng câu nói…
-Ấy chết, thế là thế nào ạ? Phiên dịch đưa đôi mắt lo âu về phía tổng giám đốc và hơn chục đứa bọn anh đang vây quanh hai người, hỏi lại phía bạn, giọng gay gắt…
– Là phải rút lui vô điều kiện chứ sao? Richter nhấn mạnh từng chữ làm toàn thể phía Việt Nam chưng hửng. Giọng phiên dich ngơ ngác, cuống quýt:
– Ấy chết, mọi dự án kinh doanh của ngài với công ty đây vốn đã được bàn bạc cụ thể rồi cơ mà, sao lại thế được ?
Richter từ tốn:
-Tôi nhớ, song trong khi chờ nước rút, tôi kịp phát hiện ra một điều quan trọng.
Phiên dịch lại đưa mắt về phía tổng giám đốc, dịch lại câu trả lời – như một nghi vấn lớn từ phía bạn, rồi ngay sau khi nhận được câu khẳng định từ miệng của tổng giám đốc, liền phiên dịch lại bằng tiếng Pháp, có ý sốt ruột:
– Điều gì vậy thưa ngài?
Đến lượt Richter thong thả đáp:
– Đó là trong dự án không hề có kế hoạch đầu tư cho việc mua sắm thiết bị lội nước…
Ngay sau lời dịch của người phiên dịch trẻ tuổi, tất cả phía Việt Nam chỉ còn nước ngửa cố kêu trời…
Thế là cơn mưa Hà Nội đã làm mọi ngọn lửa dự định trong lòng bọn anh tắt ngấm, hàng tấn vải chờ xuất kho để may thành sản phẩm, trở thành ẩm mốc trong kho…Suy cho cùng, phía bạn cũng có lý. Hợp đồng sao được khi Hà Nội ngập tận đầu gối. Nơi cửa ngõ thủ đô là quận Hà Đông, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Vì vậy nếu không có thiết bị lội nước để vận chuyển người và hàng hóa, làm sao đảm bảo thời gian 3 tháng, 6 tháng mỗi đợt như đã ký kết giao kèo? Hay hàng may xong rồi vẫn phải chất đống trong kho chờ nước rút mới bàn giao cho phía bạn, và bao nhiêu khoản thiệt hại do lụt lội phát sinh, ai chịu trách nhiệm?
Ngày cuối cùng trước khi rời khỏi Hà Nội , trời hoe hoe nắng , chôn chân trong bốn bức tường cả tuần cũng chán , Hoàng Cầu lại nổi hứng đi tham quan thủ đô một lần chót, lần này không cưỡi ngựa xem hoa bằng ta xi nữa mà sẽ gọi xích lô gọng vàng, vừa tiện lợi, vừa sạch sẽ .
Bấm điện thoại xuống phòng tiếp tân nhờ tìm giúp mỗi người một chiếc, cô nhân viên lập tức bấm máy và sau 5 phút, 3 chủ nhân xích lô đã có mặt.
Có quá nhiều kinh nghiệm về những chiêu trò bẩn của người Hà Nội , giọng Tánh oang oang:
– Chúng tôi cần sử dụng dịch vụ của quý vị , càng nhiều địa điểm càng tốt, các vị tính bao nhiêu?
– Dạ, ba triệu trọn gói ạ.
– Ủa, sao mắc thế , Mắc hơn trong Nam tụi tôi hả?
– Vậy các quan anh trả bao nhiêu?
– 50%, ok không?
– Ấy chết không được. Hay các anh chịu khó chen xe bus cho rẻ
Cầu chắc lưỡi:
– Triệu rưỡi không được thì triệu tám vậy.
Nâng lên đặt xuống, lấn thêm hai giá, cuối cùng cả ba đưa mắt nhìn nhau, một người có vẻ đội trưởng gượng đáp:
– Vâng thế thì mời quan anh lên xe. Xin hỏi ai là người trả tiền đây ạ?
Cả ba đưa mắt nhìn nhau: “một câu hỏi thật ngớ ngẩn, ai trả mà không được? Miễn sao trả đủ là được chứ gì” ? Tuy vậy, nghĩ là người miền Bắc có phẩm chất, cá tính riêng, Hoàng Cầu vui vẻ chỉ sang Tánh:
– Đó, cậu đó là thủ quỹ của nhóm tụi tôi đó
Hiểu chuyện Tánh nhanh nhẩu:
– Các vị cần sức bật của cơ bắp hả, đây lại đây …Nói rồi Tánh nhanh nhẹn rút ví lấy ra 10 tờ pô li me bóng láng, trị giá 200.000 đồng mỗi tờ, đưa cho vị trưởng nhóm.
Không chút do dự, cũng không cần đếm, anh ta đưa hết cho 2 người bạn, mỗi người một triệu.
Thoáng ngạc nhiên trong đôi mắt Tánh nhưng nghĩ là chuyện phân chia trong nội bộ họ, mình không nên xía vô, anh vui vẻ dướn người, bíu tay vào thành xe chỗm chệ ngồi lên.
Đang bon bon trên mặt đường ngon trớn, trước mặt là Hồ Tây, Tánh dồn mọi tâm trí vào cảnh vật xung quanh, bỗng chiếc xe lật nghiêng một bên làm Tánh chới với:
– Ấy, ấy! Đi cẩn thận chớ ông bạn!
Người lái xe lặng thinh không nói không rằng , cố điều khiển xích lô trên hai bánh, Tánh hoảng hồn:
– Anh sao dzậy? Bộ làm xiếc giữa đường sao?
Giơ một tay quệt mồ hôi mướt mát trên mặt, anh ta đáp gọn lỏn:
– Xe chúng tôi có ba bánh , đúng giá 3 triệu, mà quý khách chỉ trả 2 triệu thì tôi chỉ cần đi 2 bánh, bánh còn lại để dành cho mới , càng đỡ mòn đường. Nếu quý khách có mệnh hệ gì …ráng chịu.
– Trời! Tánh toát mồ hôi lạnh, nghe câu trả lời ráo hoảnh của anh ta mà nhớ lại hình ảnh bác tài cùng câu nói cả quyết hôm nào: “Còn nhiều chiêu trò lắm chú ơi”
“Thì ra là vậy”. Anh vội vàng xuống nước:
– Đồng ý, tụi tui đồng ý trả thêm một triệu, ông làm ơn hạ bánh kia xuống đi.
Đi trước và sau xe Tánh là “nhị Hoàng”, thấy có cơ sự liền dồn lại
– Ủa sao dzậy, gặp sự cố à?
Người đạp xích lô đáp:
– Không sao , trục trặc chút đỉnh thôi, đi tiếp đi!
Tánh nhổm dậy cãi lý:
– Trục trặc nhân cách, không phải trục trặc kỹ thuật , càng không phải chỉ là chút đỉnh.
Qua cách diễn đạt và cử chỉ của Tánh, “Nhị Hoàng” lờ mờ hiểu ra vấn đề…
Chiều muộn, cả hội trở về, thoáng vẻ thất vọng. Hà Nội – thủ đô nổi tiếng của Việt Nam, nơi đáng sống nhất thế giới theo lời thủ tướng mặt lệch Xuân ngủ*, à Xuân Phúc nói là như thế này sao? Vẫn những bến ô tô khách ồn ào, bụi bậm, những cửa ô lầm lụi, san sát , những căn nhà ổ chuột nghèo nàn, xơ xác, những bóng người dật dờ, rách rưới ngửa nón xin ăn nơi của chùa, chợ búa. Tóm lại… những đám chúng sinh nhan nhản, vật vờ, vô hình, vô ảnh, không bản sắc , diện mạo cá thể cùng chìm nghỉm vào bối cảnh , cõi đời tù mù xã hội chủ nghĩa hoặc “xuống hố cả nút” này… cũng hệt đám chúng sinh Sài Gòn, sau ngày giải phóng bị đày lên vùng kinh tế mới, sống không nổi liền tìm mọi cách bồng bế nhau về, sống vạ vật nơi hè đường ,phố xá. Đám người này, thỉnh thoảng rỗi việc lại gây chuyện, cà khịa, hoặc là phao tin vịt hoặc bầy trò đặt điều để hại nhau, hoặc chỉ đơn giản là “ngứa mồm nói chơi” mà thôi, Những thói quen của họ diễn ra trong lòng chế độ cộng sản, khác hẳn với thời Việt Nam Cộng Hòa trước đó mà cả ba đã may mắn được sống suốt tuổi ấu thơ.
Ngược lên khu Tràng Tiền, đập vào mắt cả ba là sự cách biệt khá rõ rệt. Sự sạch sẽ, thoáng mát của những đại lộ rộng thênh thang do Thực dân Pháp để lại với hàng cây cổ thụ còn xót lại sau trận bão Tàu đổ bộ( trong 1 quý phải hạ đủ 7000 cây xuất sang Trung cộng), khác hẳn với khu vưc ngoài phố cổ…Xa hơn một chút là đường Hoàng Diệu, phố Lý Nam Đế , nơi những biệt thự, kiến trúc Gô Tíc kiểu Pháp luôn kín cổng, cao tường , kèm lính gác của các quan cộng sản như Lê Khả Phiêu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Lê Đức Anh…Tóm lại, không có gì khác biệt so với Sài Gòn, những xóm nghèo chen chúc nhau sau những dãy phố sang trọng của các quan lớn. Những bãi rác ngập ngụa, sặc sụa mùi sú uế, bên cạnh dòng nước thải ngầu bọt đen xì là những nhà hàng , quán ăn đắt tiền, người vào ra thơm sặc mùi nước hoa Pháp, Mỹ… Phải đến khi xe đi vào những con phố nhỏ ở gần chợ Đồng Xuân, cả ba mới thấy được an ủi phần nào, đó là những căn nhà cổ còn sót lại từ thế kỷ trước nằm cạnh nhau như những bao diêm chồng lên nhau, tầng dưới có cửa hàng xếp kín đồ đạc lưu niệm, tầng trên có gác xép mở ô cửa con con mang dấu vết thời kinh kỳ, kẻ chợ …Nhìn nó mà lòng thấy nao nao như gặp lại một kỉ niệm, một kí ức thật thân thương như lời thày Đạt dạy: “ Hà Nội của chúng ta nằm giữa đồng bằng rộng bát ngát, tâm điểm của các vòng bán nguyệt, những Sơn mạch Tản viên, pháo Sơn, Tam Đảo tựa lưng vào Phong Châu, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội , nhìn đến tận cùng của nước Việt ngàn năm. Thiên nhiên và con người ở đây đã tạo nên bao cảnh trí đặc biệt, từ sông, hồ, đầm, cây cối , phố phường lịch sử …”
Sau một đêm ngủ vùi, trở dạy theo đúng lời hẹn, bác tài lái taxi đã đến tận cửa khách sạn để đưa ba anh em ra máy bay trở lại Sài Gòn. Ngang qua khu vực Lăng Bác, giọng bác tài vui vẻ cất lên:
“Con ở Miền Nam vô thăm lăng Bác, đã thấy thây ma nằm trong tủ kính, ôi toàn thây trong như thủy tinh…”
Cả bọn bất giác mỉm cười, Cầu còn cao hứng bồi thêm “ Ôi từ đâu xanh xao Việt Nam”…
Sacramento 25-8-2020.
Nhiệt liệt chào mừng ngày lễ ớn (Tổ Quốc khánh kiệt) 2-9-1945, 2-9 -2020.
T.K.T.T
—
Xuân ngủ nói lái là ngu xuẩn.
Tôi đã đọc bài viết trên của tác giả, tôi đã đọc hết các chia sẻ của bạn đọc, tôi là người trong Nam nên rất cẩn thận trong lời góp ý, xin lỗi nếu có gì thất thố . Tôi nghĩ ở ngoài đó không phải là người Việt nam đâu, chẳng qua họ nói tiếng Việt mà thôi. Cũng như người Hoa họ sống trên mảnh đất này thì họ nói cái thứ tiếng mà mình nghĩ là tiếng Việt nam vậy thôi ,Xin lỗi nếu có làm một vài bạn mất vui .
Tôi có thăm Hà Nội hai lần, nhưng không thăm lăng.
Ở Sài Gòn thì có người nhà. Ra Hà Nội cũng có người nhà đi theo và tôi không bao giờ mang theo tiền. Tiền gửi người nhà ở VN đi theo và chi phí. Ở Sg người nhà bảo không sao, ra bắc không được mặc cả với đám tài xế xe, để anh chị tôi lo.
Tôi có quen người Hà Nội ở bên cạnh tòa tổng giám mục. Nhà cửa dạo ấy chưa sửa sang, nhà đất, tường đất v.v. nhưng ngay ở Hà Nội.
Đọc bài này thì nhớ Hà Nội. Tôi rất thương người dân. Người quen ở Hà Nội cũng chia sẻ những tâm tình rất phức tạp của gia đình. Có thâu hình 2009, ở bờ sông ngay trong tp Hà Nội, có người đi giặm bắt tôm cá lam lũ coi rất đáng thương. Ây vậy mà khi cho cậu con coi video, nó bảo thích quá. Tôi bảo thích cái gì. Nó bảo được lội nước bắt tôm cá, như một thú giải trí. Tôi phải giải thích về những cực khổ kiếm tiền nuôi sống của dân nghèo.
Tôi luôn yêu mến người dân và ước mong người dân VN được hết kiếp sống trong chế độ cộng sản.
Xin cảm ơn t/g Trần Khải Thanh Thủy với những trải nghiệm cuộc đời trong câu chuyện.
Cám ơn anh, Thủy cũng nhớ Hà Nội, nhưng nỗi nhớ chia thành hai phần khác biệt. Hà Nội ngày xưa( Trước năm 1945) là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, bao nhiêu kỳ tích, mái ngói rêu phong, con người thơm thảo, dịu hiền, còn Hà Nội bây giờ là nơi réo hồn núi sông ngàn năm. Con người càng ngày càng mất đi nhân tính mầm thiện, chỉ còn lại phần con do đảng tạo lập, xấu xí, tanh tưởi. Buồn.
Thế mà cũng đòi đi “thăm lăng Bác” cho bằng được. Dở một cái là không chịu tham khảo tài liệu dân gian để biết những điểm hay ở “lăng Bác”. Nếu tham khảo thì đã biết đó còn được gọi là “nhà ỉa”, vào đó làm một bãi cũng có thể coi như đủ tiền bõ công cho việc “Một lần tới thủ đô” vặn vật!
Bài viết rất thực tế và di dỏm. Cảm ơn chị. Thành phố mang tên “bác” đụng với thủ đô của lương tâm nhân loại do “bác và đảng” trụ trì hơn nửa thế kỷ thì chịu đời sao thấu!