Chính sách Hoa Kỳ & chuyến công du của Rex Tillerson

0
Ngoại Trưởng Rex Tillerson. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Với một nửa dân số thế giới, chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu, Á châu luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ, bất chấp có hay không có “chính sách xoay trục”.

1/ Chủ trương “kiên trì chiến lược” đã thất bại

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng hai thập kỷ ngoại giao nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã thất bại và cần thiết phải có một cách tiếp cận mới. Có vẻ những tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson tại Hàn Quốc về các “biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế” không chỉ riêng cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, mà xem ra chính sách “kiên trì chiến lược” của Hoa Kỳ đã thực sự chấm dứt sau khi đề nghị ngân sách của Tổng thống Donald Trump vừa gởi sang Quốc hội ngày 16.3, trong đó tăng 10% (tương đương 54 tỉ USD) cho Bộ Quốc phòng.

Đối với chính quyền Trump, có lẽ người ta nên tập trung vào những động thái thực tế diễn ra tại hiện trường hơn là những tuyên bố trên Twitter. Các động thái của Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chuyến đi 3 nước vùng Đông Bắc Á sẽ được ghi nhận như dấu chỉ tương lai về chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với Á châu dưới thời ông Trump. Các nước Đông Nam Á có vẻ khá sốt ruột về thái độ chưa rõ nét của Trump đối với khu vực này. Trong lúc chưa thể nhận định rõ được chính sách mới của chính quyền Trump như thế nào, thì việc ghi nhận cách nói mới cũng được xem là những tín hiệu quan trọng thể hiện một cách làm mới. Hay phát biểu như Scott A. Snyder, Giám đốc Chương trình Chính sách Hoa Kỳ-Hàn Quốc tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại (CFR), chính quyền Tổng thống Trump sẽ thể hiện chính sách của mình bằng ngôn ngữ riêng.

Cuối cùng thì người ta vẫn muốn nghe ông Tillerson sẽ nói gì với Trung Quốc vào ngày 18.3, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du này.

1.1/ Tương quan Mỹ – Trung

Cách thức ngoại giao của Rex Tillerson khác rất nhiều với người tiền nhiệm John Kerry; thay vì “tỏ ra quan ngại”, “cực lực lên án”… cái nhìn của Tillerson về hồ sơ Biển Đông là cụ thể: “Chúng ta sẽ phải gởi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước tiên, việc bồi đắp đảo phải ngừng lại, và thứ hai, họ không được tiếp cận các hòn đảo này” (phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 11.01.2017). Dường như để tiếp đón Tillerson trong tháng 3 này, tin Trung Quốc lại có hoạt động xây dựng ở Hoàng Sa đang rộ lên. Một hình ảnh chụp đảo Bắc ở quần đảo Hoàng Sa ngày 6.03 cho thấy Trung Quốc quyết tâm xây dựng mạng lưới các đảo và bãi đá.

Ảnh chụp từ vệ tinh chụp Đảo Bắc, thuộc Hoàng Sa, ngày 15.2 (trên) và 6.3 (dưới). Hình: Planet Labs/Reuters

Trước thái độ kiêu khích của Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ nói gì với Bắc Kinh? Tillerson sẽ thảo luận về hồ sơ Biển Đông (VOA, 15.3.2017), và nói với giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng Washington đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt tài chính đối với những công ty và ngân hàng Trung Quốc đang làm ăn với Bắc Hàn (CNN, 16.3.2017).

Xem ra, cách thức xử lý cục bộ này sẽ được Hoa Kỳ tận dụng nhiều trong thời gian tới. Chúng sẽ nhắm đến những cá nhân và công ty đã hỗ trợ, tạo điều kiện, hoặc từng tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đối tượng áp dụng cho việc trừng phạt này, theo Alexander L. Vuving có thể là: công ty CNOOC, đơn vị đã đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014; các công ty hàng không China Southern Airlines và Hainan Airlines có đường bay đến các hòn đảo nhân tạo; những công ty viễn thông China Mobile, China Telecom và China United Telecom, đang vận hành hệ thống liên lạc trên các hòn đảo tranh chấp, và công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc, doanh nghiệp đã nạo vét cát để xây các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa… (1)

Mức độ trừng phạt có chọn lọc hiện có thể khởi đầu với mức độ nhẹ. Trong tuần rồi, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Ben Cardin đề xuất Luật Trừng phạt tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo đó cấm cấp chiếu khán cho các cá nhân Trung Quốc có liên quan vào việc xây dựng, phát triển các dự án ở hai vùng biển này. Các chuyên gia nhận định, dự luật của Rubio có thể không được thông qua, nhưng trừng phạt có mục tiêu vẫn là một công cụ quan trọng nhằm thay đổi gián tiếp hành vi của Trung Quốc.

Bởi những biện pháp trừng phạt có mục tiêu sẽ khoét sâu tối đa vào nhược điểm của Trung Quốc: các công ty quốc doanh. Trong bối cảnh nhiều công ty quốc doanh tham gia các dự án xây dựng và phát triển trên Biển Đông của Bắc Kinh, đòn trừng phạt kinh tế sẽ đánh thẳng vào mong muốn được làm ăn ở nước ngoài của các doanh nghiệp này.

1.2/ Nội các Trump & vấn đề Trung Quốc

Tuy nhiên nhìn chung, khó tìm thấy những tuyên bố chiến lược từ Ngoại trưởng Tillerson một khi dàn nhân sự cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa thu xếp xong. Hồi tháng 2.2017, khi nói chuyện qua điện thoại với Tập Cận Bình, những người thuyết phục Tổng thống Trump nhắc đến việc Hoa Kỳ luôn luôn tôn trọng chính sách “một Trung Hoa” chính là các cố vấn Bannon và Kushner, chứ không phải Tillerson.

Cũng có quan điểm cho rằng, mục tiêu chuyến đi Bắc Kinh của ông Rex Tillerson là chuyển đi thông điệp Mỹ và Trung Quốc cần phải tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng bên cạnh đó, từng rộ lên thông tin về những tranh cãi giữa Kinh tế gia Peter Navarro – Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Bạch Ốc, theo đuổi chính sách cực kỳ cứng rắn với Trung Quốc với phe do cựu Chủ tịch Goldman Sachs Gary Cohn đứng đầu, thúc đẩy một cách tiếp cận thông thường hơn đối với thương mại toàn cầu. Kết quả cuối cùng giữa các mâu thuẫn này đến nay vẫn chưa đến hồi kết.

Mặt khác, lập trường bảo thủ cứng rắn được xem là điểm nối kết giữa các thành viên trong nội các, chính quyền ông Trump hoàn toàn nghiêm túc trong việc theo đuổi một nghị trình mang tính chủ nghĩa bảo hộ. Tương lai sẽ hành xử cứng hay mềm thì chính quyền ông Trump cũng không thể lờ đi thực tế: Trung Quốc chiếm khoảng 350 tỉ USD thâm hụt thương mại của Mỹ, tương đương 1/2 tổng thâm hụt của Hoa Kỳ.

Peter Navarro (đứng thứ hai, từ bên phải qua) đứng sau Tổng thống Donald Trump ký lệnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Hình: Getty Images

2/ Hà Nội có dám làm thân với Mỹ ?

Trong mối tương quan giữa Mỹ và Trung Quốc, thái độ của các nước Đông Nam Á khác với Đông Bắc Á. Khu vực Đông Nam Á khó có thể quên cách xử sự của Hoa Kỳ hồi năm 2012, khi Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough. Chính quyền Obama lúc đó cam kết tôn trọng Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951 ký với Phillipines, nhưng không nói rõ bãi cạn Scarborough có nằm trong phạm vi bảo vệ của Mỹ hay không. Washington kêu gọi Trung Quốc và Phillipines nên theo đuổi các yêu sách của mình một cách hòa bình. Kiểu chơi nước đôi của Mỹ với các đồng minh nhỏ, đã thêm một kinh nghiệm xương máu không chỉ riêng cho Phillipines.

2.1/ Bài học Philippines

Để đối phó với Trung Quốc, chính phủ Hà Nội tỏ ra không thạo lắm với màn “đánh võ mồm” như chính phủ Philippines của Tổng thống Duterte. Bằng những phát ngôn ngược xuôi; ông Duterte, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Yasay hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana… đã khiến Trung Quốc hiểu về những phản đối của Philippines mà không cảm thấy quá mất mặt.

Kể ra như vậy, không có nghĩa ở Philippines chỉ toàn đám ăn hại. Chính quyền Hà Nội có lẽ cần chạy theo ông Rodrigo Duterte dài dài để học cách làm việc của ông này. Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6.2016 đến nay, ông Duterte đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lên đến 33 tỉ USD, trong khi chỉ chi tiêu 5,5 triệu USD cho các chuyến công du nước ngoài.

Mới chỉ trong hơn 2 tháng rưỡi đầu năm, Tổng thống Philippines đã mỏi tay ký các tiếp nhận vốn nước ngoài. Ngoài cam kết cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trị giá 3,4 tỉ USD, còn có cam kết viện trợ 8,77 tỉ USD của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe; tệ lắm như bà Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đến Philippines trong ngày 17.3 là chương trình hỗ trợ giáo dục và phát triển chính sách kèm theo 69,2 triệu USD.

2.2/ Hà Nội coi chừng đang đu dây điện

Cuối cùng, câu hỏi: Liệu có một sự thỏa hiệp mới giữa chính quyền Trump với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông, hay không ? – đến nay vẫn chưa có đáp án chắc chắn. Bức tranh toàn cảnh về chính sách của Hoa Kỳ sẽ hoàn chỉnh hơn sau khi có những mảnh ráp do Rex Tillerson đem từ Bắc Kinh về. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nội các Tổng thống Trump đang cần xác định những dấu ấn lớn trên chính trường quốc tế thì vấn đề Trung Quốc dù muốn hay không thì cũng phải giải quyết. Một trong những cửa khẩu đột phá cho hồ sơ này, sau Bắc Hàn thì có nhiều khả năng sẽ là… Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, chính quyền Hà Nội không thể cứ tiếp tục ngồi chờ đợi. Bộ Chính trị CS VN dư sức hiểu rằng khó mà tiếp tục trông mong vào những nhượng bộ của Hoa Kỳ theo kiểu “kiên trì chiến lược” như dưới thời Tổng thống Obama.

Chính sách đu dây của chính quyền CS VN đang có nhiều nguy cơ trở thành đu dây… điện. Lịch sử đất Việt cho thấy rằng, thực sự không hề có sự khôn ngoan chính trị nào – khi chấp nhận thỏa hiệp với một đối phương như Trung Quốc. Cần phải nhớ nằm lòng, không thể cứ gục mặt tối mắt vì tiền, giữ một chút thể diện ở đời là cần thiết. Thật khốn khổ cho con cháu của những kẻ bán nước, chúng thật khó ngước mặt cùng thiên hạ, bởi chúng làm sao có thể lẩn tránh được bia miệng ngàn năm?!

Huỳnh Việt Lang

———————————-

Chú thích:

(1) Alexander L. Vuving, “How America Can Take Control in the South China Sea”, Foreign Policy, 13.02.2017

Lưu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên