Trung Quốc vẫn cần quặng sắt của Úc

0
Trung Quốc thèm muốn quặng sắt của Úc (Ảnh minh họa từ Finacial Times)

Xuất khẩu Úc xôn xao

Một đợt lo lắng đang lan truyền khắp các công ty xuất khẩu lớn nhất của Úc và một số công ty đang nghĩ đến một viễn ảnh đen tối sẽ đến với họ. Thất thu, giảm lời và có thể phải sập tiệm.

Theo truyền thống, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Úc hiếm khi đưa ra ý kiến ​​về bất kỳ điều gì ngoài ý kiến liên quan đến công ty hoặc ngành của họ, và rât khó để lôi kéo họ vào những bình luận về chính trị. Họ thường giao chuyện đó cho các nhóm vận động hành lang ăn lương của họ, để tránh xảy ra xáo trộn cho cá nhân hoặc công ty.

Nhưng giờ đây, khi nói đến Trung Quốc, trước mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa Canberra và Bắc Kinh, những người đứng đầu doanh nghiệp lớn đang vò đầu bứt tai và đột nhiên không kềm lại được những suy nghĩ từ đáy lòng.

Tuy nhiên, thay vì hướng sự tức giận của họ về phía Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt đang được Bắc Kinh áp đặt lên một số công ty xuất khẩu lớn nhất, lãnh đạo doanh nghiệp của Úc lại chuyển cơn giận dữ của họ sang các chính trị gia cầm quyền tại Canberra.Trong những tuần gần đây, một nhà xuất khẩu đã công khai yêu cầu các chính trị gia và nhà báo Úc nên “câm miệng lại”.

Các mặt hàng xuất khẩu thịt, gỗ, bông, than, lúa mạch, rượu và hải sản của Úc đã bị chính quyền Trung Quốc nhắm tới trong năm nay khi căng thẳng hai nước leo thang, thường là núp dưới chiêu bài tránh dịch bệnh hoặc thay đổi thủ tục hành chính hoặc vi phạm quy tắc thương mại.

Hai tuần trước, trong kỳ đại hội thường niên của các cổ đông đang diễn ra sôi nổi, chủ tịch của hai công ty lớn của Úc đã lên tiếng báo động, yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng khắc phục tình hình.

Hai người này và nhiều người khác đều mong chính quyền tại Canberra phải kiềm chế và bình tĩnh, lo sợ rằng sự thù địch ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, lợi nhuận và tất nhiên, mức lương hậu hĩnh mà các CEO của Úc đang hưởng.

Nhưng liệu có cách khắc phục nào không? Nếu có, chắc chắn nó không đơn giản chỉ là giữ im lặng, tà tà lãnh lương và không cần biết tới những thay đổi sâu rộng đối với bối cảnh địa chính trị.

Các chính phủ liên hiệp của Úc và các doanh nghiệp lớn thường tìm được đồng thuận trong hầu hết các vấn đề quan trọng, nhưng lần này thì không. Đó là vì có sự khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp và chính phủ.

Các giám đốc và CEO của các tập đoàn lớn có nghĩa vụ pháp lý là làm việc vì lợi ích tốt nhất của công ty. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị có nghĩa vụ hành động vì lợi ích tốt nhất của quốc gia.

Tiền bạc có thể là quan trọng. An ninh quốc gia lại quan trọng hơn.

Bản chất gay gắt của những lời chỉ trích gần đây của Bắc Kinh đối với Úc và ngón võ thương mại thô bạo mà nước này đang sử dụng để trả đũa cho những bình luận hoặc phản đối hợp pháp của Úc đã đủ trở thành lời cảnh báo rằng nền kinh tế của Úc cần bớt phụ thuộc nhiều hơn vào một quốc gia duy nhất, cho dù đó là cường quốc đang lên, nếu Úc muốn sống an lành trong tương lai.

Tại sao lệnh trả đũa của Trung Quốc không đụng quặng sắt?

Rõ ràng là có một mặt hàng xuất khẩu của Úc vắng mặt trong danh sách trả đũa của Bắc Kinh.

Quặng sắt là huyết mạch của nền kinh tế Trung Quốc. Mỗi khi nước này gặp một trục trặc tài chính, Bắc Kinh lại tung các đợt kích cầu, đổ tiền mặt qua hệ thống ngân hàng và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Kế hoạch mở rộng đô thị vĩ đại của Trung Quốc hầu như chỉ phụ thuộc vào quặng sắt, nguyên liệu quan trọng để sản xuất thép. Và Trung Quốc phụ thuộc đặc biệt vào quặng sắt của Úc.

Trong khi Trung Quốc cũng là một nhà sản xuất quặng sắt lớn, sản phẩm của họ có chất lượng thấp và giá cao.

Trong năm nay, tính đến tháng 6, Úc cung cấp 62% lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Brazil đứng thứ nhì với khoảng 21%.

Điều đó đặt Úc vào một vị trí chiến lược độc đáo. Nếu không có quặng sắt của Úc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ coi như bị ảnh hưởng nặng nề, một thực tế mà Washington không hề bỏ qua.

Sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Úc trở thành vũ khí địa chính trị

Trung Quốc đang rất cần quặng sắt của Úc và không thể tìm nguồn cung thích hợp ở những nơi khác. Xuất khẩu quặng sắt của Úc sang Trung Quốc vượt xa tổng sản lượng của Brazil, trong khi kế hoạch mở rộng khai thác các mỏ ở Tây Phi, để thay thế Australia, vẫn còn xa vời.

Mặc dù điều đó có khả năng mang lại sức mạnh cho Úc, nhưng nó cũng khiến Úc dễ bị tổn thương trước những căng thẳng toàn cầu gia tăng, đặc biệt nếu Bắc Kinh tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự ở Biển Đông và tham vọng lâu nay là đưa Đài Loan trở lại vòng tay của mình.

Cuối tuần trước, Washington đã ký một thỏa thuận 5 năm với Đài Loan về y tế, công nghệ và an ninh. Kể từ cuộc bầu cử năm 2016, Đài Loan đã muốn thoát chính sách Một Trung Quốc và chống lại việc Bắc Kinh công khai muốn đưa họ vào một con đường va chạm ngoại giao.

Điều đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự có thể tạo ra thế đối đầu giữa Mỹ và kẻ thách thức họ về sức mạnh kinh tế và quân sự toàn cầu.

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sẽ cố tránh một cuộc đối đầu quân sự toàn diện. Thương mại có nhiều khả năng được sử dụng làm vũ khí. Và quặng sắt của Úc – nguồn xuất khẩu lớn nhất của Úc – sẽ đứng ở tuyến đầu.

Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Washington sẽ gây áp lực rất lớn lên Canberra để ngừng bán loại hàng này. Thậm chí nếu chỉ xảy ra chiến tranh lạnh, việc buôn bán quặng sắt của Úc vẫn dễ bị tổn thương.

Trước mắt, không thấy tan băng giữa Canberra và Bắc Kinh

Thủ tướng Scott Morrison đã có một chuyến thăm chớp nhoáng đến Tokyo vào tuần trước, để tăng cường quan hệ kinh doanh và quốc phòng, đặc biệt là an ninh hàng hải. Chuyện này không lọt khỏi cặp mắt ở Bắc Kinh.

Tương tự như vậy, Trung Quốc và Nhật Bản đã đối đầu ở Biển Đông trong nhiều năm qua xoay quanh các mỏm đá không người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Căng thẳng giữa hai nước lớn này đã có từ thế kỷ trước, mặc dù cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn do cuộc xâm lược của Nhật Bản năm 1937.

Mối quan hệ từ 5 thập niên mà Úc xây dựng với Trung Quốc bắt đầu xuống cấp cách đây 3 năm khi chính phủ của Thủ tướng Turnbull phát hiện ra sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trị Úc, ngày càng có nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào bộ máy công quyền và kinh doanh, cùng những phát hiện về ảnh hưởng của Trung Quốc đang tràn lan trong các trường đại học của Úc.

Kể từ đó, chính phủ Úc đã siết lại cách tiếp cận với Trung Quốc, từ việc chỉ trích việc mở rộng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông cho đến việc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân gây đại dịch COVID-19 làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.

Theo abc.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên