Một câu hỏi cần lời giải đáp

1

BBT: Ngày hôm qua, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin, bộ công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Như vậy ông Hoàng sẽ tiếp bước 2 ông cựu bộ trưởng là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào tù. Việc bắt giữ ông Vũ Huy Hoàng không có gì là quá bất ngờ, vì trước đó, vào tháng 11/2016 ông Hoàng đã bị nhận các hình thức kỉ luật đảng. Tiếp đến, tháng 1-2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương. Đây thường là bước đầu tiên của tiến trình pháp luật tại Việt Nam.

Báo chí cũng từng đưa tin, ông bị chặn xuất cảnh trong một lần nào đó ở cửa khẩu hàng không.

Dưới đây là ý kiến của một Facebooker đồng thời là một nhà báo ở Việt Nam, ĐCV trích đăng từ Facebook cá nhân của ông.

—————————————

Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, hàng chục tướng Công an và Quân đội đã bị xử lý. Bấy nhiêu cán bộ cao cấp từ Bộ trưởng UVTU đến UV BCT, hàng loạt lãnh đạo các tỉnh, thành phố vào tù, mất chức…

Đi theo họ là bao nhiêu ngàn tỷ bị mất, đà phát triển chậm lại, quy hoạch phát triển bị ảnh hưởng hoặc phá sản trong phạm vi ngành, địa phương, dự án.

Phát hiện và xử lý cán bộ sai phạm là một thành quả của nỗ lực chấn chỉnh trong nội bộ Đảng, chính quyền, thể hiện tinh thần thượng tôn luật pháp, không có vùng cấm trong chống tiêu cực. Đó là thuốc đắng giã tật, là điều trị căn bệnh nan y vốn là quốc nạn.

Tuy nhiên những người đó, ở chức đó, chắc chắn đã trải qua quá trình dài nỗ lực phấn đấu, được Đảng đào tạo, được giám sát bằng pháp luật, công luận, tổ chức đảng; được bồi dưỡng, sàng lọc và gọt dũa, là hạt giống tiêu biểu trong số hàng triệu đảng viên, công chức, viên chức.

Vì vậy chỉ trong 4 năm, với chừng ấy đảng viên thuộc hàng cấp cao, ưu tú bị chứng minh sai phạm và chịu sự trừng phạt, thì vấn đề giám sát của Đảng, của Chính quyền và cơ chế để nhân dân giám sát lâu nay rất cần được xem lại. Phải rà soát, đánh giá lỗ hổng nào đã khiến họ sai phạm trượt dài về tư cách, trách nhiệm mà vẫn leo cao.

Phải coi những trường hợp trên là những ví dụ cụ thể sinh động về thất bại, sai lầm, khuyết điểm trong công tác tổ chức để từ đó có giải pháp khắc phục.

Sự trừng phạt là đúng, nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề nếu bỏ qua câu hỏi: Công tác tổ chức, kiểm tra, thanh tra mấy nhiệm kỳ qua của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã được thực hiện như thế nào?

Điều đó phải được thảo luận và có nghị quyết trong các đại hội Đảng từ cấp cơ sở trở lên.

Mấy tháng qua, trong các thông tin trên báo chí về đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, chỉ thấy thông tin nhân sự đồng chí nào được bầu, bổ nhiệm, điều chuyển làm chức gì, mà chưa thấy hàm lượng thoả đáng về nội dung này.

Đức Hiển

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên