Corona – Kháng thể đánh nhau và bài học của con người

0
Phố xá ở Stockholm cuối tháng ba, khác hẳn mọi nới trên thế giới. Chính phủ tin vào sức đề kháng của toàn xã hội.

 

Đọc các phần viết trước tại đây

Bài trước tiều phu kể chuyện nước Đức. Bà Merkel hay ai thì cũng phải nghe theo các nhà dịch tễ học, vi trùng học, vì họ nghe được tiếng của cô Rona. Trump có nói kiểu gì thì cuối cùng cũng phải nghe cụ Fauci. Chú Đam phải nghe mấy ông bác sỹ, không thì vỡ như Vũ Hán.

Các nhà Vi trùng học Thụy Điển thì đánh cược vào khả năng của hệ miễn dịch con người và tin vào kỷ luật của dân chúng. Họ đã thuyết phục chính phủ áp dụng cách chống dịch tự do nhất châu Âu. Chiến lược này dựa vào các trụ cột: Bảo vệ kỹ các nhóm người dể bị tổn thương (người già, người có bệnh), bắt những người có triệu chứng phải ở nhà. Dân chúng chỉ nên ra đường khi cần thiết.

Ông Anders Tegnell, trùm dịch tễ Thụy Điển cho là nếu làm tốt các việc này, không cần phải phong tỏa đất nước. Phong tỏa vừa ít tác dụng, vừa phá hoại xã hội.

Trường phổ thông, quán ăn, quán rượu ở đó vẫn sinh hoạt. Kinh tế vẫn hoạt động. Hội họp từ 500 người trở xuống vẫn diễn ra. Chỉ có biên giới được kiểm tra kỹ hơn về dịch tễ.

Các bác sỹ Thụy Điển dựa vào việc tăng sức đề kháng của con người giúp hệ miễn dịch tự chọi nhau với virus. Do đó họ kêu gọi những người mạnh khỏe phải đi ra đường hít thở không khí trong lành và tập thể dục. Mỗi lần đi nhớ mang theo nước ấm để uống và tránh đứng gần nhau dưới 1m. [1]

Cho đến thời điểm này Thụy Điển có 3500 người dương tính, đa số là bị lây từ nhóm người đi trượt tuyết ở Áo – Bắc Ý về hồi đầu tháng 3. Họ đều ở tuối dưới 50 nên số bị nặng rất ít và đa số nằm cách ly ở nhà.

Tuy số người nhiễm khuẩn vẫn đang tăng, nhưng bệnh viện không hề quá tải. Stockholm vẫn tin tưởng họ đi đúng hướng.

Ở châu Á, Nam Hàn và Đài Loan cũng không Lock down mà vẫn giữ được dịch trong tầm kiểm soát. Đặc điểm chung của họ là: dân chúng có kỷ cương, xã hội ngăn nắp và…họ thích đeo khẩu trang. Nam Hàn cách ly triệt để các nguồn lây phát sinh từ giáo phái „ Shincheonji Church“, đồng thời tổ chức test diện rộng (mỗi ngày 20.000 test).

Sáng kiến Drive-In (lái xe vào xét nghiệm) đã lan truyền khắp thế giới, nhanh hơn vũ điệu Gangnam-Style.

Đài Loan thì khổ hơn nhiều. Vì WHO coi họ là tỉnh của Trung Quốc nên không cung cấp thông tin trực tiếp, bắt họ phải xin Bắc Kinh, điều mà bà Thái Anh Văn không bao giờ làm. Trong hoàn cảnh đó, với 24 triệu dân, nằm ngay sát Trung Quốc, mà đến hôm nay chỉ có 283 người nhiễm khuẩn và 2 người chết thì quả là một kỳ tích về y tế và xã hội.

Kỳ tích đó đạt được trong khi hàng ngày có hơn 800.000 người vẫn qua lại giữa lục địa và Đài Loan. Phố xá tuy có vắng hơn, nhưng không của hàng nào bị cấm. [2]

Chiến lược của Thụy Điển, Đài Loan, Nam Hàn phát huy tác dụng nhờ có một dân chúng hiểu biết, kỷ luật, nhờ một chính quyền mạnh, phản ứng nhanh và một nền y tế cao cấp.

Nhưng chiến lược đó cũng khẳng định một quan niệm kinh điển của vi trùng học: Chỉ có kháng thể mới diệt được các viêm nhiễm siêu vi trùng (viral infection).

Tiều phu nói vậy vì tình cờ xem được hai ý kiến rất độc của bác sỹ Đức Claus Köhnlein, tác giả cuốn sách „Nỗi sợ Virus“ (Virus-Wahn) và của giáo sư Sucharit Bhakdi, Viện Vi sinh và Vệ sinh đại học Mainz [3]

Cả hai học giả đều dùng các số liệu thống kê để khẳng định:

– Covid-19 có lệ tử vong không cao. Đa số bệnh nhân chết nằm ở các nhóm rủi ro.

– Rất nhiều người dương tính không có triệu chứng lâm sàng.

– Đa số người có triệu chứng tự khỏi do cách ly ở nhà.

Từ đó cả hai ông đều cho là hệ miễn dịch con người đang chế ngự dần dần Covid-19 mà ta không biết. Cho đến nay đa số phép thử chỉ chứng minh sự tồn tại của virus Covid-19 trong người, nhưng ít phép thử tìm ra kháng thể chống Covid-19. Virus này lan truyền qua dạng bụi khí (Aerosol) nên có thể chúng đã len lỏi vào xã hội từ lâu.

Dịch bùng ra là lúc những người hít lượng virus lớn trực tiếp từ các nguồn nhiễm FO cùng ngã bệnh. Những người này bị rất nặng và số đông đã tạo ra khủng hoảng giường bệnh như ở Ý, Tây Ban Nha hay ở Mỹ.

Trong khi đó, rất nhiều người dính một lượng rất nhỏ cô Rona vẫn không hay biết là kháng thể đã kích hoạt để đưa họ thành người miễn nhiễm. Nếu áp dụng phép thử tìm kháng thể trên diện rộng, chắc chắn bức tranh sẽ lạc quan hơn nhiều.

Trả lời câu hỏi về vai trò các loại thuốc hãm virus như Remdesivir và Chloroquine, ông Köhnlein cười, coi đó là tâm lý trị liệu. Ông nhắc lại: Chỉ có kháng thể mới diệt được virus.

Cả hai ông đều cho là miễn dịch cộng đồng sẽ xảy ra trước khi có vac xin rất lâu.

Tiều phu đến cái bằng y tá cũng chẳng có, nghe đến đây bỗng hoang mang. Hắn viết ra điều này chỉ mong các chuyên gia cho ý kiến. Video của giáo sư Sucharit Bhakdi có phụ đề tiếng Anh.

Hoang TruongHai Bac TranHuu Phuoc Pham Nhờ các bạn vào xem video và phản biện để tránh hiểu lầm là dịch sẽ tự tắt và chống các tư tưởng chủ quan. Video của bác sỹ Köhnlein làm hôm 16.3.2020. Từ đó đến nay là 2 tuần mà số người nhiễm khuẩn + người chết vẫn tăng. Phải chăng nhận định của ông ta sai?

Tiều phu là cháu Thạch Sanh. Hắn chỉ dựa vào thiên nhiên để kiếm củi sống qua ngày. Hắn coi các loại thuyết âm mưu là của Lý Thông, không quan tâm. Do vậy hắn nhìn Covid-19 cũng như các thảm họa cháy rừng ở Úc, ở California, như nạn châu chấu ở Phi Châu, như hạn hán nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… Tất đều do lối sống của con người.

Virus luôn thiên biến vạn hóa. Con người 4.0 đã có nhiều phương pháp cách ly, truy tìm con bệnh bằng Trí tuệ nhân tạo, có vác xin để tiêu diệt chúng. Lẽ ra chúng không đáng sợ. Nhưng con người cũng tạo ra tuyên huấn, lập tường lửa chặn tin nên virus có đất sống. Rồi nó được lối sống tiêu thụ của toàn cầu hóa cửu vạn miễn phí khắp thế giới. 1,4 tỉ khách du lịch trong năm 2019, 4 tỉ cuộc đi lại trong năm 2017 (và khoảng 8 tỉ dự tính vào năm 2035) là các loại vé thương gia tặng cho tử thần.

Khi Úc và Mỹ cháy rừng, người ta chỉ nhỏ lệ từ xa. Đồng bằng sông Cửu Long khô nẻ, chỉ một nhóm người lo lắng. Biển miền Trung nhiễm độc, quan chức rủ nhau đi ăn cá ở đó.

Nhưng Covid-19 làm tất cả hoảng sợ, ai cũng sợ chết. Người ta bỗng nghe những lời thề thốt:

– Không thể như thế này mãi
– Sau Covid-19 thế giới sẽ thay đổi

Hãy đợi đấy!

(Còn tiếp)

—————————

Chú thích:

[1] https://www.zeit.de/…/coronavirus-schweden-…/komplettansicht

[2] https://foreignpolicy.com/…/sweden-coronavirus-open-for-bu…/

[3] https://www.youtube.com/watch?v=JBB9bA-gXL4: Giáo sư Sucharit Bhakdi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên