Nguyễn Di Ngữ: Chống gậy xuống đường

2
Lúc 8g 30’ ngày 05.03.2017, khu nhà thờ Đức Bà hoàn toàn bị cô lập. Ảnh: Nguyễn Di Ngữ.

LTS: Cuộc biểu tình hôm 5.3 đã kết thúc, nhưng âm hưởng đợt xuống đường này nảy ra nhiều câu hỏi lớn – giữa có và không… Trong hàng loạt những câu hỏi ấy, có thắc mắc là: “Những người lớn tuổi đã ở đâu và nghĩ gì khi nhiều người trẻ đang dấn thân biểu hiện lòng yêu nước ?”

Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Di Ngữ, chúng tôi xin gởi đến quý độc giả một bài tường trình được thực hiện giữa lòng Sài Gòn. Nơi thành phố ấy, có những người già “phải làm cái gì đó mong xoa dịu cái đơn độc chiến đấu của lớp đi sau, một chai nước một ánh mắt đồng cảm cũng cho các em một chút ấm lòng.”


Mấy lão tướng ra quán café ngồi đợi tôi từ sáng sớm. Đã hẹn nhau từ mấy hôm trước, chúng tôi sẽ gặp nhau ở đây, rồi CHỐNG GẬY XUỐNG ĐƯỜNG. Ba mạng trên 3 xe gắn máy chúng tôi băng qua cầu Calmette, theo hướng về Pasteur, lòng vòng thêm mấy đoạn và cách khoảng nhau khá xa để cắt cái đuôi sau lưng, nếu có.

QC Y đang gọi cho một số các cựu binh đang trên đường về SG từ Bình Dương, Củ Chi. Không cần thông báo những ngày như thế này làm sao thiếu bóng họ được. Những cựu binh tuổi chống gậy, vẫn một lòng háo hức theo đám đàn em xuống đường, cho dù không đủ sức chạy chung một nhịp với tuổi trẻ, họ cũng phải làm cái gì đó mong xoa dịu cái đơn độc chiến đấu của lớp đi sau, một chai nước một ánh mắt đồng cảm cũng cho các em một chút ấm lòng. Chúng tôi nghĩ vậy và làm vậy.

Qua khỏi dinh Thống Nhất, từ xa chúng tôi đã thấy một cảnh náo nhiệt chen cứng hai bên đường, xe công an hụ còi, xe phóng thanh mở hết công xuất kêu gọi đám đông giải tán. Khu vào nhà thờ bị cô lập bởi sợi dây chắn ngang và hàng rào công an với dân phòng đủ sắc áo.

Hàng rào an ninh hôm nay 5-3 có lẽ dầy hơn những lần trước, trong công viên tại công trường Kenedy chật cứng an ninh chìm, mắt lấm lét nhìn quanh, máy bộ đàm rè rè chỗ này, chỗ nọ. Dọc đường Hàn Thuyên thì khỏi nói, một hàng dài xe buýt (chuẩn bị chở người), xe mô tô đậu dày đặc.

8g 27 sáng một chiếc xe buýt với 4 mô tô hộ tống trước sau, từ trong khu nhà thờ chạy ra, còi hụ vang vang. Cuộc biểu tình diễn đã ra trong chớp nhoáng và tan đi sau cú trấn áp bắt người của hàng trăm công an, trật tự dân phòng và cảnh sát chìm.

Chúng tôi đến muộn 5 phút. 5 phút của nuối tiếc, đau và hận. Khi chiếc buýt chạy qua tôi còn nhìn thấy rõ những người trẻ hào hùng bị lôi lên xe và chưa kịp ngồi xuống thì chiếc buýt đã phóng đi. Bu đen ở cửa lên xuống là một đống công an, với khuôn mặt dã thú đu người ra cửa xe nhìn lại đám đông dưới đường như muốn khoe thành tích. Đòn thù Việt trên xác thân đồng chủng.

Tới bây giờ thì tất cả đại lộ Thống Nhất chật cứng, bởi một thanh niên chừng 22 tuổi bị áp giải từ trong khu nhà thờ về uỷ ban nhân dân quận 1 và chạy theo sau là một phụ nữ:
– “Người ta làm gì mà mấy chú tới ba người bắt dẫn người ta đi vậy?”
Đám đông trên đường, mà không, phải nói là tất cả xe gắn máy đang trên đoạn đường này hình như đứng lại, dạt vào lề, nhìn người thanh niên bị kè đi, họ nghĩ gì chắc chắn công an, trật tự hiểu. Họ không làm gì được nhưng ánh mắt họ đã nói lên tất cả. Đó không phải là một sự khiếp nhược, đó là một tình huống vô phương. Cảnh sát 113 đã ào đến dẹp đường xua đuổi những chiếc xe gắn máy đang tấp vào hai bên và cố nấn ná lại nhìn về phía cổng uỷ ban nhân dân quận 1 trên đường Thống Nhất.

Trong tích tắc này tôi nhận ra được một điều, người Sài Gòn không vô cảm trước tình huống này nhưng bó tay, họ bị bọn áo vàng áo xanh đứng nghẹt trên lề trước hàng rào uỷ ban quận 1 tràn ra làm một lớp chắn an toàn cho đồng bọn thi hành “nhiệm vụ cao cả” mà đảng giao cho là trấn áp, đánh đập tàn nhẫn người dân biểu tình chống Trung Cộng.

Và ngay lúc này, đồng hồ tay của tôi chỉ đúng 8g 30, tất cả khu nhà thờ Đức Bà hoàn toàn bị cô lập, nội bất xuất ngoại bất nhập. Bài bản chống biểu tình của bọn công an đã được huấn luyện kỹ càng, trong chớp mắt gần như tất cả lực lượng công an có trong khu vục đều tràn ra điểm nóng, Nhà Thờ Đức Bà.

Điều này dễ hiểu, Sài Gòn có hai khu có thể tạo thành nhóm lửa cho một khởi sự, Nhà Thờ Đức Bà và Khu ga xe lửa cũ, nay gọi là công viên 23 tháng 9. Nhưng khu này đã bị phong toả từ lâu bởi hàng rào ghép tole cao hơn đầu người, và trước chợ Bến Thành, chung quanh công trường Quách Thị Trang cũng có một rào chắn cao như vậy. Dĩ nhiên chỉ còn lại điểm tập trung duy nhất là Nhà Thờ Đức Bà.

Cuộc xuống đường khởi từ 8g17 và tan vỡ sau 10 phút tọa kháng dưới chân tượng mẹ Maria. Thật xót xa thương đám tuổi trẻ hôm nay. Chúng tôi tách ra từ khi vào khu vực này, tôi bị dòng xe chen cứng đó dồn tới Hai bà Trưng, loay hoay một lúc tôi mới vòng được về Duy Tân và tấp vào trước trung tâm Sinh Hoạt Thanh Niên, trên đường Duy Tân (Phạm ngọc Thạch) đứng đợi các cựu binh gọi nhau tập hợp lại.

Hình như chúng ta đành phải bước xuống cái bẫy mà chính chúng ta nhìn thấy và thấy từ lâu. Điểm nóng này từng bị ép sát vào góc Nguyễn Du và đã bị đàn áp thô bạo vào tháng 5 năm ngoái. Những điểm nóng là những bãi mìn gài sẵn, chúng ta biết nhưng phải can đảm bước qua khi xuống đường. Có một chọn lựa nào khác không. Thật khó cho Sài Gòn, như một chiến trường chật chội. Lẻ tẻ ư? Được, nhưng nguy hiểm nhiều hơn là đánh tại trận lớn, ở đó chúng ta có bè bạn còn có thể tiếp viện cho nhau. Tâm lý ai xuống đường cũng muốn hoà với đám đông để gây tiếng vang lớn.

Các anh em bè bạn tôi đã kẻ đứng người ngồi chật một đoạn vỉa hè, người từ Bình Dương xuống kẻ ở xa về. Chúng tôi không hẹn nhưng cùng đến, cùng lao vào một điểm. Cái điểm nóng chết tiệt này. Họ là những cựu binh mang trên vai ít nhất 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc chung thân với bản án chống chế độ, hay phản động mà phe thắng cuộc từng gán lên họ. Đầu đã bạc, lưng đã còng, họ vẫn hào khí một trời lên đường dù chỉ để ủng hộ cho đàn em của họ, lớp trẻ hôm nay và họ đã từng làm những cây cầu, những viên đá lót đường từ mấy mươi năm trước.

Tàn cuộc – Kéo nhau vào khu nhà thờ chúng tôi đứng trước nhà sách Hoà Bình, được một lúc bọn áo vàng tới đuổi đi, tạt qua trước bưu điện, leo lên vỉa hè được dăm phút lại bị mời đi. Bọn chúng đương nhiên biết chúng tôi và vài trăm con người có mặt tại đây muốn gì, và đang làm gì, có điều chẳng thể ngăn được ngoại trừ cấm xe đậu trên lề đường, trong khi tất cả bãi giữ xe trong khu vục này đều treo bảng “hết chỗ”.

Những quán café trong khu vực đầy nghẹt an ninh chìm, nổi và trước quán đều có xe cảnh sát đậu sẵn cùng một đám lố nhố áo đen, một loại tân binh, không biết thuộc đơn vị nào mang bảng TRẬT TỰ và trang bị áo giáp nhẹ có camera hành trình gắn cố định trước ngực, đi xe 150 CC mới keng.

Suốt từ khi cuộc phong toả bắt đầu, tôi cứ đánh vòng từ Thống Nhất qua Công Lý quẹo vào Alexandre De Rhode ra Duy Tân rồi vòng lại, bởi đường Hàn Thuyên đã bị chận hai đầu.
Cuộc xuống đường đã kết thúc nhưng nơi này, sau khi chiếc xe buýt bắt người đã đi. Cái nuối tiếc còn thấy rõ trên mặt hơn mấy trăm con người đứng quanh đây. Nhìn họ kìa , không ít người balo đeo lưng nước uống, giày ba ta , những trang bị để gia nhập đoàn biểu tình. Bây giờ họ đứng đó trong nuối tiếc, cái nhìn quanh như tìm kiếm, như chờ đợi. Họ đã sẵn sàng nhưng cuộc biểu tình diễn ra quá nhanh và chấm dứt cũng nhanh. Dĩ nhiên bọn côn đồ ăn theo áo vàng, áo xanh thừa biết họ là ai.

Cái nuối tiếc đó có lẽ lan đi xa hơn, các tuyến đường xung quanh từ Hai Bà Trưng vòng xuống Lê Thánh Tôn, xe cộ cũng như nêm. Cái đông đúc hôm nay khác hơn những sáng chủ nhật ở Sài Gòn mà tôi biết. Đừng nói bởi vì hôm nay phố Nguyễn Huệ có lễ hội áo dài. Bởi nơi đó có lẽ chỉ có ban tổ chức tới dự thôi, dân Sài Gòn bận phải lên khu Nhà Thờ Đức Bà để …“xuống đường”.

Sau khi làm mấy vòng quanh trung tâm, nhìn các em tôi, tuổi trẻ Sài Gòn rong xe trên đường, cũng balo, khăn nón trang bị đầy mình quanh co đường này, đường nọ dáo dác tìm quanh, các em, cũng như bọn già chúng tôi tan trận trong nuối tiếc.

Chiến lợi phẩm hôm nay có được chỉ đơn giản. Trong cái nhìn, dân Sài Gòn đã bước qua sợ hãi trước công an, an ninh, sẵn sàng nạt thẳng mặt bọn côn đồ, trên hành trình tôi tạm gọi như thuở nào Đi Lấy Lại Quê Hương. Số người có mặt và sẵn sàng tham gia hôm nay đông gắp mấy lần những cuộc xuống đường năm trước

Có người bạn già bảo với tôi:
-“Có cái bẫy nào cho ngày hôm nay không?. Sao lại chỉ còn mỗi một tử lộ mà phải khai cuộc tại đó, Nhà Thờ Đức Bà là điểm chết mà…”

Tôi chỉ biết thở dài. Ôi Sài Gòn, tóc tang, khó khăn này có biết đến bao lâu? Những trận đòn thù xuống thân thể các em tôi đến mức nào? Giờ này các em có thoát ra khỏi những nơi tạm giữ chưa? Tuổi trẻ Sài Gòn ơi sao các em khốn khổ thế này.

Nguyễn Di Ngữ
Sài Gòn 05-03-2017

2 BÌNH LUẬN

  1. Sức tàn, lực kiệt như mấy ông nên ở nhà chăn gà, vịt! Ra đường mà làm gì cho nắng nôi, ngồi viết làm gì cho bại não! Chán!

  2. Đạo đức của trang mạng BBC ! Trong khi đài RFA, dưới nhan đề “Biểu tình đòi Formosa rút khỏi Việt Nam” tường thuật rằng ngày 5 tháng 3, có 5000 người biểu tình ở Nghệ An, 1000 người ở Hà Tĩnh, 200 người ở Sài gòn…thì trang mạng BBC chạy tít “Biểu tình hôm 5/3 ‘không như mong đợi’ và chỉ viết là ” Sáng 5/3, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy biểu tình diễn ra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, TP Hồ Chí Minh…”- không đưa ra con số người tham dự. Về cuộc biểu tình ở Sài gòn, BBC tường thuật “Khoảng 100 người tham gia sự kiện này.” .

    Trong quá khứ, BBC đã bị than phiền là có khuynh hướng thân Cộng .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên