Tuần này, hoạt động ngân hàng đón tín hiệu mới: ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ cấp thêm khoảng 20.800 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Liệu một trường hợp khác có cơ hội được bố trí nguồn tương tự trong tương lai gần không?
Đó là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), ngân hàng thương mại lớn nhất tại Việt Nam, xét theo quy mô tổng tài sản, mạng lưới và nhân sự.
Đến cuối 2016, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức đạt con số tổng tài sản chớm trên 1 triệu tỷ đồng. Nhưng Agribank, bên cạnh quy mô tổng tài sản cũng đạt tầm này, còn có hệ thống mạng lưới vô địch với trên 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, có tới gần 40.000 cán bộ nhân viên.
So sánh trên chỉ để tham khảo, vì có sự khấp khiễng trong đặc thù mô hình và điều kiện hoạt động. Bất lợi lớn thuộc về Agribank.
Nhiều năm về trước, ngân hàng bạn của nhà nông này từng khẳng định vị trí dẫn đầu tuyệt đối trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam về quy mô vốn. Như giai đoạn 2009-2010, Agribank áp đảo tất cả các ngân hàng thương mại khác về tầm vốn điều lệ, khoảng 20.000 tỷ đồng, gần gấp đôi cả một số ngân hàng thương mại nhà nước khác.
Tuy nhiên, đến nay, Agribank lại là thành viên có vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm “Big 4” (cùng với Vietcombank, VietinBank và BIDV).
Nguyên do, Agribank đã hụt hơi hẳn trong so sánh trên bởi trói buộc sở hữu 100% vốn Nhà nước. Sau điểm nhấn năm 2012, mức vốn được cấp của họ trở nên nhỏ giọt so với “tốc độ Thánh Gióng” của ba thành viên còn lại trong nhóm trên. Cả Vietcombank, VietinBank và BIDV đều có thuận lợi để tăng vốn sau khi lần lượt cổ phần hóa.
Từ sau 2012 đến nay, vốn điều lệ của Agribank được cấp chỉ tăng từ khoảng 26.000 tỷ đồng lên hơn 29.000 tỷ đồng. Trong khó đó, điển hình như VietinBank sau cổ phần hóa, mức vốn điều lệ từ hơn 11.000 tỷ đồng (năm 2009) đến nay đã vọt lên tới trên 37.000 tỷ đồng, chưa kể gần 9.000 tỷ đồng thặng dư để lại sau cổ phần hóa.
Vì sao gọi là trói buộc? Vì bản thân Agribank không thể tự chủ động tăng được vốn điều lệ với tốc độ phù hợp với yêu cầu phát triển và cạnh tranh. Điều này càng thể hiện rõ khi những năm gần đây, với cân đối ngân sách khó khăn, Nhà nước khó bố trí nguồn vốn lớn và đều để bắt nhịp với tốc độ của những ngân hàng trong so sánh trên.
Như trên, sự kiện Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến được bố trí vốn từ năm nay, quy mô khoảng 20.800 tỷ cũng cho thấy một phần thực tế là do dồn lại những năm trước Nhà nước chưa bố trí được.
Trói buộc còn thể hiện ở chỗ, Agribank đang ở gần giới hạn phát triển. Vốn được cấp với mức độ hạn chế đang dần trói chân yêu cầu đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động. Thực tế này càng rõ hơn khi hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu thí điểm thực hiện các chuẩn mực an toàn cao hơn của Basel 2 từ năm nay.
Ở đây có điểm tương đồng trong câu chuyện tăng vốn của BIDV và VietinBank nổi lên năm vừa qua. Yêu cầu đảm bảo thu ngân sách Nhà nước đã không thuận theo kế hoạch tăng vốn điều lệ ban đầu của hai thành viên này trù tính. Nhưng dù sao, sau cổ phần hóa, cả hai đều đã có lợi thế của mô hình để huy động nguồn vốn bên ngoài, gia tăng nhanh quy mô, đặc biệt ở VietinBank, hay cả Vietcombank.
Với Agribank, do đặc thù hoạt động theo yêu cầu tập trung phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, là công cụ chủ lực của Nhà nước trong chính sách vốn hỗ trợ lĩnh vực này, lộ trình cổ phần hóa chậm hơn, chưa thể triển khai cho đến nay.
Định hướng cổ phần hóa cũng bắt đầu được đặt ra, tạo hướng cơ bản tháo gỡ trói buộc trên. Tuy nhiên, đây có thể đòi hỏi bước chuẩn bị lâu dài, đặc biệt phụ thuộc vào kết quả thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng này. Tỷ lệ nợ xấu công bố đã giảm về mức thấp, nhưng con số chỉ 1,89% cuối 2016 hẳn sẽ khó thuyết phục nhà đầu tư, vì một phần rất lớn còn nằm ở Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Khi chưa cổ phần hóa được, trước mắt, thông tin dự kiến Nhà nước sẽ bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội nói trên có là một tín hiệu hy vọng cho Agribank?
Câu hỏi trên đặt ra vì Agribank cũng là một công cụ chủ lực của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, tỷ trọng cho vay ở đây duy trì tới 70% tổng dư nợ; vì Agribank đã hụt hơi rõ rệt về năng lực tài chính trong những so sánh trên, trong khi thị trường và cụ thể nhu cầu phát triển của lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn không dừng lại để chờ đợi.
Có một câu trả lời đã định hình cuối năm qua. Tại nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 mà Quốc hội thông qua ngày 9/11/2016, chủ trương đã xác định không sử dụng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại. Theo đó, cơ hội chỉ mở ra nếu chủ trương đó không đóng khung, mà có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế.
Minh Đức – vneconomy
Thật ra trong chế độ CSVN,ngân hang là” sân sau “của các thế lực ĐỎ . s
Ngân hang là cơ quan hợp-thức -hóa vốn liếng của các quan chức ăn-cướp từ tham nhũng . Phần khác huy động vốn từ nhân dân, để ăn-cướp lần thứ 2 !! Vì sao ?? Vì Ngân hang nhà nước và các ngân hang “tư nhân” củng chỉ là MỘT ! Tính độc lập ngân hang không có. Mọi tín dung từ ngân hang đều phải có cái “gật đầu” của Đảng !!Vì thế người ta chẳng lạ gì khi có khách hàng mất hang tỷ đồng trong tài khoản của mình,chỉ ngửa mặt kêu trời ,mà không có một ngân hàng chủ quản nào đứng ra giải quyết vấn đề ,ngoại trừ CA !!