Thế giới như tôi thấy nó

0

Tác giả: Albert Einstein

Nguyễn Ước dịch

Nguyên thủy, đưọc in trong bộ Forum and Century (Diễn đàn và thế kỷ), tập 4, tt. 193–194, quyển 13 trong chuỗi Forum, “Living Philosophies”. Nó cũng được đưa vào cuốn Living Philosophies (Các triết học đương thời), tt.3–7, New York, Simon and Schuster, 1931.
Số phận của chúng ta, lạ lùng thay, là bất tử! Mỗi người chúng ta hiện hữu ở đây trong một thời gian ngắn ngủi với mục đích gì thì y chẳng biết, dù đôi khi y nghĩ rằng mình có cảm nhận nó. Nhưng ta biết trong cuộc sống hằng ngày, không cần phải ngẫm nghĩ sâu xa, rằng ta hiện hữu cho người khác, trước tiên, cho những người mà hạnh phúc của chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và phúc lợi của họ, kế đến, cho những người chúng ta không quen biết, những người mà chúng ta bị ràng buộc vào số phận của họ bằng sợi dây tình cảm. Mỗi ngày, tôi phải nhắc nhở mình hàng trăm lần rằng cuộc sống bên trong lẫn bên ngoài bản thân mình đặt căn bản trên lao động của những người khác, đang sống hoặc đã chết. và rằng mình phải dùng bản thân để cung cấp các phương tiện giống y như mình đã nhận và vẫn đang nhận. Tôi hăng say vạch ra một cuộc sống thanh đạm, và tôi thường nhận biết, một cách không thể cưỡng lại, rằng mình đang chiếm đoạt một số lượng thái quá sức lao động của đồng loại. Tôi đánh giá rằng phân biệt giai cấp là phi lý và dựa trên sức mạnh như một biện pháp sau cùng. Tôi cũng tin rằng cuộc sống giản dị và khiêm tốn thì tốt cho mọi người, cả về thể lý lẫn tâm thần.

Trong ý nghĩa triết học, tôi hoàn toàn không tin vào tự do con người. Mọi người hành động không chỉ dưới sự cưỡng bách ở bên ngoài mà còn phù hợp với cái cần thiết ở bên trong bản thân. Câu nói của Shopenhauer “Con người làm cái y muốn nhưng không muốn cái y muốn” là niềm cảm hứng rất thật cho tôi thời trai trẻ; nó cũng là niềm an ủi tôi liên tục khi đối mặt những gian nan thử thách của cuộc đời, của bản thân mình và của người khác, và là suối nguồn không bao giờ cạn cho sự bao dung. Sự nhận biết đầy tình thương xót ấy làm dịu nhẹ cảm giác trách nhiệm thường dễ dàng bị tê liệt hóa, ngăn không để chúng ta phán xét khắc nghiệt bản thân và người khác; nó chỉ dẫn tới một quan niệm sống mà một cách cá biệt, nó cho sự hài hước tính công bằng.

Đối với tôi, xét từ quan điểm khách quan, việc tìm hiểu ý nghĩa hoặc đối tượng của sự hiện hữu của bản thân mình hoặc của hết thảy tạo vật dường như luôn luôn là phi lý. Mọi người đều có những ý tưởng nhất định; chúng quyết định phương hướng của các nỗ lực và các phán xét của mình. Trong ý nghĩ này, tôi không bao giờ xem như thoải mái và hạnh phúc về những kết thúc trong tự thân chúng – tôi gọi căn bản luân lý này là những lý tưởng của chuồng lợn. Những lý tưởng Tử tế, Cái Đẹp và Chân lý soi rọi lối đi của tôi, và hết lúc này tới lúc khác, chúng cho tôi sự can đảm mới để hoan hỉ đối diện cuộc đời. Không có cảm giác thân thuộc với những người tâm trí giống nhau, không có sự bận rộn với thế giới khách quan và cái vĩnh viễn không thể sớ đắc trong lãnh vực nghệ thuật cùng những nỗ lực khoa học, thì cuộc sống đối với tôi dường như trống rổng. Đối với tôi, những đối tượng phấn đấu cũ rích và nhàm chán – sở hữu, thành công bên ngoài, xa hoa – dường như luôn luôn đáng khinh rẻ.

Cảm giác đầy đam mê của tôi về công bình xã hội và trách nhiệm xã hội luôn luôn tương phản một cách kỳ quặc với sự rõ rệt thiếu nhu cầu giao thiệp trực tiếp với người khác và với cộng đồng con người. Tôi quả thật là một “lữ hành cô đơn”, không bao giờ thuộc về xứ sở của tôi, nhà của tôi, bạn bè của tôi, hoặc thậm chí gia đình gần gũi của tôi, với tất cả tâm hồn mình. Khi đối diện với các mối dây ấy, tôi không bao giớ mất cảm giác xa cách và nhu cầu cô đơn – cảm giác đó ngày càng tăng theo năm tháng. Ta ngày càng nhận biết sắc bén, nhưng không hối tiếc, những giới hạn của sự am hiểu hỗ tương và sự hòa hợp với người khác. Rõ ràng con người một mình như thế thì đánh mất một số hồn nhiên và vô tư của y; ngược lại, y hầu như độc lập với các ý kiến, các tập quán và các phán xét của đồng loại, và tránh xa cơn cám dỗ xây dựng sự thăng bằng nội tâm trên những nền tảng không an toàn đó.

Lý tưởng chính trị của tôi là thể chế dân chủ. Hãy để mỗi người được tôn trọng là một cá nhân, và không người nào bị ngẫu tượng hóa. Chính sự mỉa mai của số phận khiến bản thân tôi làm kẻ nhận được sự ngưỡng mộ quá đáng cùng sự tôn kính từ đồng loại của mình thông qua sự không khuyết điểm và không công trạng của chính mình, Nguyên cớ của sự ấy là do bởi nhiều người có niềm ao ước am hiểu, nhưng không thể sở đắc, một vài ý tưởng mà với năng lực mỏng manh của mình, tôi sở đắc chúng qua cuộc phấn đấu không ngừng. Tôi hoàn toàn nhận biết rằng chính sự nhất thiết phải đạt mục đích của một tổ chức khiên người ta phải suy nghĩ, định hướng vá gánh vác trách nhiệm một cách tổng quát. Nhưng việc lãnh đạo phải không bị cưỡng bách, người ta phải có khả năng chọn người lãnh đạo họ. Theo ý kiến của tôi, một hệ thống (thể chế) độc đoán mang tính cưỡng bách sẽ sớm bị thoái hóa. Vì sức mạnh luôn luôn gắn liền với những kẻ đạo đức thấp kém, và tôi tin vào qui luật bất biến rằng các bạo chúa thiên tài được kế vị bởi những tên vô lại. Bởi lý do đó, tôi luôn luôn nhiệt tình chống đối các hệ thống đó, như chúng ta thấy tại nước Ý và nước Nga ngày nay. Cái đem tới sự mất tín nhiệm vào hình thức thể chế dân chủ như đang xảy ra tại châu Âu hôm nay không nằm ở cánh cửa của những nguyên tắc dân chủ như thế, mà là sự thiếu ổn định của chính quyền và đặc tính phi nhân cách của hệ thống bầu cử. Ở khía cạnh này, tôi tin rằng Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đã tìm được phương cách đúng. Họ có một tổng thống được bầu lên cho một nhiệm kỳ thoả đáng và có những quyền hạn đầy đủ để hành xử trách nhiệm của mình. Ngược lại, cái mà tôi đánh giá là tại nước Đức, hệ thống chính trị của nó cung cấp thời gian cai trị rất gia hạn cho cá nhân trong trường hợp bệnh hay cần. Cái thật sự đáng giá trong hoạt cảnh lịch sử của đời sống con người, đối với tôi, dường như không phải là trạng thái chính trị mà là cá nhân có tri giác, có tính sáng tạo, có nhân cách nhân phẩm; y một mình tạo ra tính cao nhã và siêu phàm, trong khi đó bầy đàn thì vẫn cứ đần độn trong ý nghĩ và âm u trong cảm xúc.

Chủ đề này mang tôi tới phần trồi lên tệ hại trên mặt cuộc sống bầy đàn, hệ thống quân đội, mà tôi ghét cay ghét đắng. Khi một người cảm thấy khoan khoái trong một cuộc diễu hành kéo dài bốn tiếng đồng hồ đi theo giai điệu của một ban nhạc thì đủ khiến cho tôi coi khinh hắn. Chỉ do bởi lầm lẫn mà hắn được ban cho cái đầu to lớn. Cái hắn hoàn toàn cần tới là một xương sống mạnh mẽ, không cần phải bảo vệ. Nốt dịch bệnh này của nền văn minh cần phải xóa sạch bằng tất cả tốc độ có thể có. Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, sự bạo động vô cảm giác, và tất cả cái vô nghĩa đáng tởm đi theo với sự nhân danh chủ nghĩa yêu nước – tôi ghét chúng thậm tệ biết bao! Dường như đối với tôi, chiến tranh thì đê hèn và đáng khinh biết bao! Tôi thà bị chặt thành từng mảnh còn hơn tham gia vào công việc ghê tởm như thế. Ý kiến của tôi về loài người đủ cao tới mức tôi tin con yêu tinh đó hắn phải biến mất từ rất lâu, và hẳn đã có ý nghĩa lành mạnh của những dân tộc không bị hư hoại một cách có hệ thống bởi những lợi ích kinh tế và chính trị, đang tác động qua học đường và báo chí.

Kinh nghiệm tuyệt vời mà chúng ta có thể có là tính bí nhiệm. Nó là sự xúc động có tính nền tảng mà trên đó đứng vững chiếc nôi của nghệ thuật chân chính và khoa học chân chính. Người nào không biết tới nó, không còn có thể kinh ngạc và không còn tự hỏi, thì người đó chẳng khác gì kẻ đã chết với hai con mắt xám đục. Chính sự trải nghiệm tính bí nhiệm – thậm chí nếu nó hòa trộn với sự kinh sợ – sinh ra tôn giáo. Biết tới sự hiện hữu của cái gì đó mà ta không thể thâm nhập, các nhận thức của chúng ta về lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp lộng lẫy nhất, vốn chỉ ở trong trạng thái nguyên sơ nhất được tâm trí của chúng ta tiếp cận – chính sự hiểu biết này và sự xúc động này lập thành lòng tin đạo chân chính; trong ý nghĩa ấy và chỉ trong một mình ý nghĩa ấy thôi, tôi là con người có lòng mộ đạo sâu xa. Tôi không thể quan niệm một Thượng đế là đấng thưởng và phạt các tạo vật của ngài, hoặc có ý chí thuộc loại được chúng ta trải nghiệm trong chính bản thân mình. Tôi hẳn cũng không muốn quan niệm một cá nhân nào đó tiếp tục sống sau cái chết thể lý của y; hãy để các linh hồm yếu đuối vì sợ hãi hoặc vị kỷ phi lý yêu chuộng những ý nghĩ ấy. Tôi mãn nguyện với sự bí nhiệm của tính vĩnh cửu của sự sống, cùng với nhận thức và cái nhìn thoáng cấu trúc kỳ diệu của thế giới hiện hành, hiệp với hành động phấn đấu tận tụy nhằm am hiểu một phần, dù rất nhỏ bé, của Lý trí biểu thị chính nó trong thiên nhiên./.

Nguồn: Bài The World as I See It, trong cuốn Ideas and Opinions của Albert Einstein,

Crown Publishers, Inc, New York 1982, 1954 pp. 8-11

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên