Ngày 08/06/1949, tập truyện khoa học viễn tưởng « 1984 » của nhà văn, nhà báo người Anh George Orwell lần đầu tiên ra mắt độc giả nhằm lên án một xã hội toàn trị. Bảy mươi năm sau, lời lên án này vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự hơn bao giờ hết.
Bắt đầu chấp bút năm 1948, tiểu thuyết « Nineteen Eighty-Four » viết bằng chữ, tựa gốc tiếng Anh được phát hành một năm sau đó. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 62 thứ tiếng với hàng tựa ngắn gọn là con số « 1984 ». George Orwell viết bộ tiểu thuyết hấp dẫn này vào thời điểm Chiến Tranh Lạnh bắt đầu, thế giới phân chia thành hai khối Đông và Tây đối đầu nhau.
Câu chuyện lấy bối cảnh nước Anh trong những năm 1950, ba mươi năm sau một cuộc chiến hạt nhân, giữa hai phe Đông – Tây. Nội dung câu chuyện chỉ xoay quanh một nhân vật nam có tên Winston, cuộc sống cô độc và nhếch nhác. Đâu là bí quyết làm nên thành công của tác phẩm?
Nhân 70 năm ngày « 1984 » ra mắt độc giả, RFI Tiếng Việt có buổi trao đổi cùng với ông Bạch Thái Quốc, cựu trưởng ban biên tập ban tiếng Việt đài RFI, và từng là một cây bút bình luận văn học của đài.
RFI Tiếng Việt : Ngay khi « 1984 » của nhà văn, nhà báo George Orwell ra mắt độc giả, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng này đã thật sự gây được tiếng vang. Nội dung câu chuyện đơn giản, lời văn khô khan. Vậy mà 70 năm sau, cuốn tiểu thuyết này vẫn hấp dẫn độc giả ?
Bạch Thái Quốc : Dưới dạng một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết này nói về chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Stalin. Đây là một thế giới đầy bạo lực và dối trá. Cảnh sát Tư tưởng theo dõi, giám sát, khủng bố mọi công dân. Sự thật đã bị ngụy tạo. Lịch sử đã bị lũng đoạn. Ký ức con người bị tha hóa. Và tư tưởng bị triệt tiêu. Không còn gì ngoài việc tôn sùng BIG BROTHER, ông ANH CẢ.
« 1984 » có nhiều đặc điểm. Đặc biệt là sự sáng tạo của Orwell, xuyên qua một bức màn vô tuyến đặt khắp nơi trên các nẻo đường, trong nhà và ngay cả trong phòng ngủ, nhà nước toàn trị do thám hành vi, lời nói, ý nghĩ của mọi người. Nhà nước này quản lý từ bộ phận sinh dục cho đến đầu óc và quản lý luôn dạ dày. Vậy thì, làm sao còn tồn tại cá nhân ?
Tên nhân vật chính là Winston Smith. Công việc của ông tại bộ Sự Thật, tức là bộ Thông tin – Tuyên truyền, là kiểm duyệt, tẩy xóa, biên tập lại lịch sử, sao cho đúng, cho ăn khớp với đường lối của Đảng.
Tiểu thuyết chia làm ba phần. Winston Smith bắt đầu hoài nghi trong phần I. Ông thao thức, ông lén lút đeo đuổi trong ký ức sâu kín nhất một vài kỷ niệm và đặt câu hỏi : Cái này là Thật hay cái này là Giả ?
Trong phần hai, Winston gặp Julia và nhờ vào tình yêu, cả hai được trang bị thêm sức mạnh tìm cách chống trả chế độ. Phần ba là sự trả giá. Cả hai bị bắt và bị tra tấn dã man. Winston phản bội người yêu, ông tố giác Julia. Nàng bị phẫu thuật thùy não. Còn Winston thì nhân cách đã bị nghiền nát. Ông sáng mắt sáng lòng và yêu Đảng, yêu ông ANH CẢ.
Và bảy mươi năm sau, tiểu thuyết này vẫn hấp dẫn người đọc, nhất là vẫn luôn mang tính thời sự ?
Ta có thể nhìn ngay vào Trung Quốc. Ngày nay, Bắc Kinh đã tiến hành chấm điểm toàn bộ công dân của họ, nhờ vào một hệ thống máy móc công nghệ cao, camera thu hình, nghiên cứu các dữ liệu thu thập trên các mạng xã hội. Đây là « 1984 ». Một phiên bản châu Á cực kỳ man rợ.
Nhưng đâu chỉ có thế. Để đánh giá tính thời sự của « 1984 », ta phải tìm hiểu đâu là thông điệp chính yếu của « 1984 ». Theo tôi, cái mạch nguồn, cốt tử của « 1984 » đó là sự tồn tại của một sự thật khách quan.
Cho dù Đảng ngụy tạo lịch sử để kiểm soát quá khứ, làm chủ hiện tại, thao túng tương lai, nhưng nhân vật Winston, trang 103 (theo bản dịch bằng tiếng Pháp) lén lút viết rằng : « Tự do là quyền tự do nói thẳng. 2 + 2 = 4. Đó là bước khởi đầu. » Đây chính là thông điệp cốt tử.
Trên phương diện này, tính thời sự của « 1984 » cũng được minh họa tại Mỹ. Với vụ tổng thống Trump và phe của ông « vặn vẹo » ngôn ngữ, che đậy sự thật. Tháng Giêng năm 2017, bà Kellyanne Conway – cố vấn của tổng thống Trump – cố tình bóp méo sự thật khi khẳng định lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump đã tập hợp số lượng người tham dự đông đảo hơn chưa từng thấy so với trước. Việc này trái sự thật. Thế nhưng, bà Conway vẫn cố tình biện minh, còn sử dụng cụm từ « alternative facts » – có nghĩa là một sự thật khác với sự thật truyền thông. Đó cũng là « 1984 ».
Thế còn Việt Nam ? « 1984 » có còn tính thời sự đối với trường hợp Việt Nam hay không ? Có ai đọc « 1984 » mà không liên tưởng đến những gì xảy ra tại Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ ? Nếu bảo Việt Nam còn toàn trị như mô tả trong « 1984 » thì không đúng. Bởi Việt Nam không còn độc đoán, tàn nhẫn như vào thời Nhân Văn Giai Phẩm. Thời mà nhà thơ Lê Đạt xem là những năm tháng khôn ngoan không dám làm người.
Việt Nam không còn đối xử tàn tệ như hành hạ trí thức, uy hiếp tinh thần như việc triết gia Trần Đức Thảo đến độ ông bị tự kỷ ám thị, đêm đêm chui rúc xuống gầm giường vì sợ hãi. Nhưng nếu ta tin tưởng vào sự hiện hữu của một sự thật khách quan và xem đây như là điều cốt tử, thì rõ ràng « 1984 » rất thời sự đối với Việt Nam.
Như một nhà văn Việt Nam đã nói « Một nửa bánh mì, vẫn là bánh mì. Một nửa sự thật không còn là sự thật ». Bởi vì tất cả các câu hỏi có tính sống còn cho lịch sử, cho sự thật, cho những giá trị căn bản của xã hội Việt Nam đều chưa được trả lời thỏa đáng từ giữa thế kỷ trước cho đến nay.
Chiến tranh giải phóng hay ý thức hệ, hoặc giả cuộc chiến được ủy nhiệm chống Mỹ hay có phần huynh đệ tương tàn, ở đây cái gì Giả cái gì Thật ?
RFI tiếng Việt: Trong « 1984 », George Orwell nói nhiều về khái niệm « Newspeak », chuyển ngữ sang tiếng Pháp được gọi là « Novlangue », và trong một bản dịch bằng tiếng Việt trên mạng, tương đối khá chuẩn, rất tiếc lại không đề tên người dịch, « Newspeak » được gọi là « Ngômo », có lẽ là từ rút ngắn của cụm từ « Ngôn ngữ mới ». Phải chăng khi đưa ra những khái niệm này, G. Orwell muốn cảnh báo rằng « ngôn ngữ có thể trở thành một công cụ thống trị » kiểm soát tư tưởng người dân của các chế độ độc tài toàn trị ?
Bạch Thái Quốc: Đúng vậy. Đây cũng là điều tôi tâm đắc nhất trong « 1984 ». Đó là sáng tạo của Orwell về ngôn ngữ mới « Novlangue » là từ nay tất cả mọi người có học trên thế giới đều biết. Orwell đã phân tích rạch ròi. Orwell viết rằng mục tiêu của ngôn ngữ mới này là tạo dựng một phương cách diễn đạt tư tưởng duy nhất khiến mọi cách diễn đạt tư tưởng khác đi đều trở thành bất khả.
Ý đồ của ngôn ngữ này, theo Orwell phân tích, ta có thể gọi là « lưỡi gỗ » không phải là mở rộng phạm vi hoạt động của tư tưởng. Trái lại, nó thu hẹp phạm vi của tư tưởng. Một trong những thủ đoạn của nó là cắt bỏ từ vựng, chỉ cho sử dụng một vốn từ vựng rất ít ỏi, rất nghèo nàn. Chức năng này của các ngôn từ không phải để diễn đạt tư tưởng mà nhằm hủy diệt bớt tư tưởng.
Đây là một thứ công cụ để cấm đoán mọi ý tưởng ngoại luồng, để tẩy não mọi cá nhân muốn suy nghĩ độc lập. Bởi vì, tha hóa ngôn ngữ là triệt tiêu những gì là mầm mống, là tinh tế trong tư tưởng. Chúng ta ai cũng dùng ngôn ngữ để có thể nhận diện bản thân mình và thế giới chung quanh.
Vì vậy, thao túng ngôn ngữ là ngăn chặn những dòng chảy của tư duy, những rung động trong tâm thức và đặt tư tưởng trong hàng rào kẽm gai. Mục tiêu tối hậu của ngôn ngữ mới này là cầm tù tư tưởng, biến con người thành đàn bọ, đàn kiến, như Orwell đã từng viết.
Ngược lại, hành trình làm lại tất cả bắt đầu bằng cách sử dụng đúng đắn ngôn ngữ, đó là đúng với chức năng của nó, nghĩa là sử dụng ngôn ngữ như mũi thăm dò tiên phong của tư duy độc lập.
Nguồn: RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Bạch Thái Quốc.
Thật sự , một tổng thống , cho dù là tổng thống của nước Mỹ cũng có riêng những thành kiến và định kiến do kinh nghiệm , giáo dục , … Thí dụ như chiến tranh Việt Nam chẳng hạn , ông ta không thể bỏ thì giờ ra đọc mấy chục ngàn trang viết về cuộc chiến đó , trước , và trong khi làm tổng thống ; bởi vậy các cố vấn phải tóm tắt trong vài hàng cho ông ta có thì giờ để đọc , để dễ nhớ ; cho nên ông ta mới tuyên bố :” đáng nhẽ chúng ta không nên có cuộc chiến đó !” ( Vì chúng ta có thể cho Trung cộng hửi đồng dollar Mỹ !! Thì mấy anh ” nghèo thấy c …đ…m hết muốn chiến đấu liền !! Cho nên ta phải thông cảm với một tổng thống muốn ” trả lời liền ” vì thấy mọi chuyện phải nóng hổi , vừa thổi vừa ăn !!
Không đồng ý với ông BT Quốc này khi dùng Trump làm ví dụ cho ám chỉ của “1984”. Tệ lắm thì ông Trump chỉ là 1 kẻ thô lỗ, ăn nói không cần chứng cớ (ba xạo 1 cách ít có hại). Đưa ông Trump ra để nói lên sự đe dọa của 1 chế độ độc tài toàn trị mà thiên tài George Orwell đã cảnh cáo? Thật ngu dốt!
Ngôn ngữ ư ? Hãy đọc, nghe thử lời nói của đài truyền hình Bắc Hàn khi ca tụng Kim, khi kết án ai đó. Hãy nghe lại lời Mao kết tội những “phần tử phái hữu” trong cuộc CM Văn Hóa. Nghe Hồ Chí Minh, Trường Chinh tuyên bố cải cách ruộng đất, tiêu diệt tư sản, … Bọn Tàu cộng, Việt cộng, Hàn cộng, Sô viết mới là những ví dụ về sự ghê gớm của ngôn ngữ ca tụng trơ trẽn, và ngôn ngữ vu khống, triệt hạ, cô lập, kết tội con người. Những người trẻ sẽ hoang mang vô cùng khi nghe bọn cộng kết tội người vô tội . Đủ thứ tội ác mà chẳng ai hiểu tội gì như “hữu khuynh”, “kẻ thù giai cấp”, “không kiên định lập trường”, “chao đảo”, “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” …. Sao không biết dùng những thí dụ đó ?
Trả lời phỏng vấn 1 tác phẩm vĩ đại 70 năm mà không hiểu được ý nghĩa của tác phẩm trong thời đại ngày nay. Đáng buồn!