Vòng nguyệt quế cho bệnh viện Trung ương Huế

2
Bênh viện trung ương Huế.

Trong đại nạn y tế hiện nay tại Việt Nam với các tệ trạng xảy ra ngay từ khi thân nhân đưa người bệnh qua cổng bệnh viện như những khó khăn, tốn phí tìm chỗ đậu xe, đút lót y, bác sĩ thì mới được cứu chữa, bệnh nhân nằm hai, ba người một giường, thậm chí nằm la liệt trên sàn, thân nhân chen chúc trong phòng chờ chật chội, nóng bức, mà lại còn phải trả tiền mỗi ngày; thì với kinh nghiệm gia đình đưa mẹ vợ vào cấp cứu 15 ngày tại Bệnh Viện Trung Ương Huế, tôi thấy cần choàng vòng Nguyệt Quế cho Bệnh Viện Trung Ương Huế để các y, bác sĩ và các bệnh viện khác trên cả nước noi theo, hy vọng sẽ giảm được phần nào đau khổ cho 90 triệu người dân mỗi khi phải vào bệnh viện.

Một ngày vào cuối tháng 4-2019, sau khi vào Bệnh Viện Đông-Hà, Quảng Trị thì mẹ vợ tôi được băng bó tay gẫy nhưng không được chụp hình vết thương đầu, có lẽ bệnh viện nhỏ không có máy chụp vết thương đầu, cho nên các em vợ tôi quyết định thuê xe cấp cứu chở mẹ thẳng vào Bệnh viện Trung Ương Huế. Xe cứu thương là xe dịch vụ của bệnh viện và có bảng giá rõ ràng, không ai thắc mắc. Giá xe chạy từ Đông Hà vào Huế, quảng đường 72 km tức gần 50 miles, với giá 1 triệu 500 ngàn tiền Việt tức gần bằng $65 đô Mỹ. Cô em vợ tôi cho biết giá này có kèm theo dịch vụ chăm sóc y tế trên xe không đắt và khiến mọi người hài lòng.

Khi tới Bệnh Viện Trung Ương Huế, xe chạy ngay tới phòng cấp cứu. Các y, bác sĩ trong phòng ra nhận bệnh một cách nhanh chóng rồi thực hiện mọi công việc khám nghiệm, đưa đi chụp hình thương tật, tay và đầu. Việc cấp cứu được tiến hành ngay, không cần phải đợi xong thủ tục hành chánh hay đóng tiền.

Cùng lúc đó em vợ tôi được hướng dẫn lên phòng hành chánh đóng tiền. Số tiền đóng là 2 triệu đồng. Mọi chi phí không phải đóng một lần mà nhiều lần, mỗi lần từ 2 tới 3 triệu. Sau này, khi ra viện sẽ được tính toán để trả lại số dư. Sau khi đóng tiền xong em vợ tôi trở lại bên cạnh mẹ. Khi nghe thuật tình hình bệnh trạng của cụ, tôi nhắc em vợ hãy bỏ tiền vào bì thư đút lót cho y tá, bác sĩ. Gì thì gì chứ cứu mạng mẹ mình thì mình phải làm mọi cách. Nhưng cô em tôi nói họ không nhận. Em vợ tôi thuật lại “Ngay khi vào phòng cấp cứu đã để 2 triệu trong một bì thư và đưa cho một cô y tá nói rằng biếu mấy y bác sĩ để uống cà phê.” Nhưng ngay lập tức cô y tá không nhận và bảo “Ở đây không nhận tiền đâu chị ơi!” Kể từ đó em tôi không bận tâm tới chuyện “đút lót” nữa. Đây là điểm đầu tiên gây ấn tượng với tôi so với các bệnh viện khác.

Trong ngày đầu tiên, cô em vợ tháp tùng bác sĩ, y tá đưa cụ đi chụp phim 2 lần. Sáng hôm sau chụp lại và bác sĩ cho biết kết quả là cụ bị tụ máu ở não. Sau đó cụ được chuyển lên phòng bệnh nặng ở tầng lầu trên. Bệnh viện có nhiều tầng lầu. Nghe tường thuật thì tôi nghĩ đây là phòng săn sóc đặc biệt dành cho những bệnh nhân bệnh nặng gọi tắt là ICU (intensive care unit) ở bệnh viện Hoa Ky. Tới khoảng 6 giờ chiều, bác sĩ gọi em vợ tôi tới cho biết cụ bị bệnh nặng, có xuất huyết ở đầu nên sẽ được theo dõi xem cụ có đỡ không. Em tôi nghĩ mẹ tôi đã bị xuất huyết não nhẹ (nên còn tỉnh táo) nhưng cụ đã quá lớn tuổi (90 tuổi) lại bị nhiều thứ bệnh như cao máu, cao mỡ, cao đường, lại chỉ còn một lá phổi cho nên bác sĩ không thể thực hiện giải phẫu để giải tỏa máu trên đầu.

Trong hai ngày đầu cụ còn tỉnh táo. Cô em vợ tôi lo việc chăm sóc mẹ. Hàng ngày cô mua cháo, sữa ở bên ngoài bệnh viện vào đút cho mẹ ăn. Nhưng sau hai ngày thì cụ bị hôn mê. Kể từ khi cụ bị hôn mê thì mọi việc dinh dưỡng đều do y tá trong phòng bệnh đảm nhiệm với thức ăn lỏng, sữa cũng do bệnh viện cung cấp qua đường ống vào thực quản. Ngoài việc dinh dưỡng, việc vệ sinh cơ thể của cụ đều do em vợ tôi phụ trách nhưng phải có sự giúp đỡ của mấy cô y tá, y công trong viện; vì xoay trở người bệnh nặng trên giường rất khó, chỉ y tá mới có chuyên môn giúp làm việc này, một mình thân nhân bệnh nhân không thể làm được. Một lần bà mẹ vợ tôi lên cơn run chân tay, mặt méo mó, hốc mắt tím đen như người chết rồi, rất may lúc đó cô em vợ đang có mặt nên vội báo bác sĩ. Khoảng 8 bác sĩ, y tá chạy lại cấp cứu, cho thở oxy, và chuyển giường tới ngay trước bàn giấy của họ để họ tiện theo dõi. Vừa nghe tường thuật của cô em vợ, vừa ngắt lời để hỏi về tình hình và thái độ chăm sóc của y, bác sĩ và nhân viên phục vụ, tôi được cô em vợ cho biết trong phòng có mấy chục bệnh nhân nặng, số y tá và nhân viên không nhiều nên trông họ rất bận rộn. Em vợ tôi thuật tiếp, tuy nhiên cách chăm sóc của họ rất nhiệt tình kèm với thái độ vui vẻ, khiến cô em vợ tôi thêm tin tưởng và an tâm.

Bệnh viện có nhiều tầng và nhiều phòng. Tuy cô em vợ tôi chưa đi qua tất cả mọi tầng và mọi phòng, nhưng cũng đã trông thấy khá nhiều phòng thì không thấy cảnh hai, ba bệnh nhân nằm một giường. Đặc biệt cô hoàn toàn không thấy bệnh nhân nằm dưới đất, chứ đừng nói là nằm ở gầm giường. Đây là điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên so với các bệnh viện khác tôi được thấy qua báo chí nhà nước. Mỗi ngày người thân được vào chăm sóc 4 lần. Thân nhân thăm viếng thì mỗi lần được vào 2 người vì cần bảo vệ người bệnh cùng mấy chục người bệnh khác trong cùng phòng. Phòng bệnh luôn sạch sẽ và không có mùi hôi.

Thân nhân cần có mặt thường trực ở phòng chờ đợi để khi cần bác sĩ gọi vào dặn dò hay trao toa thuốc. Trước kia thân nhân ngồi chờ ở ngoài sân. Phòng chờ nay đã được xây mái nên cũng thoải mái, thoáng mát, không phải chen chúc. Trong phòng chờ có ghế ngồi cho mọi người. Không có cảnh người nằm la liệt như ở các bệnh viện khác trong các bản tin của báo chính thống. Phòng chờ được tổ chức gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi khi bệnh viện cần gặp thân nhân thì có loa gọi. Những thân nhân nào cần ở lại đêm thì có phòng trọ cho ở lại. Trong phòng trọ có nhiều giường tầng. Mỗi giường tầng được cho thuê với giá $30,000 một ngày đêm. Không có cảnh các thân nhân bệnh nhân ở lại bệnh viện bày biện bếp nấu lộn xộn. Các thân nhân đều mua thức ăn, nước uống ở bên ngoài bệnh viện. Bởi thế phòng chờ rất sạch sẽ và ngăn nắp. Cô em vợ cho tôi biết việc tổ chức cho thân nhân ở lại bệnh viện như vậy là quá tốt đẹp. Nói chung bệnh viện không có mùi hôi, chốc chốc lại có người dọn vệ sinh.

Hàng ngày bác sĩ gặp cô em vợ tôi thông báo bệnh tình của cụ và cho toa mua thuốc. Mỗi toa thuốc khoảng 7 hay 800 ngàn. Cô em tôi cho biết tiền thuốc như vậy cũng bình thường. Nhưng cô không biết những ai không có tiền mua thuốc thì sao. Chỉ có một chuyện cô kể là có 2 cô gái người sắc tộc ở trên núi gánh người cha bị bệnh nặng, bụng ỏng. Sau khi người cha được vào phòng bệnh nặng thì 2 cô con tâm sự chắc người cha không sống được. Bệnh viện cũng chẳng bao giờ đưa hai cô toa mua thuốc, vì người sắc tộc làm gì có tiền. Tất cả thuốc men đều do bệnh viện. Nhưng cuối cùng người cha khỏi bệnh. Hai cô gái thật mừng. Riêng bà cụ mẹ vợ tôi thì có bảo hiểm riêng cùng với bảo hiểm xã hội của người già nên có nhiều thứ thuốc cũng như truyền máu không phải tốn tiền. Gia đình chỉ phải tốn tiền mua thêm thuốc bên ngoài thôi. Thuốc mua tại nhà thuốc của bệnh viện.

Cô em vợ tôi cũng không thấy người bệnh nào không có thân nhân chăm sóc, cho nên cũng không biết nếu một bệnh nhân nặng phải nằm trong ICU mà không có thân nhân thì sẽ ra sao.

Xe cộ ra vào bệnh viện rất trật tự. Có chỗ đậu xe cho xe hơi và xe hai bánh. Khác với tường thuật của báo chí lâu nay tại các bệnh viện khác việc xe cộ ra vào bệnh viện bị cấm cản, gây khó dễ bởi bảo vệ.

Sau 13 ngày bị hôn mê, phải có ống trợ thở và ống dinh dưỡng, gia đình chúng tôi chỉ cầu mong hoặc mẹ mình chóng hồi tỉnh hoặc nếu không thể hồi tỉnh được thì cũng cầu mong cho cụ sớm ra đi chứ không nên kéo dài lây lất khổ thân cụ, 90 tuổi rồi, kể ra cụ cũng đã thọ.

Ngày thứ 15, cô em vợ cho biết khi y tá đút sữa cho cụ thì sữa bật ra. Như vậy là cơ bắp đã không còn hoạt động nên cụ không ăn được nữa. Bác sĩ thông báo cho gia đình chúng tôi là hiện nay do tuổi lớn, và tiền sử bệnh nặng, bác sĩ đã tận tâm. Tới trưa thì họ gọi lần nữa báo là bệnh cụ nặng, ý nói chữa không nổi. Tới chiều họ khuyên thu xếp mang cụ về. Chúng tôi lại thuê xe cấp cứu của bệnh viện đưa cụ về lại Đông Hà.

Hai ngày sau em vợ tôi mới trở lại bệnh viện để làm giấy thanh toán chi phí. Kết quả là tổng cộng gia đình đã nạp 6 triệu (chưa tới 300 đô Mỹ), sau khi tính toán trả tiền dinh dưỡng, ngoài ra không phải trả tiền gì khác, em vợ tôi đã nhận lại 4 triệu.

Gặp lại cô ý tá hôm nhận bệnh cấp cứu, cô còn nhớ và vui vẻ hỏi thăm và chia buồn với gia đình. Tôi hỏi cô em vợ nhận xét tổng quát có hài lòng sau 15 ngày kinh nghiệm tại bệnh viện này không thì cô cho biết “Hoàn toàn hài lòng, không điều gì phải than phiền!” Cô cho biết bác sĩ giám đốc hiện nay tên Hiệp (không biết có chính xác không), trạc gần 50, làm mọi việc trôi chảy, được nhiều người khen.

Không biết nhận xét của cô em vợ tôi có chính xác 100% không, nhưng tôi nghĩ chỉ cần đúng 80% thì kể ra Bệnh viện Trung Ương Huế cùng với Bác sĩ Giám Đốc và toàn thể nhân viên trực thuộc đều đáng được khen thưởng và làm mẫu mực cho cả nước.

Chính vì thế tôi viết bài này trước hết để cám ơn các bác sĩ, y tá, nhân viên tại bệnh viện này đã hết lòng chăm sóc cho mẹ vợ tôi, dù cuối cùng vì tuổi cao cụ đã không qua khỏi. Đồng thời quan trọng hơn hết, tôi muốn đề nghị bà Bộ trưởng Y Tế Nguyễn thị Kim Tiến hãy cho các bác sĩ giám đốc bệnh viện trên cả nước cùng với các y tá trưởng ra Huế học tập cách điều hành, hoạt động của Bệnh viện Trung Ương Huế thì 90 triệu người dân cả nước được nhờ lắm thay.

Nguyễn Tường Tâm

(Tác giả là luật gia, sinh sống tại Hoa Kỳ)

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên