Xung quanh nghi vấn “Vua Tự Đức là con của ai”?

0
Vua Tự Đức. Ảnh VOV

Lời tác giả: Hồi đầu tháng 3 này, báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài viết của tôi về những “nghi án” thời Nguyễn, trích từ sách HUẾ – TRIỀU NGUYỄN. MỘT CÁI NHÌN của tôi.
Báo Thanh Niên dự kiến sẽ in loạt bài này trong 10 kỳ, nhưng mới in được một kỳ thì dừng, không rõ vì lý do gì.

Do báo Thanh Niên dừng đột ngột nên nhiều bạn bè của tôi trên FB đề nghị tôi đăng tiếp loạt bài này cho họ đọc. Vì thế, hôm nay tôi bắt đầu đăng loạt bài này trên tài khoản FB này, nhưng tôi sẽ đăng thành 3 bài dựa trên 3 “nghi án” khác nhau.

Dưới đây là bài thứ nhất:

—————————-

Một ngày đầu xuân Đinh hợi (2007), có một ông cụ tầm 80 tuổi đến tìm tôi ở nơi làm việc. Sau lúc sơ kiến, ông cụ hỏi tôi: “Anh là người nghiên cứu lịch sử, vậy anh có bao giờ nghe chuyện vua Tự Đức không phải là con ruột của vua Thiệu Trị mà là con của đại thần Trương Đăng Quế không?”.

Tôi thưa: “Lời đồn đãi này đã có từ lâu. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước đã cố công tìm hiểu thực hư chuyện này và đã công bố khảo cứu của họ trên nhiều sách báo. Cách nay 15 năm, tôi có đọc một bài viết in trên tạp chí Thế Giới Mới của Quốc Thái viết về chuyện này. Tác giả bài viết này đã xác quyết Trương Đăng Quế không thể là cha ruột của vua Tự Đức với những luận cứ có vẻ rất xác đáng. Sau bài viết này, không thấy ai tranh luận gì thêm. Tôi tưởng mọi việc đã êm rồi”.

Ông cụ nói: “Không phải thế đâu. Tôi tặng anh cuốn sách mà tôi đã dày công biên soạn. Toàn bộ bí ẩn của chuyện này đều nằm trong đó. Anh đọc rồi sẽ rõ”. Ông cụ rút trong cái túi mang theo bên mình một cuốn sách, viết lời đề tặng tôi rồi ra về.

Cuốn sách tựa là Bức mật thư ĐẤT – NƯỚC – GIÓ – LỬA trong THƯƠNG SƠN THI TẬP; Tác giả: Trần Như Thổ; Nxb VHTT xuất bản năm 2005.

Tôi đã đọc cuốn sách này một cách cẩn thận, say mê và rồi nhận ra rằng: đã 125 năm sau ngày vua Tự Đức thăng hà, câu hỏi “Vua Tự Đức là con của ai?” vẫn còn là một điều bí ẩn và tiếp tục làm hao tốn giấy mực của giới nghiên cứu. Cuốn sách của Trần Như Thổ chính là một nỗ lực nhằm giải mã bí ẩn này.

Tuy nhiên, do cách viết của Trần Như Thổ khá rối rắm nên người đọc khó mà thâu nhận hết những gì mà tác giả muốn “giải mã” thông qua nội dung cuốn sách này. Vì thế, tôi viết bài này, cung cấp thêm những sử liệu liên quan đến “nghi vấn lịch sử” nói trên, đồng thời tóm lượt những điểm chính trong cuốn sách Bức mật thư ĐẤT – NƯỚC – GIÓ – LỬA trong THƯƠNG SƠN THI TẬP để ai quan tâm thì có thể dễ dàng tiếp nhận những thông tin mà Trần Như Thổ đã trình bày trong cuốn sách để đời của ông.

1. Những luồng dư luận

Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, trước khi lên nối ngôi được đặt tên Thì, một chữ trong bài Tự chế mạng danh thi của vua Minh Mạng. Ông sinh ngày 25 tháng Tám năm Kỷ sửu (22.9.1829), là con trai thứ hai của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng) và bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ sau này).

Tháng Giêng năm 1841, vua Minh Mạng thăng hà, hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông được chọn là người kế vị ngai vàng. Ngày 11.2.1841, Miên Tông đăng quang ở Thái Hòa điện, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Phạm Thị Hằng được tân vương phong làm Cung tần. Năm 1843, vua Thiệu Trị phong cho Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là con trai trưởng của vua với bà Quí nhân Đinh Thị Hạnh, tước An Phong Công và cho ở tiềm đế, chuẩn bị kế vị ngai vàng sau này. Năm 1844, Thiệu Trị mới phong cho Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tước Phúc Tuy Công.

Tháng Tám năm Đinh mùi (9.1847), vua Thiệu Trị ốm nặng, biết khó qua khỏi, nên cho gọi Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần: Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào hầu, và bảo: “Ta nối nghiệp lớn đã bảy năm, ngày đêm lo lắng không dám vui chơi, mấy lâu se mình, hôm nay ta mệt lắm. Ta lo nghiệp lớn của tổ tông phó thác cho ta nên phải lựa chọn người để yên xã tắc. Trong mấy người con, Hồng Bảo tuy là con lớn, nhưng thứ xuất, mà lại kém cõi ít học, ham chơi, nối nghiệp lớn không được. Con thứ hai là Phúc Tuy công thông minh ham học, giống in như ta đáng nối ngôi vua. Hôm trước ta đã phê vào chiếu để trong long đồng, các ngươi phải kính noi theo, đừng trái mệnh”.[1]

Tháng Mười năm Đinh mùi (11.1847) vua Thiệu Trị thăng hà. Đình thần triều Nguyễn, đứng đầu là Trương Đăng Quế, đã đưa Hồng Nhậm lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức (1848 – 1883). Việc “phế trưởng, lập thứ” này lập tức gây xôn xao dư luận đương thời. Người ta nghi rằng có sự mờ ám trong việc “phế, lập” này và quy cho người gây nên mọi sự chính là Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế. Từ đó nảy sinh mấy nghi vấn: Hồng Nhậm chính là con ruột của đại thần Trương Đăng Quế, được đánh tráo làm con của vua Thiệu Trị và vị đại thần này đã dùng quyền uy của mình ép vua Thiệu Trị đưa Hồng Nhậm lên ngai vàng? hoặc: Trương Đăng Quế tư thông với bà Phạm Thị Hằng, sinh ra Hồng Nhậm. Vua Thiệu Trị không biết chuyện này, chỉ căn cứ vào sở tài và sở đức của Hồng Nhậm mà chọn ông lên kế vị… Thực hư chuyện này không ai hay, tuy nhiên, từ đó đến nay, vấn đề “vua Tự Đức là con của ai?” đã làm hao tốn tâm trí và giấy mực của các nhà nghiên cứu lịch sử. Chẳng hạn:

– Giáo sĩ Paul Gally, trong một bức thư gửi giáo sĩ Barrau của Hội Thừa sai Paris, đề ngày 15.1.1852, rằng: “Ông hoàng Bảo, cũng gọi là An Phong, với tư cách là trưởng nam của vua Thiệu Trị, tự nhiên đáng lẽ phải kế vị nhà vua… Nhưng ông Cai Trương, mà người ta thường gọi là Ông Quế, vị thượng thư đầy quyền lực ở triều đình đã cướp ngôi của ông, để dành cho con rể của ông ta là Tự Đức”.[2]

– “Theo lời truyền khẩu, vua Tự Đức là con Trương Đăng Quế thông dâm bà Từ Dũ”.[3]

– “Tương truyền rằng Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) là con Trương Đăng Quế, lúc bấy giờ là một quyền thần rất có thế lực tại triều, lại là chồng của một bà công chúa em vua Thiệu Trị, nên xuất nhập bất cấm ở cung điện nhà vua. Nhân dịp vợ vua Thiệu Trị là hoàng thái hậu Từ Dũ và vợ Quế cùng sinh con trai nhằm một ngày, Quế lợi dụng sự bất cấm nói trên để đem con trai mình tên là Trương Quang Đản vào nội (giấu trong tay áo thụng), đánh lộn sòng với con trai vua Thiệu Trị. Trong hàng nội giám và thị nữ trong nội cung, có người hay chuyện nhưng không ai dám hé môi vì sợ Quế hãm hại. Có lẽ cũng là một duyên cớ cho Đoàn Hữu Trưng vin vào đó để mưu lật đổ vua Tự Đức và lập con Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngôi”.[4]

– “Dư luận đương thời cho rằng Trương Quang Đản (con Trương Đăng Quế) là con vua Thiệu Trị, còn Tự Đức mới là con của Trương Đăng Quế tư thông với bà Từ Dũ”.[5]

– “Sử nhà Nguyễn chép về việc của An Phong quận vương (Hồng Bảo) quá vắn tắt, chứng tỏ thiếu minh bạch. Di chiếu đức Hiến Tổ (vua Thiệu Trị), tuy có chép trong Quốc triều chính biên, nhưng dính vào việc phế truất ông đương nhiên phải có đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ”.[6]
……

Những luồng dư luận trên, có lẽ, xuất phát từ một loạt các sự kiện liên quan đến việc tranh giành quyền lực giữa hai anh em Hồng Bảo – Hồng Nhậm và sự can thiệp của Trương Đăng Quế để bảo vệ ngai vàng của vua Tự Đức: bắt đầu bằng sự kiện vua Thiệu Trị “phế trưởng, lập thứ” dẫn đến việc Hồng Bảo nổi loạn vào năm 1851, bị vua Tự Đức tống giam và chết trong ngục thất vào năm 1854, và cuối cùng là việc Đoàn Hữu Trưng cầm đầu “loạn Chày vôi” vào tháng 10.1866, âm mưu lật đổ vua Tự Đức, đưa con trai của Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngai vàng, nhưng đã bị thất bại.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác các lời đồn đãi trên và tìm cách chứng minh sự vô can của đại thần Trương Đăng Quế trong việc “phế, lập” của vua Thiệu Trị và cho rằng hoàn toàn không có chuyện dan díu giữa vị Cố mệnh lương thần này với bà Từ Dũ.

2. Mối quan hệ giữa đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ

Hai người này, một người là từng làm quan suốt 43 năm, trải ba đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; được phong là Lưỡng triều Cố mạng lương thần và Tam triều Thạc phụ; là một bậc đại danh thần của vương triều Nguyễn; người kia là con của đại thần đầu triều, 14 tuổi nhập cung làm vợ của hoàng trưởng tử; 36 tuổi trở thành quý phi; 39 tuổi là hoàng thái hậu; có tầm ảnh hưởng đến tám đời vua Nguyễn, từ Thiệu Trị cho đến Thành Thái; được tấn tôn là Nghi Thiên Chương hoàng hậu, đức hạnh vang danh.

Vậy, có hay không mối “dan díu” giữa một bậc đại danh thần và một bậc mẫu nghi thiên hạ?

* Lưỡng triều cố mạng lương thần

Trương Đăng Quế tên tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê, sinh ngày 1 tháng Giêng năm Quí sửu (1793) tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổ tiên của ông quê gốc ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, di cư vào Nam dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635) cầm quyền ở Đàng Trong.

Năm 1819, Trương Đăng Quế thi đỗ Hương tiến (tương đương Cử nhân sau này), là người Quảng Ngãi đầu tiên đỗ đạt trong khoa cử thời Nguyễn. Năm 1820, ông nhập quan trường với chức Lễ bộ hành tẩu của triều Minh Mạng; ít lâu sau được thăng lên Biên tu, được bổ làm thầy dạy học cho các vị hoàng tử con vua Minh Mạng. Năm 1830, ông được thăng Công bộ thị lang, rồi Lễ bộ thị lang, đến năm 1831 thì được thăng Hộ bộ tham tri kiêm quản Vũ khố, sung chức Độc quyển thi điện, làm giám khảo chấm bài thi của các tiến sĩ ứng thí thi đình). Năm 1832, ông giữ chức Binh bộ thượng thư, kiêm giữ ấn triện Đô sát viện, sung Cơ mật viện đại thần. Về sau, ông được vinh thăng Lễ bộ thượng thư, Văn Minh điện đại học sĩ, cung hàm Thái phó (sau khi mất được vua Tự Đức truy tặng Thái sư), tước Tuy Thạnh Quận Công.

Tuy chỉ đỗ Hương tiến, nhưng trong suốt 43 năm làm quan, Trương Đăng Quế đã được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức tin dùng, giao phó đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, mang lại những thành tựu đáng nể phục cho triều đình và đất nước. Tuy quyền cao chức trọng, nhưng Trương Đăng Quế lại là người sống giản dị và thanh liêm; phong thái ung dung, tự tại. Chính vì thế mà ông đã hai lần được giao trọng trách Cố mạng lương thần: lần thứ nhất phụng mệnh vua Minh Mạng đưa vua Thiệu Trị lên ngai vàng (1841); lần thứ hai vâng mệnh vua Thiệu Trị đưa vua Tự Đức lên ngôi báu (1847).

Khi đến tuổi hưu, ông phải nhiều lần dâng sớ xin về quê hưu dưỡng, vua Tự Đức không thuận, cố tìm cách lưu dụng ông; sau mấy phen đình hoãn mới y cho vì không muốn làm trái ý Thạc phụ. Ngày Trương Đăng Quế quy hương, đình thần đặt tiệc ở bến sông Hương; còn hoàng thân, công chúa thì đặt tiệc ở đình tiếp khách của Thương Sơn Công Miên Thẩm để đưa tiễn. Thơ văn tống tiễn không kém một nghìn bài.
Lúc về trí sĩ ở quê nhà, Trương Đăng Quế vẫn lo nghĩ đến chuyện quốc sự, nên thường xuyên dâng tấu tham vấn cho vua Tự Đức. Sau khi ông mất, vua và đình thần thương tiếc không nguôi; đích thân Tuy Lý Công Miên Trinh soạn văn bia khắc vào bia đá dựng trước mộ ông.[7]

* Nghi Thiên Chương hoàng hậu Từ Dũ

Bà Từ Dũ tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng Năm năm Canh ngọ (1810) tại Tân Hòa, Gia Định (nay thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là con gái của Lễ bộ thượng thư Phạm Đăng Hưng, điện hàm Cần Chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công.

Thuở nhỏ bà thích đọc sách, thông kinh sử, tính tình hiếu hạnh. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao hoàng hậu (mẹ vua Minh Mạng), tuyển vào cung làm vợ của hoàng trưởng tử Miên Tông đang ở tiềm để, chờ ngày nối ngôi. Năm 1829, bà sinh hạ hoàng nam Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau khi đã sinh cho Miên Tông hai hoàng nữ vào các năm 1824 và 1826. Năm 1841, vua Thiệu Trị bước lên ngôi báu, bà được phong làm Cung tần; năm 1843 được phong làm Thành phi; đến năm 1846 được phong làm Quý phi, là bậc cao nhất trong cửu giai (chín thang bậc quy định chức phận của các bà vợ vua).

Là người thông minh, học rộng, nhớ nhiều, nên bà được vua Thiệu Trị tin cẩn, thường hay tham vấn. Khi vua ngự ở điện Khâm Văn để bàn việc nước, bà được ngồi ở sau vách để nghe lời tâu của bá quan và lời chỉ thị của vua để khi cần mà trình lại. Trong cung thì bà hết lòng nuôi nấng, dạy dỗ các hoàng tử và hoàng nữ. Vì thế vua Thiệu Trị rất ngợi khen và trọng vọng bà, mỗi khi diện kiến thường gọi là phi mà không gọi tên. Khi vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng, bà hầu hạ ngày đêm, vì thế, những việc cơ mật về sau bà đều được vua dặn dò kỹ càng. Trước lúc lâm chung, vua Thiệu Trị bảo quần thần “Quí phi là nguyên phối của trẫm, phúc đức hiền minh giúp việc trong cung cho trẫm đã bảy năm, ý trẫm muốn lập làm hoàng hậu. Tiếc thay chưa kịp”.[8]

Năm 1849, vua Tự Đức tôn bà làm hoàng thái hậu. Đến năm 1883, vua Tự Đức thăng hà, để lại di chiếu tấn tôn bà làm Từ Dũ hoàng thái hậu, nhưng đến năm 1885 mới làm lễ tôn phong.

Là người ở vị trí cao nhất trong nội cung suốt bảy đời vua, từ Tự Đức cho đến Thành Thái, bà Từ Dũ là người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn. Vì thế, các phe phái trong triều luôn tìm cách trá mệnh bà trong các việc “phế, lập” các vị vua. Sau khi xảy ra vụ Kinh đô thất thủ vào tháng 7.1885, bà bị ép đưa ra Quảng Trị nhưng bà không chịu đi, đình thần phải đưa bà tạm lánh vào Khiêm lăng. Sau khi tình hình trong cung tạm yên, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường mới rước bà trở về Đại Nội Huế.

Theo ghi chép của sử sách triều Nguyễn, bà là người đức hạnh, biết chăm lo cho chồng, là người mẹ nghiêm khắc của vua Tự Đức và rất được các vị vua kế nhiệm kính nể, tôn sùng. Bà mất năm 1901, hưởng thọ 92 tuổi.

* Có hay không mối tư thông giữa đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ?

Theo tác giả Quốc Thái, trong bài viết Vua Tự Đức con ai? in trên tạp chí Thế Giới Mới vào tháng 9.1992, thì vua Tự Đức không thể là con trai của Trương Đăng Quế vì không thể có chuyện dan díu giữa Trương Đăng Quế và bà Phạm Thị Hằng. Sở dĩ như thế là vì những lý do sau:

– Khi sinh Hồng Nhậm, bà Phạm Thị Hằng “mới 15 – 16 tuổi, hoàng trưởng tử Miên Tông mới 23 tuổi, đang độ cường tráng thanh xuân, khí huyết phương cương, tràn trề nhựa sống, lại thương yêu bà hết mực và tương lai sẽ lên ngôi vua. Thế thì bà Phạm Thị Hằng còn ước muốn cái gì trên đời này nữa mà lại đi tư thông với một ông quan đáng tuổi cha mình. Vào thời điểm đó, Trương Đăng Quế còn là một ông quan bình thường, chưa có địa vị và tên tuổi gì đáng kể tại triều đình Huế”.[9]

– Tự Đức sinh ra dưới triều Minh Mạng, là thời kỳ vàng son cực thịnh của vương triều Nguyễn. Vua Minh Mạng là một ông vua chuyên chế, cực kỳ nghiêm khắc, siêng năng cần mẫn, thận trọng và quán xuyến tối đa trong mọi việc. “Đây là thời kỳ quân chủ pháp trị, kỷ luật nghiêm minh, trật tự quy cũ, thưởng phạt đâu ra đó. Vậy thì cho dù bị ‘tiếng sét ái tình’, thử hỏi một cô gái xuân xanh, con quan đại thần như Phạm Thị Hằng và một ông quan cực kỳ khôn ngoan như Trương Đăng Quế có dám phiêu lưu mạo hiểm, vượt qua Tử Cấm Thành, qua mặt quan quân, thái giám và tam cung lục viện để ‘vuốt râu, giỡn mặt’ vua Minh Mạng, người luôn sẵn sàng ban phát ân huệ ‘tru di tam tộc’ kia không?”.[10]

– Bà Phạm Thị Hằng vào cung làm vợ Miên Tông lúc mới 14 tuổi, hoàn toàn xa lạ với nề nếp sinh hoạt cung đình. Bà lại được chính Thuận Thiên Cao hoàng hậu tuyển chọn cho cháu đích tôn (Miên Tông), là người được chính tay bà chăm sóc nuôi nấng từ nhỏ, nay đang ở ngôi Đông Cung thái tử, chuẩn bị kế vị ngai vàng. Vậy thì, “Phạm Thị Hằng hẳn nhiên là cái ‘đích’ được giám sát tối đa bởi Thuận Thiên Cao hoàng hậu và toàn thể thái giám, cung nga thể nữ trong cung, nên bà có dám phiêu lưu làm cái chuyện tày trời kia không?”.[11]

– Về phần Trương Đăng Quế, ông là một danh thần được trọng dụng suốt ba triều vua Nguyễn. Sở dĩ ông được vua Minh Mạng tin dùng vì ông đã chứng tỏ tài đức của mình; đã được thử lửa thử vàng. Xung quanh ông lại có nhiều quan lại thanh liêm, trung nghĩa như Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Đức, Phan Thanh Giản, Võ Trọng Bình… đều là những người quả cảm và tinh tường. Liệu Trương Đăng Quế có dám qua mặt vua Minh Mạng, hoàng trưởng tử Miên Tông và các đại thần kia để chơi trò “chim chuột” với một cung nữ như Phạm Thị Hằng?[12]

Với những biện giải trên đây, tác giả Quốc Thái bác bỏ hoàn toàn “mối tư tình” giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng. Đến nay, thực hư chuyện này vẫn chưa rõ, nhưng những lập luận của ông Quốc Thái về những “điều không thể” trong việc tạo nên “mối dan díu” giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng thì chưa thực sự thuyết phục. Dưới đây là những điểm, theo tôi, rất đáng lưu ý:

– Trương Đăng Quế sinh năm 1793. Phạm Thị Hằng sinh năm 1810. Hai người cách nhau 17 tuổi. Trong chuyện yêu đương, khoảng cách đó không phải là một trở ngại. Năm 1829, khi sinh hạ Hồng Nhậm, Phạm Thị Hằng đã 20 tuổi, Trương Đăng Quế mới 36 tuổi. Trên phương diện luyến ái, đây là những độ tuổi đang “sung” đối với cả hai phía. Ngoài ra, vua Thiệu Trị mất năm 41 tuổi do bạo bệnh, vậy thì cái sự “cường tráng thanh xuân, khí huyết phương cương, tràn trề nhựa sống” của Miên Tông vào năm 23 tuổi như ông Quốc Thái khẳng định chưa hẳn chính xác.

– Mặt khác, bảo Trương Đăng Quế không dám vượt qua Tử Cấm Thành, qua mặt thái giám và cung nga thể nữ để “tư thông” với Phạm Thị Hằng là không có cơ sở, vì Tử Cấm Thành là nơi ở của vua, các cung phi mỹ nữ và các hoàng tử, hoàng nữ chưa có gia đình. Miên Tông là hoàng trưởng tử đang ở tiềm để; đã lập thê thiếp, hẳn phải ở phủ riêng, không nằm trong Tử Cấm Thành. Việc quản lý ở nơi tiềm để sẽ không nghiêm nhặt bằng nơi cung cấm của vua và các cung phi. Ngoài ra, do vào thời điểm 1828 – 1829, vì Trương Đăng Quế đang là một vị quan nhỏ trong triều và Phạm Thị Hằng chỉ là một Cung tần, vợ thứ của một hoàng trưởng tử, nên càng ít ai để ý, giám sát.

– Phạm Thị Hằng được Thuận Thiên Cao hoàng hậu sủng ái, thường gọi vào nơi ở của bà (cung Trường Ninh, nằm ngoài Tử Cấm Thành) để dạy bảo và hầu hạ. Đó chính là những dịp thuận lợi để chuyện “dan díu” có thể xảy ra, nếu muốn.

Và một trong những chỗ mà Thuận Thiên Cao hoàng hậu và Phạm Thị Hằng thường lui tới là Khương Ninh Các, một tòa lầu quạnh quẻ và bí ẩn nằm ở góc sau cung Diên Thọ, chính là nơi mà tác giả Bức mật thư ĐẤT – NƯỚC – GIÓ – LỬA trong Thương Sơn thi tập khẳng quyết là nơi đã xảy ra “nghi án tư thông” giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng.

3. Bức “mật thư” trong Thương Sơn thi tập

Theo Trần Như Thổ, đó chỉ là một trang chữ Hán, được khắc in trong bộ 倉山詩集 (Thương Sơn thi tập) của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, gồm 241 chữ Hán, nhưng chứa đựng nhiều tâm sự và ẩn ý. Phần trung tâm của trang văn này là một bài thơ, tựa là 送陳如圭兼寄伯氏東山尹良玉 (Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc: Tiễn Trần Như Khuê cùng gửi bác Đông Sơn Nguyễn Lương Ngọc), được viết vào mùa thu năm Mậu ngọ (1858).

Trong phần diễn giải bài thơ này, Trần Như Thổ viết: “Đấy là một trang viết đặc biệt độc đáo, gồm hai mạch ý tứ có bản chất trái hẳn nhau, nhưng lại được tác giả thể hiện đồng thời trong một dạng chữ Hán tượng hình duy nhất: mạch ý công khai và mạch ý tác giả muốn giữ kín”.[13]

Mạch công khai là một “bức thư gửi thăm bạn phương xa”; còn mạch ẩn ý, theo Trần Như Thổ, chính là bức mật thư liên quan nghi vấn “vua Tự Đức là con của ai?”.

* Tùng Thiện Vương Miên Thẩm

Miên Thẩm là thi hào lừng danh trên thi đàn thời Nguyễn. Vua Tự Đức đã từng tán tụng: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” (Văn như của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì không còn văn thời Tiền Hán. Thơ như của Tùng Thiện Công và Tuy Lý Công thì thơ thời Thịnh Đường không còn đáng kể).

Miên Thẩm tên là Hiển, tự là Trọng Uyên và Thận Minh, hiệu là Thương Sơn và Bạch Hào Tử. Khi vua Minh Mạng ban Kim sách ngự chế về đế hệ thi thì ông được đổi tên là Miên Thẩm. Ông sinh ngày 24 tháng Mười năm Kỷ mão (11.12.1819), là con thứ 10 của vua Minh Mạng và bà Thục tần Nguyễn Thị Bảo. Lên bốn tuổi, ông đã theo học chữ Hán trong hoàng cung. Đến năm chín tuổi, ông đã làm bài Nam Giao thi (Thơ Nam Giao) nhân một lần theo vua Minh Mạng đi dự tế Nam Giao. Năm 16 tuổi ông làm bài thơ Trai cung tùng thụ (Thông ở Trai cung) được nhiều bậc thức giả ở Huế tán thưởng. Năm 1839 ông được phong là Tùng Quốc công, đến năm 1854, ông được phong là Tùng Thiện công.

Miên Thẩm có con gái là Thể Cúc, gả cho Đoàn Hữu Trưng, một nho sinh người làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Năm 1866, Đoàn Hữu Trưng liên kết với Hữu quân Tôn Thất Cúc, lãnh đạo những người dân phu đang tham gia xây dựng Vạn Niên Cơ (sau này là Khiêm Lăng của vua Tự Đức) tiến hành cuộc binh biến, tức “loạn Chày vôi”, chống vua Tự Đức. Cuộc binh biến bất thành, Đoàn Hữu Trưng cùng phe cánh bị xử tử. Miên Thẩm trói con gái và cháu ngoại đem dâng nạp, thượng sớ xin chịu tội vì không biết dạy bảo. Vua Tự Đức bảo: “Chú vốn có học, từ lâu đội ân sủng, há có lòng phản nghịch sao? Nhưng chọn rể không cẩn thận, để mất thanh danh, nay phạt trừ bổng tám năm”.[14]

Miên Thẩm mất ngày 30 tháng Ba năm Canh ngọ (30.4.1870), thọ 52 tuổi. Vua Tự Đức rất thương xót, tự làm bài văn tế, sai Tuy Lý Công Miên Trinh dâng cúng. Năm 1878, ông được truy tặng Tùng Thiện Quận Vương, đến năm 1924 được truy tặng Tùng Thiện Vương.

Tùng Thiện Vương là người thông minh, học rộng. Văn của ông trang nhã, khuôn phép. Thơ của ông đậm chất nhân văn, trữ tình. Ông đã trước tác 14 tập thi văn, trong đó có Thương Sơn thi tập. Trong lời tựa của Thương Sơn thi tập, Lao Sùng Quang, tiến sĩ đệ nhị giáp của nhà Thanh, là người đã từng đối họa thi văn với Miên Thẩm khi thay mặt Thanh triều sang tuyên phong cho vua Tự Đức, đã viết: “Thương Sơn có lẽ là trời sinh ra để cậy làm khuôn phép. Há chẳng phải nước Nam lấy đó làm đích cho các thi nhân noi theo sao?”.[15]

* Bức thư gửi thăm bạn phương xa

Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc là bài thơ in ở trang B, tờ 11, quyển 22 của bộ Thương Sơn thi tập lừng danh. Toàn văn bài thơ chỉ gồm 100 chữ, nhưng trong cùng trang in bài thơ này, ở phần trên có bài đoản văn dài 42 chữ; cuối bài thơ còn có bài dẫn dài 95 chữ.

Trần Như Thổ coi bài đoản văn và bài dẫn này chính là “chìa khóa” để giải mã những ẩn ý trong bài thơ Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc; cũng là “phương tiện” để khám phá nghi án “vua Tự Đức là con của ai?”

Bài đoản văn được in ở phía trên bài thơ, tạm gọi là bài “đố giải”, gồm hai đoạn văn tách biệt nhau. Đoạn bên phải dài 34 chữ: 叔伯賓中之賓, 季賓中之主作者, 又主中之主, 錯總交互如入襄暘. 草盧莫辨誰賓誰主 (Thúc bá tân trung chi tân, quý tân trung chi chủ tác giả, hựu chủ trung chi chủ, thác tổng giao hỗ như nhập tương dương. Thảo lư mạc biện thùy tân thùy chủ). Trần Như Thổ dịch: “Giữa chú và bác người ngồi ngôi trên là khách; ấy vị người khách nhỏ được chủ “nhấc lên”; lại do người chủ ở bên trong cố ý lầm lẫn vị trí người đứng đầu để cuộc chơi đắp đổi qua lại giúp nhau vào được nơi sáng tỏ nhất. Quý vị sáng suốt phân tích ai là chủ? ai là khách?”.

Đoạn bên trái dài 12 chữ: 周霽嵐云逸首. 妥協極為難得 (Chu tể lam vân dật thủ. Thỏa hiệp cực vị nan đắc). Trần Như Thổ dịch: “Đầu óc lầm lẫn đầy chướng khí này mong được xua tan sạch hết thảy. Đạt được việc khó nhờ quý vị vui lòng cùng nhau hết sức giúp cho”.

Theo Trần Như Thổ, bài đoản văn này đề cập ba nhân vật: hai người hiện diện (chú và bác) và một người ẩn diện (người sắp đặt mọi việc từ bên trong). Ba người này là ai? Có vẻ như bài thơ in ở phía sau bài đoản văn đã “giới thiệu” ba nhân vật này: 洛下有三嘏. 君家亦璵番. 伯叔既龍躍. 季子更鴻軒. 在昔登吾堂. 頭角皆絕世. 所恨居歡少. 荏苒動征旆. 伯子始東出. 仲氏繼南行. 離亭楊柳樹. 折處不及生. 長安五月中. 風塵浩如海. 羡爾歸路閒. 扁舟採蘭茞. 河陽倘經過. 幾日自停車. 為問賢明宰. 相思隔歲花 (Lạc hạ hữu tam hỗ. Quân gia diệc Dư Phiên. Bá thúc kí long dược. Quý tử cánh hồng hiên. Tại tích đăng ngô đường. Đầu giác giai tuyệt thế. Sở hận cư hoan thiểu. Nhẫm nhiệm động chinh bái. Bá tử thủy Đông xuất. Trọng thị kế Nam hành. Ly đình dương liễu thụ. Chiết xứ bất cập sinh. Trường An ngũ nguyệt trung. Phong trần hạo như hải. Tiện nhĩ quy lộ nhàn. Thiên chu thải lan chỉ. Hà dương thảng kinh quá. Kỉ nhật tự đình xa. Vị vấn hiền minh tể. Tương tư cách tuế hoa). Trần Như Thổ dịch: “Cuối dòng Lạc có ba sự phúc. Ngai vàng cùng ấn ngọc tôn nghiêm. Thứ, trưởng qua hai lượt chuyển quyền. Con nhỏ lớn cao thêm nối đức. Nhớ ngày trước lên thăm nhà tôi. Trí, lực cả hai đều hơn đời. Tiếc bạn ở chơi vui quá ít. Thoắt đưa, chinh chiến đến nơi rồi! Thoạt đầu con lớn hướng ra Đông. Tiếp bước chân, con thứ vào Nam. “Trạm tiễn” giơ cao cành liễu vẫy. Gãy cành, cây chẳng kịp hồi sinh. Trong năm tháng khắp chốn kinh đô. Gió bụi tung trời như biển xô. Mong bạn đường về mau nhẹ bước. Hái đầy thuyền nhỏ cỏ hương, hoa! Nếu ngang qua nơi ấy Hà Dương. Hãy dừng xe để mấy ngày đường. Tìm hỏi thăm giùm quan sở tại. Nhớ mong Người xa đã mấy năm”.

Đọc đoạn đoản văn phía trên bài thơ, dễ nhận diện ba nhân vật được đề cập trong bài thơ này. Đó là: Miên Thẩm, tác giả bài thơ (cũng là “bức mật thư”); Đông Sơn Doãn Lương Ngọc, người nhận “bức mật thư”; và Trần Như Khuê, người được Miên Thẩm ủy nhiệm trao “bức mật thư” cho Đông Sơn Doãn Lương Ngọc. Vậy ba người này có phải là ba nhân vật được đề cập trong đoản văn ở trên?

Theo Trần Như Thổ, bài dẫn viết ở phía cuối bài thơ Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc đã chỉ ra rằng: “Mọi việc thấy vậy mà không phải vậy?”, vì ba nhân vật được nhắc đến trong bài đoản văn, thật ra, chính là những người liên quan đến nghi án “vua Tự Đức là con của ai?”. Đó chính là: Trương Đăng Quế, vua Tự Đức và hoàng trưởng tử Hồng Bảo, anh ruột của vua.

Bài dẫn này cũng chỉ ra rằng việc vua Thiệu Trị “phế trưởng lập thứ” thực ra chỉ là phút hạ màn của một “vở diễn lịch sử” đã mở màn từ năm 1829.

Và nơi vở diễn ấy bắt đầu là một căn gác cô tịch bên trong Đại Nội, một tòa lầu nhưng mang hai tên gọi: Khương Ninh Các – Phước Thọ Am.

4. Chìa khóa của “bức mật thư”

Đọc bài thơ Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm trong Thương Sơn thi tập, chỉ thấy tác giả bày tỏ cảm nhận của mình với bốn đời vua đầu triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và tâm tình của tác giả đối với hai người bạn Trần Như Khuê và Đông Sơn Doãn Lương Ngọc; cũng như nỗi niềm của tác giả trước tình cảnh dân chúng phải chia lìa những người thân yêu do hoàn cảnh chiến chinh và sự rối ren ở chốn Kinh thành trong năm tháng vừa qua.

Tuy nhiên, Trần Như Thổ cho rằng: nhờ vào bài dẫn dài 95 chữ ở cuối bài thơ Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc, người đời sau có thể hiểu được những tâm sự sâu kín mà Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã ký thác trong bài thơ được coi là “bức mật thư” này.

Bài dẫn bắt đầu bằng một đoạn văn dài 29 chữ, nói về sự thay đổi “kỳ lạ” của một tòa nhà cổ ở trong Hoàng Thành Huế: 寫梵亭後面題壁. 亭在却屏山之北圇通寺後. 小岡上是和甫奉其先兄芸 (Tả phạm đình hậu diện đề bích. Đình tại khước bình sơn chi bắc luân thông tự hậu. Tiểu cương thượng thị hòa phủ phụng kỳ tiên huynh vân). Trần Như Thổ dịch: “Nói rõ ngôi nhà Phật mặt sau có biển treo tường. Nhà ấy nằm lùi mươi bước cách bức bình sơn thuộc cổng bắc đi thông tới sau chùa. Trên gác nhỏ ấy đều vừa mới kính thờ các người anh đã khuất từ ngày trước.

Tòa nhà này chính là Khương Ninh Các – Phước Thọ Am, tọa lạc ở phía tây Diên Thọ Cung. Diên Thọ Cung trong Hoàng Thành Huế được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1803 làm nơi ăn ở của các bà thái hậu, thái phi của triều Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Minh Mạng cho dựng ở góc tây bắc Diên Thọ Cung một công trình kiến trúc bằng gỗ hai tầng, đặt tên là Khương Ninh Các. Đây là nơi thờ cúng các vị thần, Phật, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các bà thái hậu, thái phi trong cung. Tầng trên Khương Ninh Các là nơi phụng thờ chư Phật cùng các vị thần linh của nhiều tôn giáo khác. Tầng dưới dùng làm nơi tá túc của các bà vào lúc cuối đời. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo của tòa nhà này: tuy chỉ là một công trình kiến trúc khiêm tốn nhưng Khương Ninh Các lại đảm nhận nhiều chức năng khác nhau: vừa là nơi thờ cúng, vừa là nơi trú tất; vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi thờ chư thánh. Do vậy mà tòa nhà này có hai tên gọi khác nhau: mặt trước có treo bức hoành đề ba chữ Hán: 康寧閣 (Khương Ninh Các) và mặt sau cũng treo một bức hoành, nhỏ hơn, đề ba chữ Hán: 福壽庵 (Phước Thọ Am). 庵 (Am) có nghĩa là ngôi nhà nhỏ bằng tranh, nhưng cũng có nghĩa là nơi thờ Phật. Nói cách khác, am cũng là chùa. Nhưng hai chữ 福壽 (Phước Thọ) là thuộc về trần gian, chứ không phải chữ nghĩa của nhà Phật. Hơn nữa, trong Phước Thọ Am không thờ Phật, mà chỉ thờ vong linh của những người trong hoàng gia triều Nguyễn đã khuất.

Phía tường bên phải tòa nhà Khương Ninh Các – Phước Thọ Am có trổ cổng gạch mở lối đi ra thông đến một tấm bình phong lớn, án ngữ cổng bắc của khuôn viên Diên Thọ Cung là Diễn Trạch Môn. Cổng này thông sang Trường Sanh Cung, là nơi ở của các thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Phía đông Diên Thọ Cung có cửa Thiện Khánh Môn thông với Gia Tường Môn của Tử Cấm Thành. Đây là con đường mà các vua Nguyễn và các bà phi trong Tử Cấm Thành dùng để đi sang Diên Thọ Cung và Khương Ninh Các.

Theo Trần Như Thổ: bằng câu văn ngắn gọn, Miên Thẩm đã mô tả rõ ràng vị trí và các điểm kỳ lạ, sự thay đổi bài trí và chức năng sử dụng phần phía sau tầng hai của tòa Khương Ninh Các, để biến thành Phước Thọ Am. Sự thay đổi kỳ lạ nhất thể hiện trong câu: 小岡上是和甫奉其先兄芸 (Tiểu cương thượng thị hòa phủ phụng kỳ tiên huynh vân), trong đó ba chữ 和甫奉 (hòa phủ phụng) có nghĩa là “đều vừa mới kính thờ”, nghĩa là việc thờ phụng “các người anh đã khuất” trong Phước Thọ Am là vừa mới xảy ra sau năm 1858. Vậy trước đó chỗ này để làm gì?

Theo tìm hiểu của tôi (TĐAS), ngày trước, chỗ này là nơi các bà hoàng thái hậu, hoàng thái phi thường lui vào tạm nghỉ trong những cuộc tụng kinh, lễ Phật kéo dài. Về sau, không hiểu vì lý do gì mà nơi này không còn người tới lui nên rơi vào hoang phế. Mãi đến thời điểm Miên Thẩm làm bài thơ này (1858), thì người ta mới “cải tạo” nơi ấy thành nơi thờ phụng “các người anh đã khuất”. Nhưng khi bài trí thờ tự trong Phước Thọ Am, người ta vẫn né tránh một gian nằm ở phía phải căn gác này, không dám đưa các anh linh vào thờ phụng nơi ấy, vì một nguyên do mà Trần Như Thổ đã chỉ ra: “nơi ấy đã bị ô uế” do vụ gian dâm của hai nhân vật chính trong câu chuyện này.[16]

Tiếp theo 29 chữ trên là hai câu: 亭君處盖遺今. 也屬佘名之… (Đình quân xứ cái di kim. Dã thuộc xà danh chi…). Theo mạch văn mà suy đoán, câu thứ 2 dường như bị thiếu mất một chữ cuối. Vì thế, Trần Như Thổ đã thêm vào đó chữ 古 (cổ) và dịch là: “Nhà ông (đang ở) còn sót đến nay được ưa chuộng nhất trong xứ, là thuộc dòng họ Xà để lại từ xưa”. Từ đó, Trần Như Thổ cho rằng, hai câu này Miên Thẩm ngợi khen Đông Sơn Doãn Lương Ngọc đã bảo tồn nguyên vẹn ngôi nhà mà ông đang ở, vốn là một ngôi nhà cổ thuộc nhà họ Xà từ xưa còn sót lại, nhưng thực ra Miên Thẩm có ý chỉ trích việc dùng gian phòng ở phía sau tầng hai Khương Ninh Các để làm nơi thờ tự “các người anh đã khuất” là phá hỏng sự tôn nghiêm thanh tịnh của một nơi thờ Phật mà tiên đế Gia Long đã cho xây dựng và sắp đặt.

Phần cuối bài dẫn dài 42 chữ: 解脫超然悟處高. 飄飄四大御風遨. 始知成佛先靈. 運却笑一作不顧. 為人詡伏滔窻裏六辰, 繙貝葉林間五. (Giải thoát siêu nhiên ngộ xứ cao. Phiêu phiêu Tứ đại nhạ phong ngao. Thủy tri thành Phật tiên linh. Vận tức tiếu nhất tác bất cố. Vi nhân hủ phục thao song lý lục thần, phiên bối diệp lâm gian ngũ). Trần Như Thổ dịch: “Lột bỏ cốt cách vượt qua sự đời mới hiểu thấu cõi Niết bàn. Ung dung tấm thân tứ đại đón gió dạo chơi. Cần hiểu trọn hết nguồn gốc huyền diệu của Phật tổ thời trước. Thời vận nực cười: một việc ‘nhấc lên’ không hề nói lại. Làm người luôn nằm chực khắp bên trong cửa ‘thức thứ Sáu’ để dịch giải kinh Phật về khoảng giữa rừng ngũ uẩn”.

Theo Trần Như Thổ, với đoạn văn này, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã bày tỏ nỗi niềm trước sự đời buồn chán nên phải đi tìm Đạo. Ông cho rằng sự đời thật nực cười, bởi việc “一作” (nhất tác: nhấc lên) làm đảo lộn cương thường, phi lễ nghĩa nhưng “不顧” (bất cố: không hề nói lại).

Trần Như Thổ đã lý giải chuyện này như sau: Sống vào hoàn cảnh sau cuộc phế lập năm 1847, từ việc phế bỏ Hồng Bảo, “nhấc” Hồng Nhậm lên ngai vàng, Miên Thẩm đã nghi ngờ rằng đây không phải là việc do vua Thiệu Trị quyết định. Sự “thay đổi” ấy diễn ra trong bối cảnh vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng và đang chờ chết, tất là việc không bình thường và chứa đựng nhiều yếu tố mờ ám. Đó là hành động “đổi trắng thay đen” của những người thân cận bên giường bệnh của vua Thiệu Trị, những người đã tạo nên “di chiếu giả” để phục vụ cho mưu đồ của họ. Vì chuyện này mà Miên Thẩm “chán đời, tìm Đạo”. Ngày ngày ông tập trung trí tuệ để đọc giải kinh Phật – 繙貝葉 (phiên bối diệp) – nhằm hiểu thấu muôn sự rối ren trong lòng người và việc đời đều do “ngũ uẩn” (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) mà nên.

Vậy ai là người đã làm nên cái chuyện “一作不顧” (nhất tác bất cố) ấy? Và vì sao họ lại làm thế? Giải mã ẩn ý trong “bức mật thư” Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc thì điều này sẽ được sáng tỏ.

5. Giải mã “bức mật thư”

Sau khi nghiền ngẫm, khảo cứu 249 chữ Hán trên trang B, tờ 11, quyển 22 in trong cuốn Thương Sơn thi tập của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Trần Như Thổ cho rằng ông đã tiếp cận được nội dung “bức mật thư” thông suốt từ đầu đến cuối.

Theo ông, “bức mật thư” này được cấu trúc thành bốn phần:

Phần 1: Nguồn gốc sinh ra kẻ tiếm ngôi.

Phần 2: Thế lực, ảnh hưởng của nhóm tiếm quyền và kế sách giải quyết nhóm này.

Phần 3: Tội trạng của kẻ chủ mưu đã từng bị xét xử.

Phần 4: Cách giải quyết việc này là nội công ngoại kích diệt trừ đầu sỏ, phế kẻ tiếm ngôi, lập vị vua thứ 5 để thay thế vua Tự Đức.

* Nguồn gốc sinh ra kẻ tiếm ngôi

Đây là “ẩn ý” của bài đoản văn dài 34 chữ viết ở bên phải, phía trên bài thơ: 叔伯賓中之賓, 季賓中之主作者, 又主中之主, 錯總交互如入襄暘. 草盧莫辨誰賓誰主 (Thúc bá tân trung chi tân, quý tân trung chi chủ tác giả, hựu chủ trung chi chủ, thác tổng giao hỗ như nhập tương dương. Thảo lư mạc biện thùy tân thùy chủ).

Theo Trần Như Thổ, nội dung bài đoản văn này khẳng định Hồng Nhậm (em) đang ngồi ngôi trên (ngai vàng) là khách (vì không thuộc dòng máu Nguyễn Phúc tộc). Còn người đang ở hàng dưới là Hồng Bảo (anh), trưởng nam của vua Thiệu Trị, mới là người chủ đích thực của triều đình.[17]

Bài đoản văn này được Trần Như Thổ giải mã như sau: Trong hai anh em, người ngồi trên là khách; ấy vì người khách nhỏ được chủ “nhấc lên”; lại do người chủ ấy ở bên trong cố ý lộn chồng, đắp đổi qua lại cuộc chơi vào cõi sướng thích với đàn ông. Quý vị phân tích ai là khách? ai là chủ?

Theo ông, nội dung bài đoản văn đề cập ba sự việc: Thứ nhất là việc phế Hồng Bảo (anh) để “nhấc” Hồng Nhậm (em) lên làm vua. Thứ hai nói về người mẹ sinh ra Hồng Nhậm (bà Phạm Thị Hằng) vốn được tuyển vào nơi Tiềm Đế để hầu hạ thái tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này), nhưng đã có quan hệ bất chính với một Nho quan là Trương Đăng Quế, người được vua Minh Mạng cho ra vào cung dễ dàng để dạy học cho các hoàng tử. Thứ ba nói về những người trong hoàng gia đời vua Minh Mạng, căn cứ vào thời gian xảy ra chuyện quan hệ bất chính ấy, so với ngày sinh của Hồng Nhậm, đã cho rằng Hồng Nhậm không thuộc dòng máu Nguyễn Phúc tộc.

* Thế lực, ảnh hưởng của nhóm tiếm quyền và kế sách giải quyết nhóm này

Vấn đề này được gửi gắm trong bài thơ Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc, dài 100 chữ. Trần Như Thổ đã dựa vào các thủ pháp dụng từ của Miên Thẩm, như: dùng từ đồng âm để diễn đạt nghĩa ẩn; tách một chữ thành nhiều chữ hoặc ghép nhiều chữ thành một chữ để tạo nét nghĩa mới; thay đổi cách đọc đối với những chữ có nhiều cách đọc để hiểu theo ý khác… để giải mã các “ẩn ý” phía sau nội dung “công khai” của bài thơ.

Chẳng hạn, câu 洛下有三嘏 (Lạc hạ hữu tam hỗ) nghĩa là “cuối dòng Lạc có ba sự phúc”: Chữ 洛 (lạc) có thể hiểu là “sông Lạc ở bên Trung Hoa” hay “quấn quanh, ràng buộc vào”; chữ 嘏 (hỗ: sự phúc) gồm chữ 古 (cổ: cổ xưa) và chữ 假 (giả: giả mạo) ghép lại; chữ 下 (hạ: phía dưới) có thể đọc là há (xuống, từ trên xuống dưới). Vì thế, câu này được “đọc” lại là: Lạc há hữu tam cổ giả nghĩa là “có ba người giả mạo đã ràng buộc với nhau từ trước”.

Câu 扁舟採蘭茞 (Biển chu thải lan chỉ) nghĩa là “thuyền nhỏ cắt hái hoa lan và cỏ thơm”. Chữ 扁 (biển: bảng hiệu) trong câu này còn có âm đọc là thiên (nhỏ); chữ 蘭 (lan: hoa lan) còn ngụ ý là “giới nữ quý phái” hay “người đàn bà quen chuyện trăng gió”; chữ 茞 (chỉ: cỏ chỉ, cỏ thơm) còn ngụ ý “người bình dân đang có danh vị”. Do vậy câu này có thể hiểu là “phải cắt bỏ (giết chết) người đàn bà quen chuyện trăng gió (ám chỉ bà Phạm Thị Hằng) và người bình dân đang có danh vị (ám chỉ Trương Đăng Quế).

Câu 相思隔歲花 (Tương tư cách tuế hoa) nghĩa là “nhớ người xa cách đã bao năm”. Chữ 相 (tương: cùng) trong câu này còn có âm đọc là tướng (coi giúp); chữ 思 (tư: nhớ đến) còn đọc là tứ (ý tứ); chữ 隔 (cách: ngăn cách) đồng âm với chứ 革 (cách: bỏ đi, phế đi); chữ 歲 (tuế: năm, tuổi), còn có nghĩa là “sao Tuế” (ngôi sao này quay một vòng quanh mặt trời hết 12 năm), nên chữ tuế còn ngụ ý là 12 năm; chữ 花 (hoa: bông hoa) còn ngụ ý là vết sẹo trên người mắc bệnh đậu mùa, vì thế hai chữ tuế hoa ám chỉ việc vua Tự Đức từng bị bệnh đậu mùa và đã ngồi trên 12 năm (tính từ lúc lên ngôi năm 1847 đến khi Miên Thẩm viết bài thơ này là năm 1858). Vì thế câu này có thể đọc là Tướng tứ cách tuế hoa, nghĩa là “ý nhờ (người) giúp phế bỏ ông vua bị bệnh đậu mùa đã cai trị trong 12 năm qua”.

Với cách giải mã này, Trần Như Thổ đã dịch lại bài thơ như sau:

“Có ba đứa giả quấn vào nhau. Mẹ thằng con cũng nắm quyền cao. Ngôi rồng qua anh, em đảo đoạt. Uy danh thằng nhỏ chẳng còn đâu!

Thịt khô kia lên chống giữ ngôi. Tướng với quân đều sẽ hết thời! Đời giận ứ đầy vui chi nữa. Mau kéo quân về trị chúng thôi.

Ông anh theo biển ra quân trước. Thứ đến trong này tiếp chân bước; Vây cung đình trướng ma treo cửa. Xử chết, đừng cho chúng kịp thoát!

Giữa tháng năm yên định lâu dài. ‘Chính đại’ nền xưa như biển đầy! Vậy bạn đưa về ‘quân nghĩa cử’. Hái loài Lan – Chỉ: hiệu thuyền bày.

Cao xanh như vượt qua ‘ngôi nó’. Ngưng vần xoay – điềm báo tới ngày. Trời sáng mắt mệnh lành ban tỏ. Ý giúp cho lìa bỏ Tuế Hoa”.[18]

* Tội trạng của kẻ chủ mưu đã từng bị xét xử

Điều này được thể hiện trong bài dẫn viết ở phần sau bài thơ Tống Trần Như Khuê kiêm ký bá thị Đông Sơn Doãn Lương Ngọc, bắt đầu bằng câu: 寫梵亭後面題壁. 亭在却屏山之北圇通寺後. 小岡上是和甫奉其先兄芸 (Tả phạm đình hậu diện đề bích. Đình tại khước bình sơn chi bắc luân thông tự hậu. Tiểu cương thượng thị hòa phủ phụng kỳ tiên huynh vân).

Vẫn bằng cách giải mã các thủ pháp dụng từ của Miên Thẩm, Trần Như Thổ diễn giải đoạn văn này như sau: “Có một ngôi nhà Phật, mặt sau có treo biển ngạch. Ngôi nhà này nằm cách bức bình phong ở cổng Bắc khoảng mươi bước, chiếc cổng này thông với lối vào sau chùa. Trên ngôi nhà Phật ấy có một người nữ kính dâng cho ‘huynh vân’ [ông anh xuất thân từ dân dã nhưng đang có danh vị] ‘tiểu cương’ [ngọn đồi nhỏ] của mình”.

Đem những kiến giải này rọi vào thực tế, Trần Như Thổ cho rằng: lợi dụng việc theo hầu Thuận Thiên Cao hoàng hậu (mẹ vua Minh Mạng) sang Khương Ninh Các lễ Phật, cung nữ Phạm Thị Hằng, lúc đó đang là vợ của thái tử Miên Tông, đã “dan díu” với Trương Đăng Quế trong gian nhà phía sau tầng hai Khương Ninh Các (nơi sau này là Phước Thọ Am). Vụ việc này tuy diễn ra trót lọt, không bị bắt quả tang, nhưng vẫn có người phát giác nêu ra. Vì thế, hoàng triều Minh Mạng đã phải mở cuộc xét xử Phạm Thị Hằng. Tuy nhiên hoàng gia đã xét xử không triệt để, nên bỏ sót tội. Điều này được thể hiện qua hai câu: 亭君處盖遺今. 也屬佘名之… (Đình quân xứ cái di kim. Dã thuộc xà danh chi…). Vì câu sau thiếu mất một chữ, Trần Như Thổ cho rằng đó có thể là chữ 古 (cổ) (để đối với chữ kim ở câu trên, nhưng thực ra là chữ 后 (hậu: thái hậu), ám chỉ Phạm Thị Hằng, lúc này đã là bà Từ Dũ, mà Miên Thẩm cố tình không viết ra để bảo đảm bí mật của bức thư. Hai câu này được Trần Như Thổ hiểu là “Vua Minh Mạng đã bao che khi xét xử và bỏ sót tội cho đến nay. Thái hậu vậy là thuộc về dòng họ nhà Rắn”.

Sở dĩ vua Minh Mạng không xử lý triệt để chuyện “bất chính” của Trương Đăng Quế với Phạm Thị Hằng là vì không muốn làm thương tổn uy danh của mẹ mình, vì chính Thuận Thiên Cao hoàng hậu là người đã chọn Phạm Thị Hằng vào cung làm thiếp cho Miên Tông. Thuận Thiên Cao hoàng hậu thường cho Phạm Thị Hằng theo hầu mỗi khi bà sang Khương Ninh Các lễ Phật, nhưng do bà giám sát Phạm Thị Hằng không nghiêm nên mới xảy ra cớ sự. Ngoài ra, lúc này thái tử Miên Tông đã có con trai đầu lòng là Hồng Bảo, người được Minh Mạng kỳ vọng sẽ nối ngôi Miên Tông sau này. Vì thế, có lẽ vua Minh Mạng nghĩ rằng việc Trương Đăng Quế “dan díu” với vợ bé của Miên Tông, nếu sau này có “sinh sự”, thì cũng không thể ảnh hưởng đến ngai vàng của dòng họ Nguyễn sau này, nên nhà vua đã không xử lý triệt để vụ việc.

* Nội công ngoại kích diệt trừ đầu sỏ, phế kẻ tiếm ngôi, lập vị vua thứ 5

Đây là giải pháp mà Miên Thẩm đưa ra trong “bức mật thư”, khi ông viết 12 chữ Hán ở phía trên, bên trái trang văn: Chu tể lam vân dật thủ. Thỏa hiệp cực vị nan đắc và bốn chữ: Nhất tác bất cố, viết nhỏ hơn, kín đáo dấu ở phần đầu dòng cuối của bài dẫn. Trần Như Thổ diễn dịch hai đoạn chữ Hán này là: “Chung lòng hợp sức dẹp tan, sạch đầu óc dâm dật chướng khí đầy rẫy. Chỉ làm tới, không bàn lui, giúp tột mức cho đạt việc khó khăn ấy”.[19]

Do Miên Thẩm không được thể chế triều Nguyễn trao cho chút thực quyền nào, vì thế ông phải gửi mật thư, đề nghị tướng quân Đông Sơn Doãn Lương Ngọc giúp làm việc này. Điều này thể hiện trong 38 chữ Hán ở cuối bức mật thư: 解脫超然悟處高. 飄飄四大御風遨. 始知成佛先靈. 運却笑… 為人詡伏滔窻裏六辰, 繙貝葉林間五. (Giải thoát siêu nhiên ngộ xứ cao. Phiêu phiêu Tứ đại nhạ phong ngao. Thủy tri thành Phật tiên linh. Vận tức tiếu…. Vi nhân hũ phục thao song lý lục thần, phiên bối diệp lâm gian ngũ).

Trần Như Thổ tiếp tục vận dụng cách lý giải các thủ pháp dụng từ của Miên Thẩm, kết hợp với việc tách các đoạn văn chữ Hán rồi ghép chúng theo các mạch văn mới, thành hai đoạn văn sau:

– 解脫超然悟處高. 飄飄四大御風遨…為人詡伏滔窻裏.六辰繙貝葉林間. (Giải thoát siêu nhiên ngộ xử [xứ] cao. Phiêu phiêu Tứ đại ngự [nhạ] phong ngao. Vị [vi] nhân hũ phục thao song lý. Lục thần phiên bối diệp lâm gian). Trần Như Thổ dịch là: “Xẻ thịt, róc xương vượt qua lẽ thường là biết cách xử trí cao. Cầm chắc đại nghĩa Đất Nước, ung dung tiếp bước Gió Lửa. Người giúp ẩn trong cửa sổ khắp nơi luôn mong đợi. Các lực lượng của sáu Bộ hóa kiếp lũ sò nơi khoảng Giữa”.[20]

– 始知成佛先靈. 運去节竹天五. (Thủy tri thành Phật tiến [tiên] linh. Vận khứ tiết trúc thiên Ngũ). Ở đây Trần Như Thổ áp dụng thuật chiết tự để giải mã ba chữ: 運却笑 (Vận tức tiếu) thành 運去节竹天 (Vận khứ tiết trúc thiên), do chữ 却 (tức) = chữ 去 (khứ) + chữ 节 (tiết); và chữ 笑 (tiếu) = chữ 竹 (trúc) + chữ 天 (thiên), rồi kết hợp với chữ 五 (ngũ) ở cuối trang văn, thành một đôi câu đối hoàn chỉnh. Trần Như Thổ dịch là: “Biết trước việc đã định, giác ngộ mọi người lẹ tay làm trước. Thời vận nay đã đến lúc, mệnh trời thuận, lập ngôi vua thứ năm”.[21]

Như vậy, theo Trần Như Thổ thì toàn văn “bức mật thư” đã được giải mã. Và từ việc giải mã này, nghi vấn “Vua Tự Đức là con của ai?” đã được ông tìm ra câu trả lời.

Đó là những gì mà tác giả Trần Như Thổ “giãi bày” trong cuốn sách Bức mật thư ĐẤT – NƯỚC – GIÓ – LỬA trong THƯƠNG SƠN THI TẬP mà tôi hân hạnh được ông đề tặng và đã giành thời gian để đọc và tổng thuật qua bài này.

Đúng hay sai? Tin hay không? Tùy thuộc vào cảm nhận của những ai đang đọc bài viết này.

Trần Đức Anh Sơn Facebook

(Tác giả là tiến sĩ sử học, khảo cổ học, nhà nghiên cứu, viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, tham mưu nhiều vấn đề chính sách văn hóa cho chính quyền Đà Nẵng, bị khai trừ đảng hồi tháng 3/2019 do những bài viết trên Facebook)
——-
Chú thích:
[ ] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 343.
[2] Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối điện với Pháp và Trung Hoa, Ban KHXH Thành ủy TPHCM, 1990, tr. 162.
[3] Nguyễn Quang, “Giặc Chày vôi”, Phổ thông, Số 32, Ngày 15.4.1960.
[4] Hoàng Trọng Thược, Tinh thần trào phúng thi ca xứ Huế, 1973.
[5] Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1991.
[6] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Sách đã dẫn, tr. 349.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 423.
[8] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Sách đã dẫn, tr. 280.
[9] Quốc Thái, “Vua Tự Đức con ai?”, Thế Giới Mới, Tháng 9.1992, tr. 16.
[10] Quốc Thái, “Bài đã dẫn”, tr. 16.
[11] Quốc Thái, “Bài đã dẫn”, tr. 17.
[12] Quốc Thái, “Bài đã dẫn”, tr. 17.
[13] Trần Như Thổ, Bức mật thư ĐẤT – NƯỚC – GIÓ – LỬA trong THƯƠNG SƠN THI TẬP; Nxb VHTT, Hà Nội, 2005, tr. 17.
[14] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Sách đã dẫn, tr. 292.
[15] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Sách đã dẫn, tr. 293.
[16] Trần Như Thổ, Sách đã dẫn, tr. 33.
[17] Trần Như Thổ, Sách đã dẫn, tr. 49.
[18] Trần Như Thổ, Sách đã dẫn, tr. 49.
[19] Trần Như Thổ, Sách đã dẫn, tr. 69.
[20] Trần Như Thổ, Sách đã dẫn, tr. 71-72.
[21]Trần Như Thổ, Sách đã dẫn, tr. 75.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên