Cuộc hải chiến chống ngoại xâm

1
Richard Nixon thăm TQ năm 1972. Ảnh National Geographic Society

Phạm Văn Đồng, thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Bắc Việt Nam (BVN), ký công hàm ngày 14-9-1958, thừa nhận tuyên bố về lãnh hải ngày 4-9-1958 của Trung Cộng, tức thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng. Lúc đó, trên Biển Đông, Trung Cộng chưa manh động vì Hải quân Hoa Kỳ còn hiện diện.

TRUNG CỘNG CHỌN THỜI ĐIỂM

Tình hình bắt đầu thay đổi năm 1972. Khi qua thăm Trung Cộng vào tháng 2-1972, tổng thống Hoa Kỳ là Richard Nixon cho các nhà lãnh đạo Trung Cộng biết Hoa Kỳ sẽ đơn phương rút quân ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt Nam (NVN).

Có tài liệu cho rằng trong cuộc thương lượng giữa hai bên, Hoa Kỳ “ra điều kiện nếu Trung Quốc để cho Mỹ ném bom B 52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.” Sau đó, “ngày 4-4-1972, khi quân đội miền Bắc đang tấn công dữ đội vào Quảng Trị, người Mỹ cần một áp lực từ phía Bắc Kinh với Hà Nội, Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, để trao đổi một “bức điện miệng” nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa.” (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, Saigon-Boston-Los Angeles-New York: Osin Book, 2012, tr. 107 và tr. 109. Huy Đức dựa vào tài liệu của Henry Kissinger.)

Đề nghị của Hoa Kỳ thật hấp dẫn trong khi Trung Cộng chẳng mất gì cả, chỉ chờ cơ hội ra tay. Trung Cộng chọn thời điểm vào đầu năm 1974 vì các lẽ sau đây:

Thứ nhứt, sau hiệp định Paris (27-1-9173), quốc hội Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát, đưa ra hai quyết định quan trọng: 1) Tu chính án Case-Church ngày 4-6-1973 cắt bỏ tất cả ngân khoản cho các hoạt động quân sự Hoa Kỳ tại Đông Dương. 2) Tiếp theo là “Nghị quyết quyền lực chiến tranh” (War Powers Resolution) ngày 7-11-1973, giới hạn quyền hành của tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rút hết quân ra khỏi NVN vào ngày 29-3-1973.

Thứ hai, từ “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, BVN tăng cường áp lực, tấn công dữ dội NVN, nhờ khối CS viện trợ tối đa cho BVN.

Thứ ba, VNCH một mình chẳng những chống lại VNDCCH, mà có thể nói chống lại cả khối CS quốc tế.

Thứ tư, chiến tranh đang nghiêng lợi thế về phía CS. Nếu VNDCCH thành công, chiếm được NVN, thì Liên Xô sẽ giúp VNDCCH bảo vệ Hoàng Sa. Lúc đó, Trung Cộng khó tìm đường xuống Biển Đông.

Thứ năm, ngày 18-1-1974, để đánh lạc hướng tình báo quốc tế, Trung Cộng tuyên bố nhận lời đề nghị ngày 26-12-1973 của VNDCCH để họp bàn về ranh giới trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Cộng, thì hôm sau, 19-1-1974, Trung Cộng bất ngờ đánh Hoàng Sa. (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: 1979, tr. 68.)

Trung Cộng chọn thời điểm trên đây để tấn công Hoàng Sa cho thấy Trung Cộng chuẩn bị rất kỹ chiến dịch nầy, trong khi phía VNCH chỉ lo việc chống đỡ BVN và hoàn toàn bất ngờ trước âm mưu của Trung Cộng, không biết gì về lực lượng hành quân của Trung Cộng. Theo tài liệu phía Trung Cộng tiết lộ về sau, Mao Trạch Đông đích thân duyệt xét kế hoạch đánh chiếm Hoàng Sa, giữ bí mật về thời điểm, lực lượng tấn công.

DIỄN TIẾN TRẬN HOÀNG SA

Khi VNCH tức NVN mở những cuộc nghiên cứu về tiềm năng dầu hỏa dưới lòng biển vùng trung và nam Biển Đông từ năm 1972, thì Trung Cộng ra tuyên bố tái xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Nam Sa và Tây Sa của Trung Cộng. Phản ứng lại, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc chính thức bác bỏ luận điệu gây hấn và lên án ý đồ xâm lăng của Trung Cộng.

Trong thời gian nầy, khoảng tháng 10-1973, một chiếc tàu đánh cá người Trung Hoa xin vào Hoàng Sa tránh bão. Hoàng Sa có đài khí tượng, hải đăng, miếu Bà, cầu tàu và bia chủ quyền, do một trung đội Địa phương quân đóng giữ. (Hồ Hải, “Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 45 Năm Trước”, điện báo Calitoday, 28-1-2019. Ông Hồ Hải là sĩ quan trưởng ngành Vô tuyến điện thuộc Khối Hành Quân, cũng là sĩ quan truyền tin bên cạnh đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng cuộc hành quân, trên soái hạm HQ-5.)

Lúc đó, quân phòng thủ VNCH trên Hoàng Sa, vô tư giao thiệp và giúp đỡ nhóm người xin tránh bão. Thực chất đây là một tàu Trung Cộng, giả làm tàu đánh cá, đưa người đến đảo dò thám. (Theo lời kể ngày 13-12-2009 của cựu thiếu tá Phạm Văn Hồng. Thanh Phong ghi lại trong bài “Biển Đông dậy sóng”, nhật báo Viễn Đông, California, ngày 21-12-2009. Cựu thiếu tá Phạm Văn Hồng là sĩ quan Lãnh thổ Phòng 3, Quân đoàn I, theo tuần dương hạm HQ16 ra Hoàng Sa công tác.)

Nhân ngày Quốc khánh 1-11-1973, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm lễ đốt đuốc dầu tượng trưng để báo tin Việt Nam có mỏ dầu và xác định lại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đáp lại, ngày 11-1-1974, ngoại trưởng Trung Cộng một lần nữa lên tiếng rằng hai quần đảo trên đây thuộc chủ quyền Trung Cộng; đồng thời Trung Cộng gởi hai chiến hạm đến đảo Cam Tuyền (hay Hữu Nhật tức Robert Island).

Về phía VNCH, ngày 15-1-1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) do trung tá hạm trưởng Lê Văn Thự chỉ huy, đưa Địa phương quân tỉnh Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán ở ngoài đó hết hạn kỳ. Trên tàu còn có một nhân viên dân sự Hoa Kỳ tên là Gerald Kosh, nhiệm vụ không rõ, và một toán gồm có thiếu tá Bộ binh Phạm Văn Hồng, sĩ quan Lãnh thổ Phòng 3, Quân đoàn I, và hai trung úy Công binh cùng hai trung sĩ phụ tá ra đảo Hoàng Sa nhằm nghiên cứu thiết lập một phi trường quân sự. (Thanh Phong, “Biển Đông dậy sóng”, nhật báo Viễn Đông, California, ngày 21-12-2009 viết theo lời kể của cựu thiếu tá Phạm Văn Hồng,)

Khi đến Hoàng Sa vào sáng hôm sau (16-1), HQ 16 phát hiện một chiếc tàu Trung Cộng sơn màu xanh lá cây đậm, trang bị đại bác 25 ly đang chạy về hướng đảo Quang Hòa (Duncan). HQ 16 dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Cộng rời hải phận Việt Nam. Tàu Trung Cộng không trả lời. Khi HQ 16 tiến lại gần, thì tàu Trung Cộng bỏ chạy.(Lời kể của ông Đặng Quốc Tuấn, người có mặt trên HQ 16 trong trận Hoàng Sa, trình bày tại buổi “Lễ Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa”, tổ chức tại Nieuwegein (Hòa Lan) ngày 23-1-2011, đăng trên điện báo Vietland ngày 28-1-2011.)

Tuần dương hạm HQ 16 quan sát đảo Quang Hòa thì phát hiện đảo đã bị chiếm, có nhiều lính Trung Cộng, có chòi canh cắm cờ Trung Cộng. Quan sát tiếp, HQ 16 nhận thấy các đảo Duy Mộng (Drummond), Cam Tuyền không có người nhưng có cắm cờ Trung Cộng. Sáng 17-1, HQ 16 cho 10 người đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc (Money). (Lời kể của ông Đặng Quốc Tuấn, điện báo Vietland ngày 28-1-2011.)

Trong khi đó, cũng ngày 17-1-1974, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải (V1DH) ở Sơn Chà (Tiên Sa), tại Đà Nẵng. Nghe tư lệnh Hải quân V1DH là phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trình bày tình hình, tổng thống Thiệu liền viết tay tại chỗ, chỉ thị trực tiếp cho tư lệnh Hải quân V1DH, đại ý như sau: 1) Ôn hòa mời chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh hải Việt Nam. 2) Nếu họ không thi hành thì được quyền nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm. 3) Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng võ khí để bảo vệ lãnh thổ VNCH. (Hồ Văn Kỳ Thoại, Can trường trong chiến bại, Falls Church, VA: Tác giả tự xuất bản, 2007, tt. 158-159.)

Ngoài biển khơi, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) do trung tá hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy, đến vùng biển Hoàng Sa ngày 17-1 và cùng HQ 16 ép các chiến hạm Trung Cộng vào giữa. Lúc nầy, trung tá Vũ Hữu San kiêm luôn sĩ quan chỉ huy chiến thuật tại mặt trận. HQ 4 đã húc mũi tàu vào tàu Trung Cộng. Tàu Trung Cộng liền lảng tránh nơi khác.

Chiều 17-1-1974, Trung Cộng gởi thêm hai hộ tống hạm Kronstadt 271 và 274, tuy ngắn hơn các chiến hạm VNCH, nhưng tốc độ nhanh hơn và trang bị súng ống tối tân hơn các chiến hạm VNCH. Các tàu Trung Cộng chưa khiêu chiến, chỉ lảng vảng chung quanh hai đảo Duy Mộng (Drummond) và Quang Hòa (Duncan), có thể đang chờ đợi thêm viện binh.

Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, Hải quân V1DH đưa thêm tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) do trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ 10) do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng, cùng tiến ra Hoàng Sa. Trên HQ 5 lúc nầy có đại tá Hà Văn Ngạc là người thay trung tá Vũ Hữu San, phụ trách chỉ huy chiến thuật tại chiến trường, đặt bộ chỉ huy trên soái hạm HQ 5

Ngày 18-1-1973, lực lượng VNCH gồm bốn chiến hạm tham chiến trận Hoàng Sa: 1) Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) do Hải quân trung tá Lê Văn Thự (Khóa 10 SQHQ/Nha Trang) làm hạm trưởng. 2) Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) do Hải quân trung tá Phạm Trọng Quỳnh (Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) làm hạm trưởng. 3) Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do Hải quân trung tá Vũ Hữu San (Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) làm hạm trưởng. 4) Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) do Hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà (Khóa 12 SQHQ/Nha Trang) làm hạm trưởng.

Phía Trung Cộng, có 2 ngư thuyền võ trang mang số 402 và 407, hai trục lôi hạm mang số 389 và 396, hai chiếc Kronstadt mang số 271 và 274 và hai Tuần duyên hạm 281 và 282 tăng viện. Trong số này, chỉ có 4 chiến hạm T-389, T-396, K-271 và K-274 trực tiếp tham chiến. Còn hai Tuần duyên hạm 281 và 282 tới Hoàng Sa vào hồi 11 giờ 49 ngày 19/1, lúc đó trận hải chiến đã kết thúc vào hồi 11 giờ. Hai tiềm thủy đĩnh Trung Cộng mang số 282 và 289 cũng tới Hoàng Sa sau đó để tăng cường tuần tiễu và đề phòng lực lượng VNCH trở lại tái chiếm quần đảo. (Trần Đỗ Cẩm, “Trận hải chiến Hoàng Sa theo tài liệu Trung Cộng”, trong Tài liệu hải chiến Hoàng Sa, Westminster: Nhóm Thân Hữu Hoàng Sa, 2004.)

Chiều 18-1, các chiến hạm Trung Cộng bắt đầu khiêu khích, chạy ngang qua lại nhiều lần trươc đội hình chiến hạm VNCH. Lúc đó, các chiến hạm đều nằm về phía tây và tây bắc đảo Quang Hòa (Duncan). Hai bên chỉa súng vào nhau. Chiếc Kronstad 271 gởi công điện bằng Anh ngữ cho soái hạm HQ 5, khẳng định Hoàng Sa thuộc Trung Cộng. Đại tá Ngạc trả lời ôn hòa, yêu cầu tàu Trung Cộng ra khỏi hải phận Việt Nam. (Theo lời kể của cựu thiếu tá Phạm Văn Hồng. Thanh Phong, “Biển Đông dậy sóng”, nhật báo Viễn Đông, California, ngày 21-12-2009.)

Khi các chiến sĩ thuộc Biệt đội Hải kích VNCH dùng xuồng cao su đổ bộ vào đảo Quang Hòa do quân Trung Cộng chiếm trước đó, hai chiến sĩ xung phong đầu tiên bị bắn chết tại chỗ. Tin nầy được báo về đất liền. Vùng I DH báo cho tư lệnh Hải quân ở Sài Gòn. Đô đốc Trần Văn Chơn ra lệnh “Khai hỏa”.

Sáng 19-1-1974, chiến hạm hai nước đối mặt nhau. Tuân lệnh phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, lúc 10G.25 đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh khai hỏa trước. Cuộc đọ súng diễn ra ác liệt. Sau khoảng hơn nửa giờ giao tranh, phía VNCH, HQ 16 bị hư hại nặng, xin rút ra khỏi vòng chiến để sửa chữa. HQ 4 và HQ 5 cũng phải tháo lui. Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ 10) bị hư hại nặng. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và hạm phó Nguyễn Thành Trí đều bị thương.

Cuối cùng, Ngụy Văn Thà ra lệnh cho hạm phó Trí cùng thủy thủ đoàn phải đào thoát. Toàn thể thủy thủ đoàn xin hạm trưởng đào thoát luôn nhưng ông Thà không chấp nhận. Hạm phó Nguyễn Thành Trí xin ở lại cũng không được. Nguyễn Thành Trí từ trần trên đường trở về đất liền. Ngụy Văn Thà ở lại Biển Đông, hy sinh theo HQ 10. Bên cạnh ông lúc đó có hạ sĩ Đinh Hoàng Mai bị thương nặng nên ở lại cùng chết với Ngụy Văn Thà.

Ba giờ sau khi thủy thủ đoàn HQ 10 đào thoát theo lệnh của thiếu tá Ngụy Văn Thà, các tàu Trung Cộng đến cứu viện về phía Trung Cộng, mới bắn chìm HQ 10. (Trần Đỗ Cẩm, bài đã dẫn.) Điều nầy chứng tỏ các chiến hạm Trung Cộng tham chiến tại chỗ lúc đó bị hư hại nặng, không còn khả năng tấn công, dầu thủy thủ đoàn HQ 10 đào thoát, nên các tàu cứu viện của Trung Cộng đến sau, mới bắn HQ 10.

Nguồn: Trần Đỗ Cẩm, “Trận hải chiến Hoàng Sa theo tài liệu Trung Cộng”,
trong Tài liệu hải chiến Hoàng Sa, Westminster: Nhóm Thân Hữu Hoàng Sa, 2004.

Sau khi bị Hải quân VNCH gây thiệt hại, Trung Cộng gởi thêm nhiều chiến hạm tăng cường và thay thế những chiến hạm bị bắn chìm, đồng thời tiến chiếm các đảo trong quần đảo Hoàng Sa chiều 19-1-1974.

THIỆT HẠI VỀ PHÍA VNCH

Ngoài HQ 10 bị chìm, các chiếc HQ 4, HQ 5 và HQ 16 đều bị hư hại. Lúc đó, HQ 4 và HQ 5 được lệnh quay lại chiến đấu, cố thủ Hoàng Sa. Đồng thời, bộ chỉ huy Hải quân V1DH dự tính gởi thêm tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ 6) và hộ tống hạm Chí Linh (HQ 11) ra Hoàng Sa tăng viện. Tuy nhiên bộ chỉ huy Hải quân V1DH lại được tin từ phía cố vấn Hoa Kỳ cho biết Trung Cộng gởi 17 chiến hạm và phản lực cơ chiến đấu ra Hoàng Sa. Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại liền hội ý với chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh Sư đoàn I Không quân, nhờ phi cơ can thiệp.

Lúc đó, có tin rằng phi đội F-5 ở Đà Nẵng sẵn sàng bay ra Hoàng Sa chiến đấu, nhưng không đủ nhiên liệu bay về, nên dự tính sau khi tấn công, phi công sẽ bỏ máy bay, nhảy dù xuống biển thoát thân. Tuy nhiên, kế hoạch nầy được lệnh hủy bỏ vào phút chót. (Cựu thiếu tá Phạm Văn Hồng, bài đã dẫn.)

Cuối cùng, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại phải ra lệnh rút các chiến hạm trở về Đà Nẵng để bảo toàn lực lượng. (Hồ Văn Kỳ Thoại, sđd. tt. 169-171.) Vì vậy, khi HQ 4 và HQ 5 gần đến Hoàng Sa thì được lệnh về lại hậu cứ. Các chiến hạm về đến Đà Nẵng sáng 20-1-1973. Riêng HQ16 bị trúng đạn ở lườn tàu bên phải dưới mặt nước, không nổ, gây một lổ thủng và hư hại máy, nước tràn vào, nghiêng một bên, nhưng còn chạy được. Khi về Đà Nẵng, toán chuyên viên tháo gỡ đạn dược cho biết viên đạn cỡ 127 ly, sản xuất tại Hoa Kỳ, bắn từ HQ5. (Lê Văn Thự, “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa”. http://www.vantuyen.net/index.php/). Quả đạn lạc nầy chưa nổ, chỉ phá thủng một lổ, nên tàu chưa bị chìm. “Trong chiến tranh, pháo binh, phi cơ bắn nhầm mục tiêu, trúng ph eta không phải là chuyện chưa từng xảy ra. (Hồ Hải, “Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 45 Năm Trước”, điện báo Calitoday, 28-1-2019.)

Trên HQ 10, ngoài Ngụy Văn Thà, còn có 24 chiến sĩ tử thương, 26 chiến sĩ mất tích; trên HQ 4 có 2 chiến sĩ tử thương; trên HQ 5 cũng 2 chiến sĩ tử thương; và trên HQ 16 chỉ có một chiến sĩ tử thương. Hai chiến sĩ Biệt đội Hải kích bị bắn khi đổ bộ vào hải đảo. Số người bị quân Trung Cộng bắt là 49 người, trong đó có 1 nhân viên Tòa lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng. (Phạm Văn Hồng, bài đã dân.) Quân Trung Cộng đưa những người bị bắt về giam ở Quảng Châu. Qua sự can thiệp của Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, tất cả được trao trả sau 27 ngày bị giam. (HVKT, sđd. tr. 173.)

Hai ngày sau trận hải chiến, tàu chở dầu Hòa Lan Kopionella vớt được 23 người thuộc HQ 10 đang trôi dạt trên biển. Ngày 29-1-1973, ngư dân vớt được toán quân VNCH gần Mũi Yến (Quy Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan, 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên đảo Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát sau trận hải chiến. (Tổng hợp các tài liệu về Hoàng Sa.)

THIỆT HẠI VỀ PHÍA TRUNG CỘNG

Phía Trung Cộng bị thiệt hại nặng, nhưng giấu số thiệt hại. Khi HQ10 bị thiệt hại nặng, không tự mình di chuyển được, đoàn thủy thủ đào thoát, chứng tỏ các tàu trực chiến của Trung Cộng hoặc bị hư hại nặng, hoặc phải ủi bãi san hô, mà 3 giờ sau, tàu tiếp viện của Trung Cộng mới đến bắn chìm HQ10. (Trần Đỗ Cẩm, bài đã dẫn.)

Về sau, người ta mới biết rằng: hộ tống hạm Kronstadt 271 bị chìm, hộ tống hạm Kronstadt 274 bị hư hại, bất khiển dụng, phải ủi vào bãi san hô để binh sĩ đào thoát. Các trục lôi hạm 389, 391, bị hư hại nặng. Đô đốc Phương Quang Chính, tư lệnh mặt trận cùng đại tá Quan Đức, hạm trưởng hộ tống hạm Kronstadt 274, cùng toàn ban tham mưu hành quân bị tử thương giữa trận đánh. Đại tá Vương Kỳ Uy, hạm trưởng hộ tống hạm Kronstadt 271, trung tá Triệu Quát, hạm trưởng trục lôi hạm 389 và đại tá Diệp Mạnh Hải, hạm trưởng trục lôi hạm 396 đều bị tử thương. Số sĩ quan và binh sĩ Trung Cộng tử thương trong trận nầy không được biết rõ.

PHẢN ỨNG CỦA VNCH

Sau khi xảy ra trận hải chiến ngày 19-1-1974, bộ Ngoại giao VNCH ra tuyên cáo lên án Trung Cộng xâm lăng và báo động thế giới rằng làm ngơ trước hành vi của Trung Cộng là khuyến khích kẻ gây hấn. Phần cuối bản tuyên cáo viết:

“Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm lăng trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chính sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.

Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.

Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.
Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn nầy là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng của chúng và sự kiện nầy đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ, đặc biệt là những nước Á Châu.

Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.” (Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại giao, Sài Gòn, số 015/BNG/TTBC/TT.)

Sau đó, ngày 14-2-1974, chính phủ VNCH ra tuyên cáo xác định chủ quyền trên những hải đảo ngoài khơi VNCH. Sau khi tố cáo hành vi xâm lăng trắng trợn của Trung Cộng, bản tuyên cáo viết:

“Trong dịp nầy, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.

Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.

Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất nầy.” (Tập san Sử Địa, Sài Gòn: số 29, tháng 1, 2 và 3-1975.)

THÁI ĐỘ CỦA VNDCCH

Khi xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa, BVN không dám lên tiếng phản đối Trung Cộng vì BVN đang nhận viện trợ của Trung Cộng để tiến hành chiến tranh xâm lăng NVN. Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ tuyên bố rằng những tranh chấp lãnh thổ giữa các nước cần được giải quyết bằng thương thuyết trong tinh thần tôn trọng sự công bình, tương kính và láng giềng tốt. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 210.)

Mãi cho đến năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (hậu thân của VNDCCH) và Trung Cộng, nhà cầm quyền CS Hà Nội mới lên án hành động Bắc Kinh xâm lăng quần đảo Hoàng Sa. (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc… sđd. tt. 68-69.)

THÁI ĐỘ CỦA HOA KỲ

Về phía Hoa Kỳ: Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết rằng ông “gọi điện thoại về bộ Tư Lệnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.” (HVKT., sđd. tr 171.) Điều nầy đúng như giao ước miệng ngày 4-4-1972 giữa đại diện Hoa Kỳ là Winston Lord với đại sứ Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc là Hoàng Hoa là “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa.” (Huy Đức, sđd. tr. 103.)

Sau cuộc hải chiến ngày 19-1-1974 giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Cộng, khi gặp Han Hsu (Han Xu), quyền trưởng phái đoàn liên lạc Trung Cộng tại Washington ngày 23-1-1974, ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger nói: “Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo nầy.” (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – Thứ hai, 3 tháng 10, 2011.) Hai ngày sau, trong cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25-1-1974, do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa, đô đốc Thomas H. Moorer, tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, báo cáo với Kissinger: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề… Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực [Hoàng Sa].” (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011.)

Chẳng những các chiến hạm Hoa Kỳ không đến gần khu vực xảy ra chiến cuộc ở Hoàng Sa, mà các viên chức Hoa Kỳ, từ ngoại trưởng Henry Kissinger (ngoại trưởng từ 22-9-1973) cho đến đại sứ Graham Martin (đại sứ từ 24-6-1973) đều tránh né, không đề cập đến chuyện Hoàng Sa, hay chỉ nói đại khái như: “Hoa Kỳ không dính dáng gì đến Hoàng Sa.” Hoặc “Rất tiếc đã xảy ra cuộc đụng độ tại Hoàng Sa…”

KẾT LUẬN

Trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974 giữa VNCH và Trung Cộng chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, nhưng cho thấy nhiều ý nghĩa đặc trưng của các bên tham chiến.

VNCH hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công trên biển của Trung Cộng. Lý do là từ trước đến nay cuộc chiến chỉ diễn ra trên đất liền giữa quân đội VNCH với bộ đội VNDCCH. Chỉ có lực lượng giang thuyền VNCH hoạt động mạnh trên sông rạch miền Nam.

Đây là lần đầu tiên Hải quân VNCH tham dự một trận hải chiến lớn lao nên chưa kinh nghiệm chiến đấu trước một kẻ thù đã chuẩn bị kỹ càng, lực lượng mạnh hơn. Dầu vậy, các chiến sĩ Hải quân VNCH đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ quê hương.

Lúc đó, Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu, bắt tay với Trung Cộng, dứt khoát rút ra khỏi Việt Nam. Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ cho VNCH về võ khí, nhiên liệu, nên cuối cùng Bộ chỉ huy Hải quân VNCH trên đất liền phải gọi các chiến hạm lui quân, vì thực sự không đủ tiếp liệu, chịu đựng chiến tranh lâu dài trước quyết tâm xâm lăng của Trung Cộng. Nếu tiếp tục chiến đấu sẽ đưa đến những sự hy sinh vô vọng.
Tổ tiên của Trung Cộng không thể chiến thắng Đại Việt trên đất liền. Vì vậy Trung Cộng kiếm cách thật bất ngờ tiến xuống miền Nam bằng đường biển. Kế hoạch Trung Cộng rất tinh vi: Trung Cộng giăng bẫy nợ, viện trợ tối đa cho CSVN trong cuộc chiến 1946-1954, nên năm 1958 CSVN ký công hàm thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng, để trả ơn nợ cũ và chuẩn bị vay nợ mới nhằm tấn công VNCH, rồi Trung Cộng chờ đợi thời cơ Hoa Kỳ rút quân, Bắc và Nam Việt Nam mải mê đánh nhau, Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa.

Trung Cộng đã ký tên trong bản “Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam” ngày 2-3-1973, tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhưng tiếp nối bản chất bành trướng và xâm lăng của các triều đại quân chủ Bắc Kinh, Trung Cộng luôn luôn nuôi mộng xâm lăng Đông Nam Á. Chính Mao Trạch Đông đã từng nói với đại biểu đảng Lao Động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á.” (Nxb. Sự Thật (không đề tên tác giả), Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: 1979, tr. 16. Sách nầy xuất bản lúc hai bên đang đối nghịch nhau.)

Sau trận Hoàng Sa, CSVN im lặng, không đả động chuyện Trung Cộng xâm lăng Hòang Sa.

Những phác thảo trên đây cho thấy rõ lập trường chính trị của các thành phần trong cuộc chiến 1954-1975, làm nổi bật chính nghĩa của VNCH, và cũng làm rõ VNDCCH do đảng Lao Động tức đảng CSVN lãnh đạo, là những kẻ phản quốc, ký văn tự giao Hoàng Sa và Trường Sa cho kẻ thù bắc phương, dẫn đường cho Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa.

Cuộc hải chiến Hoàng Sa là trận chống ngoại xâm duy nhứt trong cuộc chiến từ 1945 cho đến năm 1975. Dầu thất bại, Ngụy Văn Thà và những đồng đội đã hy sinh ở Hoàng Sa là những tấm gương anh hùng chói rạng thiên thu trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

(Toronto, 05-02-2019)

TRẦN GIA PHỤNG

1 BÌNH LUẬN

  1. Được biết sau trận hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974 Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Công Hòa đã có kế hoạch thực hiện hai chiến dịch Bạch Đằng 50 và Bạch Đằng 52 nhằm tái chiếm quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung cộng xâm chiếm. Nhưng có lẽ vì cộng quân Bắc Việt gia tăng gây áp lực trên các mặt trận địa chiến vào năm 1974 nên hai chiến dịch này không thể thực hiện được và đã được huỷ bỏ.

    (“Hội Luận về Hiện Tình Lãnh Thổ và Lãnh Hải Việt Nam” ngày 6.12.2008 tại Frankfurt am Main, Germany)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên