Gần 30 năm trước, giới khoa học đã cảnh báo nguy cơ trái đất ấm dần lên. Năm 1988, Liên Hợp Quốc (LHQ) thành lập một ủy ban quốc tế bao gồm các chuyên gia uy tín điều tra hiện tượng này. Hai năm sau, ủy ban báo cáo tình trạng khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch đang tăng nhanh, khiến bề mặt trái đất nóng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống khí hậu của hành tinh.
Năm 1992, LHQ tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh trái đất” ở Rio de Janeiro (Brazil), lập Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (CNFCCC), mở đường cho việc đàm phán các hiệp ước quốc tế hạn chế khí thải nhà kính. Năm 1995, hội nghị biến đổi khí hậu LHQ đầu tiên (COP-1) được tổ chức tại Berlin (Đức). Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các bằng chứng khoa học về sự thay đổi của khí hậu vẫn còn mới mẻ và ít ỏi, dù tình trạng khí thải nhà kính gia tăng trong bầu khí quyển là khá rõ ràng.
Các nhà khoa học quốc tế xác định việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Do đó, năm 1997 các nước nhóm họp ở Kyoto (Nhật Bản) để tìm giải pháp. Sau hai tuần đàm phán, hội nghị vẫn bế tắc. Nhiều nhà lãnh đạo lo ngại nền kinh tế đất nước họ sẽ sụp đổ nếu không có năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Cuối cùng, sau những cuộc đàm phán đầy căng thẳng, Nghị định thư Kyoto ra đời, đặt khung thời gian 2008 – 2012 để các nước công nghiệp giảm lượng khí thải nhà kính khoảng 5,2% so với mức của thập niên 1990. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển không phải thực hiện nghĩa vụ này. Phó tổng thống Mỹ Al Gore khẳng định các nước đang phát triển có quyền phát triển kinh tế, giảm đói nghèo.
Các nước phát triển có 10 năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ giảm khí thải nhà kính. Nhưng Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố thỏa thuận này là thiếu công bằng. Và trong 10 năm đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển vũ bão, xả lượng khí thải nhà kính khổng lồ. Năm 2006, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia xả khí thải lớn nhất thế giới.
Rất nhiều nước phát triển sau đó tuyên bố tách ra khỏi Nghị định thư Kyoto hoặc phớt lờ cam kết giảm khí thải nhà kính.Nghị định thư Kyoto tỏ ra hoàn toàn vô tác dụng bởi nó không tính đến yếu tố chính trị trong nước của các quốc gia. Năm 2009, các nước nhóm họp ở Copenhagen (Đan Mạch) với mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto. Nhưng đó là một thất bại thảm hại và đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế. Các nước giàu vẫn lo ngại nguy cơ kinh tế suy yếu. Các nước đang phát triển muốn tiếp tục xả khí thải để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngày 1/12, Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình “áo vàng” quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh trên Đại lộ Champs Elysees tại thủ đô Paris ngay trước khi đợt tuần hành thứ 3 nhằm phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ diễn ra tối cùng ngày.
Phong trào toàn dân mặc áo vàng xuống đường (loại áo phản quang trang bị cho tài xế khi xe hỏng phải ngừng, đỗ đột xuất trên đường) gọi là Gilets Jaunes ở Pháp thứ bảy tuần này đã bước sang tuần thứ ba.
Hiệp ước toàn cầu về khí thải COP21 năm 2015 của 194 nước cũng là nguyên nhân gây xáo trộn xã hội Pháp.
Từ ngày 01/01/2019, theo hiệp ước toàn cầu về khí thải CO2, thì thuế sẽ tăng lên 55 euros/ tấn CO2 thay vì 44,6 euros.
Một hiện tượng khác nữa làm cho giá xăng dâu nhảy vọt và tình hình trở nên nghiêm trọng hơn cho chính phủ là giá xăng dầu thế giới đã đột ngột tăng lên 80 $US/thùng thay vì 57 $US trong năm trước đó. Chính vì thế nên giá xăng dầu tại Pháp do bộ tài chính quyết định đã tăng 6,7 cents cho dầu và 2,9 cents cho xăng vào đầu tháng 10/2018, và làm cho giá mỗi lít vượt qua mức 1,5 euros.
Đây chính là một giọt nước làm tràn ly và gây khó khăn cho kế hoạch chuyển dần các phương tiện di chuyển cá nhân qua các nhiên liệu sạch hơn để tôn trọng hiệp ước toàn cầu về khí thải CO2 mà chính phủ Pháp đã ký với 194 quốc gia, trừ ba quốc gia là Mỹ, Syria và Nicaragua.
Đoàn biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu, bước qua tuần thứ ba đã thiên biến vạn hóa thành các vấn đề xã hội đa dạng, bạo lực đã thay cho các cuộc tuần hành ôn hoà và hiện lan rộng ra toàn nước Pháp tại hầu hết các thành phố lớn như Marseilles, Toulon, Bordeaux, Valenciennes…
Mức độ bạo lực gia tăng qua mỗi lần xuống đường. Đợt đầu tiên, 17/11, hầu như không có sự cố gì nghiêm trọng. Đến ngày 24/11, thiệt hại bắt đầu đáng lo: 2 người chết, 103 người bị bắt giữ, vài chục xe ô tô bị đốt cháy.
Đến ngày 1/12 thì sự tồi tệ lên đến đỉnh điểm. Trung tâm thủ đô Paris biến thành “chiến trường” với khói lửa, hơi cay, vòi rồng, gạch đá.
Khải Hoàn môn, biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, nơi đặt “Ngọn lửa chiến sĩ vô danh” bị đập phá và bôi nhọ. Bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho nền Cộng hoà Pháp bị đập vỡ đầu. Trên tường, các dòng chữ graffiti đen kịt những khẩu hiệu như “Macron démisssion”- “Macron từ chức”.
Một trong những biểu tượng lớn nhất của Paris và nước Pháp đã bị ô uế, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Nhưng những gì xảy ra quanh các con phố ở quận 8, quận 16, quận 1 mới thực sự gây sốc. Trụ sở ngân hàng, các cửa hiệu đồ xa xỉ, siêu thị… bị đập phá, đốt cháy, hôi của. Gạch đá lát đường bị cậy lên để ném vào cảnh sát. Các thùng rác được huy động làm rào chắn và bị đốt cháy. Trong sáng ngày 1/12, khói đen bốc lên từ khu vực Khải Hoàn môn có thể được nhìn thấy từ cách đó hàng chục km. Hơi cay dày đặc đến mức có thể cảm nhận được ngay từ Porte Maillots cách đó hơn 1km.
“Paris bốc cháy”, “Chiến trường Paris”, “Chiến tranh ở Khải hoàn môn”…. Tất cả những từ ngữ mà báo chí châu Âu mô tả Paris hôm thứ Bảy, ngày 1/12, đều không cường điệu.
Đó là một cảnh tượng bạo lực khó có thể tưởng tượng ngay tại trung tâm thủ đô nước Pháp, gợi nhớ cuộc bạo loạn ngoại ô 2005 từng khiến cả nước Pháp hỗn loạn.
Tổng cộng, sau ngày cuối tuần, 682 người đã bị bắt giữ trên toàn nước Pháp, trong đó riêng Paris là 412. Ít nhất 263 người bị thương, gồm 81 thành viên lực lượng an ninh. Đến tối Chủ nhật, 2/12, vẫn còn 378 người bị giam giữ, trong đó có 33 trẻ vị thành niên, chỉ tầm 12-13 tuổi.
Nhưng nếu chỉ là tập hợp của những con người đang thực sự khó khăn trong cuộc sống và có nhu cầu được lắng nghe, “Áo vàng” đã không bạo lực đến mức đó.
Cảnh tượng tan hoang tại Paris hôm thứ Bảy, lại đến từ một vấn đề khác của nước Pháp: tội phạm. Chính xác hơn là tội phạm ngoại ô.
Những kẻ này được gọi là “casseur” – “người đập phá”.
Trong tất cả những cuộc biểu tình, xuống đường lớn tại Pháp, luôn có những nhóm “casseur” chuyên nghiệp. Mục đích duy nhất của những nhóm này, như tên gọi, là đập phá, hôi của, cướp bóc. Và để trà trộn vào đám đông, dĩ nhiên chúng cũng mặc “Áo vàng”.
Những “casseur” này, kết hợp với các nhóm cực hữu hoặc cực tả, và đôi khi cả các nhóm “black bloc” (chuyên mặt nạ đen)… là thủ phạm chính gây ra bạo lực.
Đây là những kẻ cơ hội, lưu manh, vô lại.
Khi người Pháp bức xúc, chúng tham gia đập phá. Khi người Pháp vui mừng, như trong đêm ăn mừng chức vô địch World Cup 2018, chúng cũng đập phá. Để hôi của, cướp bóc hoặc chỉ để tấn công cảnh sát làm vui.
Những “casseur” dĩ nhiên không từ trên trời rơi xuống. Đa số “casseur” là các thanh niên ngoại ô thất nghiệp, nghèo đói, luôn sẵn sàng phạm tội chỉ vì vài đồng bạc lẻ. Những kẻ ngông cuồng hơn, như chúng ta đã biết qua vụ Charlie Hebdo hay Bataclan…, thì đi làm khủng bố.
Đây, thực ra là một cơn trọng bệnh khác của nước Pháp, khi bất công xã hội, đói nghèo, xung đột văn hoá-tôn giáo khiến hình thành một thế giới khác ở các ngoại ô – thế giới của tội phạm
Khi mà ngay cả những đứa trẻ 12-13 tuổi cũng tham gia đập phá, cướp bóc, hôi của… thì chẳng có lí do hay bức xúc xã hội nào có thể biện minh.
Những kẻ vô lại này khác với những người “Áo vàng” giận dữ thực sự, nhưng giờ thì đang bị hoà chung. Đó chính là điều khiến cho “Áo vàng” có thể nhanh chóng bị chính người Pháp tẩy chay, dù trong tuần trước, tỷ lệ ủng hộ “Áo vàng” luôn có chiều hướng gia tăng.
Nhưng thực tế ở thời điểm này, khi đến Khải Hoàn môn cũng bị đập phá, thách thức lớn nhất với mọi người Pháp nói chung, từ người dân đến chính trị gia, không còn là câu chuyện giá xăng, sức mua kém hay bất công xã hội gì đó…. mà là ở việc phải chấm dứt ngay lập tức làn sóng bạo lực.
Nước Pháp không thể có một ngày thứ Bảy bạo loạn nữa, nếu không muốn tái hiện một cuộc Cách mạng mà ngay cả những người khởi phát cũng không hề có ý niệm gì về nó./.
Facebook Dương Hoài Linh