Mùa xuân ở Seoul

0

Hy Vọng Hòa Bình Trên Bán Đảo Triều Tiên

Thế giới biết nhiều về Nam Hàn nhờ họ tổ chức Thế Vận Hội năm 1988 (Olympischen Sommerspiele 1988) và giải túc cầu thế giới năm 2002 (Fußball-Weltmeisterschaft 2002). Cố TT. Park Chung Hee là một vị Tổng thống thứ ba của Nam Hàn trong bốn nhiệm kỳ: từ ngày 17.12.1963

đến 26.10.1979. Ông là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba trong lịch sử Nam Hàn, được nhân dân mến mộ nhưng đồng thời cũng bị một thiểu số chỉ trích như một lãnh đạo độc tài và bị ám sát năm 1979. Ông có tham vọng cho một Nam Hàn phát triển mạnh mẽ, văn minh tiến bộ như những cường quốc trên thế giới nên đã tuyên bố nếu Nam Hàn tổ chức Thế Vận Hội thì Nam Hàn sẽ tiến bộ và phát triển, lời tuyên đoán của ông đã trở thành sự thật.

Mời độc giả bỏ chút thì giờ cùng chúng tôi ôn lại bối cảnh lịch sử của Nam Hàn, đã làm thế giời ngưỡng mộ. Chính phủ Nam Hàn bắt đầu nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo bằng cách đặt ngành công nghiệp sản xuất lên hàng đầu, phát triển về khoa học và công nghệ. Cách đây 50 năm Nam Hàn giống như trình trạng Việt Nam ngày nay. Thời gian đó, các công ty như Sam Sung, LG chỉ là những công ty nhỏ, hạn chế phát triển cũng như nhân lực. Nhưng nhờ lãnh đạo biết tôn trọng người tài đức, ảnh hưởng văn minh của Nhật, dân Đại Hàn rất chăm chỉ, tinh thần tự tôn dân tộc rất cao. Năm 1966 với sự quyết liệt của tổng thống Park Chung Hee, Quốc gia này đã thành lập Viện Khoa học và Công Nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology – KIST). Nhận thức công nghệ là tối cần thiết cho công nghiệp hóa, KIST có hai khuynh hướng là:

– Nghiên cứu hỗ trợ các công nghệ sản xuất cho các công ty

-Thay đổi phương pháp giáo dục, ứng dụng các lý thuyết vào các công việc thực tiễn.

Chính phủ giúp các nhà nhà khoa học có phương tiện nghiên cứu, gởi sinh viên đến các quốc gia có nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát triển mạnh như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức… Sinh viên theo học các đại học danh tiếng, học hỏi được rất nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tốt nghiệp đều về nước làm việc (khác với SV Việt Nam ngày nay du học, sau khi tốt nghiệp thường không muốn về nước vì về chưa chắc có việc làm nếu không có thế lực…) Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong nền kinh tế. Nam Hàn đã sớm xây dựng các chính sách nhằm tự chủ về công nghệ, đặt ưu tiên hàng đầu cho các tập đoàn đa quốc gia tại Nam Hàn (gọi là chaebol) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nam Hàn, hiện nay bao gồm Samsung, Daewoo, Hyundai, LG, SK, KIA và Lotte.

Trải qua 50 năm trước từ một nước nghèo xuất cảng người đi lao động, Tây Đức nhận 10 ngàn nữ Y tá từ Nam Hàn sang làm việc, một số đông đàn bà sang Mỹ làm đủ các nghề tồi tệ ở khu đèn đỏ… Nhưng Nam Hàn ngày nay trở thành một trong những Quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, gia nhập nhóm các nước kinh tế phát triển. Trong khi Việt Nam giàu tài nguyên, đất rộng không thiếu nhân tài, nhưng đất nước không phát triển, trở thành một quốc gia chậm tiến nghèo đói và lạc hậu. Nhà cầm quyền thì độc tài tham nhũng, mạnh ai nấy bán cho ngoại bang cả rừng, biển, lãnh thổ để vinh thân phì gia! Trong khi Nam Hàn ý thức trách nhiệm và tinh thần dân chủ rất cao. Tổng thống hay Bộ trưởng liên quan tới việc tham nhũng cũng bị truy tố đưa ra tòa kết án tù không khoan nhượng! (Cựu Tổng thống bà Park Geun-hye bị truất phế, bị kết tội lạm dụng quyền lực ra tòa bị kết án 24 năm tù giam. Trước bà Park, hai ông Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo, từng giữ chức tổng thống trong giai đoạn thập niên 1980 cho tới đầu thập niên 1990 đã bị kết án tù về tội tham nhũng). Chúng tôi du lịch đến Soeul tiếp xúc đời sống văn minh của người dân ở đây mà đau lòng khi nhìn lại cố hương. Đợi đến bao giờ người dân Việt Nam được khai phóng, ý thức được trách nhiệm của mình?

Bối cảnh lịch sử

Sau Thế chiến II nước Đức, bị chia đôi hai miền Đông -Tây, được thống nhất ngày 3.10.1990 là ngày vui của dân tộc Đức. Thời gian nầy là một cơ hội tốt cho một số đông thanh niên nam nữ người Việt đi lao động trả nợ chiến tranh cho Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR) sang xin tỵ nạn. Triều Tiên (Đại Hàn) cũng bị chia đôi Nam Bắc, từng bị Đế quốc Nhật chiếm đóng ép Triều Tiên ký Hiệp định sát nhập vào lãnh thổ Nhật năm 1910. Vua Sunjong (隆熙帝) của Đế quốc Đại Hàn (hanja: 大韓帝國) tuyên bố thoái vị. Chấm dứt triều đại Triều Tiên trị vì hơn 520 năm. ( ở Việt Nam thì vua Bảo Đại (chữ Hán: 保大; (22.10.1913 – 31.7.1997), tên khai sinh: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (阮福永瑞), là vị hoàng đế thứ 13 cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) thoái vị ngày 30.8.1945)

Đế quốc Nhật đầu hàng năm 1945 chấn dứt Thế chiến II. Ngày 15.8.1948 Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền, Liên bang Xô viết chiếm đóng miền Bắc (BắcTriều Tiên) cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về Nam (Nam Triều Tiên). Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề ra một giải pháp tiến hành tổng bầu cử tại Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của một Ủy Ban Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Liên bang Xô viết khước từ việc tuân theo giải pháp này và từ chối những ảnh hưởng của Ủy ban Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đưa ra một giải pháp khác, kêu gọi bầu cử tại phía Nam của bán đảo với sự giúp đỡ của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc. Những cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành trong năm 1948, tại những tỉnh nằm ở phía nam vĩ tuyến 38. Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền Nam và Bắc! Theo tài liệu Đức họ thường gọi Nordkorea (Bắc hàn) và Südkorea (Nam Hàn) Trong bài viết nầy chúng tôi xử dụng các danh từ đó cho ngắn gọn.

Rất tiếc cuộc chiến châm ngòi từ ngày 25. 6.1950 – Bắc Hàn tấn công Nam Hàn trước, vì muốn tranh giành ảnh hưởng kiểm soát toàn bộ Bán đảo. Cuộc chiến kéo dài 3 năm từ 1950-1953, Chí Nguyện quân của Trung cộng tới 9 quân đoàn gồm 30 sư đoàn, tổng cộng hơn 380.000 quân dưới quyền tư lệnh của tướng Bành Đức Hoài với sự tiếp ứng của Liên Xô giúp Bắc Hàn. Nam Hàn được Liên Hiệp Quốc, và quân đội Hoa Kỳ hỗ trợ … Đến ngày 27.7.1953 thì ngưng chiến. (i)

Triều Tiên tồn tại hai chính phủ riêng biệt. Bắc Hàn diện tích 120.540 km², dân số trên 25,3 triệu, theo chế độ độc tài cộng sản, thủ đô Pyongyang (Bình Nhưỡng) Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) làm chủ tịch cho đến lúc ông mất, thì truyền ngôi cho con trai Kim Il-sung, ngày nay là cháu nội Kim Jong Un làm chủ tịch.

Ở phía Nam của bán đảo thành lập chính phủ Nam Hàn được gọi là Đại Hàn Dân Quốc (대한민국/ 大韓民國/ Daehan Minguk), gọi ngắn gọn là Hàn Quốc (한국/Hanguk). Tổng thống đầu tiên là Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) Nam Hàn theo chế độ tự do, dân chủ. Phía bắc giáp với Bắc Hàn, phía đông giáp với biển Nhật Bản và phía tây là Hoàng Hải.

Nam Hàn dân số 51.446.201, diện tích 100,140 km2, mật độ 507/km2. Tổng sản phẩm nội địa GDP (Gross Domestic Product) 2.029 nghìn tỷ USD, bình quân đầu người 29.114 USD. Các sản phẩm xuất cảng chính là hàng điện tử, xe hơi và thiết bị máy móc

Năm 1948 Seoul trở thành thủ đô của Nam Hàn. Seoul dân số hơn 11,8 triệu, Diện tích chỉ 605,52 km², bán kính khoảng 15 km chia đôi bởi sông Hangang (Han-Fluss). Thủ đô Seoul và các thành phố cảng lớn Incheon và tỉnh Gyeonggi, thường được gọi là Sudogwon có tổng cộng 25,4 triệu dân sinh sống là vùng đô thị lớn thứ hai thế giới sau Tokyo, chiếm một nửa dân số Nam Hàn cùng với 632.000 người nước ngoài. Hầu như một nửa dân số Nam Hàn sống ở vùng thủ đô Seoul trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của Quốc gia này. Thành phố Seoul giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Nam Hàn. Cách biên giới với Bắc Hàn 50 km về phía nam (Khu phi quân sự Triều Tiên). Seoul là một thành phố cổ có tên Wiryeseong, từng là kinh đô củ Baekje vào năm 18 trước Công Nguyên TCN và Triều đại Triều Tiên (Joseon 1392-1910). Sự định cư của con người ở vùng lưu vực sông Hán. Vương quốc nào kiểm soát thung lũng sông Hàn sẽ kiểm soát được toàn bộ bán đảo, bởi vì đó là trung tâm giao thông của toàn bán đảo. Trong thế kỷ 11, vương triều Goryeo đã quyết định xây dựng cung điện tại Seoul, được đặt tên là Namgyeong hay “Nam Đô”. Seoul trở thành một thành phố có vị trí chính trị quan trọng cho tới ngày nay.

Trong vòng 5 thập niên, Seoul trở thành một trung tâm thương mại, kinh tế phát triển, tạo nền móng cho các cơ sở hạ tầng công nghệ và thông tin liên lạc tiên tiến. Trung tâm cũ của Seoul thời vương triều Triều Tiên hiện nay là một nơi kinh doanh sầm uất, phần lớn những cung điện, văn phòng chính phủ, trụ sở các tập đoàn, khách sạn và chợ truyền thống đều nằm ở đây. Vùng nầy bao phủ châu thổ Cheonggyecheon, với một dòng suối nhỏ cheonggyecheon stream 10,84 km chạy từ Gwanghwamun tới Dongdeamun có 22 cầu trước khi đổ ra sông Hán. Qua sông Hán là vùng Gangnam rộng (39.5 km2), khu Seocho rất phát triển. Trung tâm Thương mại Thế giới, rất nhiều lần triển lãm và hội nghị được tổ chức tại đây. Gangnam còn có COEX Mall, một trung tâm giải trí và mua bán lớn nhất ở Seoul. đường phố chính Gangnam rộng mỗi bên có 6 đường cho xe xuôi ngược, lưu thông phần lớn là xe bus, (xe bus có 4 màu khác nhau tùy theo tuyến đường dài hay ngắn trong phố) người ta xếp hàng để lên xe bus không chen lấn, không khí ít bị ô nhiễm, vì không có xe gắn máy nhiều như ở Việt Nam. Hai bên đường phố lối đi bộ rộng lót gạch hay đá bằng phẳng sạch sẽ có hàng cây xanh tươi mát, đường phố cấm hút thuốc, chỉ được phép hút nơi có giới hạn. Khu Gangnam du khách có thể đến các nơi như Kukkiwon (center của Taekwondo), Yeoksam park, Samsung d‘licht, LG Arts Center… Đời sống ngày đêm an tòan du khách không sợ bị giật túi hay Iphone.

Seoul có 9 line xe điện ngầm (Subway) trải dài hơn 250 km nối với các quận của thành phố và các khu vực xung quanh. Tàu điện vùng đô thị Seoul có 12 tuyến phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, tây Gangwon, và bắc Chungnam. Đến Incheon International Airport nếu không có Shuttle bus của Hotel đón, du khách có thể mua ticket đi AREX Express Train giá 8€ tới Seoul Station khoảng 50 phút, ngoài ra phải mua ticket ở các máy tự động khoảng 20€ để đi Subway ở Seoul, tùy người đi nhiều hay ít nếu còn dư có thể trả lại. (khác bên Úc ticket còn dư tiền thì cho người khác, mỗi lần đổi tiền nhà Bank bị lấy thuế 8 dollar Úc, tiền còn dư đổi ở Airport mất 12$)! Chúng tôi thích đi du lịch tự túc đến mỗi nơi ít nhất một tuần xem những danh lam thắng cảnh theo thời gian tự do của mình, ngoại trừ đi Ai Cập vì an ninh sợ bắt cóc nên phải đi theo đoàn với người Đức.

Thế vận hội Mùa đông năm 2018 (Olympic Winter Games) được chọn tổ chức tại sân vận động Olympic Pyeongchang vào ngày 9.02.2018 thuộc tỉnh Gangwon (đã giành quyền đăng cai vào tháng 7 năm 2011). Theo thỏa thuận với Bắc Hàn, các vận động viên của họ được phép qua Nam Hàn tham gia vào cuộc thi. Hai miền Nam Bắc cùng nhau đi dưới cờ Thống nhất Triều Tiên trong lễ khai mạc. Đây là một cợ hội tốt đẹp trong lịch sử cho hai bên gần nhau hơn. Cho đến ngày 27/4, lần đầu tiên sau hơn một thập niên, lãnh đạo Nam – Bắc Hàn bắt tay nhau đàm phán nhằm chấm dứt sự thù địch kéo dài nhiều thập niên qua.

Tổng thống Moon Jae In và chủ tịch Kim Jong Un gặp nhau ở làng đình chiến Panmunjom thuộc vùng phi quân sự nằm ở biên giới hai nước. Nghị trình gồm ba chủ đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hòa bình và cải thiện quan hệ song phương. Kết quả của những nỗ lực là một hội nghị thượng đỉnh thành công tốt đẹp ngày 27/4. Hai bên đã ra tuyên bố chung lịch sử, tiến tới ký hiệp định hòa bình vào cuối năm nay. “sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, và một kỷ nguyên mới hòa bình bắt đầu”. Trong những ngày nầy chúng tôi ở Seoul, cảm nhận được người dân nơi đây vui mừng sẽ chung sống hòa bình, không còn lo sợ chiến tranh. Nhìn lại lịch sử Việt Nam cũng vào cuối tháng Tư của 43 năm trước chấm dứt chiến tranh thống nhất hai miền, nhưng vết thương vẫn còn trên thân thể của Mẹ Việt Nam. Đúng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: „chiến thắng ngày 30.4.1975 vĩ đại phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát…. có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn…” (ii)

Chúng tôi sống xa VN gần 4 thập niên, nhưng không bao giờ quên cội nguồn dân tộc, luôn hướng về cố hương và trăn trở cho thân phận làm người Việt Nam trên chính quê hương của mình. Đời sống về các quyền căn bản của người dân không được tôn trọng. Trình độ dân trí còn thấp kém, đạo đức suy đồi… người Việt giết người Việt, xử dụng các chất gia vị thực phẩm độc hại của Tàu! Người Sài Gòn gọi Kim Biên là chợ „thần chết“ kinh doanh hóa chất bán phụ gia thực phẩm, hương liệu, để chế biến các loại nước giải khát, ngâm trái cây cho mau chín, nước lèo, ngâm thịt, làm thịt heo biến thành thịt bò, gà chết thành gà tươi… thuốc xịt cho rau mau tăng trưởng… là những chất độc giết người thầm lặng ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau, đó cũng là chủ trương thâm độc của bọn Tàu bành trướng. Cán bộ nhà nước quản lý kém hay vì đồng tiền hối lộ đã nhắm mắt làm ngơ? để bọn gian thương tích trử bán ra thị trường. Ở Việt Nam bị bệnh ung thư nhiều do trình trạng trên, nếu nhà nước ra lệnh cấm kinh doanh các chất độc hại nêu trên, ai vi phạm thì bị tịch thu bỏ tù, án nặng là tử hình, thì sẽ dẹp được vấn nạn đó đời sống xã hội ổn định, thực phẩm, nước uống an toàn giúp con người sống mạnh khoẻ hơn. Ở Seoul hay Tokyo chúng tôi ăn rau không bị đau bụng, về Sài Gòn không dám ăn!

Các cung điện nổi tiếng ở Seoul

Gyeongbokgung palace xây thời triều đại Joseon cung điện được hoàn thành năm 1395, trên vị thế đẹp theo phong thủy, đất rộng làm nơi thiết triều chính của vua chúa Triều Tiên. Diện tich cung điện rộng 410.000m2 chia thành các khu vực như cổng chính, sân trước, đại sảnh, sân sau và hậu cung. Quy mô ở đây là biểu tượng cho quyền lực phong kiến của vương triều. Là nơi cư trú của nhà vua cho đến khi nó bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Imjin năm 1592. Năm 1868 vua Gojong xây lại. Trong thời gian Nhật Bản cai trị (1910 -1945) các tòa nhà bị phá hủy và công trình xây dựng thay đổi đáng kể. May mắn các tòa nhà còn lại là: Gyeonghoeru Pavilion và Geunjeongjeon.

Geunjeongjeon nơi ở của vua và hoàng hậu. Các khu vực khác được xây bất đối xứng, tạo nên sự hài hòa thống nhất và phân cấp rõ ràng. Với sân trước rộng, là nơi thiết triều và diễn ra các hoạt động chính thức của triều đình, đây cũng là nơi vua đón tiếp các sứ thần. Là cung điện lớn và cao nhất trong quần thể kiến trúc của cung điện Gyeongbokgung

Gyeonghoeru nằm bên trái cung điện Gyeongbokgung theo hướng nhìn từ cổng nhà 2 tầng được xây bên một hòn đảo nhỏ xung quanh đó một cái ao nhân tạo rất thơ mộng. Có cây cầu bắc ngang đi qua là nơi phục vụ cho các buổi yến tiệc thết đãi sứ thần hoặc các buổi đàn ca. Tầng một dựng lên bằng 48 cột đá, trang trí các hình rồng và hoa. Đây là nơi dành cho các quan có phẩm hàm thấp tham dự các buổi yến tiệc. Vua và các quan lại có phẩm hàm cao sẽ ngồi ở tầng hai.

Cổng chính của cung điện Gyeonbokgung, được thiết kế với lớp mái hai tầng và 3 cửa, cửa chính giữa và cao nhất là lối đi dành cho vua, và các cửa ở hai bên dành cho các quan lại. Trên mái có treo một quả chuông dùng để thông báo thời gian trong ngày. Phía ngoài cổng có con đường cho 6 Bộ, đại diện cho 6 cơ quan trong cơ cấu triều đại thời Joseon.

Cung điện Gyeongbokgung là công trình kiến trúc tiêu biểu cho nền nghệ thuật phương Đông là một nét son lịch sử nơi vua chúa Triều Tiên thiết triều. Về mặt mỹ thuật thì đây cũng là cung điện cổ kính nguy nga lộng lẫy, hài hòa với thiên nhiên đồ sộ nhất Nam Hàn. Các nghi lễ của ngự lâm quân mặc trang phục cầm cờ ngũ sắc, giống như thời Joseon thực hiện các nghi lễ đổi gác hằng ngày để diễn lại phần nào phong cảnh huy hoàng của các triều đại vua chúa ngày xưa. Nơi nầy là một điểm đẹp, lý tưởng du khách tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. (nếu du khách. mặc Hanbok thì được vào cửa miễn phí, Hanbok có thể thuê ở các nhà gần cổng, mỗi giờ trả 12$).

Từ năm 1990 xây dựng lại cung điện theo hình thức nguyên thủy, khoảng 40% cấu trúc cũ được khôi phục, xây lại các phần: Gangnyeongjeon; Jagyeongjeon; Hyangwonjeong; Donggung. là các khu hoạt động triều chính, khu sinh hoạt và nghỉ ngơi. Dọc theo trục chính của cung điện lấy cổng Gwanghwamun. Năm 2005, chính phủ cho chuyển Bảo tàng quốc gia bên cạnh cung điện, là nơi trưng bày các vật dụng trong đời sống hàng ngày và văn hóa dân gian của người Đại Hàn từ thời cổ đại đến nay.

Changgyeonggung Palace (창경궁)

Xây thời triều đại Joseon, vua Sejong (r.1418-1450), vua Seongjong (r.1469-1494) là cung điện cổ xưa của Triều Tiên phục vụ như là khu dân cư cho Nữ hoàng và Cung phi. Cung điện này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997, đây chính là cung điện truyền thống đặc trưng nhất trong số 5 cung điện ở thành phố Seoul. Du khách đều thán phục vì nét kiến trúc tinh tế, phong cảnh thiên nhiên đẹp là một kiệt tác tiêu biểu cho kiến trúc cung điện ở khu vực Đông Á. Theo triết học cổ đại, cung điện có vị trí đắc địa về phong thủy. Cung điện này bao gồm 4 cổng được đặt tên theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng chính là cổng nằm ở phía Nam có tên gọi là Gwanghwamun. Đi sâu vào trong cung điện là lối kiến trúc cổ kính với nhiều tòa nhà khác nhau.

Cổng Honghwa thiết kế kiến trúc Trung Hoa có mái vòm khắc họa tiết kỳ lân. Tất cả các cung điện của triều đại Joseon đều có ao với cây cầu vòm, đi qua cầu Okcheongyo, đi qua cổng Myeongjeongmun, là văn phòng Myeongjeongjeon của nhà vua là lâu đài lâu đời nhất của triều đại Joseon. Các ngôi nhà hướng về phía nam, nhưng Myeongjeongjeon phải đối mặt với hướng đông. Bởi vì ngôi đền tổ tiên của gia đình hoàng gia nằm ở phía nam, cánh cổng không thể đối mặt với phía nam, theo phong tục Nho giáo. Đằng sau Myeongjeongjeon ở phía trên bên trái là Sungmundang. Tòa nhà này sử dụng độ dốc của ngọn núi. Nhìn vào Myeongjeongjeon nhờ kiến trúc kết hợp của những mái nhà cao và thấp cho tầm nhìn tuyệt đẹp. Ngoài ra còn có các cung điện đẹp khác như: Deoksugung, Changdeokgung, Gyeonghuigung.

Bukchon Hanok Village làng cổ

Làng Hanok ở Bukchon qua các con đường hơi có độ dốc là: Wonseo-dong, Jae-dong, Gye-dong, Gahoe-dong và Insa-dong, là khu nhà của các quan chức triều đình cấp cao và giới quý tộc trong triều đại Joseon. Nó nằm ở phía bắc của Cheonggyecheon và Thần đạo Jongno, do đó có tên là Bukchon, có nghĩa là ngôi làng ở phía bắc. Làng cổ bao gồm rất nhiều con hẻm, các ngôi nhà hanok được bảo tồn nguyên vẹn trong đô thị 600 tuổi, là di tích phong cảnh giống như dưới của triều đại Joseon. Nhà xây bằng gạch, đá, phần trên là gỗ, lợp ngoái âm dương màu nâu sậm, phần lớn nhà ở đây đóng cửa kèo then còn ghi các chữ yêu cầu im lặng, đúng là khu của con cháu các quan thời xa xưa còn tính quan liêu!

Đời sống thương mãi

Myeongdong Shopping Street là một trong những khu thương mãi chính của Seoul với các trung tâm mua sắm và cửa hàng bán lẻ các mặt hàng thương hiệu quốc tế: mỹ phẩm, quần áo, giày dép từ bình dân đến đắt giá. Đối với những người trẻ, đây là khu vực đặc biệt với trung tâm thời trang, nơi đây là trung tâm dịch vụ lớn về tài chính và chứng khoán. Nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, đường phố chính đi bộ buổi tối, rất đông đúc và nhộn nhịp. Hàng ăn bán đủ thứ đi dọc phố chúng ta có thể thưởng thức nhiều món khác nhau. Nhà thờ chính toà Công giáo lâu đời nhất ở Myeongdong

Seoul Tower tháp cao 236,7m xây giống như tháp Tokyo Tower, Tháp có đài quan sát 3 tầng, nhà hàng quay mỗi vòng quay khoảng 48 phút và còn có nhà vệ sinh trên không rất thú vị (Sky Bathroom). Phần trên là đài truyền hình, tháp xây trên đồi Namsan cao 243 m có đường cáp treo, và đường dốc lên đó nhìn thấy toàn bộ thành phố Seoul Ở quảng trường phía trước tháp có 1 hàng rào với hàng triệu ổ khóa do các nhân tình khóa vào mong ước tình yêu trọn vẹn.

Chợ Gyeongdong

Chợ Gyeongdong chuyên bán các loại thực phẩm phục vụ hằng ngày như thịt, cá, rau qủa…và các loại thảo dược tốt cho sức khỏe như linh chi, nhân sâm. Sâm tươi có hàm lượng Polysacchadides, Ginsenosides và Saponin nên được nhiều người thích dùng. Giá trị sâm tính theo tuổi, loại sâm tốt trên 200€, 300€ một kilô, ở Airport không bán sâm tươi, sâm khô đóng hộp rất đắt dù giảm thuế. (dùng nhân sâm cho người huyết áp thấp, huyết áp cao không nên dùng). Nơi nầy là một trong những địa điểm mua nấm linh chi và nhân sâm tốt nhất ở Seoul. Phố cổ Insadong dọc khu phố nhiều hàng ăn uống, có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm sản phẩm của địa phương khá độc đáo.

Sinchon ‘Pedestrian-Friendly Street“ đường dẫn từ ga Sinchon đến Đại học Yonsei là một khu vực văn hóa đông giới trẻ là sinh viên, có từng nhóm trẻ trình diễn âm nhạc trên đường phố rất hay và hấp dẫn. Khu nầy có nhiều trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là Đại học Nữ sinh Ewha thành lập năm (1886) và Đại học Yonsei thành lập năm 1885, và một số trường nhỏ hơn. Đường phố ban đêm đẹp, dành cho người đi bộ với nhiều cửa hàng, quán bar, nhà hàng và quán cà phê. Đặc biệt trên đường phố ở Seoul hay Tokyo không có quán nhậu như ở Việt Nam. Trong Restaurant nước lọc hay trà được mời uống tự do. Các món ăn ngon như thịt nướng, Bibimbap, Bulgogi, Samgyeopsalgui, Galbi, gà hấp sâm của Đại Hàn không bao giờ thiếu món Kimchi, theo lời khuyên của Bác sĩ nếu người bị bệnh máu đặc không nên ăn món nầy vì chứa nhiều Vitamin K. Bánh, Bier, nước thường bán ở 7 Eleven theo giá bình dân. Ngoài các loại bier còn có món rượu đặc sản Korean Liquor.

Nam Hàn đời sống thỏa mái, Internet, FB không bị giới hạn nhờ theo thể chế tam lập phân quyền. Dân biểu Quốc Hội do dân bầu lên đại diện cho dân, không phải là loại nghị gật do đảng đề cữ để bấm nút. Nam Hàn phát triển trình độ dân trí cao đời sống văn minh, nhưng con người hơi lạnh lùng vì làm việc quá nhiều giờ. Trên tàu điện thì nam phụ, lão ấu người nào cũng cầm Smartphone bấm! cụ già trên 70 cũng chơi game. Ở Đức làm việc chỉ 38 hay 40 giờ trong tuần, được nghỉ phép 30 ngày trong năm, nhờ có thời gian nên nhiều người Đức đi du lịch… Cuối tháng tư thời tiết buổi sáng còn se lạnh hoa anh đào không còn nở rạo. Chúng tôi giả từ Souel bay sang Narita Airport Tokyo tiếp tục hành trình từ lâu mơ ước.

Nguyễn Quý Đại

—————————————-

Tài liệu tham khảo: Seoul Tourist Guide, Bách khoa toàn thư Wikipedia

ii Ngày 12.6.2018 chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Singapore, hướng đến phi hạt nhân hóa toàn diện và xây dựng mối quan hệ Mỹ -Triều Tiên trong thời đại mới, mang lại hòa bình, thịnh vượng và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới.

Tuy nhiên theo dư luận còn nghi ngờ Kim Jong Un vì bản chất người cộng sản luôn tráo trở, nói một đàn làm một nẽo. Nếu sự thật tốt đẹp, Bắc Hàn mở cửa ra thế giới bên ngoài thì người dân Bắc Hàn thật sự được giải phóng và sẽ có những dân biểu như ông Trương Trọng Nghiã của Sài Gòn đại diện cho dân, không sợ hải dám phát biểu phê bình với lòng yêu nước của mình trên diễn đàn Quộc Hội, được người dân quý mến.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên