Không biết ở nơi khác trong nước Mỹ thì sao, riêng vùng Vịnh San Francisco những năm vừa qua có nhiều dự án, nhiều chương trình được phát động để cổ vũ cho việc sử dụng xe đạp, nằm trong chính sách năng lượng xanh (green energy) với luật liên quan đã được ban hành thời Tổng thống Barack Obama.
Ô nhiễm môi trường là một vấn nạn của những quốc gia phát triển vì những nhà máy, vì lượng xe hơi thải khí độc nên việc khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng xanh đang được nhiều quốc gia đề xướng để giảm chất thải làm ô nhiễm không khí.
Đã có nhiều nơi thu hẹp lại lòng đường cho xe hơi để vạch lằn xanh riêng cho xe đạp. Tại các thành phố Oakland, Berkeley, San Francisco có những trạm mướn xe đạp mà người sử dụng chỉ cần thẻ tín dụng là có thể mướn xe để đi. Ở Berkeley, tại những trạm này giá mướn xe đạp một ngày là gần 10 đôla, nếu mướn 3 ngày liền trả khoảng 20 đô.
Cũng để khuyến khích cư dân dùng phương tiện di chuyển không làm ô nhiễm không khí, trên xe BART (hệ thống xe điện trong vùng), xe buýt ngày nay đều có chỗ để cho khách đem xe đạp theo.
Nước Mỹ giầu có nhưng vẫn khuyến khích dân dùng xe đạp. Từ những em nhỏ bắt đầu tập tành đạp xe, cho đến người lớn tuổi có nhiều người cũng thích dùng xe đạp như một môn thể thao cuối tuần cho cả gia đình.
Xe đạp ở Mỹ có nhiều loại. Giá rẻ chừng vài chục đôla cho tới đôi ba nghìn.
Tôi có người bạn, anh có chiếc xe đạp 10 tốc độ, xếp lại được vuông vức như một gói hành lý, không cần phải đóng thùng, để gửi lên máy bay. Khi về thăm gia đình ở tiểu bang khác anh đạp xe ra phi trường, gửi chiếc xe như gói hành lý và khi đến nơi có xe đạp để đi ngay. Thỉnh thoảng gặp nhau, từ vùng San Jose anh lên San Francisco anh đạp xe và đi tầu điện. Chiếc xe của anh giá hơn ba nghìn đôla.
Ngày tôi mới qua Mỹ, người bảo trợ cho chiếc xe đạp để đi học vì thế những con đường của Berkeley và các thành phố lân cận trở nên thân quen qua từng vòng xe. Ngoài lúc đi học, có khi chỉ đạp đi chơi cho biết đó biết đây nơi miền đất mới. Chiếc xe đầu tiên có ba tốc độ, mà thắng chân chứ không như xe đạp ở Việt Nam dùng thắng tay. Loại xe này đạp tới thì chạy, đạp ngược lại là thắng.
Ít lâu sau một người quen bán rẻ cho chiếc xe mười tốc độ, giá giúp đỡ 30 đô. Loại xe đua, tay lái cuốn cong, hai thắng hai bên. Giá một chiếc xe mới thời đó, năm 1975-76, chừng 300 đô.
Lúc đầu đi không quen, nhưng sau biết đổi tốc độ để leo đường dốc cho đỡ nặng, hay xuống dốc cho nhẹ và phóng nhanh. Đã từng chạy xe như thế nên sau này thấy những tay cua-rơ xe đạp chạy trên đồi bên cầu Golden Gate tôi không ngạc nhiên. Khi có dịp xem những cuộc đua xe đạp như Tour de France với tốc độ gần trăm cây số một giờ thì cũng không phải là điều lạ.
Bây giờ có nhiều người dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển, nhất là trong các khuôn viên đại học, nên việc khóa xe, gửi xe cũng là một vấn đề. Tôi chưa biết trong khuôn viên đại học có nơi nào gửi xe đạp tốn tiền hay không, chỉ thấy những khung sắt đặt sẵn cho sinh viên tự khóa xe.
Mà kẻ ăn cắp xe đạp cũng không thiếu. Quanh Đại học Berkeley thỉnh thoảng có những chiếc xe được khóa vào cột điện hay trụ xi măng bên đường, không biết đã bao lâu rồi mà chỉ còn khung sườn, hai bánh đâu mất.
Với những xe đạp tốt, giá vài trăm đô thì gửi xe nhiều khi phải bỏ vào thùng để bảo đảm không bị mất hay bị tháo gỡ bộ phận. Như bạn đọc thấy trong hình, đó là thùng gửi xe hiện có ở trạm xe điện và một số nơi trong vùng Vịnh San Francisco.
Với nhiều người Việt, có thể cả một số người châu Á khác, xe đạp được cho là phương tiện di chuyển của người nghèo. Nhìn vào xã hội Việt Nam, hay Trung Quốc là thấy, những năm của thập niên 1980 đường xá đa số là xe đạp. Sau đổi thành Honda rồi Scooter và nay đang tiến đến thời đại của xe hơi.
Năm 1985 tôi đến xứ sở của những vườn hoa tu-líp sặc sỡ mầu và ngạc nhiên khi thấy bạn ra trạm tầu điện đón mình bằng xe đạp. Khi đó trong đầu tôi vẫn còn suy nghĩ kiểu người Việt, nhìn người đi xe đạp là nghèo. Ở chơi mới thấy người dân Hà Lan hầu như ai cũng đi xe đạp. Sáng sáng chở con nhỏ đến trường, đi chợ họ đều đi xe đạp mà đất nước văn minh phát triển.
Ở Mỹ ngày nay phong trào sử dụng xe đạp cũng đang được chú ý. Những năm trước đây tại thành phố San Francisco có ngày gọi là “critical mass”, vào mỗi thứ Sáu cuối tháng, khi hàng nghìn người rủ nhau đem xe đạp chạy quanh các con phố chính cổ vũ cho việc dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển.
Nhiều nước đang phát triển muốn bỏ hình ảnh nghèo với xe đạp để thay bằng xe hơi. Ngược lại ở một số nước phương Tây tiến bộ, như ở Mỹ, ở Hà Lan thì không coi xe đạp là phương tiện của người nghèo mà lại khuyến khích người dùng xem đó là cách bảo vệ môi sinh, gìn giữ sức khoẻ.
Tôi còn nhớ câu hát của Phạm Duy đã để lại hình ảnh dễ thương của chiếc xe đạp mini ở Việt Nam trong thời đầu thập niên 1970: “Xin cho em một chiếc xe đạp, xe xinh xinh để em đi học…” và đã chọn làm tựa cho bài viết này.
Mười năm sau ngày rời Việt Nam, khi làm việc ở trại tị nạn tôi được nghe thuyền nhân hát về chiếc xe đạp: “Chiều chiều em đạp xe, thả dốc dài Bến Đá, anh như hòn núi lớn, em như hòn núi nhỏ…”
Bây giờ không biết có còn người Việt Nam nào mơ có được chiếc xe đạp.
Bùi Văn Phú