Vô cảm và dối trá

3
Biệt phủ rộng 10 ngàn m2 của quan chức Yên Bái

 

Hàng loạt các quan chức đầu tỉnh lộ biệt thự hàng chục tỷ, nguy nga và đồ sộ từ núi rừng Yên Bái đến miền duyên hải hay tỉnh Thanh Hoá nghèo khó. Họ giải thích lao động thối móng tay, nuôi lợn, tăng gia làm kinh tế..hay của em họ, anh họ.

 Mặc dù đảng cộng sản VN ra sức kêu gào chống tham nhũng, thanh tra tài sản, bắt đảng viên phải kê khai tài sản, những biệt thự của quan chức hiện lên ngày một nhiều. Một ông phó giám đốc bệnh viện cầm gạch đập vào một xe ô tô đậu trước cửa nhà mình, thiên hạ mới thấy ông quan đốc tờ này đi chiếc xe mấy tỷ và ở trong một ngôi biệt thự giữa thủ đô. Trong khi những tin tức cầu cứu về trường hợp trẻ em nghèo không có tiền để thực hiện ca phẫu thuật tràn lan trên báo chí.

Từ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hô hào chống tham nhũng, minh bạch tài sản đến ông thủ tướng, phó thủ tướng liêm chính đều làm ngơ như không biết.

Chẳng ai đặt câu hỏi nếu nuôi lợn, trồng rau, làm xe ôm để có từng đấy tiền để xây biệt thự hàng chục tỷ như thế, thì thời gian đâu vị quan chức ấy lo việc công cho xã hội.Lạ lùng thay, người ta coi những giải thích như thế là hợp lý, cả những người nuôi lợn lay lắt sống cũng coi đó là hợp lý.

 Cái đáng sợ nhất của đất nước này là như vậy, là những điều vô lý, không tưởng vả nghịch lý từ miệng quan chức nói ra đều được chấp nhận.

Đến cả chuyện chết người trong đồn công an, được giải thích là do tự thắt cổ, tự rạch cổ, tự đập đầu , thậm chí là tự chết cũng được xã hội chấp nhận.

Bởi vì sao, bởi vì nói ra bị quy kết thành phản động, bị kết án tù.

Và xã hội coi chuyện nói ra những việc ấy, vạch ra những vô lý ấy bị tù là chuyện đương nhiên.

Rồi đến chuyện biển đảo rơi vào tay ngoại bang cũng đương nhiên, người ta bảo mình yếu thì phải chịu, giờ có làm được gì đâu. Chuyện học sinh đánh nhau, chém giết nhau  cũng không ai ý kiến, miễn chưa phải con mình là nạn nhân hay  kẻ thủ ác là được.

Đến ngay cả thực phẩm độc hại lan tràn, mua về nấu cho mẹ mình ăn, con mình ăn mà người Việt Nam còn cho qua, huống gì là những việc khác.

Những sự thật nào nói ra mà bị cầm tù, đó không phải là sự thật.  Đấy là cái tư duy mà đảng cộng sản đã nhét vào đầu những người dân Việt Nam, cũng như ngược lại những sự dối trá nào nói ra được an lành, được khen ngợi thì sự dối trá đó là sự thật.

Tóm lại những gì có lợi cho đảng CSVN, thế lực cầm quyền thì là những điều có thật, còn không đều là xuyên tạc.

Ươn hèn, dối trá thuộc về khí chât. Một xã hôi, một dân tộc khí chất ươn hèn thì khó mà thành công. Dân tộc Việt Nam vốn không phải như vậy, nhưng dưới thời cộng sản cai trị, sự ươn hèn và dối trá ngày càng phát triển. Sự phát triển cao đến nỗi người ta trở nên bàng quan, vô cảm trước cái dối trá, rồi tiếp tục phát triển đến một tầm cao hơn nữa là coi những dối trá đó là sự thật . Đỉnh điểm phát triển cao hơn nữa là coi những ai hoài nghi là những kẻ phản động, những kẻ phá hoại đất nước. Rồi hát triển cao hơn nữa là những kẻ tung hô dối trá là những người thành công, trí thức, những người tiến bộ.

 Và đỉnh điểm của thành công ấy là tuyên truyền cho con mình, những điều dối trá ấy.

Đã đến cái điểm mà dạy cho con mình tin những điều dối trá ấy là sự thật, có còn gì để mà nói nữa.

Đất nước Việt Nam bây giờ như vậy, và chiều hướng vẫn như vậy với mức độ tệ hại hơn.

May mắn hơn thời gian gần đây công nghệ thông tin và những máy móc phục vụ truyền thông phát triển cao, chỉ cần một chiếc điện thoại di động người ta có thể đưa hình ảnh, clip và thông tin lên internet chia sẻ cho mọi người. Những người nói lên sự thật ở đất nước Việt Nam đã nhiều hơn, nhưng những kẻ đi ngược lại để chống phá điều đó cũng càng lồng lộn cay cú hơn. Nhiều bản án tù khắc nghiệt của chế độ cộng sản cầm quyền đã giáng xuống đầu những cá nhân làm truyền thông nghiệp dư và đơn lẻ. Cái giá phải trả để nói lên sự thật, thức tỉnh mọi người không bao giờ rẻ cả. Hàng trăm năm trước Galie cũng thế và bây giờ Vũ Quang Thuận và bao nhiêu người khác của Việt Nam cũng vậy. Nhà tù Việt Nam ngày càng nhiều hơn những người nói ra sự thật.

Nhưng cũng như đã nói trên, cuộc tranh đấu của sự thật và sự dối trá đang vào đỉnh điểm , bởi những kẻ cầm quyền đang lồng lộn dùng vũ lực để trấn án, và buồn hơn là những kẻ vô cả, ươn hèn lại tiếp tay cho chúng bằng cách  giả ngơ hoặc đồng tình với những hành vi trấn áp bạo lực đó.

Bờ vực cuộc chiến truyền thông của sự thật và dối trá cũng là bờ vực của sự đi lên phát triển hay thụt lùi, tụt hậu. Những cá nhân làm truyền thông nói lên sự thật ở Việt Nam rất cần những sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Họ trực tiếp đối mặt với những hiểm nguy và những khó khăn, trong hoàn cảnh ấy để sống và cống hiến truyền thông sạch cho dân chúng là một điều khó khăn. Việc nhận hỗ trợ bên ngoài hoàn toàn là việc cần thiết và đúng đắn. Nhưng đáng tiếc, do những bất đồng về quan điểm , một số những người bên ngoài đã miệt thị gọi họ là ” những người hành nghề dân chủ ”.

 Bỏ tiền ra hỗ trợ để người ta nói điều mình muốn nghe khác xa với bỏ tiền ra để nghe điều người ta muốn nói.

 Chỉ khi nào những người bỏ tiền hỗ trợ cho những người làm truyền thông cá nhân trong nước, nói điều mà họ muốn nói thì truyền thông lề trái của Việt Nam mới phát triển được. Trong bối cảnh bây giờ người Việt ở trong nước cần được ưu tiên hơn, không phải là lúc tranh luận nói thế nào.

 Hãy giúp những người Việt trong nước, nói lên điều họ muốn nói. Chứ không phải điều mà những người bên ngoài muốn nghe. Không nên cho rằng trước đây đã giúp đỡ họ, bây giờ họ nói không đúng điều mình muốn, họ là kẻ phản bội, là kẻ bội ơn. Những sự giúp đỡ là tự nguyện, thường xuất phát khi thấy những việc người trong nước đã làm, đã chịu đựng. Vì thế nó không liên quan đến những việc người đó nói hay làm gì sau này. Nếu như chúng ta giúp đỡ vì việc họ sẽ làm trong tương lai, thì đó là hợp đồng lao động, nó chẳng còn là sự quyên góp giúp đỡ nhân đạo nữa,

 Để chiến thắng sự vô cảm, dối trá, ươn hèn trong xã hội Việt Nam ngày nay, cần những người Việt trong nước cất tiếng nói, nhưng cũng cần người Việt hải ngoại bên ngoài có tấm lòng cao thượng, khách quan giúp đỡ cho họ cất tiếng nói bằng việc hỗ trợ vật chất và tinh thần, mà không đòi hỏi hay ép buộc ai phải làm theo những điều mình muốn.

 Chúng ta những người làm truyền thông đơn lẻ, hỗ trợ cũng đơn lẻ, không có nguyên tắc, không có hợp đồng, luật lệ…bởi thế hơn hết chúng ta cần sự bao dung, rộng lượng và tính khảng khái để làm những tiêu chí đối xử với nhau.  Cần phải chiến thắng chính bản thân chúng ta trước khi đi vào cuộc chiến truyền thông dối trá của chế độ cộng sản.

Phải qua được bước này, truyền thông của những người đấu tranh mới đi tiếp được trong cuộc chiến với truyền thông cộng sản. Còn nếu không, sẽ chẳng bao giờ đứng vững.

Theo Blog Người Buôn Gió

3 BÌNH LUẬN

  1. Trích:” Nhưng đáng tiếc, do những bất đồng về quan điểm , một số những người bên ngoài đã miệt thị gọi họ là ” những người hành nghề dân chủ ”.”

    Một số những người bên ngoài là ở đâu?
    Và…thằng nào đã nói câu nầy, hãy điểm mặt chỉ tên nó coi?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên