ĐCV: Cộng đồng đang sốt với tiêu chí tuyển chọn của trường Ams (tên viết tắt của trường trung học chuyên Amsterdam- Hà Nội), khi 933 học sinh dự tuyển với học bạ có các môn toàn điểm 10, hiếm hoi lắm mới có môn điểm 9. Vào được trường chuyên Amsterdam là mơ ước của nhiều thế hệ cắp sách tới trường ở Hà Nội, nhiều người từ trường này đã giành học bổng tại các quốc gia Tây Âu, trong đó có những học bổng khủng ở Mỹ.
Trong lúc đó, tiến sĩ Nguyen Duc Thanh, một cựu học sinh ở đây đã chia sẻ quan điểm trái chiều trên Facebook cá nhân và nhận được rất nhiều phản hồi cũng như gạch đá từ cộng đồng mang, đặc biệt là từ các học sinh, cựu học sinh trường này.
Chúng tôi xin chia sẻ góc nhìn khác biệt này.
Tôi là học sinh trường Ams khoá 1992-1995. Chuyên Lý 1. Nói thì bây giờ không ai tin, nhưng tôi đã từng học giỏi gần nhất trường về môn mà tôi học chuyên, tức là môn Lý.
Quãng thời gian học ở trường Ams là đẹp đẽ không khác gì những năm cấp 2 khi tôi học chuyên toán hay các bạn học ở trường khác. Tinh thần tự do của chúng tôi được nuôi dưỡng từ đây. Là học sinh đội tuyển, chúng tôi được học thêm với những thày giỏi nhất nước lúc ấy. Những người thày đã già, thuộc về tầng lớp tinh hoa thời trước bị cách mạng ngấm ngầm loại bỏ bằng cách cho đi dạy học. Như vậy, việc học đội tuyển đã khiến tôi may mắn nhận được hai điều: nhìn thấy nhân cách của các thày và không phải học các môn khác của chương trình phổ thông. Tôi đã không phải học thơ Tố Hữu hay những áng văn cách mạng hăng hái, mà để cải thiện môn văn học, tôi tự đọc Việt Nam Văn học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm theo hướng dẫn của bố tôi, nơi tôi tìm thấy cảm hứng tự do trong Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ và sự cao nhã của Phạm Quỳnh.
Đó là những hành trang tôi có được từ trường Ams. Và nhờ thế, giờ đây tôi có được niềm tin rằng nên giải tán trường Ams hoặc biến nó thành một trường tư thông qua bán đấu giá nó.
Lập luận của tôi là:
1. Mô hình trường Ams là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Bố mẹ các bạn nghèo và được giả định là học kém – giả định thôi – đóng thuế để cho bố mẹ các bạn giàu có hơn, được cho là học giỏi hơn – chắc chắn đó là một giả định – và nói chung là suy đồi hơn, cho con vào học để sau này ngồi lên đầu các bạn nghèo và học kém hơn kia. Tức là mô hình này chủ động tái tạo và mở rộng bất công xã hội.
2. Mô hình này sẽ OK nếu nó là một trường tư, như trường Olympia, nơi cha mẹ giàu trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn. Như mô hình Ams hiện nay, chi phí này lấy từ ngân sách nhà nước, tức là lấy từ tiền của các bố mẹ khác. Vậy là không công bằng.
3. Việc bố mẹ phải đút lót chạy bảng điểm đẹp không phải như mơ mà như dở hơi (thật là đáng thương cho đứa trẻ có bảng điểm toàn 10), hoặc chạy tiền để có đủ thứ giải thưởng cho có vẻ có năng khiếu hay đơn giản là đút tiền thẳng cho lãnh đạo trường Ams – sự suy đồi mà chúng tôi là cựu học sinh cảm thấy ô nhục – chứng tỏ rằng việc lo cho con được học ở Ams sẽ giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí đào tạo LỚN HƠN phần họ đã bỏ ra chạy chọt. Việc này sẽ biến mất nếu thực hiện điều 2 nêu trên.
4. Mục đích của trường chuyên lớp chọn như trường Ams đã hết vai trò lịch sử của nó. Giả thuyết của tôi là trước đây trong lúc chiến tranh nghèo khổ, lại muốn chứng tỏ rằng người miền Bắc có trí tuệ (so với miền Nam và cả thế giới), nên đã phải mở các trường chuyên làm showcase. Từ đây đào tạo ra một ít gà nòi để đem đi triển lãm trên thế giới thông qua các kỳ thi toán lý quốc tế. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều. Những người này cũng được kỳ vọng sẽ phục vụ chế độ vì đúng là họ có khả năng thật. Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng trong một xã hội thời chiến nghèo khổ, lệch lạc, nhưng lại muốn bằng chị bằng em và duy trì nguồn tài trợ từ nước ngoài cho chiến tranh.
Niềm tin của tôi về sự vô dụng, lỗi thời và bất công của mô hình trường Ams được thực hành bằng việc tôi chưa bao giờ có ý định cho các con tôi học trường đó. Dù tôi biết một ít thuế của tôi, họ hàng tôi, các nhân viên của tôi, cũng như bạn bè tôi, vẫn âm thầm chảy ra mỗi ngày để duy trì mô hình đó cùng những đứa trẻ đang học trong đó – những học sinh tiết kiệm được phần lớn chi phí cho điều kiện học vượt trội của mình.
Với tất cả niềm tự hào là một học sinh trường Ams khoá 1992-1995 có ảnh được treo trong phòng truyền thống của Trường, với mong muốn tri ân những gì quý giá nhất tôi được học từ thày cô bạn bè trường lớp thân yêu ấy, cộng thêm niềm say mê người vợ cũng học trường Ams kém tôi 5 khoá, tôi kêu gọi xoá bỏ mô hình trường Ams thông qua việc đưa nó về thành một trường công bình thường hoặc bán đấu giá nó cho tư nhân để biến nó thành một trường tư.
FB Nguyen Duc Thanh