Trong suốt một năm qua, từ ngày Tổng thống Donald J. Trump lên nhận chức, vấn đề nhập cư vào Mỹ đã là đề tài nóng vì chủ trương mới của lãnh đạo Mỹ.
Vừa vào Bạch Ốc được một tuần, ông Trump ký sắc lệnh ngưng nhận người tị nạn trong vài tháng để rà soát lại, cùng cấm du hành vào Mỹ công dân từ bảy quốc gia theo đạo Hồi. Sắc lệnh này bị nhiều chánh án ra phán quyết cho là vi phạm luật Mỹ vì thế đã không được thi hành.
Sau đó ông Trump lại ký một sắc lệnh khác cũng với mục đích giới hạn du hành vào Mỹ những người từ sáu nước đạo Hồi, và công dân Bắc Triều Tiên, là những quốc gia mà ông cho đó là những chiếc nôi của khủng bố nhắm vào nước Mỹ. Sắc lệnh này không khắc khe như trước, tuy cũng bị kiện về tính vi hiến, nhưng khi lên đến Tối cao Pháp viện thì được cho thi hành.
Tổng thống Trump cũng đã rút lại sắc lệnh DACA khiến cho hàng triệu di bất hợp pháp đang sống ở Mỹ lo lắng. Sắc lệnh này trước đây do Tổng thống Barack Obama ban hành đã cho phép tạm ngưng trục xuất những người được cha mẹ đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ mà nay đang đi học hoặc có việc làm. Ước chừng có 800 nghìn người trong diện này.
Đến tháng Ba tới nếu không có thay đổi về luật để người trong diện DACA được tiếp tục ở lại Mỹ, cơ quan phụ trách thi thành luật di trú là ICE (Immigration and Customs Enforcement) sẽ tiến hành việc trục xuất.
Quốc hội và hành pháp đang tranh cãi để có thể thông qua một dự luật, có tên DREAMERS, nhằm thay đổi qui chế và chính sách di dân.
Tổng thống Trump chỉ muốn cho người theo diện DACA được tiếp tục ở lại, nhưng không được ân xá để dễ dàng có thẻ xanh rồi thành công dân Mỹ. Ông cũng muốn quốc hội chi tiền cho việc xây tường dọc biên giới với Mexico để giảm số người nhập cư bất hợp pháp cùng tội phạm vào Hoa Kỳ.
Những ngày qua còn ồn ào, sôi động lên với phát biểu của ông Trump mang tính sỉ nhục người dân từ những quốc gia châu Phi và Haiti, mà ông gọi là “chuồng xí”, trong một buổi họp tại Bạch Ốc với lãnh đạo dân cử của hai đảng để bàn luận về cải tổ chính sách di dân.
Chủ trương của chính quyền Trump là giới hạn số người vào Mỹ định cư. Ông muốn bỏ diện bảo lãnh cha mẹ, anh chị em, bỏ chương trình xổ số cho di dân vào Mỹ và chỉ cho định cư những người có tay nghề cao, có khả năng Anh ngữ.
Lịch sử Hoa Kỳ là lịch sử di dân. Nước Mỹ đã giang tay đón nhận dân nước ngoài từ nhiều nơi trê thế giới, dù là cho tạm dung hay được định cư lâu dài.
Qua tranh luận gần đây về chính sách tiếp nhận người nhập cư, nhiều người mới biết được không chỉ có 800 nghìn di dân diện DACA đang được tạm trú, mà còn có mấy trăm nghìn người El Salvador và người Haiti đã được Hoa Kỳ đón nhận cho tạm cư khi những quốc gia này gặp thiên tai hay bất ổn chính trị.
Năm 1989, khi xảy ra vụ tàn sát sinh viên đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Tổng thống George W.H. Bush (Cha) cũng đã ký sắc lệnh cho hàng vạn sinh viên Trung Quốc đang du học Mỹ được phép ở lại định cư.
Ba năm trước đó, năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan đã ban hành luật ân xá cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp được hợp thức hoá tình trạng cư trú và trở thành công dân trong vòng mười năm.
Khuynh hướng chống di dân vào Mỹ không phải đến giờ mới có. Ngay ở tiểu bang California là nơi hiện nay có đông di dân nhất, hợp pháp hay không, cũng đã có thời không muốn đón nhận người Hoa, đã bài xích và đưa người Nhật vào các trại giam thời Chiến tranh Thế giới II, đã không muốn tiếp nhận người Việt tị nạn thời thập niên 1970.
California ngày nay đã thay đổi nhiều trong cách nhìn về di dân. Ba thập niên qua những nhà làm chính sách của tiểu bang đã mở rộng vòng tay đón nhận di dân, hợp pháp cũng như bất hợp pháp nên họ đổ về đây định cư ngày một đông. Rất nhiều thành phố của California là nơi tạm trú an toàn cho người sống không giấy tờ hợp pháp. Người gốc da trắng, từ châu Âu sắp thành dân thiểu số ở tiểu bang này.
California nổi tiếng là “đất vàng”. Điều này đúng vì nơi đây từ gần 200 năm qua đã là những mỏ vàng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đem lại cuộc sống ấm no cho biết bao nhiêu triệu người, để tiểu bang này nếu tách riêng thành một quốc gia, với 39 triệu dân sẽ có nền kinh tế lớn thứ 7 hay thứ 8 của thế giới.
Đó cũng là nhờ truyền thống di dân của vùng đất này. “Về miền Tây” đã là điệp khúc từ thời còn chăn bò, cỡi ngựa khám phá, khai khẩn đất mới của người dân từ các nơi ở miền đông nước Mỹ tìm đường sang miền tây, mở mang cõi bờ nước Mỹ đến bờ Thái Bình Dương.
Ở California, nếu bạn có dịp lên vùng núi non Lake Tahoe hay đi thăm công viên quốc gia Yosemite, và tưởng tượng ra ngày xa xưa, khi chưa có những con đường trải nhựa để xe ôtô chạy, khi đó đoàn người lữ hành cỡi ngựa, kéo xe đi khai hoang, mở đường.
Lịch sử còn ghi lại những tuyến đường xe ngựa, như Oregon Trail nổi tiếng dẫn đến các tiểu bang miền tây là Washington, Oregon xuống đến California. Những con đường mòn, đường đất đá gian nan đã đưa nhiều người với óc mạo hiểm vượt qua núi đồi chập chùng, qua mùa đông băng tuyết khiến nhiều người không chịu nổi, bỏ cuộc hay chết bên đường.
Cư dân California ngày nay nhiều người cũng đã phải trả giá cho hành trình vượt biên giới để đến được vùng “đất vàng”. Họ là thuyền nhân, bộ nhân. Họ đến từ châu Á, từ Mexico, từ châu Mỹ Latinh. Riêng người Việt tị nạn được định cư rải rác ở các tiểu bang trên đất Mỹ trong năm 1975, nhưng sau đó nhiều người cũng đã khăn gói rủ nhau “tây tiến” về California tìm chút nắng ấm, chút tình đồng hương và cho được gần với quê hương hơn.
Đất California thực tế là có rất nhiều vàng, như thời đào vàng bùng nổ trong những năm của thiên niên kỷ 1800. Có dịp tắm biển Coronado ở San Diego bạn sẽ thấy trong cát lấm tấm vàng. Hay lên vùng núi đá Yosemite, lội theo giòng sông Merced cũng sẽ thấy trong nước những hạt vàng li ti.
Ngày nay không còn nhiều người đi đãi vàng như ở Thế kỷ XIX. Có dịp đến bên những giòng sông, những con suối, con rạch đãi cát tìm vàng là cho vui khi lên non và để hiểu thêm về lịch sử của vùng đất này.
Vàng California ngày nay nằm ở thung lũng điện tử, ở những khu công nghiệp thu hút trí tuệ và tài năng, hay ở những vườn rau, vườn hoa quả trải dài hàng trăm dặm đường trong thung lũng trung phần của tiểu bang, thu hút công nhân lao động.
Trong số hàng triệu người làm việc để đem đến sự phát triển và thịnh vượng cho tiểu bang, có biết bao nhiêu người là di dân. Những chính sách chống di dân sẽ không giúp cho California, vùng “đất vàng” từ bao năm qua, và nước Mỹ tiến bộ được.
Bùi Văn Phú