Có thể nói, với Thôi Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian, Tùy Anh vẫn giữ lời thơ tự sự. Và những trang viết đầy ăm ắp hồn người hướng ra biển, nơi Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, cùng vắt hết những gì còn lại trong trái tim gửi về nơi đất mẹ: “Thôi đành khóc vọng biển khơi/ Âm hao giọt tủi, đầy vơi giọt sầu“ (Khóc vọng biển khơi).
Nhà thơ Tùy Anh tên thật là Nguyễn Hòa, sinh năm 1938 tại Huế. Và bút danh Phù Vân khi ông viết truyện ngắn, văn xuôi. Do vậy, có thể nói Nguyễn Hòa đến với văn học (bằng đôi chân) rất cân đối, và vững chắc. Ông là kỹ sư, nguyên Trưởng Ty Thủy Lâm Đà Nẵng và Trưởng Khu Thủy Lâm Vùng Một Chiến Thuật. Sau 30 tháng 4-1975, ông phải đi tù cải tạo. Năm 1980 ra tù, ông vượt biển và định cư tại CHLB Đức. Với gần ba chục năm làm Chủ nhiệm Tập san Viên Giác, ông đóng góp không nhỏ cho văn thơ nói riêng, cũng như văn hóa Việt nói chung nơi hải ngoại. Tùy Anh mất vào ngày 18- 8- 2023 tại Hamburg.
*Mẹ, quê hương, tình yêu trong nỗi ưu phiền.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Tùy Anh gắn chặt với thân phận đất nước, nỗi bất hạnh của dân tộc. Mang theo nỗi uất hận để ra đi, đánh cược sự sống chết trên con thuyền nhỏ nhoi giữa biển khơi và bão tố, song ta vẫn thấy lời thơ Tùy Anh thủ thỉ, và nhẹ nhàng. Về Rừng, một bài thơ bát ngôn, đậm chất thế sự như vậy của ông. Và nó cũng là một trong những bài thơ hay sâu sắc trong thi tập Thôi Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian:
“Ôm mối hận nhưng lòng còn son sắt/ Thương quê hương đòi đoạn tháng ngày qua/ Thương đời mình lỡ một thuở ngu ngơ/ Nên lao nhục trong rừng sâu núi thẳm/ Cam đày đọa trong lao tù giam hãm“.
Nỗi buồn đau ấy, dù trong ngục tối, hay hành thân nơi đất khách hồn thơ Phù Vân vẫn luôn bộc lộ tư tưởng tự do. Một con đường dân tộc phải đến:
“Có ai hỏi, một ngày mai hưng phấn/ Ta tìm về trong dòng chảy thế nhân/ Con đường cũ vẫn còn miên man nắng/ Đường tương lai vẫn náo nức ngày về“. (Ba mươi năm viễn xứ).
Đi sâu vào đọc ta có thấy, những bài thơ hay của Tùy Anh thường ở thể bát ngôn. Một thể thơ không quá gò bó về niêm luật. Vâng! Tháng tư ngó về đông phương, là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất ở thể bát ngôn về nỗi nhớ thương, buồn đau kiếp lưu vong như vậy của Tùy Anh. Và hai câu thơ man mác buồn, nhưng có hình ảnh ẩn dụ rất đẹp về tâm trạng thi nhân, chứng minh tài năng ấy của Tùy Anh: “Còn một chút quê hương trong màu nắng/ Thêm mặn mà trên từng đợt phù sa“. Dù Tùy Anh có cố chôn vùi nỗi đau đó vào miền tĩnh lặng, thì vết thương nơi quê nhà vẫn không thể đóng thành sẹo ở trong ông. Vì vậy, Ba Mươi Năm Viễn Xứ, hay hết cả cuộc đời, thì tâm hồn Tùy Anh vẫn u uất trầm luân. Với tâm trạng như vậy, đã cho ông cảm xúc để viết: Ba Mươi Năm Viễn Xứ. Một bài thơ bát ngôn mang mang hồn cổ phong:
“Còn gì lạ, giữa phương trời khổ hạnh/ Gió đầu sông thương sóng nước cuối ngàn?/ Đời vẫn thế, trăm sông chia ngàn nhánh/ Không trầm mê cũng u uất trầm luân/ Trong u tịch sao tâm không tĩnh lặng/ Càng nôn nao càng vướng víu muộn phiền“.
Và dường như, nhà thơ đã bất lực? Để từ đó bật ra trong ông những lời tự ru, hay một tiếng than để vơi đi nỗi đau, và niềm thương nhớ đó:
“Thôi đành vậy, ba mươi năm viễn xứ/ Như mây trời phiêu bạt tận mười phương/ Vẫn hun hút trên dặm ngàn lữ thứ/ Ôm xót xa bao nỗi nhớ niềm thương.” (Ba Mươi Năm Viễn Xứ).
Và mỗi tháng tư về, tâm hồn Tùy Anh bị cào xới, vết thương cũ dường như lại mưng mủ. Thật vậy, nếu trước đây ta đã đọc: Tháng Tư Gợi Nhắc Niềm Đau, với những câu thơ trải lòng, rút ruột: “Tưởng đã phai mờ cội nguồn chủng tộc/ Bằng vào tên họ nửa Á, nửa Âu/ Bằng vào quốc tịch vô căn mất gốc/ Quên hẳn da vàng, mũi tẹt, mắt nâu…/ Tưởng rằng đã quên đi đắng cay uất hận/Bằng nửa cuộc đời lưu lạc tha phương“ thì đến Tháng Tư Gọi Thầm, dường như Tùy Anh đang trốn chạy, hòng thoát ra khỏi nỗi ưu phiền đớn đau đó: “Tháng Tư thường giấu nỗi buồn/ Lên non tìm những suối nguồn lãng quên/ Nhìn dòng nước chảy dịu êm/ Ưu tư cũng mất, ưu phiền cũng tan!“. Nhưng nhà thơ đã lầm. Trong vòng tròn không lối thoát ấy, Tùy Anh có trốn chạy hết cuộc đời, vẫn trở về điểm ban đầu, với nỗi u sầu được nhân lên gấp bội: “Tháng Tư… Ôi, lại Tháng Tư/ Đưa ta vào cõi sa mù xa xưa/ Giờ đây ngồi tựa song thưa/ Giọt buồn u uất, giọt mưa u trầm“.
Dường như, Tùy Anh đã gom hết những từ ngữ, hình ảnh đẹp nhất về mẹ vào trong thơ. Đọc ta không chỉ thấy tình yêu, nỗi nhớ của tác giả mà còn thấy được hình ảnh, linh hồn mẹ hiện lên thuần khiết, bao dung: “mẹ đi giữa mùa hạ/ hồn ủ trong hương sen (…)/ nay thêm lần giỗ mẹ/ thêm một lần ăn năn“. Tuy nhiên, thành thật mà nói, những bài viết về mẹ ở tập Thôi cũng đành dâu bể với thời gian này, bút lực Tùy Anh đã giảm sút đi rất nhiều so với những tập thơ trước đây tôi đã được đọc như: Ngoài Xa Dấu Chân Mây, Trầm Ngải Thiết Tha, và Khúc Hát Tiêu Dao. Tuy tập thơ Thôi cũng đành dâu bể với thời gian, không có bài viết hay về mẹ, song ở đó vẫn tìm được những câu thơ thật xúc động, với hình ảnh, lời thơ tuyệt đẹp của Tùy Anh: “Vòng tay mẹ ủ hương nhu/ Bao nhiêu âu yếm cũng từ đấy thôi“.
Bài thơ hay, ngoài cảm xúc dứt khoát phải có hình ảnh, và sự liên tưởng mới lạ, hoặc độc đáo. Để chứng minh cho điều này, ta hãy đọc lại trích đoạn trong bài: Lời Mẹ Ru rất hay dưới đây, được in ở những tập thơ trước của Tùy Anh. Ở đó, nhà thơ đã nhân cách hóa một cách rất cụ thể, tinh tế hình ảnh tần tảo của mẹ trong cái đắng cay, nhọc nhằn nơi quê nhà. Vâng, một sự liên tưởng về mẹ với quê hương một cách rất độc đáo:
“Mẹ mắc võng từ thượng nguồn Bàng Lãng/ Đến ngọn triều cuối cửa bể Thuận An/ Lưng mang nặng nhịp Trường Tiền, Bạch Hổ/ Mẹ gánh thêm núi Ngự, Hương Giang (…)/ Nước mắt mẹ đã bao lần nhỏ xuống/ Máu xương con tưởng đã chảy thành sông” (Lời Mẹ Ru)
Tùy Anh viết nhiều về tình yêu đôi lứa. Và với người vợ của mình, ông có nhiều trang thơ đằm thắm, sâu sắc. Có những câu thơ éo le, lỡ làng ngang trái viết cho Phương Quỳnh đọc thật cảm động:
“ Thế mà anh đã ra đi/ em cũng ra đi ngàn phương biệt/ Tình cờ thay/ Ta hội ngộ chốn tha hương…/ Có những cánh chim sải cánh tìm về quá khứ/ Có những nhánh sông thầm lặng/ tìm chỗ hợp lưu/ Sao anh với em vẫn âm thầm một đời lữ thứ“ (Một lần nữa xin cảm ơn em).
Tuy nhiên, những bài thơ tình Tùy Anh viết về cái thuở còn áo trắng ngu ngơ, tôi khoái hơn cả. Sự khoái cảm này, không hẳn bởi sự nhí nhảnh, hồn nhiên và trong sáng, mà có lẽ do tập thơ quá thâm trầm, làm cho ta có cảm giác nặng nề chăng? Vâng, một chút ngu ngơ hồn nhiên ấy thôi cũng đủ làm cho tập thơ sinh động, như có luồng gió mới chợt ngang qua vậy:
“con chim nhà đầu ngõ/ thường hót vào sớm mai/ ngọt ngào như nỗi nhớ/ thuở nào, bóng dáng ai/ anh thường ngang qua đó/ trộm nhìn em, bâng khuâng/ ly cà phê quán nhỏ/ pha men tình nhớ nhung/ anh về trong gác trọ/ lắng lòng mình đợi mong/ bài thơ tình dang dở/ viết lúc nào mới xong/… em đi không từ biệt/ anh âm thầm xót xa/ bài thơ chưa kịp gởi/ ngại ngần rồi lại thôi“ (Ngu ngơ tình thuở ấy)
*An nhiên tự tại đến những lời thơ vĩnh biệt.
Dường như, chỉ có Đạo giáo mới có thể giải thoát sự bất hạnh, và xoa dịu nỗi đau tâm hồn chăng? Do vậy, giữa lúc bế tắc, với tâm hồn bơ vơ và rách nát, có một con đường hé mở, để Tùy Anh tìm thấy: Tâm Vọng Thiền Môn. Nơi ký thác tâm hồn, để ông viết nên bài thơ lục bát cùng tên, thật chân thực và sâu sắc. Có thể nói, Tâm Vọng Thiền Môn là một trong những bài thơ hay nhất ở thể lục bát của tập thơ này:
“Bơ vơ tìm những con đường/ Con đường Trung đạo suối nguồn an nhiên/ Ngại ngần đến trước cửa Thiền/ Làm sao xóa những muộn phiền tiền thân?/ Lần theo phai nhạt dấu chân/ Hằn trên sạn đạo nhọc nhằn bất an/ Nơi nào nẻo đạo trần gian/ Nơi nào là cõi Niết-bàn nương thân/ Xa thật xa, gần thật gần/ Nơi không hư vọng, nơi cần chân như“
Kể từ đó, ta thấy được cái an nhiên tự tại trong nội tâm của thi sĩ, trước nghịch cảnh cuộc sống. Do vậy, đọc Tùy Anh, không chỉ thấy cánh nơi cửa Phật đã mở, mà ta còn thấy tính triết lý trong hồn thơ ông:
“Thôi nương theo nghiệp lực/ Buông xả mọi ưu phiền/ Mong sao từ tâm thức/ Sớm ngộ được pháp thiền“ (Ngỡ mình hóa thân).
Thời gian trên giường bệnh, Tùy Anh viết nhiều thơ về Thiền, triết. Ở đó, ta có thể thấy, đường giác ngộ đến buông bỏ bản ngã, nên lời thơ của ông thật tinh khiết, nhẹ nhàng và trong sáng: “Âm vang trong đồng vọng/ lời kinh như triều dâng“. Và mỗi bài thơ của ông như một bài học để tự răn mình, và răn người vậy:
“Mà hiển vinh là bào ảnh phù du/ Nên ngôn hạnh trong như dòng bát nhã/ Thẩm vào đời nghe vời vợi hương nhu.”.
Từ cái buông bỏ ấy, nên với Tùy Anh tất cả đều nhẹ nhàng, khói mây. Với tâm trạng như vậy, cùng tâm hồn nhạy cảm đã cho thi nhân cảm xúc và liên tưởng để viết nên: Qua ngõ phù vân (1 và 2). Tôi nghĩ, đây là những bài thơ ở thể lục bát thâm trầm, sâu sắc, tiêu biểu về đề tài này của Phù Vân. Đọc nó, làm tôi nhớ đến lục bát của nhà thơ cùng xứ Huế Phạm Ngọc Lư. Và trích đoạn dưới đây, sẽ cho ta thấy rõ tài năng lục bát “thâm hậu“ ấy của Tùy Anh:
“Người đi biền biệt non ngàn/ Cũng quay về với tịnh an cửa Thiền/ Khói trầm pha chút nhân duyên/ Trong em tịnh mặc ưu phiền cuốn bay/ U trầm nắng đọng am mây/ Tiếng chim quan ải về đây gọi đàn“.
Có một nhà văn khá nổi tiếng nói với tôi: “Mất một người bạn tri kỷ, đôi khi còn buồn đau trống vắng hơn cả mất vợ ông ạ“. Tôi hoài nghi. Nhưng khi đọc, Trên từng đợt sóng vô thường, một bài thơ Tùy Anh viết để tiễn biệt người bạn, tôi bị xúc động mạnh, và nghĩ: Lời bác nhà văn nổi tiếng kia không phải không có lý. Thật vậy, vẫn thể thơ bát ngôn sở trường, tâm trạng Tùy Anh hiện lên thật bùi ngùi, trống vắng:
“Từ giã nhé, cuộc đời đầy huyễn mộng/ Đời thư sinh, màu áo trắng hoang sơ/ Nghe trong nắng có tiếng cười lồng lộng/ Mà âm vang nghe lạnh cả hư vô”.
Sức cùng lực cạn, bước chân đã mỏi, người đọc tưởng chừng Tùy Anh buông lơi, giũ bỏ. Nhưng không, ý trí, hồn ông vẫn nặng nợ với cuộc sống và con người:
“Chân đã mỏi, bước giang hồ đã mỏi/ Có nơi nào để dừng bước phong vân/ Ôi thế sự, có không… đời vẫn thế/ Vẫn cưu mang, vẫn nặng nợ phong trần“ (Thôi đành dâu bể với thời gian).
Ý trí ấy đã cho Tùy Anh đủ nghị lực để viết: Lời từ biệt cuối cùng. Một bài thơ mang tính triết lý Phật giáo, nhân sinh, được ông viết ngay trên giường bệnh của những ngày cuối đời. Sự giải thoát thể xác và tâm hồn trong cái lẽ vô thường ấy của Tùy Anh đọc lên ai cũng phải bùi ngùi xúc động:
“Được nói với nhau bây giờ lời từ giã/ còn hơn là câm nín đến nghìn thu/ mới nói lời tạ từ/ dù bằng tình thương sâu lắng/ Một vòng tay ôm/ những giọt nước mắt đẫm mùi biển mặn (…)/ Thôi từ biệt các bạn nhé/ Thuận thế vô thường tôi sẽ phải ra đi.“
Tôi đã đọc, và viết khá nhiều về các nhà thơ, nhà văn còn sống hay đã mất, nhưng chưa lần nào cho tôi cảm giác chờn chờn, rợn rợn như khi đọc tập thơ Thôi Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian của Tùy Anh. Và rợn hơn nữa là bài thơ Biển vẫn mang màu xanh, được ông viết ngay trước giờ hấp hối. Một sự ám ảnh tột cùng của những ngày vượt biển trốn chạy, đeo bám Tùy Anh đến cả lúc nhắm mắt xuôi tay. Đọc nó, thoạt tưởng có sự mâu thuẫn trong suy nghĩ, tư tưởng của nhà thơ về biển, về cuộc sống. Song tình yêu nằm trong cái quy luật tự nhiên của vũ trụ ấy, cho ta thấy Tùy Anh hoàn toàn đã ngộ lý vô thường của nhà Phật. Và cũng chính những đặc tính ấy và bài thơ đầy ám ảnh này, cho tôi cảm xúc để viết về con người, cũng như tập thơ Thôi Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian của Tùy Anh:
“Kể từ khi tôi đứng lặng yên/ Trên boong tàu Cap Anamur/ Tôi mới thấy nước biển xanh/ Biển hiền lành/ Nhưng biển đã nuốt bao nhiêu sinh linh/ Từ thuở chúng tôi/ những người Việt Nam vượt biển/ đi tìm Tự do bỏ cả cơ đồ/ Cho đến bây giờ/ người Phi Châu vượt biển mưu tìm đất sống/ Thì biển vẫn mang màu xanh bình yên/ Nhưng bên trong màu xanh/ chất chứa bao mầm chết chóc/ Nhưng tôi vẫn thích biển…/ Màu của thanh tịnh bình yên“
*Lời kết
Không chỉ thơ, mà trong văn xuôi của Tùy Anh cũng vậy, luôn mang một nỗi đau, mất mát không thể sẻ chia. Và cả cuộc đời ông cũng không thể xóa nhòa nỗi đớn đau, với thân phận lạc loài ấy. Để rồi dường như có lúc ông phải trốn chạy ra khỏi thực tại, ra khỏi chính mình. Nhưng cái vòng kim cô đó, ngày càng siết chặt nỗi bất hạnh của ông, của dân tộc ông. Và chỉ khi Tùy Anh đến với nơi cửa Phật, thì con người, cũng như tâm hồn mới được giải thoát ra khỏi nỗi đớn đau, và bất hạnh đó.
Leipzig ngày 13-10-2023
Chờ Mr Phét lên tiếng.