Một chuyện khá hy hữu vừa xảy ra tại Ba Lan, khi một phóng viên dường như đã bị cho nghỉ việc ở đài phát thanh quốc gia (Polskie Radio) sau cuộc phỏng vấn với thủ tướng đương nhiệm, bà Beata Szydlo.
Tin tức từ các trang báo mạng cho biết, phóng viên Wojciech Dabrowski – người phụ trách chương trình ‘Thông điệp trong ngày’ – đã có câu hỏi khó, mang tính ‘đá xoáy’ nữ thủ tướng.
Thực ra vấn đề mà Wojciech Dabrowski đặt ra cũng là điều mà công chúng Ba Lan đã xì xèo trong những ngày qua. Đó là việc bà thủ tướng Ba Lan đã không có buổi gặp chính thức với tổng thống Mỹ Donald Trump nhân chuyến thăm vừa rồi của ông tới Warsaw; hay việc bà không được phát biểu trong đại hội đảng. Dư luận cho rằng, có điều gì đó bất thường, bởi chưa có tổng thống Mỹ nào tới Ba Lan mà lại không tiếp kiến thủ tướng. Và nhà báo đã đặt dấu hỏi về sự ‘lép vế’ của người đứng đầu chính phủ.
Cuộc phỏng vấn diễn ra sáng ngày 7/7/2017 và buổi chiều cùng ngày lãnh đạo nhà đài đã có cuộc nói chuyện với Wojciech Dabrowski. Họ đã đề nghị nhà báo nghỉ phép một tháng và nếu có thể thì khỏi cần quay lại làm việc.
Vụ việc một lần nữa làm dấy lên những tranh luận gay gắt về tự do báo chí ở Ba Lan.
Hàng loạt các nhà báo tên tuổi, bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đã lên tiếng phản đối quyết định của Radio Ba Lan. Nhân đó, một số vụ xử tệ của chính quyền với báo giới cũng được xới lại, nhất là việc hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo tại quốc hội.
Bên cạnh ý kiến của giới cầm bút, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, Twitter đã lên tiếng phản đối đài phát thanh Ba Lan cũng như chỉ trích những hành xử của chính quyền gần đây với báo giới.
Sau đúng 1 tuần ầm ĩ, chủ tịch hội đồng quản trị đài phát thanh Ba Lan – ông Jacek Sobala – đã có cuộc gặp với Tổng biên tập đài và đưa ra thông báo chính thức về việc quay trở lại làm việc của nhà báo Wojciech Dabrowski từ 17/7.
Trên trang Twitter Wojciech Dabrowski bày tỏ sự biết ơn vì những lời sẻ chia, động viên của đồng nghiệp và cộng đồng đã giúp ông vượt qua những ngày khó khăn vừa qua và hẹn gặp lại thính giả sau 1 tuần ‘nghỉ phép’ ngoài ý muốn.
Nhưng kết thúc có hậu của vụ ‘nhà báo hỏi xoáy’ có thể sẽ không giúp được Ba Lan cải thiện hình ảnh của tự do báo chí vốn bị hoen ố trong gần 2 năm trở lại đây.
Cải cách để thâu tóm
Chỉ số tự do báo chí của Ba Lan liên tục tuột dốc, theo công bố của tổ chức phóng viên không biên giới RSF. Nếu Việt Nam giữ ‘ổn định lâu dài’ ở mức 175/180, thì thứ hạng của Ba Lan tụt từ 18 (2015) xuống 47 (2016) và tiếp tục xuống thêm 7 bậc nữa theo khảo sát 6 tháng đầu năm 2017 và hiện đứng vị trí 54.
Việc xuống hạng bất ngờ của đệ tứ quyền xảy ra gần như đồng thời với việc lên ngôi của đảng PiS (Pháp luật và Công Lý).
Cầm quyền từ tháng 11/2015, PiS đưa ra nhiều quyết sách mà họ gọi cải cách trong lĩnh vực truyền thông.
Việc đầu tiên là giành quyền kiểm soát đối với các cơ quan phát thanh và truyền hình công cộng; bao gồm các kênh truyền hình TVP, Radio Poskie và hãng thông tấn PAP. Để đạt được việc này, chính quyền đã cho thay thế hàng loạt giám đốc, những người điều hành và kế đến là những phóng viên, phát thanh viên hay biên tập viên ở những vị trí chủ chốt.
Nhiều phóng viên sáng giá đã tự bỏ việc khỏi các cơ quan truyền thông nhà nước và đầu quân cho các đài truyền hình tư nhân.
Đây là chiến dịch nhằm đối phó với việc mà chính quyền cho là ‘đưa tin không trung thực’ của các cơ quan truyền thông lâu nay. Bằng việc nắm trong tay media công cộng, nhà nước sẽ dễ bề phản bác các ‘thông tin sai trái’, tuyên truyền cho những chính sách của đảng cầm quyền.
Việc ‘cải cách’ này đã giúp các kênh của nhà nước được cấp thêm kinh phí, trong lúc nhiều tờ báo tư nhân như Wyborcza, Polityka, Newsweek cho rằng, họ bị bóp nghẹt hầu bao do việc các cơ quan nhà nước đồng loạt hủy mua báo dài hạn.
Quyết định của chính phủ đã khiến làng báo Ba Lan chia đôi, không hẳn là ‘lề trái’ hay ‘lề phải’ như báo chí Việt Nam, nhưng đã hình thành một ranh giới nhất định giữa truyền thông nhà nước và truyền thông không do nhà nước nắm giữ.
Ranh giới này cho thấy sự khác biệt trong cách đưa tin, làm tin, hay góc độ nhìn nhận sự việc.
Trong khi những nhà báo nhiều ‘gai góc’ bỏ qua lĩnh vực tư nhân thì những nhà báo ‘ngoan ngoãn’ hơn lại được tuyển dụng cho truyền thông nhà nước. Sự chuyển động này đã gây ra những xáo trộn nhất định trong làng báo.
Tiếp đó là kế hoạch nội địa hóa ngành truyền thông bằng cách giành lại cổ phần, thị phần từ các công ty truyền thông nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài; khống chế mức góp vốn của các cổ đông ngoại quốc.
Cũng như nhiều ngành kinh tế mũi nhọn khác, trong thời kỳ tranh tối tranh sáng của chuyển đổi kinh tế từ bao cấp sang thị trường, khi đồng vốn bản địa còn eo hẹp, tư bản nước ngoài đã nhanh chân đầu tư và chiếm một số lượng cổ phần đáng kể trong lĩnh vực truyền thông của Ba Lan.
Giữ cổ phần lớn trong ngành truyền thông Ba Lan hiện nay là các công ty của Mỹ và Đức.
Kế hoạch nội địa hóa vấp phải sự chí trích của EU vì những vi phạm cam kết trong việc lĩnh đầu tư nước ngoài.
Không nhà cầm quyền nào thích tự do?
Cuộc tranh luận về tự do báo chí ở Ba Lan đã đi đến một nhận định, là không có bất kỳ nhà cầm quyền nào trên thế giới thích mấy món ăn mang tên ‘tự do’.
Những quyền cơ bản như tự do hội họp, tự do báo chí, tự do ngôn luận… phục vụ cho lợi ích của nhân dân nhưng đều là trở ngại, hoặc ít nhiều đi ngược lại lợi ích của các phe đảng cầm quyền.
Không kể tới các chính quyền độc tài công khai tuyên chiến với tự do; ở các thể chế dân chủ, những quyền đã được hiến định và thực thi nhiều năm này cũng có thể lúc thịnh lúc suy. Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà các quyền tự do đang bị hạn chế ở mức độ nhất định.
Có một điều may mắn, trong gần 30 năm thoát xác khỏi chủ nghĩa Cộng Sản, Ba Lan đã kịp hội nhập sâu rộng với thế giới văn minh, nền dân chủ đã thực sự trưởng thành, truyền thông được tư nhân hóa mạnh mẽ và độc lập với chính quyền. Nên dù muốn thâu tóm đệ tứ quyền cho mục đích chính trị thì chính quyền nhiều lắm cũng chỉ chạm tay được vào 25% thị trường truyền thông.
Xã hội Ba Lan đã phản ứng mạnh mẽ lại các quyết định của chính quyền bằng nhiều cuộc biểu tình với số lượng đông đảo, lên tới hàng chục ngàn, trăm ngàn người. Và quan trọng hơn cả, bằng lá phiếu của mình họ sẽ quyết định chính đảng nào sẽ lãnh đạo đất nước trong kỳ bầu cử kế tiếp.
Nhưng những chuyện xảy ra ở Ba Lan cũng cho thấy 1 điều, giành được tư do chỉ là khởi đầu, để xã hội luôn sống trong bầu không khí dân chủ và cởi mở cần nỗ lực không ngừng nghỉ của những thế hệ tiếp theo.
Bài đã đăng trên trang BBC