Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm, trước hết về nguồn gốc và diễn biến tranh chấp đất đai, có thể thấy năm 1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ra quyết định lấy 208 ha đất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (nay là thành phố Hà Nội) trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức giao cho Bộ Quốc Phòng để thực hiện dự án sân bay Miếu Môn.
Tuy nhiên dự án này đã không được thực hiện và đây là lý do người dân Đồng Tâm lấy lại đất để canh tác. Năm 2014, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giao 236,7 ha đất cho Bộ Quốc Phòng với lý do đây là diện tích thuộc dự án sân bay Miếu Môn. Diện tích 28,7 ha tăng thêm vẫn thuộc đất nông nghiệp xã Đồng Tâm càng khiến người dân nơi đây bức xúc, cho rằng đây là một sự tham nhũng đất đai ‘trắng trợn’ của UBND thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, căn cứ vào Luật khiếu nại, người dân Đồng Tâm đã liên tục khiếu nại với chính quyền các cấp để bảo vệ quyền sử dụng đất của họ đồng thời chống lại việc cưỡng chế thu hồi đất.
Tiếp theo về diễn biến, cách đây hai tháng, ngày 30/3/2017, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ Luật Hình sự nhằm vào người dân Đồng Tâm.
Ngày 15/4, Công an thành phố Hà Nội đã bắt bốn người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi, về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự. Ngay sau đó, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người gồm hàng chục cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác tham gia vào việc bắt bốn người dân nói trên để phản đối vụ bắt giữ này. Những ngày sau đó, người dân nơi đây đã thả một số cảnh sát cơ động và một số cán bộ khác.
Ngày 22/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã có cuộc đối thoại tại chỗ với người dân Đồng Tâm để họ thả nốt 19 cảnh sát cơ động còn bị bắt giữ. Kết thúc đối thoại, người đứng đầu hành pháp thành phố Hà Nội đã ký Bản cam kết với nội dung sau đây.
“Tôi, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xin cam kết như sau: 1- Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Tâm rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Không mập mờ. Đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật. 2- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm. 3- Chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho Cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Ngay sau khi Bản cam kết này được công bố, người dân Đồng Tâm đã thả 19 cảnh sát cơ động còn lại.
Thẩm quyền không truy cứu
Về thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự, trước hết cần khẳng định rằng sở dĩ có cam kết của người đứng đầu thành phố Hà Nội về việc “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm” là vì người dân Đồng Tâm được làm cho tin rằng việc họ bắt giữ cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác là phạm tội. Thực vậy, bên cạnh cơ quan công quyền, nhiều luật sư cả quyết rằng việc người dân Đồng Tâm bắt giữ mấy chục cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác là hành vi “bắt làm con tin”, là phạm “Tội chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 Bộ Luật hình sự, do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người dân này. Vì thế, người dân Đồng Tâm khẳng định, nếu chính quyền khởi tố hình sự họ thì họ sẽ chống lại dù có phải đổ máu.
Điều 2 lại gây ra bão về tính pháp lý của nó. Tựu trung có hai thắc mắc: thứ nhất, Chủ tịch Chung có quyền cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Thứ hai, nếu Chủ tịch Chung có quyền này thì liệu không truy cứu trách nhiệm hình sự “toàn thể” có để ngỏ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự “một số người”?
Có thể giải đáp ngay thắc mắc thú hai, là sẽ không có việc truy cứu trách nhiệm hình sự một số người dân Đồng Tâm. Thực vậy, “toàn thể” là tất cả cá nhân trong một tập thể hay cộng đồng. Nếu loại trừ một số cá nhân thì “toàn thể” không có nghĩa.
Không ít người, cho rằng Chủ tịch Chung, đại diện cơ quan hành pháp không có quyền đưa ra cam kết như vậy vì thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc về cơ quan tư pháp hay các cơ quan tiến hành tố tụng. Vẫn theo ý kiến này, trong trường hợp ông Chung thực hiện được lời cam kết của mình, sự độc lập mang tính nguyên tắc của cơ quan tư pháp sẽ bị phá vỡ trọn vẹn, cơ quan tư pháp lộ rõ chỉ là công cụ của cơ quan hành pháp mà thôi.
Trước hết, nếu căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng hình sự thì đúng là Chủ tịch Chung không có thẩm quyền quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ Luật này quy định chỉ Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có quyền ra quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên theo Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” thì Chủ tịch Chung hoàn toàn có quyền đưa ra cam kết nói trên. Thực vậy, tháo gỡ mọi điểm nóng xã hội có thể dẫn tới bạo động là ưu tiên hàng đầu không chỉ đối với chính quyền địa phương mà còn đối với cả chính quyền trung ương.
Do đó, người viết bài này khẳng định người đứng đầu cơ quan hành pháp thành phố Hà Nội hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp, cụ thể là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thành phố cũng như Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương không khởi tố bị can hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ cho rằng việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ai đó sẽ “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” trên địa bàn thành phố.
Tội chống người thi hành công vụ?
Về vấn đề thế nào là tội chống người thi hành công vụ, ủng hộ cam kết của Chủ tịch Chung về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm, nhiều người, trong đó có nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Nguyễn Sĩ Dũng, nhấn mạnh đến việc người dân nơi đây đã hành xử theo Công lý (Justice) chứ không hành xử theo Luật (law) trong khi Công lý là mục tiêu cuối cùng mà xã hội hướng tới.
Cũng ủng hộ cam kết của Chủ tịch Chung, Luật sư Trần Thu Nam đặt vấn đề theo hướng khác. Ông nói: “Để giữ được tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa giữ được lời hứa của người lãnh đạo trước người dân Đồng Tâm, khi xử lý vụ việc này cơ quan chức năng có thể khởi tố, sau đó vận dụng Khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự để miễn truy trách nhiệm hình sự cho họ”. Điều luật này quy định ” Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Cả hai luồng ý kiến trên đều có chung một điểm là người dân Đồng Tâm đã phạm “Tội chống người thi hành công vụ” cho dù đề xuất xử lý hình sự có khác nhau.
Mặc dầu vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 107 Bộ Luật Tố tụng hình sự theo đó “không được khởi tố vụ án hình sự khi hành vi không cấu thành tội phạm”, người viết bài này cho rằng phải xác định trên cơ sở pháp luật việc người dân Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát cơ động có hay không cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ” cái đã. Chỉ khi nào xác định được những người dân này có hành vi phạm tội thì lúc đó mới có thể đặt vấn đề nên xử lý hình sự họ như thế nào.
Để xác định việc người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác có hay không cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ”, không thể không xác định “công vụ” và tiếp đó “người thi hành công vụ” là gì.
Điều 2 Hiến pháp Việt Nam quy định “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Như vậy, “công vụ” của Nhà nước là phục vụ người dân hay bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là “công vụ” quan trọng nhất của Nhà nước.
Điều 3 Luật Cán bộ, công chức quy định “các nguyên tắc trong thi hành công vụ” như sau: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; 2. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Chiểu theo các quy định của Hiến pháp và Luật Cán bộ, công chức, người nào nhân danh Nhà nước xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thì đó là làm trái công vụ. Không những thế, nếu gây thiệt hại cho người dân, người làm trái công vụ còn bị xử lý hình sự theo Điều 281 Bộ Luật Hình sự quy định “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù).
Mặc dầu vậy, có mắc míu là người thi hành quyết định trái pháp luật, tức trái công vụ, có phải là người thi hành công vụ hay không. Có ý kiến cho rằng trường hợp này không phải là người thi hành công vụ.
Ý kiến trên thoạt nghe hợp lý vì người thi hành quyết định trái công vụ không thể là người thi hành công vụ, tựa như người thi hành quyết định sai không thể là người làm điều đúng. Tuy nhiên xét kỹ lại thì ý kiến này không chính xác vì đã đánh đồng chức năng với nhiệm vụ của người thi hành công vụ. Thực vậy, chức năng là thi hành quyết định của cấp trên. Nhiệm vụ là thực hiện một quyết định cụ thể trong khi thực hiện chức năng. Như vậy, người thi hành một nhiệm vụ trái pháp luật hay trái công vụ vẫn là người thi hành công vụ vì chức năng của người này là thi hành quyết đinh của cấp trên.
Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định về “Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” “cấm cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền yêu cầu người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái quy định của pháp luật”. Như vậy, thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật là hành vi trái pháp luật.
Người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại đã gây ra. Nếu người này biết rõ mình đang thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật thì tùy theo trường hợp cụ thể mà bị truy cứu về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104, “Tội giết người” quy định tại Điều 93, “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 143…. Bộ Luật Hình sự.
Ngược lại, nếu người thi hành công vụ không biết nhiệm vụ được giao là trái pháp luật mà gây thiệt hại cho người dân thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đươc áp dụng tình tiết “vô ý phạm tội” quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ Luật Hình sự (Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó).
Tóm lại, người dân hay bất cứ ai khác có quyền chống lại người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật. Nói cách khác, phạm “Tội chống người thi hành công vụ” chỉ xảy ra trong trường hợp người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ không trái pháp luật.
Vậy câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp người dân Đồng Tâm, liệu họ có phạm “Tội chống người thi hành công vụ” hay là không?