Trong Lòng Cách Mạng – Võ Hoàng

1

Nếu Võ Hoàng còn, ta có một nhà văn lớn.

Vũ Thư Hiên

Được Cao vác bó tre về tới ngã ba cây chôm thì trời cũng vừa đứng bóng. Anh cảm thấy như cái sống lưng như muốn gẫy cụp lại, một bên ngực đau nhói, đau từng nhịp theo mỗi bước chân. Từ đó tới cây cầu ván bắc ngang đường mương trước nhà đâu khoảng năm bẩy chục thước nhưng biết mình có rán cũng không nổi, Được Cao lầm bầm:

“Nghỉ đã, còn có chút xíu, gấp gáp gì.”

Được Cao nghiêng người hất bó tre xuống bờ cỏ xong chống nạnh nhìn chầm chập vào nó một cách ngao ngán. Buổi trưa trời u u mà vẫn nóng, anh thấy bực bội trong mình quá, nhưng không biết phải làm sao nên chỉ thở hắt một cái thật mạnh rồi chầm chậm ngồi xuống đất, lột tấm áo đang cột ngang lưng ra, tìm một chỗ sạch nhất lau mồ hôi mặt.

“Tự dưng buồn ngủ kỳ thiệt!”

Được Cao luồn tay vô cái đầu tóc sói vuốt nhè nhẹ, thấy nản quá. Chiều hôm qua con mẹ Năm Đàn tới nói hoài về cái chương trình làm lễ rồi rốt cuộc nhờ anh phụ trách việc làm cho mấy chục cái lồng đèn, lớn nhỏ đủ thứ cỡ. Điều mà Được Cao ghét nhất là cái giọng của con mẻ ngọt lịm mà nghe cho kỹ thì luôn luôn có vẻ hăm doạ, và mỗi chuyện được lặp lại ít ra cũng ba lần.

Nghe thì ghét, nhưng không nghe thì không được. Nghe rồi lại càng không được vì tối lại, Được Cao ngẫm nghĩ tới trường hợp của ông Phùng, trường hợp của thằng Cam, mỗi người mỗi chuyện xem ra không có gì quá đáng mà cũng phải đi Miệt Thứ năm sáu tháng nay chưa thấy ai về nên cũng hơi lo. Thành ra, cuối cùng. Được Cao cũng phải quyết định sáng thức sớm đi chặt tre.

“Kệ mẹ nó.”

Hồi sáng lúc Được Cao ngồi bờ mương mài cây dao yếm chưa kịp tới nước bùn thì đã thấy mẹ Năm Đàn đạp xe ghé lại. Thấy anh ngồi chồm hổm trên cầu ván, mẽ không tiện dắt xe qua nên đứng trên lề đường nói trỏ xuống:

“Tưởng thầy chưa thức, tui ghé qua kêu. Đi đôn đốc cho công việc tốt đẹp vậy mà. Tui lo quá.”

“Tui cũng lo tui mới phải dậy sớm chớ. Mà tui lo phải đi Miệt Thứ kìa,” Được Cao nói thầm và ngước nhìn mẹ Năm Đàn thay cho câu chào hỏi.

“Thiệt cả xóm này, đúng ra, nhi đồng cả xóm này chỉ cậy có mình thầy, thầy cũng rán cho. Có gì trục trặc, thầy cho tui hay liền nghe, tui giải quyết.”

“Giải quyết cái mả mẹ tui, ai mà dám trục trặc.” Được Cao cầm dao yếm thọc xuống mương, đưa qua đưa lại cho sạch rồi cười gượng:

“Chị Năm làm ơn lo giùm tui cái vụ giấy dán sơm sớm. Với lại bột khuấy hồ. Đưa trễ kẹt lắm. Còn có mấy ngày hà.”

“Rồi, để đó cho tui. Thế nào thì phòng thương nghiệp cũng đáp ứng được. Mà mình còn phải điều nghiên lại hệ thống phân phối. Chiều ngày mốt xong hết, tui ghé lại thầy, mình bàn.”

Mẹ Năm Đàn còn nói nhiều nữa nhưng Được Cao nhớ không hết. Khi con mẽ đi rồi, anh mới hay là ngồi thừ ra đó lâu lắm, mà dao thì mài chưa xong.

“Sáng sớm, gặp đàn bà ăn nói lộn xộn, thấy ghét quá. Phần điều nghiên, phần phân phối là phần của mẹ, tui can chi mà dính vô đó. Làm xong mấy chục cái lồng đèn trong hai ba ngày chắc dễ à, mệt bá thở chớ chơi sao.”

Rồi suốt buổi đốn tre, Được Cao cứ cảm thấy hậm hực trong mình. Anh nghĩ mà thấy thương cho mấy đứa nhỏ. Đương không có nơi có chỗ học hành đàng hoàng mà phải theo ba má ra ở ngoài này. Cả năm rồi, con Thành quên tuốt cách đọc cách viết. Thằng Công đáng lẽ năm nay học lớp một mà bây giờ suốt ngày ở ngoài nắng và chỉ biết lượm nhánh cây khô về nhà làm củi, rồi lại lật đá kiếm trùng cắn câu. Trưởng ấp nói năm tới sẽ có trường, Được Cao chỉ biết năm tới sẽ có trường. Mẹ Năm Đàn hội phụ nữ nói sẽ tổ chức nhi đồng thành một đội ngũ cho năm tới, đâu đó có nề nếp để việc giáo dục “tiến bộ ngay từ bước đầu,” Được Cao cũng chỉ biết có vậy.

Lâu nay, tụi nhỏ cũng phải đi họp liền liền, học hát chứ chưa học chữ. Có khi, vợ chồng Được Cao đi họp đằng ấp, tụi nhỏ đi họp nhà mẹ Năm, khuya mới về, rồi mệt, buồn ngủ, bực bội không ai còn muốn ăn khoai. Tụi nhỏ đen và ốm như cò ma…

Bây giờ Được Cao ngồi đây, buồn ngủ mà đâu có dám ngủ. Chút nữa về, phải qua nhà bà Phùng mượn cây mác vót, chiều nay chẻ cho hết bó tre, tối đốt đèn dầu mà chuốt. Được Cao thở thườn thượt, lại thấy cái ngực đau nhói lên.

“Dạy học cả chục năm mà mạnh như trâu, ra đây mới có một năm mà sanh đủ thứ bệnh.” Được Cao vòng hai tay quanh đầu gối, ngước nhìn trời và sẵn cái bực trong mình, anh bực luôn với cái bóng mát lỗ chỗ của cây chôm. Được Cao khạc mấy cái, phun nước miếng càu nhàu:

“Mẹ, mang tiếng cây chôm chôm mà chưa khi nào có trái, cao chòng ngòng mà lá lưa thưa.”

Hình như thấy mình hơi kỳ, Được Cao lắc lư cái đầu rồi thủng thẳng ngồi dậy, lấy bộ đưa bó tre lên vai. “Về cho rồi.”

Tới nhà, chưa kịp quăng bó tre đã nghe tiếng chị Được cằn nhằn đứa nào đó:

“Hỏi ba mầy. Tao đã dặn có đi họp về, người ta nói cái gì thì nói lại cho ba mày nghe, đừng có nói với tao.”

Được Cao nhăn mặt, hất mạnh bó tre, đưa tay quẹt mũi.

“Con mẹ này ra ngoài đây ở, mệt nhọc riết rồi sinh tật, nói chuyện với con cái, nói toàn mày tao. Kỳ!”

Anh vỗ vỗ cánh cửa:

“Cái gì đó? Cái gì đó? Đứa nào, ra đây nói ba nghe coi.”

Thằng Công ra trước, kế đó là con Thành, nhưng hai đứa không đứa nào nói gì hết. Chị Được vừa đi từ trong ra, vừa nói:

“Tụi nó đi họp sáng nay, người ta dặn về nói lại với cha mẹ, mỗi đứa xin năm chục xu đóng tiền quà, năm chục xu đóng tiền lồng đèn, rồi lèm bèm với tui cả buổi, tui biểu chút nữa về nói lại với anh. Đó, anh tính sao với tụi nó thì tính đi, tui hết biết rồi.”

Được Cao nhìn con Thành, rồi nhìn thằng Công, thấy đứa nào cũng có vẻ khẩn trương. Anh muốn hét lên một tiếng thật to nhưng ngại tụi nhỏ sợ nên dằn xuống, quay nhìn ra ngoài.

“Trời ơi, phải chi tụi nó quên luôn là không có ngày tết Trung Thu, không có ngày lễ Nhi Đồng gì hết, tụi nó sẽ hồn nhiên hơn và mình cũng không phải nghĩ ngợi gì nhiều trong hoàn cảnh này. Xót xa quá mà không tránh được…”

Con mẹ Năm Đàn! Con mẹ này ghê thiệt! Tùy theo người mẽ nói một kiểu khác nhau, mà không ngượng miệng chút nào, nhất là không coi người ta ra gì hết.

“Trưởng ấp lo phần liên hệ với xã ủy nhận quà và phân phối. Còn tui, phòng thương nghiệp sẽ cất vật liệu làm lồng đèn. Đúng thì chỉ có giấy thôi, tui xin thêm bột hồ. Phần làm sườn, tui nghĩ ngay đến thầy. Tui biết thầy làm được. Một năm có một lần, tụi em nhỏ mong mỏi quá. Mà mình không thể bỏ bê tụi nhỏ nó được, mấy ông trên huyện biết khó lòng lắm.”

Được Cao nghĩ tới cái mặt chành bành của mẹ Năm Đàn thì nghiến chặt răng lại, thở nhè nhẹ.

Một chút, anh nhỏ giọng:

“Chừng nào người ta kêu góp tiền, ba cho hai đứa, mỗi đứa một đồng. Lần sau có gì thì về nói lại với ba, chớ nói với má, má rầy rán chịu, nghe chưa.”

Tụi nhỏ hí hửng lộ ra mặt. Thằng Công mở miệng định nói gì đó thì Được Cao cười cười nói hớt:

“Mà nhớ đem quà về chia cho ba má với nghe.”

Hai đứa vui hẳn và lòn cửa hông ra vườn. Chị Được bước tới cửa, thấy bó tre, quay lại hỏi chồng:

“Anh đốn tre làm thêm cái trái nhà phải không?”

Được Cao chưa kịp trả lời, chị nói luôn:

“Hồi nãy bà Năm Đàn có ghé, hỏi anh có nhà không, tui nói không. Bả đi liền. Mà làm gì tui thấy chiều qua anh ngồi ngoài đám khoai với bả vậy?”

“Thì đó! Sáng nay thức sớm, đi sớm, em còn ngủ nên không nói, hôm qua thì trong mình bực bực cũng không nói… Mẹ Năm Đàn tới biểu làm cho mấy chục cái lồng đèn, nói là năm nay đãi ngộ nhi đồng, nhà nước làm sẵn phân phát, mà ấp mình xa quá, phải tự làm cho kịp. Mẹ nó, rốt cuộc mình bịnh nghỉ một tuần, trúng mối này, chết tiêu.”

Chị Được há hốc miệng, nghe mà không nói gì hết. Chị nhìn cái vẻ khinh khỉnh của chồng, thấy buồn cho cả hai. Mấy tháng đầu tới ở đây, chị còn lạc quan nghĩ rằng dầu sao thì vợ chồng con cái đùm bọc với nhau, bất cứ ở đâu cũng thấy yên lòng. Rán chịu cực khổ lúc đầu, lần lần chắc khá lên được.

Từ một căn chòi nửa mái nhận lãnh được, chị cật lực giúp chồng chấn chỉnh lại cuộc sống, với cái hy vọng tạo dựng lại một phần những thứ mà mình có được trước kia, cũng đủ rồi.

Vậy mà không biết từ lúc nào, chị quên tuốt luốt những câu đùa duyên dáng tạo niềm vui cho chồng con, chị cũng quên luôn những công việc nho nhỏ tạo niềm vui cho chính mình, dạy cho con Thành làm toán, dạy thằng Công đánh vần chẳng hạn.

Mà chỉ mình chị vậy thôi sao, anh Được càng lúc càng lầm lì, đã ít nói còn sanh thêm gắt gỏng. Chuyện hôm qua tới giờ, phiền như vậy mà cũng không nói một tiếng. Chị thỏ thẻ:

“Đờm anh khạc cũng còn nhiều chỉ máu, sao không phân bó tre làm hai mà vác cho nhẹ. Phải chi anh kêu tui dậy, tui đi theo, tui vác tiếp.”

Lúc này, Được Cao đã nằm hẳn trên sạp tre. Nghe cái kiểu vợ nói, anh biết thế nào cũng đi tới chỗ vừa nói, vừa hỉ mũi. Được Cao ngán nhất là chuyện đó. “Mình đã rầu thúi ruột rồi, nghe đàn bà vừa kể chuyện không không ở đâu vừa khóc thút thít thì chịu sao nổi.” Anh hỏi trỏng:

“Hấp khoai chưa?”

“Mới bằm xong, chưa hấp.”

Biết chồng đánh trống lảng, chị Được tủi thân nấc nhẹ một tiếng. Được Cao quay mặt vô vách, ỡm ờ:

“Ăn khoai ngán thiệt chớ không phải chơi. Em ngán không?”

“Tui nói rồi cách đây cả năm còn hỏi.”

“Tại ăn khoai, anh lở cuống họng chớ đâu phải tại bịnh phổi. Sang năm, kinh đào xong, có nước trồng lúa, anh hết bịnh liền chớ gì. Sang năm… Lẹ mà.”

Chị Được hậm hực:

“Chuyện gì anh cũng nói chơi được hết.”

Rồi hai vợ chồng im lặng thật lâu. Buổi xế trưa ở vùng đất mới khai phá lặng lẽ và trống trải, sao lòng người hình như ai cũng thấy bị dìm xuống bằng chính cái trống trải đó, và cái lặng lẽ bên ngoài hòa với cái lặng lẽ trong người, nghe ra như một thứ ẩn uất, chất chứa toàn những chuyện không vừa ý. Chị Được bỗng hỏi:

“Anh hứa cho tụi nhỏ tiền là cho thiệt hả? Mình còn có mấy đồng…”

“Ờ, ờ.” Được Cao quay ra. “Phải chi anh giải thích được cho tụi nhỏ nó hiểu thì anh đã làm. Đằng này, việc này, không phải chỉ là việc của tụi nhỏ không thôi, em phải hiểu. Thời buổi này, con nít hay người lớn cũng đều được coi như nhau, mà điều cái kiểu hơi khác một chút… Khi nào mình hết sống nổi thì mình biết, chớ con nó còn quá nhỏ, anh không muốn thấy tụi nó khổ sớm.”

Chị Được im lặng. Ở ngoài sân, chắc con Thanh bẻ nhánh cây sắp lại để làm củi, tiếng kêu răng rắc, nghe buồn quá. Thằng Công không biết đang làm gì mà có lẽ vừa ở xa xa vừa hát: “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng…” Cái bài mà trước đó, ông Phùng vì cấm con hát nên phải đi Miệt Thứ. Được Cao chợt gắt với vợ:

“Qua bà Phùng mượn cây mác vót, nói là hai ba bữa sẽ trả.”

Chị vợ xì nhẹ một tiếng rồi đi về phía sau. Chắc chị hơi lấy làm lạ về thái độ của chồng nhưng không thèm tìm hiểu. “Hồi ở ngoài thành, thất nghiệp, cũng đói cỡ này mà anh đâu có quạu cọ.” Chị nghĩ tới độ đường từ đây qua nhà bà Phùng hơi ngán.

Được Cao lại quay vô vách, lần này thì kéo áo dưới lưng lên đắp phần đầu lại, rán ngủ một chút. Chưa kịp nóng lưng, tiếng hát thằng Công văng vẳng đong đưa từ đàng xa: “Em là búp măng non, em lớn lên trong lòng cách mạng…” Chắc thằng nhỏ vừa nhẩy cò cò vừa hát, tiếng lớn tiếng nhỏ. Được Cao trở mình lầm bầm:

“Ờ, ờ. Lớn lên trong lòng cách mạng… Ở đây mà có mả đậu, tao gỡ hột, nấu nước cho hai đứa bay uống, ỉa chẩy hai ba ngày đơ cán cuốc, hết trung thu, hết nhi đồng. Mẹ, búp măng non… Ờ, ờ, trong lòng cách mạng…”

Ngoài sân, vẫn còn tiếng con Thành bẻ cây răng rắc.

———————-

Trong Lòng Cách Mạng, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.

1 BÌNH LUẬN

  1. Một mình mắc bẫy của bọn Việt Cộng bộ chưa đủ hay sao, mà còn đem hết cả vợ chồng con cái vào sống Trong Lờ…. Cách Mạng, thì coi như…Lúa rồi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên