Sau thế chiến thứ hai kinh tế Nhật Bản phục hồi và phát triển nhanh chóng trở thành cường quốc số 1 Á Châu. Dân tộc Nhật đã làm thế giới phải kính phục. H Hơn 40 năm ở Đức chúng tôi đã có cơ hội đi nhiều quốc gia nhưng cuối tháng tư vừa qua chúng tôi mới có dịp đến SEOUL- TOKYO – KYOTO – OSAKA. Hoa Anh Đào không còn nở rộ như những tuần trước ở Seoul. Từ Seoul đến Narita International Airport đường hàng không dài 1275 km, máy bay đáp xuống đường băng chính từ đó chạy vào bãi đậu với tốc độ 25 km/giờ phải mất hơn 20 phút, phi trường rộng mênh mông ánh đèn sáng rực. Thủ tục nhập cảnh rất nhanh vì nhiều cửa kiểm soát, không cần xếp hàng lâu, Narita cách Tokyo 60 km. Hệ thống tàu điện ngầm (Tokyo Subway) có nhiều tầng, có các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Nhật, tiếng Anh. Du khách có thể đi tàu điện nhanh Narita Express từ tầng hầm sân bay Narita, vào trung tâm mất khoảng một tiếng. Du khách nên vào Internet in bản đồ tàu điện ngầm và tìm hiểu trước, tránh đi lạc, do các trạm luôn đông vào giờ cao điểm: (sáng từ 7giờ -9 giờ, buối chiều từ 17 giờ đến 19 giờ). Tiện lợi nhất cần mua Simcard xử dụng Google Maps dễ tìm. Đi tự túc chúng ta có thì giờ xem rỏ từng con đường phố nhỏ hẹp, cái cột, cánh cửa cổ của Chùa, Đền, rất thỏa mái thưởng thức cùng mây bay gió thoảng, đến nơi nào mình thích không phụ thuộc vào chương trình của người hướng dẫn nếu đi theo đoàn.
Nhập gia tùy tục ở Đức lái xe bên phải, tay lái ngồi (Volant) bên trái nhưng khi đi thang cuốn thì đi bên phải. Bên Nhật ngồi ở bên phải, lái bên trái đi bộ lề bên trái, du khách có thể mua trước Rail pass cho người lớn: 7 ngày giá 217 €, 14 ngày 347€ đi tất cả các loại tàu điện trên nước Nhật. Phải xếp hàng lên tàu, xe bus…Đời sống ở Nhật vội vả nhưng không bon chen, người đến trước đứng trước, đến sau phải xếp hàng, dòng người đi phương tiện công cộng rất đông tấp nập. Giờ cao điểm, nhân viên Security phải đẩy người lên xe (như đàn vịt) trước khi đóng cửa, tàu đến và đi rất đúng giờ. Lên tàu tìm chỗ ngồi hơi khó vì qúa đông người, dù có ghế dành cho người già, tàn tật, đàn bà có bầu, trên tàu yên lặng đứng ngồi không ai nói chuyện, người ngồi bấm Smart phone chơi games, hay ngồi ngủ gật. Đàn ông phần đông mặc veston, giày đen bóng… Tokyo không khí ít bị ô nhiễm vì không có xe gắn máy, nhưng trên tàu người ta dùng cái bịt miệng „khẩu trang“ tránh bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp vì đông người hay những người khách lạ hôi nách!
Tối đầu tiên chúng tôi đến Tokyo phải xuống trạm Asakusabashi, nhưng chúng tôi xuống sai trạm Asakusa, phải đi bộ tới Hotel đang tìm đường may mắn gặp đôi tình nhân trẻ, hỏi điạ chỉ họ lịch sự vui vẻ bấm Google tìm đường và dẫn chúng tôi tới nơi. Người Nhật trẻ nói tiếng anh lưu loát và rất nhiệt tình giúp đỡ, tuy nhiên chúng ta phải hiểu là lúc đi làm, họ vội vả cho kịp giờ tàu điện không thể đứng để giải thích nên họ im lặng đi như không hiểu là vậy. Cuối tháng tư ban đêm ở Tokyo còn lạnh, thỉnh thoảng trời mưa, Hotel đều có dù cho khách nhưng phải mặc áo cho đủ ấm. Vào Restaurant phải ghi tên ngồi chờ, họ phục vụ khách rất nhanh cô Nhật hỏi các bác muốn ăn món nào? Chúng tôi ngạc nhiên người Nhật sao nói tiếng Việt giọng Bắc hay như vậy? hỏi vài câu mới biết cháu là Yến sinh viên VN du học năm thứ II, làm bồi, tính tiền rất nhanh, ngoài giờ học làm thêm 3 buổi tối để có tiền xài. Yến mời chúng tôi hai ly nước dừa tươi thơm ngon thể hiện tình đồng hương. Được biết hơn 60 ngàn sinh viên VN du học Nhật, ngoài ra cũng có một số khách thợ „xuất khẩu lao động“ làm việc nhiều ngành nghề, trời mưa vào mua dù và bier ở cửa hàng Elevent 7 cũng gặp người VN, họ rất bận rộn nên không thể hỏi chuyện, được biết sinh viên có thể làm thêm 1 tuần tiền lương trên 10.000 Yen? (100 Y = 0,77€). Đời sống ở Nhật rất đắt đỏ, một trái dưa hấu cở 1 vài kilo bán 28€, một trái cam 2€, táo loại ngon 4€… Du khách nên đổi tiền trước vì Tokyo muốn đổi tiền ở Bank phải mang theo Passport đi tìm nhà bank lấy tiến ở ATM phải xếp hàng mất thì giờ. Credit carte nhiều chỗ không nhận. Theo phong tục ở Nhật, họ thường cúi đầu chào khách, trả tiền để trên cái diã và đưa hai tay.
Tokyo là thành phố của điện tử văn minh, Toilette công cộng sạch miễn phí, quán ăn nhỏ, nhiều loại bình dân không đắt mỗi phần ăn khoảng 10€, cơm ở Nhật thơm ngon và dẻo, nhiều quán có người phục vụ, hoặc bỏ tiền vào máy tự động chọn món ăn bấm lấy thẻ nhỏ có số đưa cho người bồi. Nước trà đá, cơm thêm không phải trả tiền. Người Nhật làm việc mỗi ngày 10 tiếng, phòng ở chật hẹp người độc thân thưởng ghé quán ăn cơm tối trước khi về nhà. Nếu vào Restuarnt lớn đẹp thì rất đắt một phần thịt bò Kobe 100 gram để nướng loại trung 100€. với món Edo-mae zushi hay còn được gọi là sushi, lẩu Ishikari nabe rất ngon nhưng cũng khá đắt, món mì Sanuki udon…Trước quán ăn họ thường quảng cáo các món bằng hình hay đĩa thức ăn bằng nhựa rất đẹp mắt mình có thể xem giá và chọn món ăn.
Tokyo diện tích 622 km² dân số 9.508.776 người, khu đô thị 37.555.000 người, dân số đông nhưng Đền Chùa ít hơn thành phố cổ Kyoto. Nhưng có rất nhiều trung tâm buôn bán đầy đủ các loại hàng rất đẹp và phẩm chất cao (tuy nhiên cũng có loại made in China) đến Nhật để xem danh lam thắng cảnh thì được, nếu mua sắm quần áo, mỹ phẩm cần phải xem lại!
Tokyo Asakusa Temple Sensoji 金龍山浅草寺
Asakusa Kannon hay còn gọi là Senso – ji. 浅草寺 Chử “ji” tiếng Nhật có nghĩa là Đền hay Chùa. Senso-ji là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Tokyo. Chùa Senso-ji xây từ năm 628 nằm cạnh dòng sông Sumida cổ kính rất thơ mộng và hiền hòa. Ngôi chùa thờ Phật Quan Âm (Bodhisattva Kannon). Tương truyền rằng 2 anh em Hinokuma Hamanari và Hinokuma Takenari là ngư dân khi đánh cá, hết mẻ lưới này đến lưới khác đều nhấc lên được một pho tượng Quan âm cao khoảng 5.5 cm vướng vào lưới của họ. Hai anh em thấy lạ rồi lập miếu và đặt pho tượng thờ. Theo thời gian qua nhiều triều đại chùa được tu sửa xây dựng lớn, trong những năm đầu của Mạc phủ Tokugawa, Tokugawa Ieyasu Chùa Senso-ji như là đền thờ hộ mệnh của gia tộc Tokugawa.
Trước khi vào ngôi chùa, du khách phải đi qua cổng Kaminarimon (Thunder Gate), biểu tượng đặc trưng của Asakusa và cả thành phố Tokyo. Cổng của chùa được xây vào năm 942 phía trước có treo một chiếc đèn lồng lớn màu đỏ, cao 4m, chu vi 3,4m nặng đến 670 kg. trên đó có ghi chữ Cổng Sấm bằng mực đen. Phía trên có treo tấm bảng đề 3 chữ: Kim Long Sơn, tức là Núi Rồng Vàng. Hai bên là bức tượng của 2 vị thần Raijin (thần Sấm) và thần Fujin (thần Gió). Qua khỏi cổng Sấm là con đường Nakamise-dori dài khoảng 250 m luôn tấp nập du khách. Đường lát gạch và dọc 2 bên là những gian hàng cột nhà sơn màu đỏ son bày bán rất nhiều thứ hàng lưu niệm gồm các sản phẩm làm bằng tay (hand-made) thiệp, giấy viết thư, quạt giấy, chuông gió, búp bê kimono, quần áo kimono, yukata, các loại này thì đắt lắm. Nhiều nhất là thức ăn, đặc biệt bán hải sản nướng và những món đặc sản địa phương Asakusa, bánh kẹo, mứt khoai lang, mứt hồng, bắp nướng, chuối chocolate… các loại bánh đặc biệt như: Senbei (bánh gạo), Agemanju (bánh đậu đỏ chiên), Ningyo Yaki (Bánh nướng nhân đậu đỏ).
Đi hết con đường mua sắm, sẽ dẫn đến cổng chính thứ hai của đền thờ gọi là cổng Hozomon Treasure Gate 宝蔵門). Ngay dưới lớp mái vòm phía trên là tấm biển đề chữ Senso-ji. Lồng đèn treo ở cổng Hozomon được ghi chữ Kobunacho, có nghĩa là Làng Thuyền Nhỏ. Phía dưới lồng đèn cũng được chạm khắc hình rồng như lồng đèn ở cổng Sấm. Mặt sau cổng Hozomon có treo chiếc giày rơm của người Nhật ngày xưa, gọi là Waraji. Chiếc giày nặng 500kg này được kết từ 2,500kg rơm do tỉnh Yamagata tặng cho chùa từ năm 1941. Hai bên cổng là hai vị thần bảo vệ Nio của Đức Phật, trước mặt cửa này là sân chính và chùa Sensoji; phía bên phải là khu lăng mộ Kasakura; bên trái là ngôi chùa tháp năm tầng và điện Dempoin. Khu chính điện là dãy nhà ở hai bên là những nơi để xin xăm, bùa hộ thân. Một lư hương lớn được đặt ngay trước sân chính điện để mọi người thắp nhang cầu nguyện, nghi ngút khói, nhiều người Nhật viếng chùa thường ghé mình vào lư nhang, đưa tay phất lấy khói nhang vào người, còn xoa từ đầu tóc tới tay chân, mục đích là cầu xin phước lộc cho mình. Rút thẻ xin xăm kiểu Nhật, mỗi quẻ là 100 yên, lắc ống để chọn ra một cây xăm cho mình. Sau đó dựa theo ký tự ghi trên cây xăm để lấy giấy diễn giải trong những hộc gỗ cạnh đó. Nếu được một quẻ tốt thì bạn đem theo mình về. Nếu chẳng may rút phải quẻ xấu thì thắt nút, treo quẻ đó trên những kệ gỗ dựng bên cạnh xem như là một cách để hóa giải vận xui. Thông thường người ta chỉ xin xăm 1 lần cho cả năm. Đối với khu vực bùa hộ thân, du khách có thể mua những lá bùa cầu bình an cho mình, người thân tại đó. Mỗi lá bùa có một ý nghĩa khác biệt, bùa cho học tập, cầu duyên, may mắn, lái xe, …
Vào Chùa phiá trên có treo tấm biển đề chữ Quan Âm Đường. Ngay lối vào khu chính điện cũng có treo một lồng đèn lớn, trên lồng đèn có ghi chữ Shinbashi, là tên một thành phố thuộc quận Minato, Tokyo. Theo phong tục của người Nhựt trước khi vào chùa cầu nguyện là phải rửa tay. Mọi người cầu nguyện trước Quan Âm Đường. Du khách còn có thể cầu nguyện bằng cách ném đồng xu vào hộp ước, bao nhiêu tiền không quan trọng, chủ yếu là để tạo tiếng kêu leng keng trước khi khấn nguyện, tôi thấy họ cúi đầu hai lần, vỗ tay hai lần và cúi đầu lần nữa để tỏ lòng biết ơn với các vị thần.
Ngôi chùa bên trái có tháp 5 tầng Gojunoto (五重塔) chiều cao là 53m, trong đó hàng cột đỡ cao 5m, có thờ Busshari (xá lợi của Đức Phật) và Reihai (bài vị của Đức Phật)
Cổng Nitenmon (二天門) – Là cổng phía đông của chùa Senso-ji và Điện Quan Âm nhưng thuộc phía tây của đền thờ thần đạo Asakusa Shinto. Trước đây nó được gọi là cổng Yadaijin Mon bởi hình ảnh của 2 vị thầnToyoiwamadonomikoto and Kushiiwamadonomikoto của đền thờ Toshogo. Tuy nhiên tên gọi này đã được đổi thành Niten Mon (Niten có nghĩa là 2 vị thần) bởi vì 2 vị thần trong số 4 vị thần ở nhà trữ kinh Phật của đền Tsurugaoka Hachimangu Shrine ở Kamakura được di chuyển đến và đặt ở đây vào đầu triều đại Minh Trị.
Ngôi đền này là đặc trưng cho sự linh thiêng của thành phố Tokyo. Qua bao nhiêu thế kỷ chùa Sensoji vẫn còn lưu giữ các di tích cổ, mặc dù trải qua thời gian bị thiên tai, chiến tranh qua nhiều lần bị tàn phá, nhưng chùa được tu sửa giữ được vẽ cổ kính và nét đẹp cho đến ngày nay, thu hút du khách đến. Ban đêm những chiếc đèn lồng sáng rực rỡ khắp bên trong ngôi chùa. Vào cửa chùa miễn phí, sân chùa luôn mở cửa nhưng chính điện chỉ mở từ sáng đến 18 giờ tối. Du khách có thể đi tàu điện ngầm tuyến Ginza, hoặc tuyến Asakusa hay JR Tobu đến ga Asakusa. Ngay trước cửa chùa có xe Panda bus đi 1 vòng quanh miễn phí qua những địa điểm quan trọng nhất khu này Asakusa-Tokyo Skytree – công viên hoa đào ở Ueno.
Xe kéo bánh lớn cho hai người ngồi rất phổ biến trong khu vực này, người Nhật gọi xe này là Jin-riki-sha (人力車), tức là xe chạy do người kéo, người phu kéo xe nhỏ con, nhưng kéo xe chạy từ từ, giống như thời Pháp thuộc ở Sàigòn cũng có loại xe nầy. Tháp Tokyo là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi đây với khung cảnh điện tử lộng lẫy và cũng là niềm tự hào của những người dân Nhật Bản. Tháp có chiều cao hơn 332,6m, tại công viên Shiba, được xây trên nền của một ngôi chùa cổ, cấu trúc bằng thép cao nhất trên thế giới, kinh phí khoảng 2,8 tỉ yên do tập đoàn Takenaka thiết kế và hoàn thành. Hiện nay tháp do hãng truyền hình Nippon Television City Corporation điều hành và quản lý.
Skytree là một tòa tháp truyền hình cao 634 mét. Là tòa tháp cao thứ hai trên thế giới sau tòa nhà Burj Khalifa của Dubai. Có hai sàn quan sát trên Skytree, một ở độ cao 350 mét và một ở độ cao 450 mét. Nếu thời tiết tốt không bị sương mù có thể nhìn tổng thể Tokyo, phải mua vé xếp hàng chờ đợi khá lâu như ở tháp Eiffel Paris
2. Shibuya – Khu mua sắm sầm uất ở Tokyo
Xuống ga Shibuya lối ra chúng ta thấy công viên nhỏ có nhiều người, là nơi có tượng đồng con chó Hachiko (ハチ公) trên bệ cao quá đầu người. Đây là tượng tôn vinh con chó trung thành, trở thành biểu tượng của Shibuya. Hachiko là giống chó Akita, sinh năm 1923 tại một trang trại gần thành phố Odate, quận Akita. Người nuôi con chó nhỏ là giáo sư đại học âm nhạc Hidesaburo Ueno sống gần nhà ga Shibuya. mỗi ngày Hachiko chạy theo ông tới nhà ga Shibuya gần nhà để tiễn và đón ông chủ về, năm 1925 ông bị nhồi máu cơ tim qua đời. Hachiko vẫn giữ thói quen 10 năm đến ga chờ chủ từ năm (1925-1935) hàng ngày được người ta thương cho nó thức ăn cho đến khi nó chết. Hình ảnh gây xúc động và đáng ngưỡng mộ đó của Hachiko được đăng lên báo với tiêu đề “Chú chó trung thành Hachiko” và câu chuyện của Hachiko được tiếp tục lưu truyền thu hút sự đồng cảm của nhiều người không chỉ riêng ở Nhật Bản mà còn các nước trên thế giới và được chuyển thành phim.
1987: Hachiko Monogatari (ハチ公物語) (Japan; Regie Seijiro Koyama)
2009: Hachiko – Eine wunderbare Freundschaft (Hachi: A Dog’s Tale) (USA, Regie: Lasse Hallström; Hauptdarsteller: Richard Gere)
Shibuya là địa điểm vui chơi dành cho giới trẻ nổi tiếng nhất tại Tokyo, là trung tâm thời trang, văn hóa, ăn uống, cafe là nơi sinh hoạt không bao giờ tắt ánh sáng đèn điện rực rỡ, trong các bộ phim, chương trình truyền hình và các video âm nhạc luôn có hình ảnh của Shibuya. Có thể nói đây là địa điểm nổi tiếng tại Tokyo. ra đời trong những năm 1970 nơi đây trở thành trung tâm nhộn nhịp của giới trẻ Shibuya, có nhiều cửa hàng thời trang như: Shibuya PARCO, Cocoti, Shibuya Hikarie hơn 200 cửa hàng, gallery và workshop với nhiều rạp chiếu film và live house như Clubasia, Bunkamura. Shibuya còn là khu phố nghệ thuật chứ không chỉ là mua sắm.
Đền Meiji Jingu 明治神宮
Đền Meiji ở gần các ga Harajuku, Shibuya và Yogogi, Meiji-Jingu là một ngôi đền thờ Minh Trị Thiên Hòang (明治天皇 Meiji-tenno) là vị Thiên Hoàng thứ 122 của Nhật trị vì từ ngày 03.12. 1867 tới khi qua đời 30.7.1912. Là người đầu tiên canh tân nước Nhật hiện đại và có công lao to lớn trong việc cải cách nước Nhật. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân quyên góp được 100.000 cây trên khắp nước Nhật và từ nước ngoài để lập nên một khu rừng và đến năm 1920 dựng lên ngôi đền để thờ Thiên Hoàng và Thái Hậu Shoken-kotaigo. Jingu là ngôi đền là nơi thờ phụng tổ tiên của Thiên Hoàng… Chúng ta đến đây sẽ cảm nhận được không gian thanh bình. Đền nằm ở giữa rừng, có một không khí yên tĩnh riêng biệt giữa lòng Tokyo hiện đại. Khuôn viên ngôi đền nằm trên 700.000m2 rừng nên ngôi đền luôn rợp mát cây xanh. Đền được chia thành 2 khu vực chính đó là khu vườn bên trong (Innner Garden) với những đền nhỏ và khu vườn bên ngoài (Outer Garden), Khi đến khu vườn bên ngoài, du khách sẽ thấy cảnh cổng Torii(鳥居) làm từ gỗ bách, cao lớn hai người ôm không hết. Trên đường vào đền Meiji Singu, bên trái là những thùng rượu Sake được người dân từ khắp nước Nhật quyên tặng và bên phải những thùng rượu vang. Điều này cho thấy tư tưởng cởi mở của vua Minh Trị đối với nền văn minh phương Tây.
Đến đây du khách sẽ hiểu hơn về văn hóa, truyền thống và đời sống tâm linh Thần Đạo của Nhật. Trước khi vào Đền hay Chùa du khách tới cái giếng gần cổng chùa có những cái gáo bằng tre múc rửa tay phải rồi đến tay trái và cuối cùng là đổ một chút nước vào lòng bàn tay phải để rửa miệng, rồi rửa lại tay trái, cuối cùng rửa sạch cái gáo để lại chỗ cũ. Không được dùng miệng uống nước từ vòi, hay từ cái gáo tre. Chúng tôi đến sân Đền thì thấy đám cưới ở đây theo đạo Shinto (Thần đạo) là một phong tục lâu đời của người Nhật. Cô dâu mặc bộ kimono màu trắng và trùm đầu, chú rể mặc áo choàng màu đen trang trọng. Thầy tế của Thần đạo đi đầu. Cô dâu và chú rể cùng đi bộ với nhau dưới lọng màu đỏ. Người thân trong gia đình, bạn bè và khách đi phía sau từ trong ra không có bưng lễ vật…
Trong Đền du khách có thể mua bùa bình an và bùa hộ mệnh hoặc viết những điều ước của mình trên tấm thẻ cầu nguyện bỏ vào thùng cầu xin hay treo lên. Nhật văn minh nhờ các bậc lãnh đạo tài ba lỗi lạc, dân trí cao. Chúng tôi cầu xin Thiên Hoàng linh thiêng, ngài giúp cho Việt Nam từ bỏ chủ nghiã CS để dân tộc VN có tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng, dân trí được khai phóng, có một vị minh quân như Thiên Hoàng để canh tân nước Việt chúng tôi được giàu mạnh, phát triển là một ước mơ chung của dân tộc Việt Nam.
Hoàng cung Nhật Bản.
Từ nhà ga trung tâm Tokyo, đi bộ trên con đường lớn chừng một đoạn, bạn sẽ thấy thấp thoáng phía xa là tòa lâu đài cổ màu trắng nguy nga với mái ngói cong, bao bọc bởi những cây tùng, bách, bức tường thành bằng đá và những hồ nước. Khu vực Hoàng cung ngày nay cũng chính là Cung điện Edo được xây dựng từ năm 1603, là nơi Hoàng gia Nhật Bản đang cư trú và làm việc, Chúng ta đứng ngoài xa chụp hình mà thôi. Nơi đây còn có những thảm cỏ rộng lớn, được bao quanh là những hồ nước tạo nên không gian mát mẽ, giữa cảnh quan thiên nhiên một địa điểm dừng chân thú vị khi đến Tokyo.
Akihabara Khu phố Điện tử
Từ Asakusabashi đi bộ dọc theo đường tàu điện chạy trên cao thì tới Akihabara là khu phố điện tử hàng đầu thế giới, ban đêm đường phố tấp nập người đi, các cô gái trẻ mặc trang phục giống như những con búp bê xinh đẹp, phát những tờ quảng cáo, hay rao bán hàng phong phú, nhộn nhịp và những điểm độc đáo chỉ có ở Akihabara. Sau chiến tranh khu Akihabara khởi đầu bán các linh kiện Radio. Sau đó, bắt đầu xuất hiện các linh kiện điện tử như Capacitor, IC, các dụng cụ, thiết bị đo, ốc vít liên quan đến đồ dùng diện, và cuối cùng là subculture goods như Amime, các đồ điện gia dụng… Ở giai đoạn phát triển kinh tế cao độ, những cửa hàng chuyên bán CD, Record, Gameshop phát triển rầm rộ, hơn nữa còn xuất hiện nhiều Hobby Shop và Anime Shop hình thành khu Akihabara như ngày hôm nay. Nhiều cửa hàng bán sản phẩm, linh kiện máy vi tính, điện thoại, máy tính bảng với giá rẻ, có nhiều khách du lịch đến đây mua các sản phẩm điện tử về làm quà. Akihabara còn là nơi tập trung nhiều Otaku game, Manga. Những của hàng dành cho Anime/Game Mania tập trung rất nhiều nên tại đây có bán tất cả những sản phẩm dành cho Otaku như Game Soft, DVD, Manga, Doujinshi… Ở khu trung tâm có hơn 20 quán cafe nối tiếp nhau với nhiều phong cách khác nhau, chúng ta sẽ tìm được một quán phù hợp với sở thích của mình
Công viên Shinjuku Gyoen
Công viên đẹp nhất, Shinjuku Gyoen được người dân thành phố và khách du lịch yêu thích. Diện tích khoảng 58.3 ha, công viên Shinjuku Gyoen đặc biệt có 1000 cây đào, vào mùa xuân những bông hoa biến công viên Shinjuku Gyoen thành một vườn cổ tích thơ mộng, yên bình, giúp dân chúng sau giờ làm việc hay du khách có được những phút giây hòa mình với thiên nhiên dễ chịu. Vào trong khu vườn cổ tích này, du khách có thể tới thăm ba khu vực vườn được thiết kế theo những phong cách khách nhau, vườn sang trọng kiểu Pháp, vườn kiểu Anh và vườn truyền thống Nhật Bản với nhiều loài hoa, cây cối được chăm sóc, tỉa cành hài hòa
Phố thời trang Harajuku
Harajuku nằm xung quanh khu vực ga Harajuku giữa Shinjuku và Shibuya của Tokyo, là trung tâm văn hóa thiếu niên Nhật Bản phố thời trang này thường xuyên cập nhật những thời trang mới nhất với rất nhiều mẫu mã tha hồ chọn. Khu nầy còn có những quán nhậu trong con hẻm, các dãy bàn dài, nhỏ đều đông khách đang nhậu các món lẩu, rượu Sake bốc mùi thơm, tiếng nhạc êm dịu không ồn ào…
Trung tâm Ginza 銀座
Nổi tiếng như một khu vực thương mại và giải trí lớn của Tokyo các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng bách hóa, cửa hàng giới thiệu, trưng bày nghệ thuật, câu lạc bộ đêm và khách sạn. giá cả ở Ginza đắt gấp nhiều lần so với các khu vực du lịch khác. Ginza là một trong những quận đầu tiên của Tokyo, năm 1612 thành lập trong khu vực (Silbermünzstätte), từ đó cái tên bắt nguồn Ginza (Gin, bạc và Za, nơi cổ phiếu). hay “silver mint” cũng có ý nghiã khác “bạc hà bạc” trong tiếng Nhật.
Ginza bị cháy năm 1872, khu vực này được xây dựng lại hoàn toàn mới bởi kiến trúc sư người Anh Josiah Conder và kỹ sư Thomas J. Waters. Họ mở rộng con đường từ 12,6 mét đến 27 mét và xây dựng một hàng dài các tòa nhà gạch hai tầng với ban công bên ngoài dọc theo vỉa hè rộng trên có đèn lồng đứng. Theo mô hình của Paris và London, lối đi dạo đầu tiên được tạo ra ở Nhật Bản. Sau những khó khăn ban đầu, đặc biệt là do giá cao của các tòa nhà mới, người dân Tokyo sớm cảm thấy thoải mái trong phần mới của thành phố, và những con đường phát triển hơn có các khu giải trí. Vào đầu thế kỷ XX, Asakusa là khu giải trí nổi tiếng nhất ở Tokyo, nhưng chỉ trong thời kỳ hậu chiến thì Ginza phát triển phồn thịnh nhất. Một mét vuông đất trong trung tâm giá hàng triệu đô la, khiến nó trở thành một trong những bất động sản đắt đỏ nhất ở Nhật Bản. Khu phố nầy cuối tuần cấm xe auto vào.
Các cửa hàng bách hóa nổi tiếng bao gồm: Mitsukoshi, Matsuya, Matsuzakaya. Tokyu Plaza Ginza, Ginza Six, Tokyu Plaza Ginza, Marronnier Gate, Uniqlo…Các sản phẩm cao cấp sang trọng, đồ trang sức, sứ và túi xách có thể được tìm thấy tại Wako. Các Seibu cung cấp thêm vào cửa hàng thực phẩm và thương hiệu quần áo lớn, trò chơi video và các nhà sách. Ngọc trai và đồ trang sức có thể được tìm thấy trong ngọc trai Mikimoto. Các cửa hàng thời trang bao gồm Tháp Ginza Armani, Cửa hàng Flag Abercrombie & Fitch, Tòa nhà Louis Vuitton và Tòa nhà Gucci. Công nghệ có thể được tìm thấy trong Apple Store ở Ginza và mỹ phẩm trong House of Shiseido. Cửa hàng Zara lớn nhất trên thế giới cũng nằm ở Ginza, cũng như một cửa hàng thủ công và lưu niệm, Takumi và cửa hàng văn phòng phẩm Ito-ya.
Tokyo Stock Exchange, Inc.株式会社東京証券取引所 hay TSE
Nơi giao dịch thị trường chứng khoán Tokyo, được hình thành cùng thời điểm với Sở giao dịch chứng khoán Osaka vào cuối năm 1878. Những năm 1943-1945, Sở giao dịch này bị đóng cửa do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1948, Luật chứng khoán và giao dịch chứng khoán được ban hành và Sở giao dịch chứng khoán Tokyo được mở cửa hoạt động trở lại năm 1949 là trung tâm lớn thứ hai thế giới tính về lượng tiền tệ, chỉ xếp sau sở giao dịch chứng khoán New York. Hiện tại sở giao dịch này niêm yết 2271 công ty nội địa và 31 công ty nước ngoài với tổng khối lượng vốn hóa thị trường hơn 4000 tỷ USD. Các chỉ số ghi nhận sự biến đổi của TSE là chỉ số Nikkei 225 của các công ty được chọn lọc bởi báo Nihon Keizai Shimbun.
Diện tích nước Nhật bao gồm các quần đảo là 382.871 km² dân số 126.045.000
Hay có nạn động đất, nhưng các đường tàu điện ngẩm nhiều tầng, cũng như đường tàu trên cao dưới là cửa hàng buôn bán không nghe tiếng động, kỷ thuật xây an toàn, những khu chung cư cao tầng sạch sẽ, đường phố rộng rãi trước các cửa hàng là những bản quảng cáo đa dạng màu sắc của ánh đền màu. Hotel phòng rộng, đầy đủ tiện nghi đẹp, chúng tôi thích nhất là Toilette có hệ thống bấm nút để rửa không cần giấy vệ sinh. Bồn tắm (1) có màn hình nhỏ để nghe nhạc hay xem tin tức, dầu tắm, dầu gội đầu và kem đều của Shiseido để khách dùng. Tivi và đèn phòng xử dụng chung một cái remote Control.
Tokyo có thể nói là thành phố văn minh đứng bậc nhất, nhì thế giới, nhưng đời sống vội vã như New York. Nhiều bà già trên 70 tuổi vẫn còn đi làm, hút bụi, lau chùi tại các nhà ga qúa vất vã. Chúng ta đi du lịch có nhiều thú vị nhưng nếu nhận Tokyo làm nơi sinh sống thì không. Chúng tôi ở Kyoto một tuần như một thoáng mưa bay, hoa anh đào nở đẹp ở mùa xuân, mùa thu có lá vàng bay, mùa hè trời rất nóng… Bài bút ký du lịch chưa đầy đủ, mong bạn đọc đến Nhật góp ý thêm cho phong phú. Giả từ Tokyo chúng tôi đến Kyoto thành phố cổ, buổi sáng trời mưa mây mù không thể đến núi Fuji ở phía Tây Nam Tokyo.
Nguyễn Quý Đại (bài và ảnh)
—————————
1/Bồn tắm, tiếng Nhật là furo (風呂), gọi theo cách trang trọng thì là Ofuro (お風呂), dùng để chỉ bồn tắm trong mỗi gia đình ở Nhật, tắm ở ngoài cho sạch vào bồn để ngâm, văn hóa tắm bồn là phong tục tồn tại từ rất lâu đời của người Nhật, vậy nên trong tiếng Nhật từ “đi tắm” có nghĩa là “Ofuro ni hairu” (お風呂に入る – vào bồn tắm ngâm người làm ấm cơ thể xoá tan mệt mỏi giúp tinh thần thư thái)